Cuộc chiến giữa quân chính phủ và quân nổi dậy Libya tiếp tục rơi vào bế tắc. |
Lực lượng NATO đang hoạt động ở Libya có thể đưa bộ binh vào đất nước Bắc Phi này bất kể lúc nào để bắt giữ Muammar Gaddafi mà không vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một vị tướng Pháp từng chỉ huy Lực lượng gìn giữ hoà bình ở Lebanon hôm nay (21/4) cho biết.
"Nếu trong tương lai, NATO cần phải đưa ra một quyết định về việc triển khai bộ binh thì theo ý kiến của tôi, họ có thể làm được điều này mà không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc cấm chiếm đóng Libya. NATO có thể đưa bộ binh vào Tripoli, tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng nhằm lật đổ hoặc bắt giữ Gaddafi. Sau đó, lực lượng bộ binh này sẽ nhanh chóng rời khỏi Libya. Điều này sẽ không được xem là một hành động chiếm đóng", Thiếu tướng Alain Pellegrini đã nói như vậy.
Trước đó, hôm 19/4, Anh đã cử những cố vấn quân sự đầu tiên của nước này đến Libya. Một ngàu sau, Pháp và Italia cũng theo chân Anh đưa phái đoàn quân sự của họ vào đất nước Bắc Phi. Tuy nhiên, cả 3 nước này đều khẳng định, các phái đoàn quân sự của họ chỉ làm nhiệm vụ trợ giúp quân nổi dậy Libya và các công tác nhân đạo chứ không có nhiệm vụ chiến đấu. Bản thân Pháp vẫn kiên quyết bác bỏ khả năng triển khai bộ binh ở Libya. Nước này cũng khẳng định họ không có ý định tìm kiếm sự cho phép của Liên Hợp Quốc để đưa bộ binh vào Libya.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/4 đã thông qua một nghị quyết cho phép áp đặt vùng cấm bay ở Libya. Nghị định này đã mở đường cho liên quân tấn công vào Libya hai ngày sau đó.
Bất chấp hàng loạt các cuộc không kích của NATO nhằm vào quân của ông Gaddafi, lực lượng này vẫn duy trì được năng lực chiến đấu và liên tiếp tấn công và đẩy lùi quân nổi dậy Libya về phía đông. Phe nổi dậy đã đề nghị phương Tây giúp cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự. Lực lượng này thậm chí còn không loại trừ khả năng đề nghị “các nước Ả-rập, Hồi giáo và bạn bè đưa quân vào đất Libya” để tiêu diệt Gaddafi.
Thiếu tướng Pellegrini cho rằng, NATO nên tìm cách thuyết phục ông Gaddafi từ chức bởi việc đưa bộ binh vào Libya sẽ phá hỏng quan hệ của liên minh này với các nước Ả-rập khác.
"Ông ấy cần được ép từ chức qua các cuộc hội đàm, tiếp xúc. Nếu một chiến dịch bộ binh được khởi động ở Tripoli thì các thành viên của Liên đoàn Ả-rập chắc chắn sẽ coi đó là một hành động xâm lược của NATO," ông Pellegrini cho biết.
Liên Hợp Quốc cử phái đoàn nhân đạo đến Libya
Trong lúc này, điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất là tình cảnh của dân thường Libya trong cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi này. Theo Phó Tổng thư ký phụ trách vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc – bà Valerie Amos cho biết, Liên Hợp Quốc có thể sẽ cử phái đoàn cứu trợ nhân đạo đến Libya vào cuối tuần này.
Bà Amos đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức chính phủ Libya ở thủ đô Tripoli và các quan chức thuộc phe nổi dậy ở thành trì Benghazi hồi đầu tuần nhằm thảo luận về vấn đề cứu trợ quốc tế cho những người dân đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến giữa hai phe này gây ra.
Nhiều người dân Libya đang phải sống trong tình trạng thiếu mọi thứ thiết yếu như lương thực, thuốc men, điện, nước.... |
"Chúng tôi có kế hoạch cử các nhóm cứu trợ đến Libya để hỗ trợ thêm cho các nhân viên nhân đạo đã có mặt ở đó," bà Amos cho biết.
Theo lời bà Amos, NATO đã đề nghị giúp đỡ về mặt quân sự cho hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nếu cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại, bà Amos cho biết, phái đoàn của Liên Hợp Quốc chưa có nhu cầu nhờ đến lực lượng quân sự của NATO.
"Chúng tôi có thể hoạt động dựa vào các phương tiện dân sự. Chúng tôi có thể huy động các tài sản dân sự để sơ tán người dân và cung cấp cứu trợ cho họ. Việc này khó nhưng chúng tôi có thể làm được," bà Amos cho hay.
Những phát biểu trên của bà Amos được đưa ra sau khi có tin đồn Pháp đang thúc ép các nước thuộc Liên minh Châu Âu tham gia vào chiến dịch mặt đất ở Libya bằng cách cử một phái đoàn quân sự kiêm nhân đạo vào Libya.
Nói về việc này, bà Amos nhấn mạnh, việc sử dụng quân đội để hộ tống các phái đoàn nhân đạo có thể đẩy các nhân viên và hàng hoá của Liên Hợp Quốc vào vòng nguy hiểm. "Ưu tiên của tôi là đưa hàng cứu trợ vào Libya và đảm bảo ranh giới giữa quân đội và phái đoàn nhân đạo không bị xoá mờ," vị quan chức Liên Hợp Quốc khẳng định thêm.
Ba Amos cho biết, chính phủ Libya đã đồng ý bảo đảm sự an toàn cần thiết cho các nhân viên cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở những khu vực nằm trong sự kiểm soát của họ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân viên nhân đạo và hàng hoá cứu trợ có thể đến được tay người dân.
0 comments:
Post a Comment