Tôi 24 tuổi, nữ và tôi là người Việt Nam.
Vừa đọc một bài báo nói rằng: Thế giới đón công dân thứ bảy tỷ vào ngày 31/10/2011. Sau khi có tốc độ tăng trưởng chậm trong hầu hết lịch sử loài người, số dân trên trái đất đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 50 năm qua.
Đọc rồi tôi tự ngẫm nghĩ: dân số tăng, và chúng ta đang ở đâu trong câu chuyện dài về đời sống con người?
Không quá khó để ta có thể biết mình đang đứng ở vị trí nào trong xã hội. Một người thành đạt, nhiều tiền, danh vọng hay một người an phận, bằng lòng và chấp nhận mọi chuyện xảy đến với mình như một lẽ tự nhiên? Không ai ngoài bản thân chúng ta biết rõ mình muốn gì và mình còn e ngại điều gì. Nhưng đôi khi cuộc sống không đơn giản như những điều chúng ta nghĩ. Không phải mình cứ phấn đấu, mình biết mình đứng ở đâu là mình có thể an nhiên sống trong thực tại. Còn nhiều lắm những cám dỗ, lọc lừa. Còn nhiều lắm những chèn ép, đua chen. Và còn nhiều lắm những con người với trái tim ngày một giá băng trước số phận của đồng loại mình.
Vậy thì mình nằm trong số nào giữa nhân loại vừa đón con số bảy tỷ dân này? Một câu hỏi khó hay dễ? Hay sẽ chỉ có những cái đầu lắc lắc, cái mặt vội quay đi né tránh câu hỏi, né tránh phải trả lời một vấn đề mà người ta tự ý cho rằng nó là nhạy cảm. Sao lại khó trả lời như thế? Phải chăng vì tất cả chúng ta đã bước sang ngưỡng của sự tính toán, của máu lạnh, của “sống chết mặc bay”? Không ít thì nhiều, nhân cách đã bị mai một.
Tôi hay một vài người hay nói giờ chỉ muốn về quê ở. Thành phố bây giờ đua chen chật trội, nhà nhà kín cổng cao tường, người trong một gia đình còn chẳng mấy khi ngồi ăn cùng nhau, môi trường thì ngày một ô nhiễm. Rồi người ta đổ lỗi cho công việc, cho cuộc sống khó khăn, nếu không biết tận dụng cơ hội, không biết đua chen thì bị loại khỏi nhịp sống khẩn trương này ngay. Nói là như thế nhưng người ta vẫn ngày ngày bám trụ vào mảnh đất Thủ đô phồn hoa đô hội này. Ngay cả tôi, muốn về quê lắm nhưng về thì biết làm gì với công việc hiện tại của mình? Mình đâu phải là giáo viên để có thể chạy việc vào một ngôi trường làng nào đó rồi an phận với bảng phấn trường lớp, mình cũng đâu phải một người có nhiều kinh nghiệm, có “bóng quan” che chở đủ để nhét mình vào một vị trí nào đó ngay cả trái ngành trái nghề. À mà cũng có người che chở đấy, nhưng khi mà năng lực mình chưa đủ thì nhảy vào cũng chỉ như là thêm một con sâu làm rầu nồi canh, cố gắng nhìn vào thực tế rồi chờ đợi một người tài năng đức độ chấp nhận về quê làm giàu cho quê hương mình mà mỏi mắt vẫn không thấy nhân tài đâu. Thì ra những người giỏi lại là những người không thích về quê. Người ta phải tận dụng chất xám để làm việc ở những môi trường “đẳng cấp” hơn, và quan trọng là kiếm được nhiều tiền hơn. Thế thì trách gì nhiều người luôn thắc mắc tại sao quê mình mãi còn nghèo, bộ máy chính quyền cấp xã huyện ngày một tha hóa, suy đồi. Người này cướp của của người kia. “Trộm cắp như rươi”, sơ hở một chút là xe cộ, tài sản, gia cầm bỗng chốc chẳng còn gì, bao công sức cũng bay biến hết cả.
Nói là như thế để biết ở quê bây giờ đâu còn giữ được nét đẹp vốn dĩ có từ ngày còn “chân lấm tay bùn”, ngày còn “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Bây giờ người ta lại sống theo kiểu nửa vời, quê không ra quê, phố cũng không phải phố. Cuộc sống thì nghèo nhưng người ta cũng học theo thành phố ăn chơi đua đòi, học sinh cũng quần nọ mốt kia, tóc nhuộm xanh đỏ, điện thoại tít tít, yêu đương từ khi còn cấp hai cấp ba, có khi còn cấp một. Rồi chưa học xong cấp ba đã phải cưới vội vì trót mang bầu với người yêu bằng tuổi, mặt còn búng ra sữa. Tự hỏi rồi sau đó những cặp vợ chồng trẻ con đó sẽ sống ra sao, nuôi con thế nào, dạy dỗ con cái làm sao khi mà bố mẹ chúng còn chưa ý thức được hành vi, lối sống của chính mình. Và bố mẹ của những cặp vợ chồng trẻ đó đã giáo dục con mình thể nào? Hay là cũng vì bận công việc, bận kiếm tiền mà bỏ quên mất việc hướng cho con mình tới một lối sống lành mạnh hơn?
Người ta đang dần phải công nhận rằng con người đang tha hóa về đạo đức, cắt giảm đạo đức để tồn tại. Có người nói với tôi, con người bây giờ trở nên như vậy một phần là do chính sách giáo dục, quản lý con người của chính phủ. Nói như thế là đúng nhưng trước khi nghĩ đến những trách nhiệm lớn như vậy thì phải chăng ta nên tự điều chỉnh hành vi của mình. Mỗi gia đình là tế bào của xã hội, vậy sao ta không nên sắp xếp lại cuộc sống từ chính gia đình của mình?
Và cũng phải đề cập đến chính sách giáo dục con người ở nước ta. Tại sao ta ngưỡng mộ người Nhật về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau? Tại sao họ lại không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích xã hội? Vì họ yêu nước? Nói như vậy hóa ra chúng ta không yêu nước mình? Yêu lắm chứ. Vậy thì phải chăng chúng ta, hay chính phủ chưa đi đúng hướng, chưa thật sự tập trung đầu tư vào giáo dục con người?
Nói đến Nhật Bản, ngay từ sau thế chiến thứ hai, Nhật đã ngay lập tức đầu tư vào giáo dục để gây dựng một thế hệ trẻ mới làm việc có quy tắc, không chịu đầu hàng trước khó khăn, luôn kiên cường với tính kỉ luật phi thường và văn hóa ứng xử tốt với cộng đồng. Phải chăng đó là một hướng đi mà chúng ta phải nhìn vào học tập để không bao giờ phải tự hỏi vì sao người Nhật lại “phi thường”? Người ta giàu nhưng người ta không hèn, người ta nhiều tiền nhưng người ta không dùng tiền để đánh đổi vị thế, người ta gặp nạn nhưng người ta vẫn kiên cường cùng nhau bám trụ, xoa dịu nỗi đau, cùng làm lại từ đầu. Bao giờ Việt Nam ta mới được như thế? Hay ta lại đang đi theo lối mòn mà người Trung Quốc vừa lăn bánh qua?
Có một vấn đề mà thế giới đang lo ngại là cuộc chiến giành tài nguyên: Các tính toán cho rằng nhóm các nước giàu nhất sử dụng số tài nguyên lớn gấp hai tất cả các nước còn lại trên thế giới. Liên Hiệp Quốc tính rằng nếu xu hướng dân số và tiêu dùng hiện nay còn tiếp diễn, đến những năm 2030 phải cần đến hai Trái Đất mới gánh nổi chúng ta.
Con người sụt giảm nhân cách, tính toán hơn, tinh ranh hơn trong mọi vấn đề. Các nước phát triển thì dùng mọi thủ đoạn để giành giật từng “miếng cơm. manh áo” của những kẻ yếu thế hơn mình. Dân số ngày càng tăng, người nghèo đói chưa bao giờ giảm bớt, giá cả thị trường ngày một leo thang. Nhưng Trái Đất thì chỉ có một. Vậy điều gì sẽ gánh nổi chúng ta?
Câu chuyện về đời sống, về thời thế chắc còn mãi trăn trở trong mỗi chúng ta. Nhìn Đất nước phát triển, đi lên vươn tầm khu vực thật thấy vui mừng lắm. Nhưng liệu rằng mỗi chúng ta đã biết mình đang ở đâu trong câu chuyện dài về đời sống con người?
0 comments:
Post a Comment