Saturday, November 5, 2011

Việt Nam sẽ có Luật nhà văn?

BBC News_ Dư luận Việt Nam đang xôn xao việc Quốc hội khóa 13 sẽ đưa Luật nhà văn vào chương trình làm luật từ nay đễn hết nhiệm kỳ vào năm 2016.

Quốc hội Việt Nam khóa 13 hiện đang họp kỳ họp thứ hai từ ngày 20/10 kể từ khi được bầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu năm.

Các bài liên quanVề cuốn sách bị thu hồiNgoại giao ‘nhà nước’ thay ‘nhân dân’?Văn hóa qua ‘rổ rá, đường xá, tàu bè’
Trong phiên họp hôm thứ Tư ngày 2/11, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý đã báo cáo với Quốc hội về chương trình làm luật dự kiến của toàn khóa bao gồm 90 dự án luật và sáu dự án pháp lệnh, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Luật thư viện

Tuy nhiên đây chưa phải là chương trình làm luật chính thức mà còn cần phải được các đại biểu Quốc hội thông qua.

Trong 90 dự luật mà Quốc hội dự định sẽ làm, ngay tại nghị trường một số đại biểu cũng không không đồng ý với một số dự luật, trong đó có Luật thư viện và Luật nhà văn.

Trong phiên họp tại các tổ đại biểu vào buổi chiều cùng ngày để bàn về chương trình làm luật của Quốc hội, đại biểu Võ Thị Dung của Thành phố Hồ Chí Minh chất vất sự cần thiết của Luật thư viện, theo tường thuật của báo Pháp Luật TPHCM.

“Thời buổi này chẳng có mấy người vào thư viện thì xây dựng Luật Thư viện liệu có cần thiết?” báo Pháp Luật dẫn lời bà Dung chất vấn.

“Trong khi đó, những luật liên quan đến quyền cơ bản của công dân, phát huy quyền làm chủ của người dân như Luật Trưng cầu dân ý lại chưa được xem xét,” bà nói.

Bà kiến nghị với Quốc hội đưa Luật Trưng cầu dân ý vào chương trình chính thức và đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bà cũng yêu cầu làm thêm luật về đạo đức cán bộ, công chức vì đây là ‘vấn đề rất bức xúc hiện nay’.

Trong khi đó, không rõ lý do vì sao Luật biểu tình, vốn được người dân trông đợi từ lâu và được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất với Quốc hội lần này, lại không nằm trong chương trình làm luật thậm chí chỉ là dự kiến của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Luật biển vẫn bị tắc tại Quốc hội từ năm 1994 vì vẫn còn phải tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến.

Luật nhà văn

Tuy nhiên tâm điểm chú ý của dư luận lại là Luật nhà văn.

Vị đại biểu đề xuất phải có đạo luật này là nhà văn Nguyễn Minh Hồng, thành viên của Hội nhà văn Việt Nam.

Trước thắc mắc của dư luận, ông Hồng trần tình trên báo Tuổi Trẻ rằng đó không phải là ý tưởng của ông.

“Trong một hội nghị của Hội Nhà văn, đồng chí Hữu Thỉnh đề xuất và tôi có hứa sẽ trình trước Quốc hội,” ông nói.

Nhà thơ Hữu Thỉnh là đương kim chủ tịch của Hội nhà văn Việt Nam, cơ quan quản lý các nhà văn, nhà thơ trên cả nước. Ông đã giữ vị trí này liên tục ba nhiệm kỳ nhưng không phải là đại biểu Quốc hội.

Ông Hồng giải thích rằng Luật nhà văn ‘điều chỉnh rất nhiều’, từ các tác phẩm được xuất bản, các quy định đối với nhà văn, chế độ nhuận bút, viết về cá nhân, viết về lịch sử …

“Việt Nam đã có các luật về nhà báo, luật về thanh niên, luật về phụ nữ, luật về nông dân… mà lại chưa có Luật nhà văn,” ông Hồng lập luận và dẫn chứng thêm rằng Thái Lan có Luật nhà văn từ năm 1931 và nhiều nước trên thế giới cũng có luật chế định hoạt động văn học.

“Phải có luật để nền văn học hoạt động tốt hơn, để các nhà văn có chỗ dựa vào luật,” ông nói thêm và khẳng định rằng Luật nhà văn ‘cần phải có và đây là điều đương nhiên, không có gì là lạ cả’.

Trước đó, vào tháng 7/2011, Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh đã gửi công văn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm ban hành ‘Luật phát triển văn học’ để ‘tạo hành lang pháp lý’ giúp quản lý nền văn học đất nước trước ‘tình hình nhiệm vụ mới’.

Đại biểu Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, giải thích trên báo Thanh niên rằng luật này ‘không phải nhằm điều chỉnh nhà văn’ mà nhằm ‘phát triển sự nghiệp văn học của nước nhà theo hướng nào’.

Lý do cần phải luật hóa vấn đề sáng tác văn học, theo ông Tiến, là có ‘một số cá nhân hoặc tác phẩm văn học không đúng với yêu cầu, mục đích chính của văn học là chân, thiện, mỹ’ mà ‘có ý định kích động, thổi phồng sự việc với động cơ xấu.’

Không thuyết phục

Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội không thấy thuyết phục với dự luật này.

“Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ (Luật nhà văn) nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình,” đại biểu Trần Du Lịch bức xúc trong phiên thảo luận tổ ngày 2/11, theo báo Pháp Luật.

“Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm?” ông nói.

“Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri,” ông nói thêm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, cho rằng không cần có Luật nhà văn vì đã có Luật báo chí điều chỉnh hoạt động của các nhà văn rồi.

“Nếu đưa Luật nhà văn vào rất khó thuyết phục bởi nếu như thế chúng ta sẽ phải đưa vào thêm rất nhiều luật khác, như Luật kiến trúc sư, Luật bác sĩ, Luật kỹ sư…,” ông nói.

Các báo lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh như Tuổi Trẻ, Thanh niên và Người Lao Động đều có các bài phỏng vấn các nhà thơ và nhà văn về dự luật này. Hầu hết ý kiến trích dẫn đều phản đối.

Trên báo Thanh niên, nhà thơ Bằng Việt, chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, nói rằng nhà văn ‘phải có được sự tự do trong suy nghĩ, trong tư tưởng’.

“Không nên hẹp hòi về mặt pháp trị, độc quyền về mặt tư tưởng, độc quyền về mặt sáng tạo và như vậy sẽ giết chết sáng tạo và có hại lâu dài cho giới văn học, nghệ thuật nói chung,” ông nói thêm.

Trên báo Người Lao Động, một độc giả có tên là Võ Văn Mạnh bình luận: “Theo cái đà này, hổng chừng mai mốt lại có thêm cái luật…yêu đương nữa cũng nên.”

“Luật Yêu đương có thể sẽ quy định con người, trai gái phải yêu đương như thế nào, yêu ở đâu, yêu lúc nào…; trường hợp nào bị cấm yêu, không được yêu; trách nhiệm của những người khi yêu ra sao,” độc giả Mạnh mỉa mai.

Còn một độc giả có tên Nguyễn Tuấn Anh bình luận trên Tuổi Trẻ rằng: “Tình hình văn chương ở xứ sở mình loạn lên hết rồi hay sao mà bắt buộc phải có luật? Từ bao đời nay văn chương xứ mình đâu cần luật gì đâu?”

Luật nhà văn là gì ? có phải là luật tuyên truyền và bịt miệng ?
Luật phòng , chống Tham Nhũng đâu ?
Luật CA bảo vệ nhân dân đâu ?
Luật Tự Do biểu tình đâu ?
Luật biển đông đâu ? (ĐâuLàSựThật_Facebook)

0 comments:

Powered By Blogger