Friday, February 17, 2012

Khi ‘đại gia’ nợ như Chúa Chổm

Trong khi các ngân hàng thương mại đang lo “sốt vó” về tỷ lệ nợ xấu thì trên thị trường lại xuất hiện ngày càng nhiều “đại gia” mất khả năng thanh toán.

Một tầng lớp kinh doanh thành đạt từng được mệnh danh là “cỗ máy hái tiền” được công chúng ngưỡng mộ đã bắt đầu “ngấm đòn” lãi suất và rơi vào vòng xoáy của nợ nần.

>Các ngân hàng không thể tiếp tục 'bóp cổ' doanh nghiệp
>Cần quy định khung lãi suất cho vay đối với ngân hàng

Mọi việc bắt đầu sau “thắng lợi” WTO vào năm 2006. Từ năm 2007 đến 2008, các ngân hàng thương mại được thành lập ào ạt với sự tham gia chưa từng có của các tập đoàn kinh tế. Hàng chục tổ chức tín dụng mới thành lập nhằm huy động nguồn vốn của xã hội để đầu tư phát triển kinh tế.

Thế nhưng, thay vì tập trung vào lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ, các ngân hàng đua nhau đầu tư vào một thứ dễ sinh lợi nhất là bất động sản và chứng khoán.

Bởi thế sau những lần “sốt” đất và chứng khoán, một số doanh nghiệp đã bất ngờ giàu lên không phải bằng ngành nghề kinh doanh chính của mình mà bằng các cơn sóng dữ dội từ nhà đất và cổ phiếu. Các “đại gia” trẻ tuổi ra đời trong bối cảnh đó và trở nên giàu có bất thường.

Trào lưu vay tiền ngân hàng để đầu cơ nhà đất và chơi chứng khoán trở thành một hiện tượng “cộng sinh” giữa các nhà băng và doanh nghiệp. Ban đầu, người ta vay để sản xuất hàng hóa, buôn bán, tiêu dùng cần thiết cho sinh hoạt gia đình.

Thời kỳ hoàng kim của thị trường chứng khoán và cơn sốt bất động sản năm 2007 đã làm cho các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh “mờ mắt” và xa rời ngành nghề ban đầu. Họ dốc toàn bộ nguồn vốn tự có và vay ngân hàng để lao vào “cuộc chơi” không có điểm dừng.

Với tỉ suất lợi nhuận đạt kỷ lục ở tất cả mọi thời điểm, một tầng lớp trẻ tuổi giàu có xuất hiện, đình đám với những cơ sở sản xuất kinh doanh hoành tráng. Họ sắm biệt thự, siêu xe và vung tiền qua cửa sổ kiểu “công tử Bạc Liêu”.

Vỏ bọc nhung lụa bên ngoài cùng với số tài sản kếch sù khiến mọi người phải giật mình. Câu chuyện “tuổi trẻ tài cao” trong kinh doanh, tốc độ làm giàu đến chóng mặt của một số “đại gia” đã để lại sự trầm trồ, thán phục và ngạc nhiên trong mắt mọi người.

Lãi suất cao làm thị trường bất động sản đóng băng, đây chính là  nguyên nhân khiến các
Lãi suất cao làm thị trường bất động sản đóng băng, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều "đại gia" vỡ nợ. Ảnh minh họa
Thế nhưng đó chỉ là bề nổi của những tảng băng chìm.

Phần lớn tài sản được thiên hạ chứng kiến của các “đại gia” này hình thành từ nguồn vốn vay ngân hàng.

Nói một cách khác, vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn của người dân được tập trung cho một số doanh nghiệp “máu mặt” với những dự án bất động sản hàng ngàn tỷ đồng được chứng minh bằng dòng tiền thu vào trên 10 năm.

Bởi thế, tình trạng kém hoặc mất thanh khoản tại các ngân hàng đã xảy ra triền miên, đến nay vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.

Năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay lên đỉnh điểm 24-25% đã đẩy các dự án này vào bước đường cùng. Hiện tượng mất khả năng thanh toán đã manh nha xuất hiện khi số nợ vay ở mức hàng trăm tỷ đồng.

Không có một tỷ suất lợi nhuận của ngành kinh tế nào (trừ việc buôn heroin) có thể đương đầu với bài toán lãi vay lúc bấy giờ. Ngay từ thời điểm hiện nay, với lãi suất 19%/năm, nếu vay ngân hàng từ 700 đến 1.000 tỷ đồng, người đi vay phải trả tiền lãi mỗi tháng từ 11 đến 16 tỷ đồng!

Bất động sản đóng băng, chứng khoán sụt giảm. Cho dù gượng lại mấy phiên gần đây, các nhà đầu tư cũng không thể nào gánh được số lãi vay đang cao “ngất ngưỡng”. “Nợ nuôi nợ” là cách nói của một số người trong giới ngân hàng khi phải đối mặt với các doanh nghiệp mất thanh khoản.

Để trốn tránh nợ xấu phát sinh, các “đại gia” tìm mọi cách đảo nợ, vay mới trả cũ. Cách làm đó đã đẩy một số doanh nghiệp đến bờ vực của sự phá sản. Và như thế, các vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng của những “đại gia” đã xảy ra như mọi người trông thấy. Một đặc điểm chung của các “đại gia” này là trẻ tuổi, tham lam và liều lĩnh.

Mọi sự vỡ nợ đều có nguyên nhân. Một doanh nghiệp thành đạt thường phát triển trên nền móng tài chính vững chắc và cân đối. Tất cả đều được tính toán cẩn thận với tỉ lệ huy động vốn hợp lý.

Hệ số nợ (tổng nợ / tổng tài sản) của một số doanh nghiệp trong thời gian qua cao từng thấy, thậm chí có vài doanh nghiệp đi vay tiền nhưng không có một đồng vốn tự có nào để “dắt lưng”.

Điều này chứng tỏ rằng, tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp không những không được cải thiện mà ngày càng lún sâu và không có lối thoát. Người ta ví rằng, ngân hàng và doanh nghiệp đang ngồi chung trên một chiếc thuyền băng qua thác dữ, nếu không cứu doanh nghiệp, cả hai sẽ chết chìm.

Có rất nhiều chiếc thuyền kiểu như vậy trong giai đoạn hiện nay. Khi ngân hàng cho ai vay 1 đồng, ngân hàng sẽ là chủ nợ, thế nhưng khi ngân hàng cho ai đó vay hàng ngàn tỷ đồng, họ sẽ biến ngân hàng thành con nợ trong tương lai.

Lối kinh doanh chụp giật, tay không bắt giặc, vay tiền vô tội vạ, không có khả năng thanh toán sớm muộn gì cũng sẽ “lộ hàng”. Các cơ quan Pháp luật sẽ không bao giờ dung thứ cho các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các “đại gia Chúa Chổm”.

Đó là cái chết được báo trước của “bầy thiên nga đen” và cũng là bài học không bao giờ cũ cho tất cả mọi người.

Văn Khoa http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2012/02/khi-dai-gia-no-nhu-chua-chom/

0 comments:

Powered By Blogger