Thursday, February 16, 2012

Huy động vàng trong dân không đơn giản vậy

Dư luận gần đây lại có thêm một dịp được khuấy động với tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là sẽ có chính sách huy động vàng trong dân (với dự đoán hàng trăm tấn) cho mục đích đưa vào đầu tư phát triển kinh tế, như lời Thống đốc NHNN: “Nếu chúng ta không huy động được số vàng này trong dân để phục vụ phát triển KT – XH thì đất nước chưa thể mạnh lên được”.



Nghe những lời phát biểu này, có lẽ ý nghĩ đầu tiên ập đến với không ít người là Chính phủ đang thai nghén một chủ trương tận thu mới. Nguồn lực vàng mà người dân đang nắm giữ có thể đúng là khá đáng kể, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này, việc huy động vàng mới được đặt ra? Người ta có thể suy diễn rằng quả đúng việc này làtận thu khi trở nên bất lực và hết bài trong điều hành kinh tế vĩ mô nên túng thì phải tính, buộc phải nhắm tới những thứ ngoài tầm với, không phải của mình, bằng những công cụ thậm chí chưa được định hình ra làm sao, có kết quả và tác hại như thế nào… Trên hết, Chính phủ và NHNN dường như chưa nhìn ra hậu quả của việc khuyến khích huy động vàng, ngoại tệ ở Việt Nam.

Khách quan mà nói thì việc huy động vàng trong dân rồi tái phân bổ lại thông qua hệ thống ngân hàng sẽ làm cho cung và cầu về vàng gặp nhau dễ dàng hơn thông qua trung gian là các ngân hàng. Có lẽ, đây là lý do có ý nghĩa và đáng kể duy nhất để biện hộ cho chủ trương này của NHNN. Nhưng điều này lại đồng nghĩa với việc khuyến khích, hợp pháp hóa, việc dân chúng chuyển đổi tài sản VND sang vàng (tức làm trầm trọng thêm nạnvàng hóa, sẽ được nói rõ thêm dưới đây) để người sở hữu vàng và gửi vào ngân hàng vừa phòng ngừa rủi ro lạm phát, vừa vẫn được hưởng một mức lãi thỏa đáng (cao hơn so với trường hợp họ tự cho vay trên thị trường tự do).

Cũng có người vạch ra lợi ích của việc huy động này là NHNN sẽ có thêm được một nguồn ngoại tệ thông qua việc hoán đổi vàng với ngân hàng nước ngoài để tăng thêm dự trữ ngoại hối của mình. Hoặc NHNN có thể sử dụng nguồn vàng huy động này để can thiệp trên thị trường vàng nội địa.

Tuy nhiên, khoản vàng huy động này dù có nằm trong tay NHNN ở dạng vàng hay ngoại tệ thì bản chất của nó vẫn là một khoản đi vay chứ không phải là một khoản thuộc sở hữu toàn quyền của NHNN để NHNN muốn sử dụng ra sao thì sử dụng mà không phải bận tâm đến việc lo trả nợ như trong trường hợp mua đứt bán đoạn. Vì thế, cho dù khuyến khích được dân yên tâm gửi vàng vào hệ thống ngân hàng và cuối cùng là nằm trong két sắt của NHNN (dưới dạng vàng hoặc ngoại tệ) chăng nữa thì, vì không phải là của mình, vẫn sẽ phải có một thời điểm (không định trước nào đó) NHNN buộc phải xuất kho vàng/ngoại tệ ra để trả nợ. Mà như vậy thì không thể coi nguồn vàng huy động được này là quỹ dự trữ vàng/ngoại hối của NHNN theo đúng nghĩa của nó (phải thuộc sở hữu để sử dụng theo ý muốn). Do đó, ý nghĩa của việc huy động vàng để tăng dự trữ vàng/ngoại tệ, để can thiệp vào thị trường vàng/ngoại tệ sẽ không còn nữa.

Tóm lại, trừ khi được cụ thể hóa bằng những lợi ích cụ thể A, B, C… và được minh chứng bằng những lập luận thuyết phục, những lý do chung chung khác như “mục đích phát triển KT – XH” và làm cho “đất nước mạnh lên”… tuyệt đối không phải là lý do xác đáng để đưa ra bất cứ một chính sách nào, đặc biệt khi nó có tầm ảnh hưởng vĩ mô lớn. Và kể cả sau này nếu NHNN có đưa ra được những lợi ích cụ thể nào đó một cách thuyết phục thì họ vẫn cần phải chứng minh được rằng những lợi ích đó là lớn hơn những tổn thất, bất lợi mang lại từ chính sách huy động vàng của mình, như nêu dưới đây.

Huy động vàng (có trả lãi kèm với bảo hiểm giá vàng) có khả năng làm trầm trọng ngay lập tức nạn “vàng hóa” trong nền kinh tế Việt Nam (với giả thiết rằng dân chúng thấy việc gửi vàng vào ngân hàng là hấp dẫn, có lợi). Xin nhấn mạnh ở đây là sẽ làm trầm trọng thêm chứ không phải là giảm đi, nạn vàng hóa. Nhiều người có trách nhiệm vẫn lầm tưởng rằng thu hút vàng (hay ngoại tệ) vào hệ thống ngân hàng có nghĩa là sẽ làm giảm nạn vàng hóa (hay đô la hóa) vì vàng (hay đô la) ở thị trường tự do (ngoài hệ thống ngân hàng) sẽ ít đi.

Thực ra, vàng hóa và/ hoặc đô la hóa cần được hiểu là tình trạng của một nền kinh tế mà ở đó dân chúng dùng (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) vàng và/ hoặc đôla song song với bản tệ (VND). Tình trạng vàng hóa và/hoặc đôla hóa càng trầm trọng nếu sự hiện diện của vàng và/ hoặc đô la trong nền kinh tế (lưu ý là cả trong lưu thông – ngoài hệ thống ngân hàng – và trong hệ thống ngân hàng) càng lớn, và mức độ thay thế VND bằng vàng/ngoại tệ như là phương tiện thanh toán, đo lường và lưu giữ giá trị càng cao. Vàng hóa/đô la hóa sẽ làm giảm/mất đi tính tự chủ của chính sách tiền tệ của NHNN (theo đó là càng có ít người muốn nắm giữ hoặc dân chúng ngày càng có xu hướng giảm nắm giữ tài sản VND, là cái mà NHNN có thể tác động lên được thông qua chính sách tiền tệ của mình. Một hậu quả khác của vàng hóa/đô la hóa là tước đi/giảm khả năng thu được “thuế lạm phát” đánh lên người nắm giữ tài sản VND thông qua quyền in tiền VND tài trợ cho các chi tiêu của Chính phủ, khi số lượng người (muốn) nắm giữ tài sản VND ngày càng giảm đi.

Việc đưa ra các biện pháp để khuyến khích dân chúng gửi vàng vào hệ thống ngân hàng vô hình trung sẽ khuyến khích dân chúng quy đổi tài sản VND ra vàng, nhất là trong bối cảnh đầy bất ổn như hiện nay. Nói cách khác, dân chúng sẽ không chỉ gửi số vàng hiện đang nắm giữ mà còn bị lợi ích thôi thúc họ chuyển thêm tài sản VND sang vàng để gửi vào ngân hàng (lưu ý là dân chúng nói chung, chứ không phải là từng người dân có vàng mà có thể có hay không tài sản VND khác).

Việc quy đổi này sẽ làm tăng nhu cầu về vàng để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi tài sản của dân chúng, và sẽ dẫn đến 2 kịch bản.

Ở kịch bản 1, NHNN cho phép nhập khẩu vàng để thỏa mãn nhu cầu về vàng tăng lên của dân chúng. Kịch bản 2, lo ngại về việc tăng nhập khẩu vàng sẽ làm tăng nhu cầu USD, gây căng thẳng dự trữ ngoại tệ và, do đó, tỷ giá, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng.

Hậu quả của kịch bản 1 là nạn vàng hóa càng trầm trọng, và theo đó là NHNN ngày càng mất đi khả năng đánh “thuế lạm phát” và khả năng kiểm soát lãi suất và tỷ giá – những hậu quả tất nhiên là không hề được mong muốn.

Sẽ có người lập luận rằng vì Việt Nam phải dùng USD để mua vàng nên mặc dù nạn vàng hóa sẽ tăng nhưng đổi lại nạn đô la hóa sẽ giảm. Vì thế, khả năng tự chủ của NHNN trong chính sách tiền tệ của mình ít nhất là không thay đổi. Nhưng nếu đúng như vậy thì Việt Nam lại phải đối mặt với một vấn đề mới, cũng là điều không mong muốn: (ngân hàng) huy động được vàng như lại mất đi ngoại tệ (USD).

Lại cũng sẽ có người chỉ ra khả năng là sẽ có một bộ phận dân chúng quy đổi tài sản ngoại tệ (USD) của mình sang vàng và gửi vào ngân hàng (với giả thiết họ thấy gửi vàng lợi hơn USD). Nhưng điều này cũng chỉ dẫn đến hậu quả như trên (ngân hàng huy động thêm được vàng nhưng lại bị giảm huy động từ đô la).

Kịch bản 2 sẽ dẫn đến giá vàng trong nước tăng cao (bất chấp chiều hướng vận động của giá vàng thế giới). Giá vàng tăng trong khi NHNN cung vàng theo kênh chính thức (nhập khẩu hợp pháp) bị chặn sẽ khuyến khích nhập khẩu vàng lậu và rốt cuộc cũng sẽ vẫn dẫn đến hậu quả như ở kịch bản 1. Ở khía cạnh này, NHNN chắc chắn sẽ không đủ tự tin để khẳng định rằng họ sẽ ngăn chặn được một cách hữu hiệu nạn nhập lậu vàng. Mà kể cả có đúng như vậy thì giá vàng tăng và kỳ vọng tăng giá vàng hơn nữa (khi nguồn cung qua nhập khẩu bị loại bỏ hoàn toàn) sẽ chỉ dẫn đến nạn đầu cơ vàng ngày càng trầm trọng hơn, cũng tức là sự chuyển đổi từ tài sản VND sang vàng ngày càng mạnh hơn. Hiển nhiên, NHNN có thể đối phó với tình trạng đầu cơ này (và cũng đồng thời là để bảo đảm rằng người dân sẽ chỉ có thể gửi vào hệ thống ngân hàng tối đa là số vàng hiện đang nắm giữ chứá không thể chuyển đổi tài sản VND sang vàng để gửi thêm để tránh nạn vàng hóa bằng một biện pháp hành chính cực đoan là cấm hoàn toàn chuyện mua bán vàng giữa dân chúng với ngân hàng và trong dân chúng với nhau. Nhưng khả năng thành công của biện pháp này cũng sẽ bấp bênh như chuyện ngăn chặn nhập khẩu vàng lậu.

Nói cách khác, cả hai kịch bản đều hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng là nạn vàng hóa càng trầm trọng hơn, dẫn đến những tổn thất khó đo đếm được từ việc đánh mất đi tính tự chủ trong chính sách tiền tệ và khả năng đánh thuế giữ tài sản VND thông qua quyền in tiền của NHNN. Huy động vàng trong dân vì thế sẽ chẳng còn ý nghĩa khi những hậu quả này cùng với những chi phí và bất trắc khác (như nói dưới đây), lớn hơn lợi ích nếu có nào đó của việc huy động vàng trong dân chúng.

Huy động vàng, theo chủ trương của NHNN, sẽ phải đi kèm với bảo hiểm giá vàng trên thị trường quốc tế. Đây là chi phí rất đáng kể. Câu hỏi cần trả lời là ai sẽ chi trả chi phí này và khi hạch toán chi phí này vào tổng chi phí huy động vàng, liệu lợi ích của việc huy động vàng, nếu có, có còn đáng kể hay không? Chưa kể, không lẽ mỗi khi có người gửi vàng, dù ít hay nhiều, theo nguyên tắc, ngân hàng phải tiến hành bảo hiểm giá vàng ngay ư, và, nếu đúng, liệu có khả thi không?

Kết luận lại, ngoài những lợi ích chỉ có thể gọi là mập mờ, tưởng tượng, chủ trương huy động vàng trong dân chúng chắc chắn sẽ chỉ mang lại những hậu quả nhãn tiền rõ ràng và không thể bỏ qua.

Theo Ts Phan Minh Ngọc - daibieunhandan.vn

0 comments:

Powered By Blogger