Tuesday, November 1, 2011

Vậy ra“Chứng minh nhân dân” là cáo mượn oai hùm à?

Trình Phụng Nguyên

Riêng em thì tin là ông Đại tá TS (Tiến sĩ ?) rất mực thật lòng và ăn ngay nói thẳng trong bài viết của mình. Ông Quang với quân hàm Đại tá, tức là quan chức cao cấp của Nhà nước, bài của ông viết lại được đăng đàn trên QĐND, là tờ báo tuyên huấn nòng cốt của Đảng, nên em lại càng mãnh liệt tin tưởng rằng đây là tư tưởng giáo huấn của một tầng lớp từ trên, đã được thống nhất quán triệt từ Ban Tuyên giáo trung ương và cấp lãnh đạo Nhà nước.

Theo ý bài viết này – dù câu nọ chửi câu kia, dù múa bút tung hỏa mù ở một số đoạn – cuối cùng thì em cũng hiểu được điều ông Đại tá TS muốn nói “nhân dân” ở đây là ai, đồng thời cũng rút ra được một kết luận là… chẳng biết mình là loại gì ở cái xã hội Việt Nam đương đại này, và có lẽ đại đa số đồng bào em cũng thế, cũng đang ở cùng trong hoàn cảnh ngơ ngác, ngờ vực chính con người mình.

Ông Đại tá TS viết:

Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định. Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định. “…nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan”.

Như vậy cụm từ “nhân dân” không phổ thông như chúng ta hiểu là đông đảo người dân hiện đang cư trú từ khắp thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến rừng rú, mà nó giới hạn ở một “tầng lớp”, một “giai cấp” được cho là “đại diện cho một quốc gia”, giai cấp này đã giành chủ quyền cho đất nước, nắm quyền lãnh đạo và chễm chệ cho đến hôm nay, sau tám mươi năm. Nói tóm lại – theo ý ông Đại tá TS – “nhân dân” phải được hiểu là “tầng lớp” nắm quyền, đó chính là “giai cấp” Nhà nước, là hệ thống đảng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, tức là toàn đảng ngày nay, và chỉ có những ai là đảng viên, nằm trong hệ thống đảng, phục tùng đảng, mới đích thực là “nhân dân”.
Phải thế chứ! Cứ rõ ràng ra như thế đi chứ! Nhưng sao các ngài không nói ra cái “nội hàm” của hai từ “nhân dân” này ngay từ khi mới cướp chính quyền, cách đây tám mươi năm về trước, để chúng em khỏi ngây ngô tưởng bở, khỏi xum xoe hít hà, từ bấy lâu nay đã nhận vơ mình là “nhân dân”, thuộc về “nhân dân”. Bây giờ thì mọi người mới ngã tứ chi ra rằng: “Ủy ban nhân dân” tức là “Ủy ban đảng”, “Hội đồng nhân dân” tức là “Hội đồng đảng”, “Chính quyền nhân dân” tức là “Chính quyền đảng”, “Quân đội nhân dân” tức là “Quân đội đảng”, “Công an nhân dân” tức là “Công an đảng”, “Tòa án nhân dân” tức là “Tòa án đảng”, “Nhà nuớc của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân” tức là “Nhà nước của đảng do đảng và vì đảng”, và tất nhiên “còn đảng còn mình” tức là “còn nhân dân còn mình”, vân vân và vân vân… Hợp lý quá đi chứ, thế mà cứ ấp a ấp úng từ cả mấy thế hệ nay, để rồi người này người kia ý kiến ý cò, kiến nghị này nọ lung tung cả lên.

Nên – lẽ đương nhiên – rất dễ hiểu khi ông Đại tá TS viết tiếp (Ở phần trích này em xin được thay cụm từ “nhân dân Việt Nam” bằng từ “đảng” cho đơn giản và dễ hiểu!):
… . Vì lẽ đó, trong quan hệ quốc tế đảng cũng có quyền đòi hỏi không một nước nào, một thế lực nào, một cá nhân nào được can thiệp vào quyền tự quyết lập hiến củađảng; càng không được cả gan nhận mình là “đảng” để phá hoại công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc của đảng. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mối quan hệ giữa các quyền đó, việc lập các tổ chức chính trị, xã hội, đảng đoàn ra sao là do đảng, Quốc hội Việt Nam (cũng là đảng) quyết định”.

Thế mà chẳng mấy ai chịu hiểu ra, lại còn “cả gan giả danh lợi dụng, mượn danh “nhân dân” để kích động chính nhân dân chống lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…, kích động tư tưởng đa nguyên, tạo dựng ý thức chính trị xây dựng một bản Hiến pháp theo tinh thần đa nguyên cái mà nhân dân ta đã nhận thức rõ và không chấp nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên.
Tới đây em cũng xin lạy các ngài, không còn thắc mắc gì nữa, chỉ một điều duy nhất còn lấn cấn là phải xử lý ra làm sao đây với cái giấy “Chứng minh nhân dân” (của mình)? Bởi nó là cái tờ giấy mượn danh, cái tờ tùy thân “cáo mượn oai hùm”, chứ em đâu có phải là “nhân dân” mà lại sở hữu loại giấy chứng minh này, để rồi oai thì có oai song khốn nỗi phải mang vạ vào thân trước các loại nghĩa vụ chất lên đầu mà chẳng có quyền hạn gì cả. Khẩu hiệu “Đóng thuế là nghĩa vụ của nhân dân” là của các ngài với nhau, tức là nghĩa vụ của đảng đoàn chứ sao lại quàng vào cổ chúng em?
Đề nghị “nhân dân” thay cho em cái giấy chứng minh này bằng một cái giấy có cái tên khác cho nó hợp lệ, có thể gọi là “Giấy căn cước” như thời “ngụy” cũ, vô thưởng vô phạt, chẳng vơ vào, cũng chẳng đụng chạm đến ai, hoặc thẳng thắn và huỵch toẹt hơn thì ghi là giấy “Chứng minh… sinh vật người” – Họ và tên: Trình Phụng Nguyên chẳng hạn – cho tiện việc sổ sách và để em còn liệu cơm mà gắp mắm. Em xin cúi đầu kính thưa “nhân dân” và “ơn nhân dân ơn Nhà nước” ạ.

T.P.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

0 comments:

Powered By Blogger