“Luật nhà văn”, “luật nhà thơ” được đưa ra trên diễn đàn Quốc hội, rồi xuất hiện trên các báo chính thống. Báo nêu ý kiến của chính người đề xuất: đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Minh Hồng (bác sỹ, thành viên Hội nhà văn Việt Nam, người tự ứng cử ba lần và trúng cử cả khóa trước lẫn khóa này!)
Báo cũng nêu ý kiến của nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng mà tôi quý mến. Tất cả họ đều cho đề xuất của nhà văn Nguyễn Minh Hồng (ông cũng là nhà văn) là hơi “tào lao”. Nhưng, ngoài ra, có lẽ rất nên bàn vài chuyện khác liên quan.
Đầu tiên là vài điều hay.
Mỗi đại biểu Quốc Hội đều có quyền đề xuất dự thảo luật, dẫu là đề xuất bị cho là “tào lao” như “luật nhà văn”, là một dấu hiệu đáng hoan nghênh. Người đề xuất luật bị dư luận phản ứng, đấy cũng là dấu hiệu tốt, tăng “trách nhiệm giải trình” của đại biểu quốc hội. Người dân biết người “do mình bầu” hoạt động ra sao, có xứng đáng hay không; đấy cũng là điểm hay cho lần bỏ phiếu tiếp theo nếu họ vẫn dám nhận đề cử hay “tự ứng cử”. Điểm hay này thuộc về báo chí.
Vài điểm dở đáng suy ngẫm.
Chất lượng của bộ máy “dân cử” và công chức. Bộ máy này có vai trò hết sức to lớn đối với sự phát triển của đất nước, song có quá nhiều người ở bộ máy này nhưng hoàn toàn không xứng đáng.
Ông đại biểu cho rằng “tất cả các lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội đều được luật hóa trong khi văn học là lĩnh vực quan trọng như vậy trong tiến trình phát triển xã hội mà lại không có luật là không phù hợp”. Đó là một lý luận không phù hợp, chưa hiểu đúng vai trò của luật pháp.
Lợi ích nhóm, sự lobby hay vận động hành lang không có khung khổ minh bạch và ngày càng lộ rõ. Có bao nhiêu vấn đề cấp bách của đất nước, nhưng do là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, là đại biểu quốc hội, nên “nếu phải lựa chọn giữa luật Biểu tình và luật Nhà văn” thì ông “vẫn chọn luật Nhà văn”.
Có cả lợi ích nhóm của các nhà văn nhà thơ nữa, chứ đâu chỉ có các thế lực chính trị, xã hội; đâu chỉ có các đại gia kinh tế!
Với tư cách một tổ chức xã hội dân sự, Hội nhà văn cần có tiếng nói của mình, nhưng ông nghị sĩ “nhà văn” này có đại diện cho Hội? Có lẽ Hội nhà văn cũng nên xem xét lại tổ chức, hoạt động và cách thức biểu thị chính kiến của mình với tư cách một hội.
Ông nghị sĩ bảo “ý kiến của chúng tôi với tư cách là thành viên của Hội Nhà văn thì chúng tôi rất muốn đưa luật này lên”.
Chúng tôi là ai? Hội nhà văn hay vài người trong hội? Nếu tất cả các thành viên của Hội nhà văn đều có một phiếu trong quyết định kết nạp hoặc khai trừ một thành viên, hay trong nêu chứng kiến (để lobby của mình), chắc sẽ tốt hơn.
Theo Bee.net
0 comments:
Post a Comment