Monday, February 27, 2012

TIẾC ĐỨT RUỘT !

Hải Phòng dừng thu hồi đầm nuôi thủy sản từ 25/2

- Thành phố Hải Phòng vừa có văn bản số 33 /TB-UBND, yêu cầu dừng thực hiện các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…

Văn bản số 33 /TB-UBND này do ông Đỗ Trung Thoại ,( Lại Cũng ông Thoại !) Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ký vào ngày 24/2.

Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu dừng thực hiện các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố chờ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn các hộ đang sử dụng đất đẩy mạnh tổ chức nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch đã duyệt trong khi chờ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Vươn và gia đình bỏ công sức vốn liếng hàng chục năm để biến bải bồi thành một vùng tràn trề sức sống thì bị cưỡng chế trái pháp luật như một vụ “cướp công” ..

Ai “Tiếc đứt ruột” ?? – Đó là cán bộ quản lý ruộng đất cả ba cấp, xã, huyện và TP/Hải Phòng sẽ tiếc đứt ruột, vì văn bản này trước mắt làm họ bó tay không còn nhiều quyền hạn để “tung hoành” trong việc tự do thu hồi đất, tự do quyết định số phận nhiều gia đình nông dân trên đất bãi bồi , bởi hàng chục năm trời (tính từ Luật đất đai hiệu lực 2003) tất cả như câu kết với nhau từ trên xuống dưới, họ tự cho là “miễn nhiễm” với luật đất đai để tùy tiện quản lý khắp các vùng đất bãi bồi ven biển của các quận huyện trực thuộc TP/Hải Phòng trong đó có huyện Tiên Lãng , họ tự ấn định thời gian giao đất, thu hồi đất, theo cảm tính và quyền lợi vật chất, đã trái pháp luật lại còn không bồi thường một xu nào cho dân, họ mang đất bãi bồi từ mồ hôi công sức thành quả lao động của nông ngư dân ra đấu thầu cho thuê cho mướn,đủ loại hình, đủ hạn mức diện tích,thời gian và giá trị tiền bạc …trên danh nghĩa “tạo nguồn thu cho ngân sách” nhưng vào ngân sách bao nhiêu % thì chỉ có họ mới biết, mặc dù ngay từ năm 2009 ( 6 năm sau khi luật đất đai có hiệu lực ) sở tư pháp TP /Hải Phòng đã có văn bản số 408/TB – STP do ông Ngô Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp ký thông báo kết luận kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại huyện Tiên Lãng, đã cảnh báo UBND /Tiên Lãng đang vi phạm Luật Đất Đai vì : “ Quy định thu hồi đất khi hết thời hạn để chuyển sang hình thức đấu thầu cho thuê đất là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 10 Điều 38 Luật Đất đai. Việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đối với phần diện tích theo quy định này chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định. UBND các quận,huyện không có thẩm quyền quản lý hay quy định,” (sở Tư Pháp TP/HP) .

Ngay cả các Tỉnh hay TP muốn quản lý xử dụng các vùng đất mới bãi bồi này đều phải có phương án kế hoạch chi tiết trình CP hay QH phê chuẩn, không có bất cứ một văn bản nào của Luật đất đai đề cập hay cho phép quận, huyện có chức năng này (TS. Đặng Hùng Võ ) . Nhưng vì nguồn lợi mang lại quá lớn,quá béo bở, quá dễ dàng trong khi người dân thấp cổ bé miệng không thể chống lại cùng lúc ba cấp xã,huyện và TP ngay cả việc kiện cáo lên đến TA/ND/Tối Cao như nước đổ lá sen, nên họ cùng nhau đồng lòng ngồi trên Luật Pháp dù cơ quan Tư Pháp TP/HP đã nhắc nhỡ cảnh báo .

Súng đã nổ trên Ao đầm này vì các “quan” huyện Tiên Lãng muốn thu hồi nhưng không đền một xu nào cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn .

Không thể nói là “Sai Sót” cho một thời gian quá dài,quá nhiều diện tích,nhiều hộ khiếu kiện thưa gửi nhiều nơi ? không thể là một hai cá nhân mà ở đây chúng ta hình dung đến một “tập đoàn,nhóm lợi ích”, cực kỳ vô liêm sĩ và thiếu đạo lý lợi dụng chức vụ quyền hạn bất chấp pháp luật họ cùng nhau ẩn mình trong mát, đợi cho nông dân bỏ ra công sức mồ hôi nước mắt có lẫn cả máu, quần quật hàng chục năm trời biến những vùng đầm phá sóng gió hoang dại vắng bóng người thành những vuôn tôm, vuôn cá ,bờ vùng bờ thửa ngăn nắp, chăn nuôi thuỷ hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, rồi họ mới nhân danh “chính quyền” thu hồi những mảnh đất xinh đẹp có giá trị mà không bồi hoàn lấy một xu nào cho người tạo ra thành quả ấy, họ mang ra xé lẻ cấp cho người thân hoặc đấu thầu đấu giá cho thuê cho mướn hoàn toàn phi đạo đức và phi pháp luật.

Ngoài hộ Ông Vươn, trước đó một hộ khác rất điển hình trong thu hồi đất sai trái của huyện Tiên Lãng cho chúng ta thấy sự “nghiệt nghã ” bởi bất lực của người dân cô đơn trước “cường quyền” và Pháp Luật thiếu quang minh :

Dồn hết tâm sức của cả gia đình vào làm ao đầm ở Tiên Lãng, để rồi cuối cùng, ông Lê Đình Thảo (SN 1955) đã uất ức ra đi trong tức tưởi vì Pháp Luật bị uốn cong .

Năm 1989, gia đình ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng được giao 70 ha đất ở bãi Gảnh Chè, ven sông Văn Úc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông Thảo huy động nhân công, vay tiền đắp đê, cải tạo bãi sình lầy thành đầm nuôi tôm, cua, trên bờ thả gà, lợn.

Năm 1992, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao 70 ha đầm cho ông Thảo với thời hạn 12 năm. Gia đình ông tiếp tục đổ công sức, tiền bạc vào cải tạo khu đầm, ông từng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen biểu dương mô hình làm kinh tế giỏi.

Khi việc nuôi trồng thủy sản đi vào ổn định thì ngày 31/12/2004, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 1588 thu hồi đầm của ông Thảo. Theo đó, ông phải bàn giao toàn bộ 70 ha đầm cho UBND xã Tiên Thắng mà không được bồi thường một xu nào.(!?) Ông Thảo khiếu nại thời gian gia hạn theo luật đất đai 2003 nhưng chính quyền bác đơn, ông nộp đơn khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ra TAND huyện này vào tháng 1/2007.

Nhưng tại bản án hành chính sơ thẩm ngày 22/3/2007, TAND huyện đã tuyên bác đơn của ông Thảo. (?) Ông Thảo kháng cáo. Ngày 15/5/2007, TAND TP.Hải Phòng xử phúc thẩm tuyên y án, bác đơn kháng cáo của ông Thảo.(?)

Con trai ông Thảo chỉ vào khu đầm trước đây gia đình đã từng bỏ ra biết bao công sức đầu tư cải tạo, khi chưa hết hạn theo Luật ĐĐ 2003, huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi,không bồi hoàn một xu,tổ chức đấu thầu thu về 2.tỷ 850 triệu đồng ( giá trị năm 2008) . Viện trưởng Viện KSND tối cao đấu tranh cật lực cũng… thua

Không bỏ cuộc, người nông dân dành cả đời cải tạo đầm đã làm đơn khiếu nại gửi lên Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao xin xem xét lại vụ kiện theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sau khi nhận được đơn và hồ sơ án của ông Thảo, ngày 24/8/2007, Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa hành chính TAND tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, để xét xử lại vụ án từ đầu. Trong quyết định kháng nghị,

“ Viện KSND tối cao đã đưa ra những căn cứ pháp lý: Khi bị thu hồi đất, ông Thảo thuộc diện được đền bù theo khoản 2 điều 39 luật Đất đai 2003; Căn cứ thứ 2, thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm, nếu giao đất trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất được tính từ ngày 15/10/1993, với thời hạn 20 năm. Như vậy, khu đầm của ông Thảo đến 15/10/2013 mới hết thời hạn.” và hết hạn nếu còn nhu cầu sản xuất ông Thảo sẽ được ưu tiên thuê lại đất này…(Luật Đất Đai) .

Ngày 16/12/2007, Tòa hành chính TAND tối cao mở phiên tòa theo trình tự giám đốc thẩm, ra quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. ( ?? ) mà không phản biện là vì sao ?

Ông Thảo căn cứ vào luật ĐĐ biết chắc UBND/huyện Tiên Lãng vi phạm Luật lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại, ngày 31/1/2008, Viện trưởng Viện KSND tối cao một lần nữa ra kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm trong phiên tòa ngày 16/12/2007 và các bản án của TAND TP.Hải Phòng, TAND huyện Tiên Lãng để xét xử lại từ đầu trên cơ sở luật Đất Đai 2003 .

Ngày 3/4/2008, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm lần thứ 2, nhưng kết quả vẫn như phiên xử trước: bác kháng nghị của Viện KSND tối cao. (??)

Căn cứ mà TAND tối cao tuyên bác kháng nghị của Viện KSND tối cao là: Nhà nước chỉ quy định bồi thường khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh… trường hợp thu hồi đất của ông Thảo không phải nhằm mục đích này nên không được bồi thường; về thời hạn 12 năm hay 20 năm, TAND tối cao cho rằng năm 1992, UBND huyện Tiên Lãng giao đất 12 năm là đúng pháp luật. (!?)

Trong khi khoản 2 Điều 39 Luật ĐĐ. Qui định phải kiểm kê đánh giá tài sản bồi thường cho người có công mở đất khai hoang phục hoá trên mảnh đất bị thu hồi .

Luật Đất Đai 2003 qui định nếu giao đất trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất được tính từ ngày 15/10/1993, với thời hạn 20 năm.và những điều khoản luật ra sau đương nhiên phủ định những điều luật trước đó .

Sau khi cấp tòa cao nhất tuyên bác kháng nghị của Viện KSND tối cao, tháng 5/2008, UBND huyện Tiên Lãng đã cưỡng chế thu hồi đất của ông Thảo. Vì quá uất ức và thất vọng, sức khỏe ông Thảo ngày một yếu, ngày 30/7/2009, ông Thảo đã qua đời ở tuổi 54.

“Trước khi bố tôi mất, bố tôi dặn lại chúng tôi, các con phải làm đúng pháp luật, để kiến nghị các cấp, làm cho các cấp các ngành hiểu đúng, trả lại hoặc bồi thường cho khu đầm mà gia đình mình đã đổ cả mồ hôi, máu và nước mắt để làm nên”, ông Phạm Văn Đoàn, con rể của ông Thảo tâm sự với PV như vậy.(Dân Trí)

Sau khi thu hồi, 2008 xã , Huyện xã tổ chức đấu thầu khu đầm nói trên, gia đình ông Thảo tiếc công sức nên huy động gia đình và vay mượn đã bỏ thầu với giá 2.tỷ 650 triệu đồng nhưng không trúng thầu, một người khác trúng thầu với giá 2.tỷ 850 triệu đồng, Anh Nguyễn Đình Tân con ông Thảo cho biết như vậy .

Chúng ta thấy gì nổi bật ở đây ? – Dễ thấy nhất là UBND / huyện Tiên Lãng và Toà Án NDTC bất chấp pháp luật Đất Đai, bởi không cần phải công chức nhà nước mà người dân bình thường cũng có thể am hiểu, khi luật đất đai sửa đổi mới 2003 ban hành có hiệu lực thì toàn bộ những điều khoản liên quan lạc hậu trước đó của bộ luật củ đều mặc nhiên không còn giá trị phải cập nhật theo luật mới cho thích nghi .

Người ta không thể hiểu nổi, năm năm sau Luật Đất Đai 2003 có hiệu lực, thì năm 2008 Toà Án Nhân Dân Tối Cao không biết tìm ở đâu, nó nằm ở điếu khoản nào trong bộ luật này mà phán rằng : Nhà nước chỉ quy định bồi thường khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh ?… trường hợp thu hồi đất của ông Thảo không phải nhằm mục đích này nên không được bồi thường ?? tìm đỏ con mắt cũng không thấy nội dung này nó nằm ở đâu !? trong Luật ĐĐ 2003 .

Và trầm trọng hơn nữa về thời hạn 12 năm hay 20 năm, TAND tối cao cho rằng năm 1992, UBND huyện Tiên Lãng giao đất 12 năm là đúng pháp luật. (!?) vị thẩm phán nào phát biểu như thế là không hiểu hay không muốn hiểu thông tư hướng dẫn của luật ĐĐ 2003 rất rỏ ràng : Nếu giao đất trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất được tính từ ngày 15/10/1993, nó phải được tự động điều chỉnh là 20 năm (TS Đặng Hùng Võ) và ông Thủ Tướng CP kết luận tại TP/HP ngày 10/2 vừa qua .

Việc Huyện Tiên Lãng tổ chức đấu thầu thu về : 2.tỷ 850 triệu đồng ( giá trị năm 2008) trên ao đầm của gia đình ông Lê Đình Thảo mà không bồi hoàn cho gia đình ông này một xu nào là trái pháp luật không có đạo lý, với số hiện kim khá lớn ấy thì không có gì là khó hiểu khi cán cân công lý của Tòa Án NDTC không thể nghiên về người nông dân cô đơn xấu số,ông Lê Đình Thảo – Và gần đây, nghe đâu vụ án này được khởi động để xem xét lại .

Đó là một trong những phiên bản “Thu Hồi Đất” để đấu thầu, đấu giá, rất đặc trưng của huyện Tiên Lãng và TP/HP trong nhiều năm qua, hấp lực của nó khiến cho luật Đất Đai 2003 như một mớ giấy lộn không có giá trị, và cơ quan quản lý đất đai nơi này cứ lấy nhiều lý do không có cơ sở để giao đất cho dân không đủ luật định 20 năm và rất siêng năng thậm chí rất cực đoan cứng rắn, phối hợp từ ba cấp xã , huyện và UB/TP cố thu hồi đất cho bằng được mà không bồi hoàn cho người dân đã bỏ công sức tạo nên một đồng nào và vì thế cũng dễ hiểu, tại sao UBND xã, huyện cứ cương quyết “thu hồi” cụ thể cho bằng được ao đầm của dân, chứ dứt khoát không tái gia hạn hợp đồng bằng văn bản hành chánh cho thuê đất với chủ ao đầm, đối tượng được ưu tiên và là người còn đang trực tiếp thủy canh, sản xuất ngay trên ao đầm ấy đúng như Luật đã qui định .

Trong bối cảnh mà các cơ quan quản lý đất đai xã, huyện và TP/HP đã thực thi với nông dân cứ như là chủ đất với nông nô , số phận người vắt mồ hôi sôi nước mắt ngoài đồng bãi lại lệ thuộc vào kẻ ngồi trong phòng máy lạnh thì giọt nước Đoàn Văn Vươn đã tràn ly, tiếng súng hoa cải đã vang lên thay cho tiếng nói : Nơi nào có áp bức thì ở đó tất yếu phải có phản kháng đấu tranh không sớm thì muộn và hôm nay anh chấp nhận đang ngồi trong tù để bà con nông dân lam lũ trên vùng đất bãi bồi duyên hải ở Vinh Quang Tiên Lãng và các huyện khác của TP/HP mới thấy được cái văn bản số 33 /TB-UBND, yêu cầu dừng thực hiện các quyết định thu hồi đất, một nội dung mà chỉ mới cách nay 2 tuần, cựu CT/UBND/huyện Tiên lãng Lê Văn Hiền và chánh văn phòng Ngô Ngọc Khánh vẫn hùng hồn tuyên bố : “ Sau vụ việc Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc xã Vinh Quang thì huyện vẫn tiếp tục thu hồi các diện tích ao đầm tới hạn khác” ! Nhưng bây giờ thì các vị ấy cãm thấy “TIẾC ĐỨT RUỘT” vì mộng đã không thành,ít nhất cũng trong giai đoạn này khi những chiếc “Thòng Lọng thu hồi đất” đã được lệnh phải tháo ra khỏi cổ người nông dân ao đầm bãi bồi – “TIẾC ĐỨT RUỘT” phải không ? các quan quản lý đất đai đầm phá bãi bồi xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng !! Những cuộc đấu giá,đấu thầu bán mồ hôi nước mắt nhân dân,!!.

HOÀNG THANH TRÚC

0 comments:

Powered By Blogger