Dưới tựa đề « Đình công tại Trung Quốc... nơi công nhân đã biết cách tự vệ », nhật báo Le Monde đã phân tích tình hình công nhân nước này ngày càng mạnh dạn đình công đòi cải thiện lương bổng và điều kiện làm việc. Đáng chú ý là thái độ ngày càng chủ động của công nhân : Họ không còn trông chờ vào chính quyền, mà biết tổ chức lại để chủ động đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Đặc phái viên nhật báo Pháp Le Monde đã đưa độc giả đến Thẩm Quyến, thành phố Trung Quốc tập trung hàng trăm ngàn công nhân làm việc trong các cơ sở sản xuất máy móc điện tử. Tại đây, các vụ đình công ngày càng gia tăng, nhưng không có nhiều tiếng vang vì liên quan đến các nhà máy không được báo giới chú ý.
Sự kiện nổi bật gần đây nhất thu hút tờ báo Pháp là cuộc đình công của hơn một ngàn công nhân xưởng chế tạo đồng hồ Citizen của Nhật Bản. Theo Le Monde, phải mất mười ngày đương đầu, 1.178 nhân viên của nhà máy này mới buộc được giới chủ nhân của họ lùi bước. Thứ Năm, 27/10, ban giám đốc nhà máy này đã phải chấp nhận trả công cho 40 phút mỗi ngày, bị trừ vào lương của công nhân từ năm 2005 đến nay, viện cớ đó là khoảng thời gian các công nhân dùng để đi vệ sinh, cho nên không tính vào thời gian lao động !
Cho dù vậy, theo đặc phái viên Le Monde, khoảng 100 công nhân vẫn tiếp tục đình công, cho rằng các đề nghị của giới chủ không đầy đủ. Họ bị đe dọa sa thải nếu họ không nhượng bộ. Công nhân của hãng Citizen cũng than phiền là ban giám đốc đã không trả đủ tiền bảo hiểm sức khỏe cho họ, chỉ chi ra 77 nhân dân tệ một tháng (8,6 euro) trong khi mà quy định yêu cầu chủ nhân phải trả đến 10% lương cho vấn đề này. Mặt khác, những ai chưa đủ thâm niên một năm thì không được gì cả.
Theo báo Le Monde, cuộc đình công của nhân viên nhà máy Quan Tinh nói trên chỉ là một trong nhiều vụ đình công khác, xẩy ra từ mùa xuân năm ngoái, khi giới truyền thông còn chú mục đến phong trào đấu tranh tại nhà máy Honda cũng như một loạt những vụ tự tử tại khu tập thể của nhà máy Foxconn chuyên lắp ráp máy móc điện tử.
Nhân viên hãng Quan Tinh cũng lấy cảm hứng từ phong trào tại một nhà máy khác cũng làm việc cho công ty Nhật Bản ở Đông Quan, một thành phố công nghiệp tiếp giáp với Thâm Quyến. Tại đấy công nhân yêu cầu thanh toán mười phút làm việc bị ban giám đốc cho là "tình nguyện", và họ đã thành công sau hai tuần đình công.
Nhận xét về phong trào đình công của mình, một công nhân hãng Quan Tinh từng tham gia đấu tranh từ ngày đầu tiên 17/10, cho biết là trong những năm gần đây, "các công nhân đã nhận thức được rằng cần phải đấu tranh cho quyền lợi của mình và thông qua mạng Internet, chúng tôi biết được những gì đang xảy ra".
Trong một báo cáo mang tên "Đoàn kết là sức mạnh" và được công bố vào giữa tháng Mười vừa qua, hiệp hội bảo về người lao động tại Trung Quốc China Labour Bulletin (Trung Quốc Lao công Thông tấn), trụ sở tại Hồng Kông đã ghi nhận rằng công nhân Trung Quốc bắt đầu chủ động đấu tranh đòi cải thiện điều kiện của họ, chứ không còn chờ đợi được các quyết đinh đến từ chính quyền. Công nhân cũng được tổ chức tốt hơn và cảm thấy đoàn kết với nhau hơn.
Theo nhận định của CLB, các cuộc đấu tranh xã hội này thường thành công, cho phép công nhân được tăng lương. Trong các khu công nghiệp của Thâm Quyến, mức lương tối thiểu hàng tháng được tăng 20% vào tháng Ba vừa qua, lên thành 1.320 nhân dân tệ (146 euro). Mức tăng này thực ra chẳng bao nhiêu do tình trạng lạm phát. Giá thực phẩm chẳng hạn đã tăng 13,4% trong vòng một năm nay.
Thủ tướng Hy Lạp : Người làm châu Âu chấn động
Thông báo trưng cầu dân ý về kế hoạch trợ giúp của châu Âu của thủ tướng Hy Lạp đã làm náo động báo giới Pháp ngày 02/10/2011. Hầu hết các báo đều dành tít trang trang đầu, nhiều trang phân tích và bài xã luận để kết tội thủ tướng Papandreou, như tờ Le Figaro : « Papandreou, người đẩy đồng euro vào cơn nguy khốn », hàng tít bên cạnh ảnh thủ tướng Hy Lạp mắt nhìn xuống vẻ tội lỗi.
Le Monde cũng cho là cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp « đe doạ đồng euro », trong khi La Croix nhận thấy « Hy Lạp làm châu Âu chao đảo », hàng tít trang đầu. Libération chỉ đưa một từ chiếm gần hết trang nhất : « hỗn loạn », viết theo kiểu ký tự Hy Lạp.
Báo giới Pháp một mặt ghi nhận chấn động mà thông báo của thủ tướng Papandreou đã gây ra, nhưng mặt khác, cũng phân tích lý do đã khiến ông Papandreou có quyết định ‘liều lĩnh’ như thế.
L’Humanité tóm lược đánh giá chung trong hàng tựa trang trong : « Bị dồn vào chân tường, Papandreou đã phải nhờ đến lá phiếu người dân, bất chấp khả năng các thị trường bị khốn đốn ». Trước sự phản đối chưa từng thấy của người dân Hy Lạp, với phong trào đình công, biểu tình rầm rộ diễn ra hầu như hàng ngày, và bị chống đối ngay trong phe đa số của ông, thủ tướng Hy Lạp đã quyết định đánh cuộc, chơi trò được ăn cả ngã về không.
Ông hy vọng là nhân cuộc vận động trưng cầu dân ý, ông sẽ cho người dân Hy Lạp thấy trước viễn cảnh là kế hoạch trợ giúp của châu Âu và chính sách thắt lưng buộc bụng kèm theo là cứu cánh duy nhất thay thế cho tình hình hỗn loạn xã hội, kinh tế, tài chính hiện nay. Và nếu được đa số tán đồng, thì ông sẽ có điều kiện dễ dàng hơn thực hiện chính sách của mình, vị thế sẽ được củng cố.
Đánh cuộc là như thế, nhưng Libération ở trang trong thì nhìn thấy đây là một hành động khá điên rồ. Libération cũng ghi nhận ông Papandreou bị dồn vào chân tường, bị kẹt giữa sức ép của một bên là châu Âu, và bên kia là người dân Hy Lạp. Vị thủ tướng đã đánh ván bài poker, có điều là ông có thể bị lật đổ và cuộc trưng cầu dân ý không được tiến hành.
Theo Libération, đảng Pasok của ông Papandreou đang kiểm soát Quốc Hội chỉ còn đa số khít khao, 152 trên tổng số 300, và hiện nay thì từ tả sang hữu, các đảng rất lo ngại trước quyết định trưng cầu dân ý của thủ tướng, nhất là đảng Pasok mà uy tín đang tuột dốc.
Những đảng khác thì lo là kế hoạch trợ giúp châu Âu bị các chủ nợ Hy Lạp đình hoãn hoặc hủy bỏ, cho nên hầu như mọi người đều chống đối ông Papandreou. Hiện nay cánh tả đã yêu cầu tổng thống Hy Lạp thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và tổ chức bầu cử.
Libération nhìn thấy điều chắc chắn trong ván bài liều mạng vào lúc này của thủ tướng Hy Lạp là ông làm tăng thêm sức ép ngoại giao và tài chính của các chủ nợ của Hy Lạp trong lúc mà Athens đang đợi tháo khoán 8 tỷ euro để có thể hoạt động cho đến cuối năm. Vì nếu không nhận được khoản tiền này thì Hy Lạp có thể bị xem là mất khả năng thanh toán, nói một cách cụ thể, là sẽ không có khả năng trả lương cho công chức của mình.
Báo Le Monde cũng nhìn thấy viễn cảnh này. Tờ báo ghi nhận là Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI đã sửng sốt trước thông báo trưng cầu dân ý, và không tin là những khoản trợ giúp sẽ được tháo khoán nhanh chóng. Sau cuộc họp thượng đỉnh tuần qua, châu Âu nghĩ là đã giải quyét được vấn đề phá sản của Hy Lạp, giờ đây mối lo ngại phá sản này đang trở lại.
Trong bài xã luận tờ báo cũng đánh giá ông Papandreou điên rồ đánh cuộc, và tự hỏi là cái gì đã khiến ông Papandreou hành động như thế. Phải chăng ông muốn chứng minh lập luận của những người như ở Đức hay nơi khác, vốn tiếc là đã trót để Hy Lạp vào vùng đồng euro ?
Le Figaro cũng bực bội nói đến ván bài poker (« xì phé ») nguy hiểm của Hy Lạp, tít bài xã luận. Tờ báo xem Hy Lạp không khác gì một liều thuốc độc và nêu câu hỏi với giọng bực bội là ‘phải chăng một ngày nào đó châu Âu sẽ phải đoạn tuyệt với liều thuốc độc Hy lạp này ?’.
Tờ báo khẳng định là đó là khả năng hoàn toàn có thể xẩy ra, nhưng chắc chắn là sẽ không còn ông Papandreou, người đã ‘thản nhiên’ chơi đùa với tưong lai của Hy Lạp và vùng đồng euro trong một ván bài liều lĩnh. Le Figaro không nghi ngờ gì về kết quả cuộc trưng cầu dân ý trong bối cảnh người dân Hy Lạp bị buộc phải thắc lưng buộc bụng do kế hoạch trợ giúp của châu Âu.
Bồ Đào Nha : 40% cư dân thủ đô dưới ngưỡng nghèo khó
Ngoài Hy Lạp, Libération hôm nay cũng nhìn sang một nước châu Âu khác, cũng nợ nần chồng chất với người dân lâm vào cảnh rất khó khăn : Bồ Đào Nha, nơi 40% dân cư thủ đô Lisboa phải sống với thu nhập rất thấp, dưới cả ngưõng nghèo khó.
Bài phóng sự trên Libération minh hoạ cho tình cảnh khó khăn hiện nay, đưa độc giả đến thành phố Cacém, sát cận Lisboa, như một ngoại ô của thủ đô, đến viếng một trường cấp 3, Gema- Barros. Ngoài các lớp học, trường còn có cả một kho lương thực để giúp đỡ phụ huynh học sinh nghèo khó.
Một giáo viên giải thích hóm hỉnh là tục ngữ Trung Hoa có câu : không nên cho cá mà hãy dậy người ta câu cá, nhưng chúng tôi ở đây phải làm cả hai việc này. Và ông kể lại là đã khám phá ra việc học sinh của ông đã không tập trung trong lớp được vì bụng đói meo. Có em đã ngất xỉu. Cho nên phải hành động.
Kho lương thực gồm tất cả những thứ cần thiết từ đường, sữa, dầu ăn, rau... Đây là những mặt hàng gần hết hạn sử dụng được siêu thị kế bên cung cấp, cũng như anh bán rau quả bên cạnh. Và khoảng 7 giờ tối thì phụ huynh đón các em và lấy thức ăn mang về. Điều làm vị giáo viên tiếc rẻ là vì phương tiện có hạn nên chỉ phục vụ được vài chục gia đình.
Trên số 1.200 em, thì gần một nửa ăn trưa ở nhà ăn của trường, một nửa số này đóng tiền, 0,73 euro, một nửa thì không, và tất cả đều cho rằng ở trường ăn ngon hơn ở nhà rất nhiều.
Gema- Barros, theo bài phóng sự, không phải là trường duy nhất phục vụ như trên, hàng mấy chục trường ở nhiều nơi đã làm như Gema - Barros, điều này cho thấy những khó khăn ngày càng nhiều bên trong quốc gia phiá Nam này của vùng đồng euro, mà lương tối thiểu không quá 485 euro.
Hiện người ta ước tính có 18% dân Bồ Đào Nha sống dưới mức ngưỡng nghèo khó, đa số là người về hưu. Đi đâu cũng thấy cảnh phân phát lương thực, người ăn xin ngày gia tăng.
Tác giả bài báo đánh giá là 3 kế hoạch kinh tế khắc khổ của chính phủ cánh tả José Socrates, đã làm tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn. Và với những điều kiện khắc khổ mà Quỹ Tiền tệ FMI đã áp đặt và gắn với việc trợ giúp tài chính vào tháng 5, thì tương lai còn sẽ đen tối hơn nữa.
Trong phần kết luận, bài báo cho là trường Gema - Barros đã góp phần, tuy rất bé nhỏ, trong việc giúp cho một số người bớt cảnh túng thiếu, như bà Fatima rất xúc động đã giải thích : « Chồng tôi đã chết, tôi cố đi làm thêm nhưng không đủ trả tiền điện, tiền nước, may mắn là nhờ nhà trường chúng tôi được ăn miễn phí.
Vị giám hiệu nhà trường giải thích : Phần đông phụ huynh không đủ tiền tiêu xài đến hết tháng, nhất là những người thất nghiệp. Chúng tôi có lớp dậy họ quản lý ngân sách, tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi cũng tổ chức những buổi dậy may, sửa ống nước, sửa điện thoại di động. Họ vừa tiết kiệm được tiền và cũng cảm thấy có ích nữa. Đây chỉ là tạm thời băng bó vết thương mà thôi, nhưng tình hình đã đến nông nỗi như vậy đấy. »
0 comments:
Post a Comment