Thursday, February 16, 2012

Tin vui cho những người bị xiết nhà?

Phan Bạch Quán


Vào đầu tháng Hai 2012, 49 tiểu bang của Hoa Kỳ (không có Oklahoma) đã đạt được một thỏa thuận với 5 ngân hàng lớn là Bank of America, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Citigroup and Ally Financial, buộc 5 đại gia này phải chi ra khoảng 26 tỉ đôla để bồi hoàn cho những khách nợ của 5 ngân hàng này, đó là những người mua nhà đã hay đang là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất mà các ngân hàng là một trong những tác nhân chính.

Món tiền 26 tỉ này sẽ gồm:

- 17 tỉ dành để giảm tiền nợ nhà và những món nợ nhà đã có điều chỉnh.
- 3 tỉ dành giúp đỡ những căn nhà có giá trị xuống thấp hơn món nợ (underwater).
- 1 tỉ rưỡi sẽ chia thành những chi phiếu trị giá 2 ngàn đôla để trả lại cho những người đã bị xiết nhà do nhà băng lầm lẫn.

Ngoài ra, 5 ngân hàng trên còn hứa sẽ trả thêm tiền cho các dịch vụ bảo vệ người mua nhà và những chương trình bảo vệ người bị tịch thu nhà của chính phủ tiểu bang.


Khủng hoảng thị trường nhà đất
Nguồn ảnh: neurope.eu

Vào mùa Xuân năm 2010, tại Hoa Kỳ đã xảy ra cuộc “khủng hoảng tịch thu nhà” (foreclosure-gate), đó là nối tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào cuối năm 2007. Rất nhiều căn nhà trên toàn nước Mỹ đã bị tịch thu một cách bất công, bất hợp lý. Đến mùa Thu 2010, luật sư Matthew Weidner của bang Florida đã dùng từ “robo-signing” để mô tả cách làm việc máy móc và cẩu thả của các ngân hàng trong việc tịch thu nhà. Những người bị xiết nhà vì thế đã đâm đơn kiện lên chính phủ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất bắt đầu từ việc các ngân hàng cho người mua nhà vay tiền mà không xét đến khả năng trả nợ của họ, sau đó bán những gói nợ xấu ấy cho các công ty tài trợ khác. Các công ty cứ chuyền tay nhau các gói nợ nhà đất như thế đến mức cuối cùng không ai còn biết gói nợ trong tay mình là xấu hay tốt nữa. Còn về phần người mua khi thấy giá nhà lên vùn vụt thì ham, tưởng là dịp để làm giàu nhanh chóng, nên cứ thấy có nơi cho vay là mua thêm nhà hay mua nhà to hơn, và cuối cùng không trả nổi món nợ kếch sù.

Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã đưa ra những biện pháp giúp đỡ bằng cách hạ lãi xuất đến mức thấp kỷ lục. Nhưng tới lúc này các ngân hàng lại co rút, đưa ra những điều kiện hết sức khó khăn làm cho rất nhiều người không thể xin tái tài trợ (re-finance). Kết quả là nhiều người đã chọn cách xù nợ khi thấy giá trị căn nhà xuống quá thấp so với tiền nợ nhà.

Khi ngân hàng thấy một căn nhà có giá trị xuống quá thấp (underwater), ngân hàng cho rằng chủ nhà sẽ bỏ mà đi, nên họ vội vã tìm cách tịch thu (foreclosure) mà không nghĩ tới việc tìm ra một giải pháp khác để giúp người chủ căn nhà ở lại. Và đó là lý do tạo ra những cuộc xiết nhà máy móc, cẩu thả và lạnh lùng như thể được ký kết bởi các người máy (robo-signing hay robo-signers). Kết quả là nhiều người chưa đến mức bị tịch thu nhà lại bị xiết nhà oan uổng.

Theo những tính toán sơ khởi thì khoảng 1 triệu căn nhà underwater sẽ được hưởng 20 ngàn đôla. Đây là món tiền khá to nhưng cũng không to lắm vì rất nhiều căn nhà phải cần đến 50 ngàn hay hơn nữa mới có thể “trồi lên mặt nước” nổi.

Vì thế có một số ý kiến cho rằng món tiền 26 tỉ kia với 5 đại gia giàu sụ chỉ là một cái lông con gà bị rụng, nhưng lại giúp cho họ tránh bị truy tố vì những hành vi xiết nhà sai trái của họ trong những năm qua. Nói tóm lại, số tiền 26 tỉ được ví như món tiền tại ngoại hầu tra (bailout) để họ khỏi bị bỏ bót.

Cũng nên ghi nhận rằng những căn nhà có nợ thuộc 2 định chế tài trợ là Fannie Mae và Freddie Mac sẽ không được tính vào chương trình nói trên. Bù lại, một số căn nhà thuộc 2 định chế này đã được hỗ trợ bằng chương trình HARP (Home Affordable Refinance Program) do Tổng thống Obama đề xuất vào cuối năm 2011.

Ba năm trước đây, Tổng thống Obama đã đưa ra “Chương trình Nhà Vừa Túi Tiền” (Making Home Affordable Program). Tuy đã có nhiều người được giúp đỡ nhưng nhìn chung chương trình này bị coi là thất bại bởi vì các ngân hàng không chịu nhảy vào cuộc.

Ông Joseph Sant, một luật sư địa ốc nói rằng “Nhiều chương trình coi rất hay trên giấy nhưng vẫn thất bại bởi vì không được thực hiện đúng đắn. Hễ các cơ quan công quyền lơi lỏng một chút là các công ty tài trợ lại ngựa quen đường cũ.”

Món tiền bồi thường thiệt hại và hỗ trợ cho người mua nhà của 5 ngân hàng được coi là món tiền bồi thường cho khách hàng lớn thứ hai sau số tiền bồi thường của bốn công ty thuốc lá lớn nhất nước Mỹ năm 1998. Nhưng so với con số 206 tỉ (được trả trong 25 năm) của các đại gia thuốc lá thì con số 26 tỉ của các đại gia tài chính vẫn còn quá khiêm tốn.

Dù gì đi nữa, đây cũng là một bước đầu đáng khích lệ và giúp mọi người hy vọng vào một thị trường địa ốc lành mạnh hơn trong tương lai.



© DCVOnline



Nguồn:
- 49 States Settle With Banks Over Robosigning, Other Abuses, 09/02/2012
- 2010 United States foreclosure crisis
- Mortgage Settlement Promises Reform Of Banks' Bad Behavior, Loren Berlin, 09/02/2012
- Chính phủ nới rộng tái tài trợ nợ thấp hơn trị giá nhà, 27/11/2011

0 comments:

Powered By Blogger