Saturday, April 9, 2011

Vinashin, đảng CS và Quốc hội

Ở Việt Nam người ta ai cũng biết rằng đảng CSVN luôn bám víu vào cái nền kinh tế thị trường định hướng CNXH lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo là để tạo môi trường cho cán bộ cộng sản tham nhũng và đục khoét công quỷ, vơ vét của dân.

Chính những tập đoàn công ty quốc doanh này là bình sữa nuôi béo đảng CSVN, đã có không biết bao nhiêu công ty, bao nhiêu tập đoàn làm ăn“ thua lỗ” hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi người dân lao động chắt mót từng đồng một cách khó nhọc. Người dân trong nước đang bàng hoàng vì cái tập đoàn Vinashin làm thâm thủng công quỷ những 86.565 tỷ đồng VN hoặc hơn thế nữa, ấy thế mà không ai có tội vạ gì cả trong khi trước đây vào năm 2003, bà Lã Kim Oanh, giám đốc công ty Tiếp thị thuộc bộ Nông nghiệp làm thất thoát vừa hơn 100 tỷ đồng thì đã bị kêu án tử hình. Ấy thế mà ngày nay của năm 2011 những quan chức cộng sản trong vụ Vinashin thâm lạm thất thoát những 86.565 tỷ đồng mà không ai có tội gì. Thật là khó hiểu! Chúng ta thử tìm hiểu coi việc này ra sao ?

1 - Những sai phạm của Vinashin:

Phá tàu đang thế chấp bán sắt vụn, ký hợp đồng mua tàu Hoa Sen trước khi lập dự án; sử dụng giấy tờ gỉa danh bộ TN-MT và bộ Công thương…là những hành vi sai phạm của 4 cán bộ cấp cao Vinashin vừa bị bắt…

Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hiệu quả đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình thực hiện các dự án mua tàu Hoa Sen, đầu tư nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và bán tài sản thế chấp tại tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu…

“ Chính phủ không cho phép mua tàu cũ để sử dụng nhưng ông Vũ và ông Phạm Thanh Bình đã lập dự án oán cải tàu Bạch Đằng Giang. Đây là loại tàu do Vinashin mua với mục đích về để phá dỡ để bán sắt vụn. Tàu do Ba Lan sản xuất năm 1973. Ông Trần Quang Vũ đã dùng con tàu này thế chấp tại công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ để vay 106 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế của chính phủ. Khi tàu không sử dụng được ông Vũ cho phá dỡ để bán sắt vụn… Số tiền bán sắt vụn từ phá dỡ tàu cũng không được hoàn trả lại cho công ty Tài chính Công thương nghiệp tàu thuỷ. Hậu quả là tài sản nhà nước thế chấp bị mất”. (VNR500 online ngày 3-9-2010)

Qua sự việc cố ý làm sai trái để hưởng lợi nêu trên cũng đủ cho thấy rằng không có tội là một sự bao che trắng trợn của đảng CSVN. Ở đây họ không phải làm ăn thua lỗ hay là vì kém nghiệp vụ mà rõ ràng họ cố tình sai phạm để trục lợi:

“ Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, trong thời gian triển khai hợp đồng nhà máy điện diezen Cái Lân, ông Nghiêm đã chỉ đạo nhập dây chuyền thiết bị có chất lượng xuất xứ không đúng theo hợp đồng. Điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, các thiết bị yêu cầu đều là thiết bị mới nhưng toàn bộ thết bị được nhà thầu Jacobsen cung cấp đều đã qua sử dụng và ngừng sử dụng trong thời gian dài; một số thiết bị hỏng hoặc han rĩ khiến nhà thầu phải thay thế, bảo dưỡng và sơn lại.

“ Số thiết bị trên hầu hết sản xuất từ năm 1995-1996, do nhiều nước khác nhau sản xuất, trong đó có nhiều thiết bị do Trung quốc chế tạo. Cơ quan chức năng đã làm rõ, toàn bộ thiết bị chính của nhà máy được tháo dỡ từ một nhà máy điện đã được lắp đặt, sử dụng tại Trung quốc…

“ Cơ quan điều tra cũng làm rõ việc ông Nghiêm đã cắt bỏ một số hạng mục như trạm kết nối và phân phối điện. Ông Nghiêm và ông Phạm Thanh Bình

(nguyên chủ tịch ập đoàn Vinashin) đã chỉ đạo lập dự án công trình đấu nối nhà máy điện vào lưới điện quốc gia, cung cấp cho dự án nhà máy cán nòng thép tấm Cái Lân. Dự án được lập sau nầy có gía trị trên 187 tỉ đồng và cũng do nhà thầu Jacobsen trúng thầu thực hiện. Điền này cho thấy, dự án này thực chất được vẽ ra để thanh toán cho Jacobsen hai lần tiền cho cùng một phần công việc.

“ Như vậy, liên quan đến Vinashin, đến nay cơ quan điều tra khởi tố 7 bị can,

bắt tạm giam 6 và ra lệnh truy nã 1 bị can”.(VietnamNet online ngày 19-9-2010)

Theo bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng cho biết khâu yếu hiện nay là việc xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

“ Bộ Công thương quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, bộ Nội vụ quản lý về công tác cán bộ thì phải có trách nhiệm gì trước việc Vinashin mua tàu cũ, việc cán bộ chủ chốt Vinashin sai phạm chứ!…

“ Thủ tướng đề nghị bộ Công an làm rõ ngoài hành vi cố ý làm trái, cần điều tra dấu hiệu tham nhũng trong vụ Vinashin để xử lý:“ Tôi không võ đoán nhưng việc mua tàu Hoa Sen, thủ tướng đã có văn bản là không cho, thế mà hai năm sau vẫn mua về. Vậy có phải vì hoa hồng mà làm trái không?Việc mua nhà máy nhiệt điện cũ về đắp chiếu cũng vậy, có tham nhũng không?(VietnamNet online ngày 7-4-2011)

Vấn đề nợ nần của Vinashin còn gây nhiều thắc mắc vì những con số không có lời giải thích được mô tả như sau:

“ Sau khi tái cơ cấu đợt 1, Bộ GTVT cho biết, tổng tài sản của Vinashin là 95.672 tỉ đồng, tổng nợ 76.241 tỉ đồng + vốn sở hữu: 9.615 tỉ đồng. Theo nguyên tắc, tài sản bằng nợ cộng với vốn. Nhưng trong trường hợp này nợ cộng với vốn mới bằng 85.856 tỉ đồng, không biết còn gần 10.000 tỉ đồng biến đâu mất?

“ Thực tế Bộ GTVT cho biết vốn Vinashin lúc đó chỉ là 8.034 tỉ đồng. Điều này có nghĩa là số nợ thật của Vinashin phải cao hơn con số 86.565 tỉ đồng, thêm khoảng 10.000 tỉ đồng nữa”.(Vef.vn online ngày 26-11-2010)

Báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal ngày 22-9 có bài của tác giả James Hookway Patrick Barta nhận định về tập đoàn Vinashinnhư sau:

“ Trong văn bản của chính phủ nói Vinashin mở rộng quá nhanh, giám sát lỏng lẻo và bất chấp các quy định tài chính thì một số nhà phân tích độc lập nói rằng mối liên hệ chính trị gần gũi cũng góp phần bưng bít quy mô bê bối cho tới khi tập đoàn này đứng trước bờ vực sụp đổ…

“ Thủ tướng Dũng để nhiều tập đoàn lớn nhất dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mình thay vì để các bộ giám sát các tập đoàn này như Việt Nam làm trước đây…

“ Tuy nhiên, trao quá nhiều quyền lực cho các chủ doanh nghiệp nhà nước chính là việc mời chào cho những vụ gây muối mặt như trường hợp Vinashin…

“ Những người biết ông Bình, cựu chủ tịch Vinashin, nói ông là người dễ chèo

kéo được khách hàng nước ngoài và cũng giỏi lo lót ở trong nước. Thế nhưng điều tra sơ bộ của chính phủ nói ông vi phạm luật và người ta cáo buộc ông đưa em trai và con trai vào các vị trí then chốt của tập đoàn trong khi lừa gạt các sếp chính trị về mức độ nợ nần lớn”. (BBC online ngày 22-9-2010)

2 – Vai trò của đảng CSVN:

Chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết trước đây đã từng tuyên bố nếu bỏ điều 4 Hiến pháp năm 1992 là tự sát. Quả thật vậy, đảng CSVN thông qua cái “quốc hội”, thực ra nên gọi là cái “đảng hội” mà thôi, vì nó chỉ là cơ quan của đảng CSVN trá hình trong đó có đến 90% là đảng viên cộng sản đã áp đặt cái Điều 4 dành quyền lãnh đạo đất nước cho độc đảng cộng sản toàn trị. Theo nguyên bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thì:

“ Nói đến Điều 4 HP 1992 chúng ta phải thấy có hai vế: Đảng lãnh đạo nhưng đảng hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật

“ Trong một nhà nước pháp quyền, nếu tư cách cầm quyền của đảng không được thể chế hóa về mặt pháp luật, bằng hiến pháp, vô hình trung chúng ta muốn đưa vị trí lãnh đạo, cầm quyền đó đứng ngoài pháp luật”. (Tuổi Trẻ online ngày 8-10-2007)

khi trả lời nhà báo Nguyễn Anh Tuấn của Tuanvietnam ông Lộc đã xác nhận quyền lực của đảng đứng trên quyền lực của Quốc hội và Quốc hội lạm dụng danh nghĩa đại diện nhân dân chỉ làm công việc“ thị thực” hay “đồng thuận” các quyết nghị của đảng mà thôi:

“ Khi nói đến thiết chế phải là Quốc hội. Nhưng Quốc hội dưới sự lãnh đạo ca đảng. Chẳng hạn muốn sửa Hiến pháp, phải chờ đảng quyết, đảng quyết rồi mới thành quyết định của Quốc hội”.(Đàn Chim Việt online ngày 2-9-2010)

Nguyên chủ tịch QH Nguyễn văn An trong bài nói về Sữa lỗi hệ thống có đoạn nói về vai trò toàn trị của đảng CSVN cho chúng ta thấy rằng ở Việt Nam không phải là chế độ pháp trị mà là chế độ đảng trị.

“ Hiến pháp và luật pháp ghi rất rõ: Nhà nước pháp quyền XHCN, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít chỉ thị, nghị quyết của đảng mới là tối thượng…

“ Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là trung ương, bộ chính trị quyết.

“ Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của đảng…

Tòa án nhánh tư pháp lại càng yếu thế.

“ Cả ba nhánh quyền lực đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban lãnh đạo đảng (Bộ chính trị- Ban chấp hành trung ương). Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất nơi đảng. Vậy, đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Không phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi”. (Đàn Chim Việt online ngày 8-12-2010)

Vì là chế độ đảng trị nên đảng CSVN bất chấp Quốc hội, bất chấp Nhà nước đã làm một việc mà bất cứ người Việt nam nào cũng căm phẫn đó là ngang nhiên bao che một cách trắng trợn cho việc sai phạm của những quan chức trong tập đoàn tham nhũng Vinashin đã được bộ trưởng Công an và thủ tướng nêu rõ, vậy mà đảng cộng sản cho rằng chỉ có“ kiểm điểm nội bộ” rút kinh nghiệm là xong.

“ Vinashin trở lại thành tâm điểm của các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đầu tuần này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận trước Quốc hội:“ Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém( tại Vinashin). Thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”. (Vef.vn online ngày 26-11-2010)

Những thành viên trong chính phủ vừa qua đã sai phạm nghiêm trọng trong việc điều hành tập đoàn đóng tàu Vinashin trong khi chính phủ đang cho thanh tra chưa có kết quả thì đảng CSVN đã qua mặt Quốc hội, qua mặt nhà nước, ngồi xổm lên pháp luật đưa ra quyết định một cách độc đoán độc quyền.

“ Theo ông Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận, chính phủ, thủ tướng và một số thành viên trong chính phủ đã phạm sai lầm trong vụ Vinashin. Nhưng, Bộ chính trị đảng CSVN đã thảo luận và bỏ phiếu về việc có nên kỷ luật hay không. Căn cứ theo kết quả bỏ phiếu,“ Bộ chính trị quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân”, yêu cầu nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn Vinashin”. (RFI online ngày 21-3-2011)

3 – Vai trò của Quốc hội:

Trong phiên họp Quốc hội, chỉ có một ít đại biểu“ dấn thân” có nhiệt tình với đất nước và có trách nhiệm với cử tri đã nêu lên vấn đề thất thoát của tập đoàn đóng tàu Vinashin và thẳng thắng đề nghị quy trách nhiệm cho những quan chức có liên quan.

“ Hôm nay 1-11-2010, trong phiên thảo luận kinh tế và xã hôi tại Quốc hội Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, đã yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin, trong đó có cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì chính ông đã bổ nhiệm chủ tịch Vinashin Nguyễn Thanh Bình. Ông Bình sau đó đã bị đình chỉ chức vụ vào tháng 7 vừa qua và sau đó bị bắt vì trách nhiệm của ông trong món nợ của tập đoàn này, lên tới 4,3 tỷ đôla”.

“ Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị thành lập một ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của thành viên chính phủ có liên quan đến vụ Vinashin và tạm thời đình chỉ chức vụ những vị này, trong thời gian tiến hành điều tra”.

(RFI online ngày 1-11-2010)

Sau khi nhận được thông báo của BCT đảng CS thì Quốc hội (đảng hội)“ lật đật” họp“ cấp tốc” để hợp thức hóa lệnh của BCT đảng CSVN là không lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ Vinashin vì đảng CS đã quyết rồi thì còn gì nữa mà điều tra, nếu điều tra có dám nói điều gì khác hơn hay không, hay cũng chỉ cúi đầu “đồng thuận” mà thôi. Qua vụ việc này chúng ta thấy rõ bộ mặt thật của đảng CSVN và Quốc hội VN là như thế nào rồi.

“ Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ đã tổ chức họp“ cấp tốc” và việc xử lý sai phạm tại tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN (Vinashin). Ủy ban thường vụ kết luận không cần thiết lập UB lâm thời để điều tra, xử lý”. (Dân Trí online ngày 29-3-2011)

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại Quốc hội sau khi nghe PTT Nguyễn Sinh Hùng báo cáo kết quả vụ Vinashin:

“ Trong báo của chính phủ tôi thấy có rất nhiều điều tán thành, nhiều điều chia sẻ. Nhưng có một điều mà nó át tất cả những tán thành, những chia sẻ chính là về vụ Vinashin. Có thể nói sau khi công bố Báo cáo của phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rất nhiều cử tri gọi điện cho tôi, người ta đặt những câu hỏi mà tôi thấy rất khó trả lời.

“ Câu hỏi thứ nhất, là tại sao BCT lại kết luận như vậy trước khi có kết luận của thanh tra, đành là cái nhìn của đảng rộng hơn thanh tra nhiều lắm, nhưng ít ra phải có cơ sở kết luận của thanh tra đã.

“ Thứ hai, tại sao BCT thông báo với Quốc hội không ký một văn bản để thông báo, mà lại thông báo qua đồng chí phó thủ tướng thường trực qua Báo cáo của chính phủ.

“ Thứ ba, cử tri muốn biết đồng chí A, đồng chí B trong chính phủ có những hạn chế gì, có những ưu điểm gì trong điều hành Vinashin, trên cơ sở đó cử tri người ta dễ nhất trí nếu như mình thấy rằng không đến mức phải kỷ luật. Tôi cho chỗ này nên công bố một cách rõ ràng như thế. Nếu không cử tri rất buồn, người ta rất phân vân và Quốc hội chúng ta không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri, chính phủ cũng không hoàn thành nhiệm vụ với cử tri”. (Dânlàmbáo online ngày 27-3-2011)

Đại biểu Ngô Minh Hồng khi nghe PTT Nguyễn Sinh Hùng truyền lệnh của đảng CSVN cho Quốc hội, bà bức xúc phát biểu và Tuổi Trẻ tường thuật:

“ Về vụ việc Vinashin, trong báo cáo của chính phủ nêu đã có kết luận rồi, có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiêm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Chỉ nói như vậy thì có lẽ nhân dân không bằng lòng, vì đơn giản quá.

“ Một tập đoàn giữ tài sản của nhà nước, tự ý đi kinh doanh, nợ nần như vậy, hiện chúng ta phải vất vả để tái cơ cấu, tốn kém bao nhiêu để khoanh nợ, giản nợ…Cái gì là trách nhiệm của (lãnh đạo - PV) tập đoàn thì cơ quan điều tra đang làm, nhưng trách nhiệm của chính phủ đến đâu về việc này thì ít ra cũng phải nói rõ cho cử tri biết, để Quốc hội và nhân giám sát.

Không thể nói đơn giản là đã có kiểm điểm, rồi không đến mức phải kỷ luật…, như vậy là chưa thuyết phục. Việc mang tài sản của nhà nước, của nhân dân ra kinh doanh như vậy mà nói thế, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong vấn đề đặt con người vào chỗ nào, quyết định cho đầu tư làm sao, kiểm toán thế nào, thanh tra thế nào, rồi đi vay về cho vay lại…

Câu chuyện đó đối với nhân dân như thế không ổn, cần phải có giải trình kỷ hơn thì nhân dân mới thấy là chúng ta nghiêm túc”. (Tuổi Trẻ online ngày 24-3-2011)

Trong kỳ hội báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội ngày 28-3-2011, nhiều đại biểu phàn nàn nhất về tình trạng “ bị động” chỉ chờ “ chính phủ đưa món gì ta ăn món đấy”, đại biểu Ngô Minh Hồng phát biểu:

“Quốc hội đang rơi vào tình thế chính phủ đưa sang luật nào là làm luật nấy, không quyết liệt đòi hỏi cái gì quan trọng phải trình trước. Ngay dự án, công trình quan trọng quốc gia đáng lý phải được xem xét cẩn trọng, thì đại biểu cũng chỉ biết đưa gì bàn nấy…

“Hoặc, dân cần câu trả lời triệt để cuối cùng về sai phạm ở Vinashin. Còn nếu vẫn tiếp tục bị động, QH sẽ rất khó được tín nhiệm của dân, sức mạnh của QH chỉ có khi QH hoạt động độc lập không bị chi phối”.(VietnamNet online ngày 28-3-2011)

4 – Dư luận của người dân:

Phóng viên Đức Tâm đài RFI đưa tin “Đảng CSVN không kỷ luật chính phủ trong vụ Vinashin” gây nhiều bức xúc cho một số đại biểu trong Quốc hội có lòng với đất nước và nhân dân Việt Nam, ngay cả người nước ngoài cũng quan tâm phê phán.

“ Theo một nhà phân tích được AFP trích dẫn, Bộ chính trị đảng CSVN, cơ quan quyền lực tối cao tại Việt Nam, hoạt động thiếu minh bạch, lãnh đạo tập thể và hiếm khi thừa nhận trách nhiệm cá nhân. Quyết định của BCT không kỷ luật ai trong vụ Vinashin là không đúng đắn, không công bằng nhưng không hề gây ngạc nhiên”. (RFI online ngày 21-3-2011)

Sau khi ông phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng công bố quyết định của BCT đảng CSVN thì giáo sư Nguyễn Huệ Chi cay đắng viết như sau:

Việc kiểm điểm như vừa qua các vị trong BCT hay trong chính phủ thì đối với dân đen như chúng tôi cũng rứa cả, về thực chất nó có khác gì nhau đâu, BCT kiểm điểm xong lại chuyễn đạt cho chính phủ trước, rồi PTT Nguyễn Sinh Hùng sau đó mới đưa những lời vàng ngọc ấy ra …truyền xuống( hay lên?) cho cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội - đến là vui chứ còn gì nữa!…

“ Mặt khác, cũng với cách nghĩ của dân đen chúng tôi thì vị đại biểu Ngô Minh Hồng cho rằng chuyện bàn bạc kiểm điểm với nhau rồi rốt cục không ai có lỗi cả làchưa thuyết phục” cũng đã thẳng thắn đấy, nhưng xem ra sao vẫn có vẻ hiền lành, mềm mỏng, và nhẫn nhục quá. Phải nói cho thực chất hơn thì mới có tác dụng, rằng các ngài đã ăn (của dân) như rồng cuốn, nói (với dân) như rồng leo, và làm (cho dân) như…” Đó là nguyên nhân gây lạm phát, bão gía khốn khổ ngay từ sau đại hội đảng đến nay. Cho nên, dù có yên vị một nhiệm kỳ nữa, bia miệng cũng khắc tạc hình ảnh các ngài đến muôn đời con cháu, đố khỏi”.

(Bauxite Việt Nam online ngày 25-3-2011)

“ Ba bài viết, ba góc nhìn xung quanh phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII” của giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên Bauxite Việt Nam:

“ Vẫn đòi điều tra vụ Vinashin mặc dù BCT đã kết luận không ai đáng chịu kỷ luật hết, đó là một biểu hiện có vẻ như “ cứng đầu” rất đáng nể, nó nói lên chí ít cũng một chút biểu hiện MỚI trong nhận thức của nhiều đại biểu về việc thực thi quyền tối cao của Quốc hội, cái quyền mà Hiến pháp đã ghi rành rành, nhưng bao nhiêu năm qua người ta cứ lặng lẽ đồng tình dẫm chân lên nó với một mặc cảm không thể xóa bỏ trong tâm thức, rằng Quốc hội trước sau gì cũng chỉ là mộthội của những người…biết gật và được chọn vào là đểgật thôi..

“ Nay, tất nhiên không phải mọi sự đã đổi khác đâu, đừng có vội mà lạc quan tếu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời: “ Không cần thiết lập ủy ban lâm thời điều tra Vinashin”. Một gáo nước lạnh rõ ràng đấy nhé”…

“ Như vậy, có thể hiểu là việc xem xét trách nhiệm trong vụ Vinashin đã chính thức khép lại”. (Bauxite Việt Nam online ngày 30-3-2011)

Vào tháng năm này nhân dân Việt Nam sẽ lại phải đi bầu Quốc hội mà trong đó đã bị ấn định con số cho những người ngoài đảng từ 15 đến 20%, nghĩa là đại diện cho 3 triệu đảng viên là 80 đến 85% còn 85 triệu người dân thì được 15 đến 20%. Mà hai chục phần trăm này trong đó có một số đã ký “ hợp đồng” rồi, vô ngồi cho có vị, bấm nút lảnh bao thơ, thế thì phe ta sẽ tự tung tự tác hơn nữa.

Quốc hội khóa tới này trước mắt thấy sẽ vắng đi hai khuôn mặt “ cứng đầu” là Nguyễn Minh Thuyết Nguyễn Lân Dũng, còn một trí thức dấn thân là luật sư Lê Quốc Quân muốn thử “ tự ứng cử” thì đã bị cái MTTQ cho“ bà con đấu tố tơi bời rồi còn đâu mà vào Quốc hội được để mà dấn thân. Như vậy là kỳ tới này không còn ai “cứng đầu” trong “đảng hội” nữa, đảng và nhà nước cứ yên tâm thi hành những “ chủ trương lớn” như tiến hành dự án đường cao tốc bắc Nam sẽ có ăn nhiều hơn.

Đại Nghĩa sưu tầm

0 comments:

Powered By Blogger