Thursday, February 24, 2011

Thật đau lòng!

B.S. Hồ Hải – Có phải chăng khi sở hữu chính trị được quy định độc quyền trong hiến pháp, thì các chính khách có quyền làm như thợ đụng, không có lộ trình khoa học, mọi sai lầm của chính khách không có ai chịu trách nhiệm, và lúc đó người dân chỉ biết than trời?…

Đầu tháng 6/2010 tôi có viết bài về giá xăng dầu của chúng ta đang cao hay thấp so với thế giới, với cái tựa: Khi độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên (1). Một phép tính so sánh giữa giá xăng dầu của ta và của Mỹ lúc ấy, thì giá xăng của ta cao hơn giá xăng của Mỹ ỡ tiểu bang đắt giá nhất nước Mỹ là California tới 4850VNĐ tương đương với 25cents USD thời giá lúc ấy. Trong đó, giá xăng nước Mỹ tại California đã có lãi cho doanh nghiệp và nhà nước là 12cents để cho việc xây dựng và tu bổ giao thông nước Mỹ rồi. Hơn thế nữa với thu nhập bình quân đầu người nước Mỹ lại cao gấp 30 lần so với ta. Nhưng hệ thống giao thông nước Mỹ lại là số 1 thế giới, trong khi của ta là ổ gà, ổ voi, lô cốt và ngập úng khi thuỷ triều lên, nhưng lại gọi là “triều cường. Giao thông nghẽn tắc vì thiếu tầm nhìn trong quy hoạch.

Sau một thời gian gắng gượng để không thể gượng được nữa vì sáng nay xem tin chào buổi sáng trên VTV1, thì Daklak không có dầu, xăng để bán cho nông dân trồng cà phê, tiêu, ca cao vì công ty xăng dầu miền Trung, là công ty chịu trách nhiệm đến 60% nhu cầu xăng dầu của tỉnh, không cung cấp đủ xăng dầu cho nông dân. Khi vào trang web của tỉnh Daklak thì thấy thông tin rằng 49 đại lý xăng dầu trong tỉnh ghim xăng dầu chờ tăng giá! Trong khi hạn hán sắp tới, ai đã từng sống ở Daklak, sẽ thấy rằng mùa tưới tiêu sau tết với cây cà phê rất cần thiết để cho ra sản lượng. Thật đau lòng cho nông dân.

10h sáng hôm nay bất ngờ thông báo tăng giá xăng dầu đến một tỷ lệ kịch trần trong lịch sử tăng giá xăng dầu từ trước đến nay. Với xăng A92 tăng 2.900/lít tương đương với 17.7% mỗi lít xăng. Còn với dầu Diesel tăng 3.550VNĐ/lít, tương đương với 24.1% mỗi lít. Dầu hoả thì tăng thêm 3.100VNĐ/lít, tương đương với tăng 20.5% mỗi lít. Lại thật đau lòng cho toàn dân.

Chỉ mới cách đây chưa đước nửa tháng chính phủ đã phá giá đống tiền cũng với một tỷ lệ chưa từng có trong lịch sử sau ngày cỡi trói. Sự phá giá đó đã làm cho chỉ số CPI tháng 02/2011 này tăng 2.09%. Nó góp phần làm tăng lạm phát chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011 lên đến con số 3.87%. Trong khi con số báo cáo của chính phủ trước Quốc hội cuối năm ngoái là sẽ giữ lạm phát năm 2011 này chỉ 7%. Như vậy chỉ mới 2 tháng đầu năm tốc độ lạm phát trong năm đã chiến hơn 50% chỉ tiêu mà chính phủ mong muốn. Cũng thật đau lòng cho chính phủ và quốc hội.

Qua câu chuyện tăng giá xăng dầu và phá giá đồng tiền trong đầu năm Tân Mão có mấy vấn đề cũng đau lòng không kém, cần phải phân tích để thấy cách điều hành tiền tệ và giá cả của các think tanks rất không khoa học:

Thứ nhất, khi tăng không ai tăng giật cục một tỷ lệ quá lớn như năm nay. Tăng cao như vậy, phản ứng của thị trường sẽ là sự trả đủa thực sự rõ ràng và cuối cùng là người dân nghèo và công nhân viên chức sống bằng lương – chỉ bằng một tô phở của các “đại gia” ăn trên ngồi trốc – sẽ gánh những sự thật trần trụi đau lòng và hậu quả khó lường.

Thứ hai, khi đã tăng xăng dầu hay phá giá đồng tiền cần phải tuyệt đối bí mật. Nhưng qua lần này, trước tết hầu hết ai cũng biết sẽ có sự phá giá đồng bạc. Nên sẽ làm cho các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ và xăng dầu vụ lợi trong việc này. Lại thêm cho tung ra 132 nghìn tỷ tiền mới trước tết cho các ngân hàng, với cái gọi là “đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân hàng”, để dẫn đến những hiện tượng ghim vàng, đô la và xăng dầu chờ ngày phá giá, tăng giá để hưởng lợi, và góp phần cho lạm phát kịch trần. Cuối cùng cũng chỉ có dân nghèo và công nhân viên lãnh hậu quả đau lòng, khi cầm đồng lương lãnh ra không biết tiêu ra sao để có thể tồn tại, mà không cần sống đúng nghĩa.

Thứ ba, đối với mỗi quốc gia, chiến lược làm giá xăng dầu và giá ô tô có khác nhau hòng kích thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giải quyết vấn đề giao thông phân phối và tiết kiệm trong chi tiêu.

Ví dụ như Singapore, một đảo quốc nhỏ chỉ bằng 1/3 Sài Gòn cả về diện tích và dân số, nhưng mật độ dân số của họ gấp rưởi của Sài Gòn. Nên họ có chiến lược tiết kiệm đất đai để không có nạn kẹt xe. Họ đưa ra chiến lược giá ô tô và xăng dầu cao gấp nhiều lần so với ta. Nhưng không vì thế mà làm một bài toán so sánh với ta như một bài báo đăng trên trang diễn đàn kinh tế.

Nếu thực sự đất nước chúng ta cần có chiến lược ấy, thì quốc hội và chính phủ phải soạn thảo ra hiến pháp và pháp luật qui định rõ ràng, chứ không nên làm việc tăng giá với một tỷ lệ kịch trần và giật cục như thế, sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho dân rất đau lòng.

Thứ tư, không hiểu vì nguyên nhân gì, mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đầu năm Tân Mão mà có đến 3 cuộc tấn công của các bộ ngành nhà nước đẩy giá cả thị trường lâm vào cảnh khốn cùng. 11/02/2011 phá giá đồng tiền 9.3%. 24/02/2011 tăng giá nhiên liệu từ 17% đến 24%. và ngày 01/3/2011 tới đây tăng giá điện lên hơn 15%. Kiểu tăng như một dòng thác cuốn trôi tất cả. Lại thật đau lòng cho cả nhà nước lẫn dân đen.

Và cuối cùng là, khi chính phủ đã ra chủ trương họp khẩn đầu năm là chống lạm phát mạnh mẽ, với ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ linh động và thận trọng… Nhưng cái cách tăng giá xăng dầu như hôm nay là không hợp lý. Nếu muốn chống lạm phát, thì chính phủ phải có lộ trình tăng giá xăng dầu cụ thể hơn. Cụ thể, nếu ai sử dụng phương tiện giao thông cho việc chuyên chở hàng hoá và hành khách thì được mua giá xăng dầu cũ. Nếu các phương tiện giao thông dành cho di chuyển đi làm riêng của bản thân, đi du lịch, v.v… thì phải chịu giá tăng xăng dầu như đãtăng. Chỉ có như thế thì giá hàng hóa nhu yếu phẩm hằng ngày mới không tăng giá. Và lạm phát mới được kềm chế.

Trong khi đó, tất cả các động thái sau tết nguyên đán của nhà nước là luôn như thợ đụng, mà không có lộ trình một cách khoa học cho việc đại sự quốc gia.

Lẽ ra chính phủ phải đưa ra giải pháp buộc các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước phải bán USD cho ngân hàng trước khi đưa ra biện pháp có nên phá giá đồng Việt Nam vì thiếu hụt ngoại tệ hay không? Nhưng chính phủ lại quyết định ngược là phá giá đồng tiền trước, rồi sau khi phá giá vẫn không có khả năng kềm chế giá USD leo thang, thì lúc đó, hôm nay mới ra quyết định buộc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phải bán tất cả các nguồn ngoại tệ cho ngân hàng. Một cách làm không khoa học và thợ nhiều hơn thầy. Với cách làm việc này thì hậu quả sẽ do ai chịu? Thật đau lòng cho chính phủ.

Đã thế, do cách làm không khoa học, hôm nay chính phủ lại ra một quyết định trở về thời kỳ bao cấp là cấm thị trường tự do buôn bán vàng miếng. Tiến tới trên thị trường không còn sử dụng, buôn bán vàng miếng. Thật đáng buồn. Sau hơn 20 năm cỡi trói, hôm nay lại quay về chỗ cũ. Cái chỗ mà cách đây 21 năm những Quốc phụ nước Việt đã công nhận mình sai.

Có phải chăng khi độc quyền kinh doanh là một sự tự nhiên, thì chính các tổ chức kinh tài độc quyền ấy đủ mạnh để quyết định dùm cho các chính khách vì lợi nhuận của riêng họ?

Có phải chăng khi sở hữu chính trị được quy định độc quyền trong hiến pháp, thì các chính khách có quyền làm như thợ đụng, không có lộ trình khoa học, mọi sai lầm của chính khách không có ai chịu trách nhiệm, và lúc đó người dân chỉ biết than trời?

Thật đau lòng,

Tư gia, 21h49′, ngày 24/02/2011

http://bshohai.blogspot.com/2011/02/that-au-long.html

HỠI TUỔI TRẺ VIỆT NAM HÃY CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO QUỐC NỘI MẠNH DẠN XUỐNG ĐƯỜNG TRANH ĐẤU ĐÒI QUYỀN SỐNG, QUYỀN BÌNH ĐẲNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI VIỆT NAM


0 comments:

Powered By Blogger