Saturday, February 4, 2012

Phong trào kêu gọi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang trong cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ

Trọng Thành RFI

Trong những ngày gần đây, đặc biệt kể từ cuối tháng 01/2012, trong các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và Canada, có nhiều hoạt động sôi nổi kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang.Việt Khang là tác giả của hai bài hát “Việt Nam tôi đâu?” “Anh là ai?”, được phổ biến trong mùa hè năm ngoái 2011, vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn tại Sài Gòn và Hà Nội.

Nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, sinh sống tại Việt Nam, bị bắt tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) vào cuối tháng 12/2011. Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa đưa ra thông báo gì về việc này.

Từ California (Hoa Kỳ), Giáo sư Phạm Cao Dương cho RFI biết thêm về nhạc sĩ Việt Khang và phong trào kêu gọi trả tự do cho anh.

RFI : Xin kính chào Giáo sư Phạm Cao Dương. Như Giáo sư biết, một nhạc sĩ trẻ người Việt Nam tên là Việt Khang, mới bị công an Việt Nam bắt vào cuối tháng 12/2011. Ngay sau đó, trong tháng Giêng vừa qua ở hải ngoại, có phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang. Được biết Giáo sư là người cũng theo dõi câu chuyện này, vậy xin Giáo sư cho biết Việt Khang là ai và vì sao anh ấy lại bị bắt ?

Giáo sư Phạm Cao Dương : Thưa quý thính giả, anh Việt Khang là một nhạc sĩ trẻ – gọi là trẻ nhưng anh ấy cũng đã 33 tuổi. Anh Việt Khang là tác giả của hai bài hát, hiện thời rất được phổ biến ở trên các trang mạng, hay các đài truyền hình, truyền thanh của người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là Hoa Kỳ. Đó là hai bài : “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu”. Việt Khang có vợ và một con, mới bốn tuổi.

Qua hai bài hát này, người ta cho là Việt Khang có thể chống đối chính quyền hiện tại. Việt Khang đã bị bắt một lần rồi, vào tháng 9/2011, rồi sau đó đã được thả ra. Và lần cuối cùng bị bắt là vào ngày 23/12/2011. Cho đến bây giờ người ta chỉ biết rằng anh ấy đang bị giam ở Phan Đăng Lưu và cơ sở thẩm vấn là PA24. Có nhiều người nói rằng, đối với PA24 này nếu không có tội, vô cũng trở thành có tội, và có tội thì tội sẽ nặng hơn. Điều này gây ra sự lo ngại đối với những người đã từng theo dõi vụ bắt bớ này. Họ sợ rằng Việt Khang có thể bị lâm nguy. Và sau này, khi ra sẽ không thể sinh hoạt bình thường được nữa. Nhất là người ta quan tâm đến tình trạng của vợ và con của Việt Khang.

Đến bây giờ, chính quyền trong nước vẫn chưa có xác nhận nào về việc bắt Việt Khang cả. Cho nên phong trào đòi hỏi tự do cho Việt Khang đã được khởi động và đã lan tràn ra khắp thế giới.

RFI : Giáo sư có thể cho biết về các phong trào đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do cho Việt Khang ?

Giáo sư Phạm Cao Dương : Mới đầu phong trào bắt đầu với những người có liên hệ với nhạc sĩ Việt Khang, trong đó có nhạc sĩ Trúc Hồ. Trúc Hồ theo dõi sinh hoạt âm nhạc của giới trẻ rất kỹ, đương nhiên là của giới trẻ trong nước. Thứ hai là có phong trào của một nhóm các anh em trẻ hoạt động hướng về Việt Nam, thuộc tổ chức Tuổi trẻ Yêu nước với trụ sở chính, theo tôi biết, nằm ở vùng San Jose (San Francisco).

Thành thử ra những tin tức, những hoạt động vận động trả tự do cho Việt Khang đã truyền đi rất nhanh, và bây giờ đã trở thành một phong trào có tính cách quốc tế rồi. Ở Canada, người ta đã viết thư cho Thủ tướng. Và ở bên này, các anh em đó cũng liên lạc với các đại biểu dân cử. Trong các cuộc tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam ở quận Cam, cũng như ở Washington và các nơi khác, các vị đó đã lên tiếng, ngay khi tham dự buổi lễ mừng xuân Nhâm Thìn 2012. Những anh em đó cứ lần lần từng bước một, và có thể họ có vận động để thu lượm chữ ký gửi tới Tổng thống Obama…

Theo tôi hiểu, các anh em đó lo ngại cho số phận của Việt Khang, và họ sẽ tiếp tục cho đến khi nào chính quyền Việt Nam phải lên tiếng, và nhất là phải trả tự do cho Việt Khang.

RFI : Thưa Giáo sư, trong cuộc nói chuyện với RFI cách đây ít hôm, nhạc sĩ Trúc Hồ có cho biết ông đang tiến hành chiến dịch huy động khoảng 25.000 thỉnh nguyện thư gửi đến Tổng thống Obama, để người đứng đầu nước Mỹ có thể có phúc đáp chính thức về vấn đề này. Vậy, trong những ngày gần đây, chính quyền các nước và các tổ chức quốc tế có phản ứng gì đối với các kêu gọi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang, thưa Giáo sư ?

Giáo sư Phạm Cao Dương : Cho đến giờ phút này, phần lớn các nỗ lực là bắt nguồn từ cộng đồng Việt Nam, giới nghệ sĩ trẻ – tôi muốn nói đến các nhạc sĩ, cũng như các ca sĩ. Họ có những vận động rất tích cực. Bên cạnh đó, là tổ chức Tuổi trẻ Yêu nước. Các dân biểu chỉ mới bắt đầu phản ứng. Còn về phía các tổ chức nhân quyền quốc tế, theo tôi hiểu, đến giờ phút này, vẫn chưa có phản ứng nào rõ rệt cả.

Tôi có nhận được một vài điện thư, bà con cho biết đã gửi thư lên văn phòng của Thủ tướng Canada, ông ấy có nói đã nhận được, sẽ cứu xét và sẽ thông báo sau. Đấy chỉ là một trong các tin tức tôi có được.

RFI : Thưa Giáo sư, về sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với nhạc sĩ Việt Khang, Giáo sư có đặc biệt nhấn mạnh đến các nhạc sĩ, những người làm văn nghệ, trong đó có nhạc sĩ Trúc Hồ, là một người rất nhiệt tình ủng hộ Việt Khang ngay từ sớm. Vậy, Giáo sư có thể cho biết, tại sao việc nhạc sỹ Việt Khang bị bắt tại Việt Nam lại gây ra một sự đồng cảm hay một sự quan tâm đặc biệt như vậy ?

Giáo sư Phạm Cao Dương : Nhạc sĩ Trúc Hồ và nhạc sĩ Việt Khang, theo tôi hiểu là hai người, một ở trong nước, một ở hải ngoại. Nhưng trong những lời ca trong các bài hát của Việt Khang, cũng như của Trúc Hồ, có nhiều điểm rất tương đồng.

Chẳng hạn như Trúc Hồ có nói tới sự nằm mơ hàng đêm, thấy đất nước bao nhiêu lần đổi mới, nhưng rồi chẳng có gì tốt đẹp hơn cả. Trong khi đó, Việt Khang trong bài “Việt Nam tôi đâu?” cũng nói : “Thời gian đã quá nửa đời người” và “ta đã tỏ tường rồi”. Có nghĩa là họ cũng chờ đợi nửa đời người, rồi thấy đất nước cũng chẳng có gì mới mẻ cả. Việc Tàu lấn đất của mình ở trong nước, cũng như ở ngoài biển, cả hai cũng đều nói lên những bức xúc của mình, cái sự lo ngại của mình.

Cho nên, khi Trúc Hồ làm bản “Đáp lời sông núi”, thì ở trong lời nhạc của Việt Khang, người ta cũng thấy “đáp lời sông núi”. Dường như hai người đã có những ảnh hưởng lẫn nhau, trong tình cảm đối với hoàn cảnh đất nước nói chung và đối với hoàn cảnh của Việt Nam nói riêng bây giờ. Tôi nghĩ rằng, cái mối liên hệ giữa Việt Khang và Trúc Hồ là : hai người mang tâm tình giống nhau.

Ngoài ra, có một yếu tố khác, tôi cũng thấy cần phải nêu ra ở đây là cả hai đều gốc từ miền Nam cả. Thì Việt Khang chắc chắn được bố mẹ, ông bà nội ngoại ngày xưa kể lại cuộc sống trước năm 1975 như thế nào, và bây giờ như thế nào. Việt Khang được nhìn thấy tất cả những chuyện đó, và nhìn thấy tận mắt mình những chuyện tràn lấn của người Tàu ngay tại Việt Nam, qua việc họ có những cơ sở làm ăn, khai thác đất đai, rồi lập các khu phố, … Còn Trúc Hồ lại cũng thấy những điều ấy, nhưng qua những trang mạng hay báo chí truyền thông. Cho nên, hai người có sự cảm thông với nhau, và nếu Trúc Hồ có làm công tác này (vận động trả tự do cho Việt Khang), thì tôi nghĩ cũng là điều tự nhiên thôi.

Còn những anh em ca nhạc sĩ khác cũng hưởng ứng, vì là có cùng những sinh hoạt giống nhau, những tâm sự giống nhau, cùng có những giấc mơ giống như nhau.

Chẳng hạn như, trong bài “Những thiên thần trong bóng tối”, Trúc Hồ viết như thế này : “Quê hương sau ngày Giải phóng, sau ngày lửa khói, tự do hạnh phúc xa vời”, rồi “Bạn hãy cũng tôi thắp lên ngọn đuốc Việt Nam, Tình yêu Tự do Công lý, Bình an Hạnh phúc cho Người. Bạn hãy cùng tôi, bước theo ngọn Đuốc Việt Nam. Niềm tin ngày mai tươi sáng, hiến dâng cuộc sống cho đời”. Những cái này, người ta lại thấy trong hai bài hát của Việt Khang.

Tôi nghĩ rằng, việc Trúc Hồ đứng ra vận động cho Việt Khang phát xuất từ cái Tâm sâu thẳm của hai người trẻ cùng có những hoạt động giống nhau, những tâm tư giống nhau, những ước vọng giống nhau. Và bây giờ Việt Khang bị bắt, bị giam vào một cái trại mà người ta vẫn cứ không chịu lên tiếng xác nhận nó là như thế nào.

Cái sự giữ im lặng đó của những người cầm quyền ở Việt Nam gây nên một sự bực bội và lo lắng ở những người cùng lứa tuổi. Họ không thể chấp nhận được, cho nên, làm được gì thì họ làm thôi. Cái việc làm của Trúc Hồ bây giờ được giới trẻ ở các thành phần khác người ta cũng tham gia, đặc biệt là giới ca sĩ.

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Giáo sư Phạm Cao Dương.

0 comments:

Powered By Blogger