Hàng trăm ngàn người đã bị chia cách với thân nhân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên Cuộc hội ngộ cuối cùng giữa các gia đình bị ly tán là vào cuối 2010 (AFP) Hôm nay 18/02/2012, Bình Nhưỡng đã bác bỏ lời đề nghị của Seoul nhằm tái lập việc tổ chức cho các gia đình bị ly tán ở hai miền nam bắc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên được gặp gỡ, cho rằng trước hết phải đáp ứng các điều kiện do Bình Nhưỡng đưa ra. Hội Hồng thập tự Hàn Quốc hôm thứ Ba đã đề nghị thương thảo về việc tái lập các cuộc gặp mặt giữa thân nhân các gia đình bị chia cắt từ sau cuộc chiến tranh năm 1950 -1953.
Tờ báo Minju Joson của Bình Nhưỡng lên án Seoul là nói về các cuộc gặp gỡ trên đây và các trao đổi khác, trong khi vẫn âm thầm tìm kiếm các biện pháp trừng phạt. Theo tờ báo của nhà nước Bắc Triều Tiên, thì Hàn Quốc phải trả lời các câu hỏi đã được gởi đến các nhà lãnh đạo Seoul trong tháng này.
Đó là phải «ăn năn về tội ác » là đã biểu lộ sự bất kính trong thời kỳ để tang cố lãnh đạo Kim Jong Il, qua đời ngày 17/12/2011. Bảng câu hỏi còn yêu cầu Hàn Quốc phải ngưng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, và các chiến dịch bôi nhọ Bắc Triều Tiên « đầy ác ý ». Phía Hàn Quốc cho rằng các yêu cầu này là vô lý.
Hàng trăm ngàn người đã bị chia cách với thân nhân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, đã dẫn đến việc phân chia bán đảo này thành hai quốc gia riêng biệt. Không hề có liên lạc thư tín và điện thoại giữa người dân hai miền, và nhiều người thậm chí còn không biết người thân của mình còn sống hay đã chết.
Cuộc hội ngộ cuối cùng giữa các gia đình bị ly tán được Hội Hồng thập tự Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tổ chức với sự đồng ý của chính quyền hai nước là vào tháng 10/2010. Các cuộc gặp gỡ sau đó đã bị hủy bỏ, sau khi Bình Nhưỡng bắn pháo vào một hòn đảo làm bốn người Hàn Quốc thiệt mạng, tháng 11 năm ngoái.
Từ năm 2000 đến nay đã có hơn 17.000 người Triều Tiên được giáp mặt với thân nhân, và 3.700 người khác – thường là do không đủ sức để di chuyển – trò chuyện qua video. Nhưng hãy còn 80.000 người khác đang trong danh sách chờ được hội ngộ với người thân bị chia ly, và mỗi năm có hàng ngàn người qua đời trước khi có được cơ hội này.
Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul phản đối việc buộc người tị nạn Bắc Triều Tiên hồi hương
Hôm nay 18/02/2012 hàng trăm người, theo ước tính của cảnh sát, đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Seoul, để đòi hỏi Bắc Kinh phải hủy bỏ kế hoạch buộc hồi hương những người tị nạn Bắc Triều Tiên vừa bị bắt giữ.
Theo tuyên cáo của những người biểu tình thì 33 người tị nạn Bắc Triều Tiên mới bị bắt trên đây sẽ phải đối mặt với các bản án nặng nề, thậm chí là tử hình, nếu bị buộc phải quay lại Bình Nhưỡng, vì tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh trừ khử những ai tìm cách đào thoát. Một số nhà đấu tranh khác nói rằng, Bắc Triều Tiên đã siết chặt an ninh ở biên giới, và tăng cường trừng phạt những người đào tẩu, từ lúc Kim Jong Un lên nắm quyền hồi tháng 12/2011.
Khoảng 70% trong số những người tị nạn trên đây có thân nhân đang sống tại Hàn Quốc. Ngoại trưởng Hàn Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã yêu cầu Bắc Kinh không gởi trả những người tị nạn trái với ý nguyện của họ.
Trung Quốc xem những người Bắc Triều Tiên đào thoát là tị nạn kinh tế và gởi trả về nước. Các tổ chức nhân quyền cực lực chỉ trích chính sách này, cho rằng họ phải được coi là những người tị nạn chính trị.
Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953, trên 21.700 người Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn sang Hàn Quốc, chủ yếu là trong những năm gần đây. Hầu hết đào thoát sang Trung Quốc, ẩn trốn tại đây rồi tìm đường sang một nước thứ ba, sau đó xin cư trú tại Hàn Quốc. |
0 comments:
Post a Comment