Wednesday, February 22, 2012

Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền nhân Việt Nam tại Canada

Tác Giả: Hoài Hương - VOA

... Họ chết một cách thảm thương trên đất liền cũng như trên biển cả... Cái đó là sự thực lịch sử mà mình phải trình bày lại, phải lưu giữ lại để cho các em thấy.”

Sau 36 năm định cư tại các quốc gia Tây phương từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cộng đồng người Việt hải ngoại đã dần dà lớn mạnh và đang để lại nhiều dấu ấn nơi quê hương thứ hai. Tại nhiều nước trên thế giới người ta đã thấy xuất hiện những đài kỷ niệm do các cộng đồng người Việt dựng lên để đánh dấu cuộc di cư vĩ đại của người Việt Nam sau sự kiện 30 tháng Tư năm 1975. Một vài viện bảo tàng thuyền nhân Việt Nam đã mở cửa hoạt động tại một số thành phố từ Châu Úc, Châu Mỹ, cho tới Châu Âu. Riêng tại Canada, dự án xây một viện bảo tàng thuyền nhân tại thủ đô Ottawa đã được khởi xướng từ năm 2005.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn

Hoài Hương tiếp xúc với Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Trưởng Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở Ottawa, để tìm hiểu diễn tiến của công trình quy mô này. Mời quý thính giả theo dõi chi tiết trong Câu Chuyện Việt Nam tuần này.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Trưởng Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân, cho biết là Liên hội Người Việt Canada đã khởi xướng dự án này từ tháng 12 năm 2005, nhằm 2 mục đích.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Thứ nhất là để trình bày những dữ kiện lịch sử có liên quan tới cuộc di cư tìm tự do của 2 triệu người Việt tỵ nạn sau biến cố năm 1975. Và thứ hai là để trình bày những thành quả, những đóng góp của cộng đồng người Việt tại các quốc gia định cư, nghĩa là không phải mình sang đây là để đi tìm miếng cơm manh áo không thôi, mà mình còn đóng góp lại, đã từng và đang đóng góp vào xã hội địa phương.”

Tiến sĩ Lê Duy Cấn giải thích về tầm quan trọng của công tác gìn giữ các dữ kiện lịch sử về cuộc di cư của người Việt như sau:

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Điều đó rất quan trọng ở chỗ nếu những thế hệ đi trước không truyền lại những kinh nghiệm sống, những dữ kiện lịch sử, thì về sau này các con cháu của chúng ta không biết tại sao lại có sự hiện diện của người Việt tại hải ngoại. Tại sao lại có chuyện 2 triệu người bỏ nước ra đi? Nếu các em chỉ nghe theo những lời tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản, các em có thể nghĩ rằng không bao giờ có người tỵ nạn hết, mà thực tế là có 2 triệu người tỵ nạn bỏ nước ra đi, trong đó phân nửa không bao giờ tới bờ tự do. Họ chết một cách thảm thương trên đất liền cũng như trên biển cả... Cái đó là sự thực lịch sử mà mình phải trình bày lại, phải lưu giữ lại để cho các em thấy.”

Được biết tổng chi phí của dự án xây viện bảo tàng thuyền nhân ở Ottawa lên tới 4 triệu 300,000 đôla, tính cả tiền mua đất lẫn chi phí xây cất. Tiến sĩ Lê Duy Cấn cho biết Liên hội Người Việt Canada đã mua được một miếng đất ở trung tâm thành phố Ottawa trị giá 600,000 đôla, đối diện với Đài Tưởng niệm Việt Nam mà Liên hội đã cho xây hồi năm 1995 với một bức tượng, gọi là tượng Mẹ Bồng Con, tiếng Anh là “Refugee Mother and Child” .

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Chỗ đó đã trở thành một địa điểm du lịch của thành phố. Các xe chở du khách đi thăm thành phố đều đi qua chỗ đó. Rất may là chi phí của Đài kỷ niệm Việt Nam lên tới 100,000 đôla, hoàn toàn do cộng đồng mình bỏ ra hết, chứ không xin đồng nào của thành phố hay của chính phủ Canada. Mình được cái may mắn là thành phố cho miếng đất đó để xây tượng đài.”

Tiến sĩ Lê Duy Cấn nói miếng đất ở đối diện tượng đài Mẹ Bồng Con mà Liên hội mua được rộng 8000 bộ vuông, và đây sẽ là nơi xây Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam. Ông phác họa thiết kế của Viện Bảo Tàng như sau.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Chúng tôi sẽ xây một nhà 3 tầng. Tầng trệt sẽ được dùng cho các cơ sở thương mại thuê để lấy tiền điều hành Viện Bảo Tàng. Tầng thứ 2, ngoài những phòng làm việc sẽ có một cái thư viện và các phòng triển lãm. Ngoài ra còn có một hội trường có thể chứa 200 người. Hội trường đó sẽ được dùng thứ nhất, để trình bày những sinh hoạt văn hóa và thứ hai, cũng là một hình thức kiếm tiền để điều hành viện bảo tàng. Tầng thứ 3 hoàn toàn được dành cho các phòng triển lãm.”

Tiến sĩ Lê Duy Cấn cho biết nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của các cộng đồng người Việt tại Canada và những nơi khác, ngay cả tại những thành phố rất ít người Việt, cho tới giờ Liên hội đã gây được và được hứa chắc chắn đóng góp khoảng 800 ngàn đôla. Hiện cần thêm 3 triệu 500 ngàn đôla nữa để khởi công xây dựng viện bảo tàng. Tiến sĩ Lê Duy Cấn cho biết số tiền ấy dù rất lớn, tuy nhiên các hoạt động gây quỹ của Liên hội Người Việt Canada trong năm qua đã thành công ngoài dự liệu.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn: “Chúng tôi tổ chức được 5 buổi gây quỹ ở các thành phố khác nhau, bắt đầu là một thành phố rất nhỏ, dân số có 790 người thôi mà bữa dạ tiệc đó có gần 400 người tham dự, gây quỹ được hơn 12,000 đôla. Sau buổi đó, chúng tôi tổ chức gây quỹ tại thành phố Calgary, thành phố này lớn hơn, có từ 12,000 tới 15,0000 người Việt, hôm đó gây quỹ được 40,000 đôla. Sau đó nữa, chúng tôi lại tổ chức một buổi gây quỹ ở một thành phố nhỏ hơn là thành phố Halifax ở miền cực đông của Canada, thành phố đó chỉ có 390 người Việt Nam, hôm đó tới 200 người đến dự, chúng tôi gây quỹ được cũng gần 12,000 đôla. Ngày 26 tháng 11 năm vừa rồi, chúng tôi tổ chức ở thành phố Edmonton, tương đối đông, hơn 12,000 người, chúng tôi gây quỹ được 46,000 đôla. Và buổi chót là tại Ottawa. Thành phố Ottawa tương đối ít người Việt, khoảng 7000 người thôi, thì chúng tôi quyên được 30,000 đôla.”

Ngoài các cộng đồng người Việt, có một số hãng xưởng Canada đang hay từng mướn công nhân viên người Việt, cũng tặng tiền cho Liên hội để xây dựng viện bảo tàng, như một cách để vinh danh nhân viên người Việt Nam của họ.

Tiến sĩ Lê Duy Cấn cho biết thêm chi tiết: “Năm vừa rồi, có một hãng làm đồ phụ tùng xe hơi của người Canada ở Winnipeg, họ tặng cho Liên hội tất cả 100,000 đôla. Ngoài ra, còn có một khách sạn ở vùng Halifax, có ông chủ khách sạn hồi xưa có mướn nhân viên người Việt, ông ấy rất thích nhân viên người Việt vì họ làm việc tận tụy, thành ra ông bà đóng góp 10,000 đôla, và trong tương lai có thể sẽ đóng góp nhiều hơn nữa.”

Tiến sĩ Lê Duy Cấn cho biết năm nay, Liên hội sẽ tiếp tục các hoạt động gây quỹ tại các thành phố lớn ở Canada, như Montréal, Québec và Vancouver. Và tại Hoa Kỳ, Liên Hội sẽ tổ chức nhiều buổi gây quỹ tại các thành phố Washington, Houston và San José.

Thưa quý thính giả, 3 thập niên là một thời gian khá dài để xây dựng lại cuộc sống, để hội nhập và đóng góp vào cộng đồng chính mạch trong mọi lĩnh vực. Nay, với một vị thế vững vàng hơn trong xã hội quê hương thứ hai, thế hệ người Việt tỵ nạn đầu tiên đã bắt đầu lo lắng rằng những thế hệ sinh sau đẻ muộn, lớn lên ở nước ngoài và hoàn toàn hội nhập vào cộng đồng chính mạch, có nguy cơ quên đi cội nguồn, không còn biết nguyên do vì sao lại có sự hiện diện của những người Việt dầu tiên tại đất nước nơi họ sinh sống. Trong bối cảnh đó, dự án Viện Bảo Tàng Thuyền nhân Việt Nam ở Ottawa được khởi xướng không những chỉ để gìn giữ các dữ kiện lịch sử về cuộc di cư của người tỵ nạn Việt Nam, mà viện bảo tàng này còn là một trung tâm sinh hoạt, trung tâm văn hóa, một gạch nối giữa quê hương đầu tiên và quê hương thứ hai, giữa thế hệ tỵ nạn đầu tiên và các thế hệ gốc Việt Nam tương lai.

0 comments:

Powered By Blogger