Tuesday, February 21, 2012

Châu Âu thông qua kế hoạch 237 tỷ euro cứu giúp Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp (trái) và bộ trưởng Tài chính Hy Lạp trong một cuộc họp báo, sáng 21/02/2012.

Thủ tướng Hy Lạp (trái) và bộ trưởng Tài chính Hy Lạp trong một cuộc họp báo, sáng 21/02/2012. REUTERS/Yves Herman

Đức Tâm

Sau hơn 13 tiếng thảo luận, đàm phán tại Bruxelles, lãnh đạo nhóm Eurogroup, bộ trưởng Tài chính Luxembourg, ông Jean Claude Junker, vào sáng nay, 21/02/2012, khẳng định là một kế hoạch mới nhằm cứu giúp Hy Lạp đã được chấp nhận, với mục tiêu là « bảo đảm » cho việc duy trì Hy Lạp trong khối đồng euro.

Kế hoạch mới, trợ giúp Hy Lạp, lên tới 237 tỷ euro, trong đó có 130 tỷ tín dụng và 107 tỷ nợ được xóa.

Ủy viên châu Âu, phụ trách Kinh tế, Olli Rehn đánh giá đây là « một cơ may thực sự để có một bước khởi đầu mới » và « một bước tiến cơ bản đối với Hy Lạp và khu vực đồng euro ».

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình.

« Vấn đề nợ, hay nói cho chính xác là mức độ nợ của Hy Lạp là chướng ngại chính trong cuộc thương lượng tối ngày hôm qua. Khoản tiền 130 tỷ euro trong kế hoạch trợ giúp thứ hai đã được soạn thảo trong dịp hè và sau đó trong mùa thu vừa qua, không đủ để đưa mức độ nợ hiện nay của Hy Lạp từ 160% tổng sản phẩm quốc nội PIB, xuống còn 120% vào năm 2020.

Do vậy, lại một lần nữa, phải cần cả một đêm để thương lượng, đặc biệt là với các ngân hàng, để có thể đạt được một kế hoạch mới vào sáng hôm nay. Đây là một kế hoạch tốn kém nhất đối với tất cả mọi người. Bởi vì số tiền mà các ngân hàng sẽ bị mất cao hơn. Công trái của Hy Lạp mà các ngân hàng đang giữ sẽ bị mất giá trị từ 50% đến 53%. Các nước trong khối Euro cũng sẽ phải gánh chịu các thiệt hại qua việc giảm lãi suất tín dụng cấp cho Hy Lạp.

Các bộ trưởng Tài chính của 17 thành viên khối Euro đã rất vất vả trong cuộc đàm phán về kế hoạch thứ hai trợ giúp Hy Lạp vào tối qua, bởi vì trước đó, khi tới dự cuộc họp, họ đều nghĩ rằng mọi việc sẽ trôi chảy. Thế nhưng, họ đã phải đối mặt với những khó khăn, trực diện với thực tế nợ của Hy Lạp.

Tuy nhiên, mọi việc chưa xong xuôi đối với Hy Lạp và các đối tác. Cuộc họp đầu tiên và cũng là cuộc họp quan trọng nhất sẽ được tổ chức vào nửa cuối tháng Ba. Vào lúc đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF sẽ xem xét khả năng và mức độ đóng góp tài chính của mình vào kế hoạch này.

Quỹ hỗ trợ tài chính châu Âu mong muốn IMF đóng góp một phần ba trong tổng số tiền tài trợ của châu Âu cho Hy Lạp. Thế nhưng, đối với kế hoạch trợ giúp thứ hai này, phần đóng góp của IMF có thể chỉ ở mức 10%, tương đương 13 tỷ euro. Dù sao thì đây cũng là một khoản tiền đáng kể.

Bên cạnh đó, một cơ chế theo dõi, giám sát sử dụng tiền hỗ trợ cũng sẽ được thành lập.

Ba chủ nợ là Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF sẽ có mặt thường xuyên tại thủ đô Athens để giám sát việc thực hiện các cải cách mà Hy Lạp đã cam kết ».

0 comments:

Powered By Blogger