Monday, February 27, 2012

TỐ CÁO ĂN MÀY ĂN XIN ĐƯỢC THƯỞNG 200 NGÀN ĐỒNG

Những mảnh đời trôi dạt trên thành phố
Liêu Thái/Người Việt

ÐÀ NẴNG - Nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng đang mở chiến dịch càn quét và bắt giữ người ăn xin, và không dừng lại đó, chính sách này lại liên lụy đến hàng ngàn mảnh đời nghèo khổ, trôi dạt trên thành phố này.

* Ðường dây nóng: 0511.3.550550


Với những người nghèo khổ, cái số điện thoại này là một tai họa khôn cùng, nó có thể biến họ từ một con người tự do (chí ít là tự do đi lại để kiếm cái ăn qua ngày đoạn tháng!)


trở thành kẻ bị giam hãm, bị xem là kẻ ăn bám của xã hội, và trên một ý nghĩa nào đó, họ được khai thác sức lao động một cách rất tinh vi, hay nói khác, họ được bóc lột một cách tinh tế và phải mang ơn kẻ đã bóc lột mình.

Rồi đây, những người bần cùng đi lượm rác phế liệu như thế này cũng bị bắt
hoặc chạy trốn khỏi thành phố để cho thành phố “sạch, đẹp”. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Số điện thoại trên đây vốn đã được dùng cách đây trên dưới mười năm, cũng cho mục đích bắt người ăn xin về “trại cưu mang”, thực chất của trại này là biến những người ăn xin thành lao động không công.

Vào những năm đó, ông Nguyễn Bá Thanh, đương chức chủ tịch thành phố Ðà Nẵng tuyên bố: “Nghèo cũng là tội ác!”. Câu tuyên bố xanh rờn này kèm theo một lực lượng “thanh niên xung kích” do ông Thanh lập ra cộng với hàng loạt chính sách đẩy người ăn xin ra khỏi thành phố hoặc vào trại.

Bẵng đi một thời gian, những tiếng than của người khốn khổ ở Ðà Nẵng tạm lắng, sau đó, hàng loạt khu biệt thự mọc lên, hàng loạt những ngôi chùa quốc doanh mọc lên tại những vị trí đắc địa (

mà theo như người dân nói thì đây là một cách thu lượm tiền khéo léo của chính quyền, mỗi ông trụ trì ở các chùa này đóng vai trò như những giám đốc công ty, chịu đóng thuế, hay đúng hơn là chia chác tiền cúng dường, phước sương cho chính quyền...).

Tưởng yên lành, những người nghèo bắt đầu kiếm cơm trở lại. Nhưng họ không hề hay biết đó là cái bẫy, một cái bẫy mang “bí số” 0511.3.550550!

Những người già sẽ hết đất sống, nếu cấm bán vé số, chỉ còn nước đi ăn xin, cấm đi ăn xin thì lại đi bán vé số, giờ cấm cả hai thứ, hoặc là họ vào nhà tế bần hoặc là ra nghĩa địa. (Hình:Liêu Thái/Người Việt)
* 200 ngàn đồng tiền thưởng, ăn mày bán đứng người đồng cảnh ngộ

Ðó là lời than thở của một người ăn xin, vừa trốn khỏi Ðà Nẵng sau khi chứng kiến nhiều người bị bắt đưa vào trại. Người này than thở: “Thà đi ăn xin, chết đầu đường, chết xó chợ còn hơn chui vào cái nhà được gọi là trung tâm tình thương đó!”

“Mình đã nghèo kiết xác, hết hy vọng, chỉ mong dựa vào tình thương của người khác, giờ có lao động cũng không ra gì, sống bữa đói bữa no để thanh thản nốt phần đời còn lại, ai dè họ mang mình vào đó, bắt sống theo nguyên tắc, kỷ luật, làm việc, ăn, ngủ theo giờ giấc như cái máy, chỉ có mà chết!”

Một người tên Thuyên, từng bị bắt vào trung tâm, kể: “Khốn nạn lắm, nhất là mình bị dân cùng cảnh như mình lừa vào, cũng vì cái số điện thoại dây nóng chó chết này mà có hàng loạt người bị lừa bởi một thằng khốn đồng cảnh ngộ!”

Người đàn ông này kể tiếp, 'Năm 1999 - 2000 gì đó thì phải, thằng Hùng vốn là dân ăn mày đầu đường xó chợ giống bọn tôi, khi có chương trình tiền thưởng cho kẻ nào phát giác người ăn xin, báo về dây nóng,

vậy là hắn bỏ nghề ăn mày, chuyển sang bán đứng anh em, nội trong một năm, toàn bộ anh em bị hắn gọi điện dây nóng, bị bắt sạch. Hắn kiếm được cũng trên dưới ba chục triệu đồng”.

Chùa Linh Ứng trên đỉnh núi Sơn Trà là một trong những ngôi chùa do chính quyền
xây dựng, là nơi thí điểm không có người ăn xin và bán hàng rong.
(Hình:Liêu Thái/Người Việt)

“Ðã vậy, hắn còn vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, ra Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa... Dụ mấy người ăn mày vào Ðà Nẵng làm ăn, ban đầu hắn nói là sẽ giúp cho chỗ hành nghề hoặc tạo công ăn việc làm”.

“Vào đến nơi, hắn bắt vào Quảng Nam xin về đóng thuế cho hắn một thời gian, ai tỏ vẻ bất bình, hắn bắt hoạt động ở Ðà Nẵng và sau đó gọi điện dây nóng báo chính quyền đến bắt. Cứ như vậy, mỗi người ăn mày làm ra cho hắn chừng một triệu đồng, cả gần một trăm người như thế, hắn giàu phất lên...!”

Theo tìm hiểu, có khá nhiều kẻ dựa vào đường dây nóng của chính quyền để truy lùng người ăn xin, “lập công” và kiếm tiền thưởng. Không ngoại trừ một số sinh viên cũng tham gia “săn lùng” người ăn xin.

* Người bán vé số, hàng rong, những em bé đánh giày sẽ đi về đâu?
Khi những người ăn xin đã vắng bóng trong thành phố, thì những người bán hàng rong, bán vé số và những em bé đánh giày bắt đầu rơi vào tầm ngắm của chính quyền.

Chúng tôi tìm hiểu, dường như chưa có chính sách nào cụ thể để đảm bảo an sinh cho những người này nếu họ bỏ nghề.

Hơn nữa, thành phần bán dạo, làm thuê qua bữa, làm thuê lấp vụ ở Ðà Nẵng chiếm con số rất đông, nếu cộng cả ba loại hình bán dạo, vé số và đánh giày, chắc chắn con số không dưới 3 ngàn người.

Những người ở Thanh Hóa vào bán băng đĩa, ở Quảng Ngãi, Bình Ðịnh ra bán trái cây, ở Huế, Quảng Nam đến bán rau cải rong... Cứ vậy, mỗi gánh hàng rong, mỗi bước chân bán dạo của họ chứa đựng cả sinh mệnh một gia đình nghèo túng. Không biết khi bị cấm, họ sẽ về đâu?

Chị Hiền, người bán trái cây dạo khá lâu năm trong thành phố Ðà Nẵng cho biết: “Cấm ăn xin, đã có nhiều cụ ông cụ bà tuổi cao, lấy đường phố và bữa cơm độ nhật của thập phương làm thú vui đã phải chết đi một cách cô đơn khủng khiếp trong trại tập trung của chính quyền...”

“Nếu mà cấm người bán dạo, cấm người bán vé số và đánh giày, thì e rằng người nghèo hết đất để mà sống, chẳng biết về đâu. Bản thân tôi bán trái cây nuôi một ông cha chồng và ba đứa con nhỏ, chồng tôi thì đi phụ hồ, dành tiền cho việc trang trải nhà cửa. Nếu tôi ngưng, chồng tôi gánh nốt phần này, chắc là con tôi bỏ học!”

Bà Tuyển, bán hàng rong me, xoài, cóc, ổi gần hai mươi năm nay ở Ðà Nẵng cho biết: “Cái mẹt tôi bưng vậy nuôi gia đình tôi suốt mười mấy năm nay, nó nuôi hai đứa anh vào đại học, và sắp tới, nó nuôi con út vào đại học. Nếu cấm, tui nghỉ bán, thì hai đứa anh đầu phải lo gánh vác đứa em, mà tụi nó ra trường, thất nghiệp dài dài, chắc là tụi nó cũng đi phụ hồ thôi!”

Cụ ông bán vé số tên Tùng, quê Mộ Ðức, Quảng Ngãi, cho biết: “Tui không con cái gì, hai vợ chồng già, bà vợ thì 76 tuổi, tui thì 78 tuổi, bả bị thấp khớp, chẳng làm ăn được chi, tui đi bán vé số nuôi bả, giờ nhà nước cấm bán, chắc là tui phải vào Sài Gòn mà bán, chứ miền Trung này có Ðà Nẵng lớn nhất, tiêu xài mạnh tay nhất, nhưng giờ nó cấm rồi, mình biết chui vào đâu!”

Chúng tôi cố gắng tìm hiểu những em bé đánh giày suy nghĩ gì khi chúng bị cấm hoạt động kiếm cơm trong thành phố. Nhưng đi cả ngày, không tìm thấy em bé nào. Có lẽ chúng đã cao chạy xa bay hoặc là bị bắt trước khi chúng tôi tìm đến thành phố!

Ở một thành phố, tịnh không bóng người cần lao, toàn là xe hơi, nhà cao tầng và mọi thứ hào nhoáng, trong khi đó, người nghèo khổ kiếm sống vất vả lại bị đẩy ra khỏi thành phố hoặc bị bắt, tập trung về một nơi nào đó để phải lao động khổ sai mà kiếm ba bữa cơm mỗi ngày... Vậy cái thành phố này gọi là gì?

Và một chính sách biến những người cần lao, nghèo khổ chuyển sang tự bóc lột nhau, mượn tay chính quyền để bán đứng nhau, thậm chí cả sinh viên, bán đứng người nghèo khổ đế lấy vài trăm ngàn đồng, thì nên gọi chính sách đó là gì?

0 comments:

Powered By Blogger