Thursday, November 24, 2011

Mỹ trở lại châu Á

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Hình: AP

Tuần lễ vừa qua, dư luận tại Úc lại sôi động vì chuyến viếng thăm hai ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là chuyến viếng thăm Úc đầu tiên của Obama kể từ ngày nhậm chức. Trước, ông đã dự định sang Úc hai lần nhưng cả hai, cuối cùng, bị hủy bỏ vì những công việc khác, quan trọng hơn, tại Mỹ. Trước ông, cũng đã có một số Tổng thống Mỹ đến thăm Úc. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm này vẫn được xem là có một ý nghĩa đặc biệt.

Bình thường, trong mọi cuộc viếng thăm, các Tổng thống Mỹ đều nhấn mạnh đến quan hệ đồng minh lâu dài và vững chắc giữa Mỹ và Úc, một quan hệ không những dựa trên các quyền lợi chung về chính trị hay kinh tế mà còn dựa trên các tương đồng về văn hóa, bao gồm, trước hết, một ngôn ngữ chung và cùng với nó, những bảng giá trị chung về dân chủ và nhân quyền. Lần này, ông Obama cũng nhấn mạnh lại điều đó. Ông cho không có đồng minh nào gần gũi với Mỹ hơn là Úc. Câu nói ấy không phải lúc nào cũng đúng về phía Mỹ nhưng chắc chắn là luôn luôn đúng về phía Úc, ít nhất là từ giữa thế kỷ 20 đến nay: Lúc nào Úc cũng theo và hết lòng ủng hộ Mỹ. Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53: Úc tham gia. Chiến tranh Việt Nam: Úc cũng tham gia. Gần đây hơn, trong cả hai cuộc chiến tranh tại Iraq lần thứ nhất (1990-91) và lần thứ hai (bắt đầu từ 2003) và cuộc chiến tranh tranh ở Afghanistan (từ 2001 đến nay).

Lần này, ngoài việc khẳng định lại mối quan hệ lâu đời ấy, Tổng thống Mỹ còn dùng chuyến viếng thăm Úc để gửi một thông điệp quan trọng đến toàn bộ các quốc gia ở châu Á: Mỹ đang quay lại với châu Á và sẽ ở lại đây. Nói “quay lại” vì, kể từ sau chiến tranh Việt Nam (1975), rõ ràng là Mỹ không còn quan tâm đến châu Á nhiều. Nhất là khi chiến tranh ở Iraq và Afghanistan bùng nổ, bao nhiêu tài lực và vật lực của Mỹ đều đổ dồn hết về phía Trung Đông. Các căn cứ quân sự lớn của Mỹ tại Philippines bị đóng cửa. Quân đội Mỹ chỉ còn hiện diện ở hai nơi: Nhật và Hàn Quốc. Bây giờ, để đánh dấu quyết tâm quay trở lại châu Á, Mỹ sẽ gửi lính thủy quân lục chiến qua một căn cứ quân sự tại Darwin, Úc. Số quân, thật ra, không nhiều: Năm tới, khoảng 250 người; năm 2014, 1000 người; và năm 2016-17, khoảng 2500 người. Ngoài lính, một số khí cụ chiến tranh như tàu chiến và phi cơ chiến đấu của Mỹ cũng được phép hoạt động tại Úc.

Quân số như vậy không nhiều. Chúng chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Chúng nhằm gửi đến các nước một số thông điệp: Một, Mỹ xem vùng châu Á – Thái Bình Dương là một địa điểm chiến lược, gắn liền với quyền lợi của Mỹ; hai, do đó, sẽ sẵn sàng hợp tác với các đồng minh để bảo vệ quyền lợi của họ cũng như của Mỹ; và ba, do sự hiện diện của Mỹ, các tranh chấp trong vùng, dù muốn hay không cũng được/bị quốc tế hóa. Đọc được các thông điệp ấy, Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu các “thế lực bên ngoài” không nên can thiệp vào các quan hệ nội bộ giữa các nước trong vùng. Theo Trung Quốc, mọi tranh chấp sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, trước áp lực của Mỹ và sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều quốc gia khác trong vùng, càng lúc Trung Quốc càng dịu giọng, ít nhất trong tại cuộc họp thượng đỉnh của các nước Đông Á tại Indonesia vào ngày Thứ Bảy 19/11/2011 vừa qua.

Điều đáng chú ý là quyết định liên kết quân sự giữa Mỹ và Úc lần này hầu như không gặp bất cứ sự chống đối nào từ giới làm chính trị tại Úc. Chính phủ đồng ý. Đã đành. Phe đối lập cũng đồng ý. Có vẻ như dân chúng cũng đồng ý. Không có cuộc biểu tình nào nổ ra để chống Mỹ. Trên các diễn đàn, những tiếng nói phê phán cũng rất hiếm hoi và hầu như không để lại một dư âm nào cả.

Quyết định quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cũng không gặp sự chống đối nào trên thế giới. Trừ Trung Quốc.

Lý do có lẽ cũng dễ hiểu. Dù, trong mọi cuộc họp báo, giới lãnh đạo Mỹ và Úc luôn luôn nhấn mạnh là không phải vì họ lo ngại Trung Quốc, nhưng hầu như ai cũng biết sự thật đằng sau các động thái quân sự ấy: bóng ma Trung Quốc. Mỹ trở lại châu Á cũng vì lo ngại Trung Quốc. Úc từ lâu vận động để Mỹ quay lại với châu Á – Thái Bình Dương cũng vì lo ngại Trung Quốc. Và dĩ nhiên, hầu hết các nước Á châu khác cũng mong muốn Mỹ trở lại. Cũng chỉ vì lo ngại Trung Quốc.

Cũng cần lưu ý là, trong mấy thập niên vừa qua, ở châu Á, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nổi lên như một cường quốc không những về kinh tế mà còn cả về chính trị và quân sự. Tuy nhiên, dường như không ai lo ngại Ấn Độ. Ngược lại, người ta còn thấy Ấn Độ là một đồng minh đáng tin cậy trong vai trò đối trọng của Trung Quốc.

Quốc gia lo ngại Trung Quốc nhất, trên nguyên tắc, là Việt Nam. Trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, có hai quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng nhất: Việt Nam và Philippines. Nhưng sức nặng oằn hẳn về phía Việt Nam. Một phần vì Việt Nam ở gần, sát biên giới Trung Quốc. Phần khác, Việt Nam cũng cô thế, và do đó, được hiểu là yếu đuối hơn. Đó là chưa kể ngoài quan hệ quân sự, Việt Nam còn chịu sức ép ghê gớm của Trung Quốc trong nhiều lãnh vực khác, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa và ý thức hệ.

Theo mạch lý luận ấy, quốc gia mừng rỡ nhất trước quyết định quay lại châu Á của Mỹ hẳn phải là Việt Nam. Bởi, ngoài Mỹ, không có nước nào khác có khả năng giúp Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, kể cả Ấn Độ (vốn có rất ít tham vọng trên trường quốc tế và có nhiều chuyện trong nước phải lo trước khi có thể sẵn sàng chấp nhận các rủi ro ở nước ngoài) và các nước trong khối Đông Nam Á (vốn còn khá yếu, chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc và một phần vì những ảnh hưởng ấy, còn rất chia rẽ). Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa hiểu là Việt Nam sẽ không bao giờ dám công khai bộc lộ sự mừng rỡ – cho dù họ có thực sự mừng rỡ. Với Trung Quốc, một sự mừng rỡ, dù kín đáo nhất, cũng trở thành một sự khiêu khích. Mà Việt Nam thì né tránh tối đa mọi sự khiêu khích.

Ở đây có hai điều đáng bàn: một, Việt Nam có thực sự xem đó là điều đáng mừng hay không; và hai, có thể tận dụng được sự chuyển hướng chiến lược ấy của Mỹ để tự bảo vệ mình hay không. Điều thứ nhất, chúng ta không có đủ dữ liệu để phán đoán. Nhưng điều thứ hai thì lại rất đáng hoài nghi. Cho đến nay, ai cũng thấy, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam còn lắm vấn đề. Thứ nhất là không ai thực sự tin cậy ai cả. Không thể có đồng minh khi thiếu sự tin cậy. Thứ hai là còn quá nhiều khác biệt giữa hai nước, trong đó, quan trọng nhất là khác biệt trong văn hóa chính trị: một bên đề cao dân chủ và xem dân chủ như một nguyên tắc tối thượng còn một bên thì dị ứng với dân chủ, tìm mọi cách để bóp nghẹt dân chủ.

Trong lịch sử, Mỹ cũng đã từng bắt tay với rất nhiều chế độ độc tài. Như phần lớn các chế độ độc tài ở Trung Đông, chẳng hạn. Có điều, các chế độ độc tài ấy có nhiều thứ để thế chấp: các mỏ dầu lửa. Dân Mỹ sẵn sàng làm ngơ trước các chính sách ngoại giao của Mỹ để tránh những biến động trong giá xăng dầu.

Còn Việt Nam thì lại không có gì để thế chấp cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc – VOA.

0 comments:

Powered By Blogger