Đan Hoàng – Từ “hy hữu” ưa thích có lẽ cần phải được định nghĩa lại, vì ở Việt Nam nó chính là hệ quả của mọi sự tắc trách, thờ ơ, vô cảm và sự coi thường tính mạng con người và pháp luật một cách vô lý.
Nơi thần thánh đau buồn rơi lệ
Vụ chìm tàu du lịch tại Quảng Ninh khiến 10 người người ngoài và 1 công dân Việt Nam tử nạn khiến Vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên nổi tiếng, niềm tự hào của người Việt Nam vốn đã nổi tiếng toàn cầu – bỗng chốc lại càng “nổi” hơn với những thông tin bàng hoàng đau đớn trên tất cả những trang báo lớn nhất thế giới; hoặc ít nhất, đối với những nước có công dân tử nạn, Việt Nam đã trở thành một địa chỉ du lịch gây lo ngại.
Còn nhớ cách đây 2 năm, ngày 14/3/2009, một chiếc xe chở đoàn khách du lịch Nga cũng rơi xuống vực Đại Ninh, cướp đi tính mạng của 10 du khách xấu số. Những con người ấy, những gia đình ấy đến với Việt Nam trong sự háo hức mong muốn được khám phá một mảnh đất mới lạ và đẹp đẽ, nhưng những gì họ nhận được thật thảm khốc. Việt Nam mãi trở thành ký ức kinh hoàng với những người may mắn còn lại.
Sẽ có nhiều cách biện minh, lý giải cho những thảm kịch đó “chẳng ai mong muốn”, “do số phận”, “do rủi ro”… như cách người ta vẫn làm, vẫn quen, và ầm ào cho qua mọi việc; cũng giống như người ta dửng dưng, quen thuộc đến nhàm chán với cảnh “mỗi ngày một trung đội, mỗi tháng một trung đoàn” ra đi vì tai nạn giao thông như ông Táo Giao thông cảnh báo. Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới khiến cảm thấy bình thường với những con số như vậy.
Chắc cũng chỉ ở Việt Nam, nơi các đền chùa đình miếu mới tràn ngập người người khấn vái xì xụp, nhà nhà hàng ngày chăm chỉ khói hương cầu khẩn các thánh thần phù hộ cho bản thân họ, gia đình họ được an bình hạnh phúc. Nhưng chắc nếu được hiển linh, thánh thần sẽ nói rằng các con dân xin hãy thôi cầu cúng, rằng chính bản thân thần thánh cũng đang hàng ngày đau đớn tuôn lệ; bởi dù họ đã nỗ lực hết mức, sử dụng hết quyền phép linh thiêng nhưng vẫn không ngăn cản được dòng người ngày ngày nối nhau đến gặp Diêm Vương vì những sự cố “chẳng ai muốn” đó.
Bởi lẽ, hầu hết những thảm cảnh đó đều do con người tự gây ra, “số phận” nào đó cũng do kẻ tắc trách, coi thường mạng người tạo nên. Không thần thánh nào xúi bẩy kẻ ngang ngạnh cố tình lái xe vượt đường sắt khi tàu sắp đến, khiến cả chục em học sinh chết oan uổng hay những người hạnh phúc trong đám cưới đột ngột phải lìa trần. Những vụ việc đó đã diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại… lẽ nào “số phận” lại như vậy?
Cũng không thần thánh nào giải quyết được sự ương bướng, ngu ngốc đến vô lý của gã lái xe đưa cả đoàn người vào dòng nước lũ trong đêm tối; và thần thánh cũng đành bất lực tuôn lệ khi biết những du khách Nga chết oan uổng chỉ vì gã lái xe chọn đi tắt qua con đường nguy hiểm. Mấy chục cây số tiết kiệm của anh ta đổi lấy tang thương của bao gia đình; và bây giờ, những người khách phương xa đến với chúng ta lại chết vì một con tàu bục đáy.
Xin đừng “hy hữu” nữa!
Khi xe khách trôi theo nước lũ, người ta cũng nói ‘sự cố hy hữu’; tàu đâm liên hoàn vào ô tô, vị đại diện cơ quan có trách nhiệm cũng nói “tai nạn hy hữu”; du khách quốc tế đến Việt Nam chết oan, người đại diện đất nước cũng nói “sự cố hy hữu”… mặc nhiên coi những sự xảy ra là việc không thường lệ, không thể khắc phục hay tránh né hoặc sửa chữa; và những sự “hy hữu’ đã, đang và vẫn sẽ xảy ra nhiều nữa.
Chỉ vì “hy hữu” nên sau khi thảm kịch xảy ra rồi, không có động thái nào quyết liệt để ngăn chặn thảm họa; ngành du lịch chưa hề có một cuộc tổng kiểm tra phương thức làm ăn của các công ty; những tour tham quan với dịch vụ siêu giảm chi phí và siêu nguy hiểm chưa hề được kiểm tra sâu sát; cũng không có bất kỳ con người hay sản phẩm nào được kiểm điểm rà soát nghiêm khắc để chắc chắn sự “hy hữu” đó không lặp lại. “Hy hữu” mãi là hy hữu, không trở thành bất cứ bài học nào.
Tàu chìm, đương nhiên là sự cố không ai muốn, nhưng vị lãnh đạo địa phương phân bua rằng tất cả những tàu được ngủ đêm trên Vịnh đều là tàu loại sang, được cấp 4 sao, nhưng ông không nói thêm bao lâu chúng được kiểm định chất lượng một lần; và vì thế chắc ông cũng không thể nói chắc còn bao nhiêu chiếc tàu đang chờ bục đáy.
Ông cũng không đề cập đến chuyện năm ngoái, năm 2009 có ba du khách nước ngoài cũng tử nạn trên Vịnh; và ở cương vị của mình ông và các đồng sự đã có những động thái gì để cảnh báo ngăn ngừa tai họa.
Từ “hy hữu” ưa thích có lẽ cần phải được định nghĩa lại, vì ở Việt Nam nó chính là hệ quả của mọi sự tắc trách, thờ ơ, vô cảm và sự coi thường tính mạng con người và pháp luật một cách vô lý.
Cũng như cách sử dụng từ của những người có trách nhiệm làm “hy hữu” đã trở thành “cố hữu”.
Có lẽ thay vì tìm ra những phương án, những động thái quản lý giám sát nghiêm ngặt về an toàn cần tức tốc được thi hành; những vị công bộc đất nước lại mải lo phát triển du lịch bằng cách chọn hoa, chọn áo hay chọn rượu để quảng bá giá trị dân tộc. Những những hoa những áo khó làm người ta nhớ, thì những tấn thảm kịch này khiến họ ám ảnh đến suốt đời.
Quốc hoa, quốc phục, quốc tửu… đang được bàn cãi, đang được tiêu tiền… Nhưng có lẽ cái cần nhất nên quan tâm đến quốc nạn, quốc khố, quốc sỉ trước thì hơn, bức thiết hơn.
Đừng để đến lúc vẻ đẹp Việt Nam mãi “tiềm ẩn” còn nguy cơ thì “hiển hiện” mới uể oải hành động, e chừng đã quá muộn!
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-20-tham-nan-xin-dung-hy-huu-nua-
VIETNAM COMMUNIST PARTY MUST GO !!!
Đảng Việt gian CSVN PHẢI RA ĐI !!!
0 comments:
Post a Comment