Sunday, November 27, 2011

Chuyện phiếm: VN sẽ như thế nào nếu Đảng CS vẫn tồn tại 10 năm nữa?

Nguyễn A

Đảng và Nhà nước

Cũng nhờ quyết tâm đổi mới lần thứ hai, năm 2012, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Hiến pháp mới, trong đó Điều 4 được đổi thành Điều 4a (vì đã có Điều 5). Điều 69 cũ quy định „công dân có quyền lập hội‟ được thay bằng „công dân có quyền gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc‟ và thay cụm từ „biểu tình‟ bằng „tuần hành có đức tin‟.

Điều 69 mới, được đọc lại như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc và tham gia tuần hành có đức tin theo quy định của pháp luật.

Riêng quyền tự do ngôn luận, tuy Luật Nhà Văn không được thông qua nhưng thay bằng Luật Tự-Ngôn-Báo (viết tắt của tự-do ngôn-luận và báo-chí).

Theo luật mới này, các từ „nhạy cảm‟ đều được quyền tự do sử dụng nhưng phải theo luật, chẳng hạn như khi nói „Hoàng Sa-Trường Sa là của VN‟ thì phải thay bằng „Hoàng Sa-Trường Sa là của TA‟ như đồng chí Tố Hữu đại thi bá của VN, đã từng nói „Bên kia biên giới là nhà, bên đây biên giới cũng là quê hương‟.

Không những thế, các cụm từ nhạy cảm khác như „Tự-Do‟, „Dân-Chủ‟, “Nhân-Quyền” thì nay không còn là „nhạy cảm‟ nữa. Cũng theo hướng dẫn của luật trên, khi sử dụng chỉ phải thêm „xã hội ta hơn gấp vạn lần tư bản‟.

Ví dụ như, khi nói hay viết từ „dân chủ‟ thì phải nói hay viết là „dân chủ – xã hội ta hơn gấp vạn lần tư bản‟ thì mới đúng luật. Xem ra, luật biểu tình có hay không không quan trọng vì chả lẽ người dân lại đi biểu tình đòi quyền „tự do, dân chủ, nhân quyền – xã hội ta hơn gấp vạn lần tư bản‟ à?. Mất cả hứng.

Các thành tựu kể trên là nhờ năm 2011 các Đại biểu QH như Nguyễn Minh Hồng với Luật Nhà văn, Hoàng Hữu Phước với đề nghị không ra Luật biểu tình, bị chống đối mãnh liệt. QH đã dựa vào quyết tâm chính trị kết hợp với tinh thần biết lắng nghe, nhất là thể hiện “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Đây cũng chính là tựa bài viết nổi tiếng của cựu Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Doan được đăng trên nhiều báo trong cũng như ngoài nước thời đó.

Song song với việc sửa đổi Hiến pháp để VN trở thành nhà nước pháp trị, Đảng cũng ra sức trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo. Các „hạt giống đỏ‟ được ưu tiên cất nhắc vào các vị trí then chốt, điển hình là em bé 5 tháng tuổi bình chọn cho Hạ Long năm 2011, năm nay em 10 tuổi 5 tháng, được đặc cách phong chức Bộ trưởng Bộ Văn-Thể-Du thay ông của em là Hoàng Tuấn Anh vừa về hưu, vấn đề em chưa học xong tiểu học không là vấn đề.

Cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng cũng truyền đạt kinh nghiệm lãnh đạo cho thế hệ Tổng bí thư kế tiếp „Văn kiện đại hội Đảng trước nay vẫn đúng, các đồng chí cứ thế mà đọc, mà thực hành, nếu cần đổi mới thì cứ đưa trước ra sau, đưa sau ra trước là được, đó là thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân‟.

Xã hội và Đời sống

Lúc này cụ ông Nguyễn Văn Tín, đại biểu dân oan qua đời (năm 2011 ông cụ đã 96 tuổi). Ngày cụ mất, để đánh dấu một đời dân oan, đại diện Nhà nuớc đã gom đơn khiếu kiện trong suốt 23 năm của cụ lại để dùng thay củi trong buổi lễ hỏa táng cụ.

Và cũng để kỷ niệm thời kỳ cả nước tiêu cực bước qua thời kỳ đổi mới, Nhà nước cũng làm như thế đối với bà Lê Hiền Đức khi bà qua đời bằng các đơn chống tiêu cực tham nhũng của bà (năm 2011 bà đã 79 tuổi). Trong số đơn đó có cái còn nằm nguyên trong phong bì. Thời đó, các lãnh đạo thường hay âu yếm thân mật gọi bà là „bà già lắm chuyện‟ vì bà cứ „thích‟ đòi gặp lãnh đạo mà lãnh đạo thì lúc nào cũng đang bận…lãnh đạo.

Người được vinh dự châm ngọn lửa khai mạc trong hai buổi buổi hỏa táng „hoành tráng‟ trên là cựu Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng, vì ông là người đã tuyên bố mạnh mẽ sẽ từ chức nếu không diệt được tham nhũng.

„Giải phóng‟ đối với dân Tây thực ra là mỹ từ, nếu năm 1954, ta có „giải phóng Thủ đô‟ sau đó là „cải cách ruộng đất‟. Năm 1975, ta có „giải phóng miền Nam‟ theo sau là „học tập cải tạo‟ và trước thời kỳ đổi mới lần 2 năm 2012, ta cũng có „giải phóng mặt bằng‟ sau đó là „khách sạn ngàn sao‟, thì bây giờ, trong thời đại đổi mới, không ai còn dùng những „mỹ từ‟ đó nữa mà thay bằng „giải phóng không gian‟ và theo sau là „sát thủ đầu mưng mủ‟.

Ví dụ ngày xưa khi gặp nhau, người ta thường xanh mặt hỏi „nhà bác có giải phóng mặt bằng không, bao nhiêu mét vuông‟ thì ngày nay người ta tái mặt hỏi „nhà bác có giải phóng không gian không, bao nhiêu mét khối‟, đại loại thế.

Năm 2021, New7Wonders một lần nữa lại mời VN tham gia bình chọn thành phố lạ nhất thế giới, VN đã hưởng ứng tích cực và trúng giải nhất. Số là, tại các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Rai, nơi cư trú cho người và gia súc đều làm theo dạng nhà sàn và cao hơn mặt biển từ 100 đến 200 mét tạo ra một cảnh quan sinh động mà không nơi nào trên thế giới có. VTV1 khi trình chiếu buổi phỏng vấn cảm tưởng của người dân Đắk Nông về giải thưởng, đã cắt bỏ đoạn „lý do xây nhà cao vì sợ không biết hồ chứa bùn đỏ bauxit bị vỡ lúc nào!‟. Riêng báo Hà Nội Mới thì đi một bài dài ca tụng người dân Tây nguyên vẫn giữ được nguyên bản sắc thiên nhiên kết hợp nhuần nhuyễn với hiện đại đó là, vì ở nhà trên cao nên phương tiện di chuyển từ nơi này sang nơi khác đều bằng cách đu dây thừng Made in China.

Riêng chuyện giải tỏa tắc ách giao thông thì hoàn toàn thất bại, nghĩa là bây giờ, tức 10 năm sau, tắc ách giao thông đủ cả 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm vì các Bộ trưởng khác cũng bắt chước cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm cán bộ chơi golf trong ngày nghỉ khiến lưu lượng xe cộ trong ngày nghỉ tăng lên gấp nhiều lần.

Kinh tế và Doanh nghiệp

Năm 2012, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi xem xét hết các đề nghị, đã chấp thuận tái cơ cấu Vinashin bằng cách cho đổi tên là Vinafloating, gọi nôm na là Vi Na Nổi.

Cũng dưới thời Thủ tướng Dũng, các tập đoàn kinh tế quốc doanh được cơ cấu lại và trở thành tập đoàn kinh tế thị trường theo định hướng Cộng Sản Chủ Nghĩa.

Riêng các cơ sở kinh doanh tư nhân bị phá sản sau cơn tsunami bão giá cuối năm 2011 thì được gom họp lại và trở thành tập đoàn kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.
Đây là hướng đột phá mới của Đảng dù các chuyên gia kinh tế VN chưa có định nghĩa chính xác thế nào là „kinh tế thị trường theo định hướng CSCN hay định hướng XHCN‟.

Các tập đoàn kinh tế theo định hướng CSCN trở thành „cú đấm thép‟ (thay cho Vinashin-quả đấm thép) và các tập đoàn kinh tế theo đinh hướng XHCN trở thành „cú đá thép‟.

Ngoài ra, để đề phòng nạn thiếu thanh khoản gây nguy ngập cho ngân hàng như xảy ra vào cuối năm 2011 và 2012, Nhà nước đã đi một bước đột phá khác trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng mà các kinh tế gia hàng đầu thế giới phải nhức đầu thán phục, đó là, cho phép các tỉnh, thành trong cả nước được phép in tiền nếu thiếu tiền cho các dự án của tỉnh, và chỉ cần thông báo cho ngân hàng trung ương là đủ.

Trên đây là sơ lược những thành tựu đổi mới tại VN nếu Đảng CS còn tồn tại thêm 10 năm nữa.

Các bạn ở Hà Nội, tình cờ có hôm nào bắt gặp một cụ già ngồi buồn gãi… lăn tăn, thỉnh thoảng đập ruồi, ngáp vặt vì không còn chuyện gì làm thì đó chính là cụ… Kami. Còn riêng cụ Châu Xuân Nguyễn thì đang dùng kính lúp nghiên cứu tính ưu việt của nền „kinh tế thị trường theo định hướng cộng sản chủ nghĩa‟ tại Melbourne.

Nguyễn A

0 comments:

Powered By Blogger