Đúng như dự đoán, sau khi tập đoàn Mỹ Exxon Mobil loan báo phát hiện mỏ dầu khí mới ngoài khơi miền Trung Việt Nam, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng cảnh cáo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua, 31/10/2011 đã lại nêu lên quan điểm cố hữu là các công ty ngoại quốc không được quyền thăm dò và khai thác tại các vùng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Theo hãng Reuters, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác định trở lại điều được gọi là « lập trường nhất quán » của Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc có « chủ quyền không thể tranh cãi » trên Biển Đông, do đó các công ty nước ngoài nên tránh tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển có tranh chấp.
Lời cảnh cáo các tập đoàn dầu khí ngoại quốc được đưa ra đúng một tuần sau khi tập đoàn Mỹ Exxon Mobil loan báo, hôm 25/10, là họ đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Đà Nẵng, sau mũi khoan thứ hai tại một trong ba lô đã được Việt Nam cấp phép cho thăm dò dầu khí từ năm 2008.
Theo Hà Nội, các lô mang ký hiệu 117, 118, và 119 giao cho Exxon Mobil thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chiếu theo luật biển quốc tế. Thế nhưng, khu vực này lại bị Bắc Kinh tranh chấp, dựa theo tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, được thể hiện trong tấm bản đồ « hình lưỡi bò » do chính Trung Quốc đơn phương vẽ ra.
Trong buổi họp báo, ông Hồng Lỗi tuy nhiên đã không trả lời thẳng câu hỏi là liệu Trung Quốc có kế hoạch đòi Exxon Mobil rút khỏi thỏa thuận làm ăn với Việt Nam hay không mà chỉ nói chung chung : « Chúng tôi hy vọng là các công ty nước ngoài không can dự vào công việc thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không nêu đích danh tập đoàn Exxon Mobil.
Về phần mình, Exxon Mobil vẫn chưa cho biết quy mô mỏ dầu khí mà họ vừa phát hiện. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin báo chí, Exxon Mobil tin rằng trữ lượng mỏ này có thể lên đến 5 nghìn tỷ feet khối (cf). Địa điểm mà Exxon khoan mũi thứ hai mang tên là Cá Voi Xanh 2X, thuộc lô 118, gần bể trầm tích Phú Khánh, ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam.
Chính sách hù dọa xuyên suốt ít nhất là từ năm 2007 đến nay
Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc gây áp lực « cấm » các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam trong đó có Exxon.
Tháng 7 năm 2008, báo chí Hồng Kông tiết lộ : Bắc Kinh đã cảnh cáo tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ Exxon Mobil là nên từ bỏ hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam tại hai lô 135 và 136 trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam ở Biển Đông, cho rằng điều đó vi phạm chủ quyền Trung Quốc. Thông qua các nhà ngoại giao của họ tại Washington, Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa, quyền lợi của Exxon tại Trung Quốc có thể bị tổn hại nếu không tuân lệnh.
Chính quyền Việt Nam vào khi ấy đã nhấn mạnh rằng, thỏa thuận giữa Hà Nội với các đối tác dầu khí ngoại quốc, đều chỉ liên quan đến các vùng biển nằm trong khuôn khổ quyền hạn và chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Exxon cứng rắn hơn BP trong việc chống lại áp lực của Bắc Kinh
Ngoài Exxon, vào năm 2007, cũng với luận điểm bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc đã thành công trong việc phá hủy hợp đồng giữa Việt Nam và tập đoàn Anh Quốc British Petroleum (BP) tại lô 5-2 và 5-3 ở vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và hải phận của Việt Nam, với lý do là nơi đó nằm trong khu vực thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Viện cớ khu vực bị căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền, BP đã đình chỉ kế hoạch thăm dò, trước khi bỏ hẳn hai năm sau. Mới đây, BP đã bán lại toàn bộ các phần hùn của họ trong các dự án khai thác ngoài khơi Việt Nam.
Các vụ gây sức ép kể trên đã bị chính quyền Mỹ nhiều lần công khai phản đối nhân các cuộc điều trần ở Thượng viện Hoa Kỳ, hay trên các diễn đàn an ninh quốc tế, xem đấy là những vụ vi phạm trắng trợn quyền tự do kinh doanh.
Trong cuộc điều trần tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào tháng 07/2009 chẳng hạn, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương đã tố cáo đích danh Bắc Kinh : « Từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu một số hãng dầu khí Hoa Kỳ và ngoại quốc là phải đình chỉ công việc thăm dò cùng với các đối tác Việt Nam tại vùng Biển Đông, nếu không muốn phải gánh chịu những hậu quả trong công việc kinh doanh với Trung Quốc ».
Cùng quan điểm trên đây là Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối ngoại. Ông từng nhấn mạnh rằng : « Các hình thức hù dọa của Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế một cách công bằng và tự do trong vùng. Việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, hay là những lời đe dọa công khai nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông, nêu bật các rủi ro ngày càng tăng đối với công việc đánh cá qua lại trong khu vực cũng như giới hạn việc thăm dò tìm kiếm tài nguyên. Nếu không bị phản đối, các hành động kể trên có thể tác hại đến sự thịnh vượng của khu vực ».
Ngoài các tập đoàn Anh Mỹ, công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh cũng bị Trung Quốc hù dọa. Mới đây, Bắc Kinh đã chính thức gởi công hàm phản đối New Delhi về đề án thăm dò tại hai lô 127 và 128, cũng ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, trong lúc một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, bất cứ một công ty ngoại quốc nào tham gia vào các hoạt động khai thác dầu khí trong những vùng thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc, mà không được phép của Trung Quốc, đều vi phạm chủ quyền cũng như quyền lợi của Trung Quốc.
Thế nhưng, như hầu hết các quan sát viên quốc tế - ngoại trừ các « chuyên gia » Trung Quốc – đều ghi nhận, đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông vừa mơ hồ, vừa rộng khắp.
Michael Richardson, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, trên báo The Straits Times xuất bản ở Singapore ngày hôm qua, 31/10/2011, đã không nói gì khác hơn khi cho rằng : « Trung Quốc đã đăng ký với Liên Hiệp Quốc đòi hỏi chủ quyền của họ trên 80% vùng Biển Đông. Tuy nhiên, tấm bản đồ chính thức ghi lại các đòi hỏi lại không có tọa độ cụ thể. Và Trung Quốc cũng không nói rõ là có phải là họ đòi làm chủ mọi nguồn dầu khí dưới đáy vùng biển bên trong các đường gián đoạn trên tấm bản đồ của họ hay không. »
0 comments:
Post a Comment