… Cái mà chúng ta thiếu là một xã hội Dân sự đúng nghĩa. Mình phải định nghĩa các xã hội dân sự như là tập thể các tổ chức không tùy thuộc chính quyền (Nguyễn Gia Kiểng)… Và điều kiện thứ tư, quan trọng lắm, rất quan trọng. Đó là phải có 1 tầng lớp trung gian trước đây còn nghiêng ngã, đứng ở giữa, thì nay đứng hẳn về phong trào cách mạng Dân chủ (Đỗ Nam Hải).
Tường An, thông tín viên RFA – Trong cơn sốt của các cuộc cách mạng theo nhau trổi dậy ở các nước Ai cập, Algeria, Jordan,Tunisia, Yemen… đã dấy lên niềm tin ở những cuộc cách mạng có thể sẽ xảy ra ở các nước khác xa hơn nơi mà hương hoa lài của Tunisia có thể lan tỏa.
AFP – Làn sóng cách mạng khởi đầu từ Tunisie bởi cuộc trấn áp của cảnh sát.
Sự lạc quan này có căn cứ hay không ? Làm thế nào để có thể có một cuộc cách mạng ? Mời quý thính giả theo dõi sự phân tích của hai nhà đấu tranh dân chủ ở hải ngoại và quốc nội trong bài tường trình của Tường An sau đây :
Những làn sóng Dân Chủ lịch sử
Bằng những cuộc biểu tình bất bạo động, Tunisia sau 4 tuần và Ai cập sau 16 ngày đã đuổi được các nhà lãnh đạo độc tài ra khỏi nước. Hình như có một làn sóng cách mạng Dân chủ đang nổi dậy. Tác giả Như Hà trên trang danlambao tin tưởng rằng sẽ có 11 nước, trong đó có Việt Nam có thể trở thành một Ai Cập thứ hai.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng không phải tự nó mà thành mà cần có sự hội tụ của những điều kiện ắt có và đủ, những cơ hội chín mùi để có thể biến sự bất mãn âm ỉ của người dân thành hành động.
Theo phân tích của ông Nguyễn Gia Kiểng (NGK) một kỹ sư tin học đang sống tại Pháp thì : nếu cho rằng lịch sử của thế giới là một cuộc hành trình của các dân tộc đi đến Tự Do, Dân Chủ thì cuộc hành trình này được hình thành bằng 4 làn sóng dân chủ.
Ai Cập hàng triệu người đã xuống đường cho cuộc cách mạng Dân chủ. AFP
Làn sóng dân chủ 1 là cuộc cách mạng của Hoa Kỳ để thành lập quốc gia Hoa Kỳ, ngay sau đó là cuộc cách mạng Pháp nhằm đánh đổ chế độ quân chủ, chế độ thần quyền để thành lập một chế độ cộng hòa
Làn sóng dân chủ thứ hai xảy ra trong thế chiến thứ hai, làn sóng dân chủ này nhằm đánh đổ chủ nghĩa các quốc gia quá khích, thống trị. Hậu quả là các nước độc tài như Đức, Ý Nhật đã trở thành các nước dân chủ.
Làn sóng dân chủ thứ ba nhắm vào những nhà nước độc tài và các chế độ cộng sản đưa đến việc san bằng bức tường Bá linh, chế độ cộng sản ở Liên xô sụp đổ.
Cuối cùng, làn sóng dân chủ hóa thứ tư là làn sóng đánh đổ những chế độ độc tài về chính trị nhưng mở cửa về kinh tế. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng, làn sóng dân chủ thứ tư này sẽ có hai đợt, đợt thứ nhất ở các nước Á Rập Hồi giáo và đợt thứ hai, theo ông sẽ xảy ra ở các nước Châu Á, ông dẫn giải :
Làn sóng Dân chủ thứ tư này nhắm san bằng các chế độ mở cửa về kinh tế nhưng thắt chặc về chính trị và nó bắt đầu cũng có hai đợt : đợt đầu mà chúng ta thấy đang diễn ra mà tôi nghĩ là nó cũng sẽ kéo dài khoảng 1 năm nữa. Mới đầu nó nhắm vào các nước chín mùi nhất, tức là các nước Á rập Hồi giáo. Những chế độ này đã cai trị, cướp bóc một cách trắng trợn nhưng đống thời nó cũng đã mở cửa và giao dịch với thế giới bên ngoài . Nó có ảnh hưởng làm thay đổi trật tự và nó thay đổi cách suy nghĩ, nó thay đổi cơ cấu xã hội. Sau khi những chế độ độc tài Hồi Giáo ở Trung đông, nhất là ở các nước Á rập bị đánh đổ thì tôi nghĩ sẽ có 1 đợt dân chủ hóa thứ hai, lần này cũng nhắm vào mở cửa về kinh tế, đóng cửa về chính trị là các nước ở Châu Á.
Vẫn theo nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng, Để có thể bùng nổ, một cuộc cách mạng Dân chủ cần hội đủ 4 điều kiện sau đây :
Cuộc cách mạng chắc chắn sẽ xảy ra chừng nào có 4 điều kiện cần và đủ.
Điều kiện thứ nhất : Chế độ cầm quyền đã chứng tỏ sự vô lý của nó và mọi người đồng ý rằng nó phải thay đổi.
Điều kiện thứ hai là đảng cầm quyền bị phân hóa tới mức nó không còn sự đoàn kết, nó không còn lý tưởng, nghĩa là nó mất yếu tố cốt lõi của 1 tập thể chính trị để mà có thể tồn tại được.
Điều kiện thứ ba là có một đồng thuận quốc gia. Phải có 1 đồng thuận dân tộc về 1 thể chế mới, chế đọ tương lai chúng ta muốn nó phải như thế nào và nó phải làm những việc gì.
Điều kiện thứ tư là phải có 1 lực lượng chính trị ra đời làm tụ điểm cho những nguyện vọng đổi đời.
Nếu chúng ta xét như thế thì ở Ai cập, cũng như Tunisie, cũng như các nước Đông Âu họ có cả 4 điều kiện đó.
Nhận dịnh về một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam
Nhìn về Việt Nam, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Việt Nam cũng đã có gần đầy đủ các điều kiện vừa nêu để có thể có 1 cuộc cách mạng dân chủ, cái mà chúng ta thiếu là một xã hội dân sự thật sự đúng nghĩa, theo ông :
Ở Việt Nam chúng ta có điều kiện thứ nhất, chúng ta có điều kiện thứ hai và chúng ta có phần nào điều kiện thứ ba. Ở Việt Nam tôi nghĩ rằng cũng không ai chống lại chế độ Dân chủ Đa nguyên, cũng không ai nói rằng người Việt Nam mâu thuẩn, xung đột với nhau. Mọi người đều đổng ý với nhau nền Dân chủ phải được xây dựng một cách bất bạo động. Cái mà chúng ta thiếu là một xã hội Dân sự đúng nghĩa. Mình phải định nghĩa các xã hội dân sự như là tập thể các tổ chức không tùy thuộc chính quyền. Mà sự xây dựng này có thể là nhanh chóng là bởi vì trí thức Việt Nam cũng đã tích lũy những kiến thức chuyên môn rất là phong phú. Trên nhiều mặt thì còn phong phú hơn Ai Cập và Tunisie nhiều lắm. Và rồi sau đó tình hình Việt Nam cũng sẽ biến chuyển nhanh chóng vì trên 3 điều kiện đầu của 4 điều kiện để một cuộc cách mạng Dân chủ có thể xảy ra thì chúng ta đã chín mùi hơn cả Ai cập và Tunisie.
Bahrain, Đoàn biểu tình đóng trụ ngày đêm ở quảng trường Pearl đòi thay đổi chế độ. AFP
Dưới cái nhìn của ông Đỗ Nam Hải, một nhà đấu tranh dân chủ đang sống tại Việt Nam thì một cuộc cách mạng cần hội đủ 4 điều kiện. Bốn điều kiện đó theo ông Đỗ Nam Hải là :
Cách mạng Dân chủ nó đến khi mà nó thỏa các điều kiện sau đây :
Thứ nhất : gia cấp thống trị không thể thống trị như trước nữa.
Thứ hai : Gia cấp bị trị không chấp nhận sự thồng trị của gia cấp thống trị.
Điều kiện thứ ba là có một phong trào đấu tranh dân chủ của quần chúng do tầng lớp trí thức lãnh đạo.
Và điều kiện thứ tư, quan trọng lắm, rất quan trọng. Đó là phải có 1 tầng lớp trung gian trước đây còn nghiêng ngã, đứng ở giữa, thì nay đứng hẳn về phong trào cách mạng Dân chủ.
Ở Việt Nam thì 3 điều kiện đầu cũng đã có, tuy nhiên nó chưa đủ mạnh để biến thành thời cơ. Nhưng còn điều kiện thứ tư thì chúng ta đang đấu tranh để có. Bởi vì cái tầng lớp trung gian đó là quân đội, là công an, là các viên chức chính phủ mà hiện nay thì các quyền lợi của họ đã gắn liền với chế độ độc tài hiện nay. Thế thì để cho họ đứng hẳn về phía phong trào Dân chủ thì đó là cả một quá trình. Nếu như mà họ cứ tiếp tục đứng về phía nhà nước để mà hưởng lợi trước nổi đau khổ của nhân dân.
Nếu như những người nào vâng lệnh nhà cầm quyền độc tài này để mà đàn áp phong trào Dân chủ, đàn áp nhân dân thì còn có thể sẽ bị trừng phạt bởi công lý, bởi pháp luật khi mà đất nước đã chuyển mình. Khi mà điều kiện thứ tư tức là tầng lớp trung gian đứng hẳn về phía phong trào dân chủ thì đó là thời cơ của cuộc cách mạng Dân chủ sẽ tới. Những người lãnh đạp cuộc cách mạng Dân chủ đó ở Việt Nam phải nhạy bén và dũng cảm lắm để mà nắm bắt lấy thời cơ để mà vận động quần chúng đứng lên làm một cuộc xuống đường vĩ đại để mà dành lấy nền Dân chủ cho dân tộc Việt Nam .
Dấu hiệu lạc quan cho một nên dân chủ tại Việt Nam
Sau các cuộc chuyển mình để thay đổi chế độ trong làn sóng cách mạng ở các quốc gia Á rập, chúng ta có thể lạc quan để có thể có một niềm tin vào một cuộc cách mạng ôn hòa, bất bạo động như thế ở Việt Nam chăng? Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng chúng ta có đầy đủ lý do để lạc quan :
Tôi lạc quan, tôi tin rằng sau đợt đầu tiên nhắm vào các quốc gia Hồi giáo và đặc biệt là các quốc gia Á rập ở Trung đông, sẽ đến lượt Việt Nam chuyển động. Tôi có thêm 1 lý do nữa để lạc quan là Việt Nam ngày hôm nay nghĩ là mình rập khuôn theo Trung quốc, nhìn Trung quốc như 1 chổ dựa. Nhưng mà thật ra cái mô hình Trung quốc nó cũng đã hỏng rồi. Chính Trung quốc cũng sẽ phải đương đầu với những năm tháng tới đầy khó khăn.
Khi những chế độ chư hầu như chế độ VIỆT NAM sống được nhờ niềm tin rằng họ có 1 đế quốc nào đó để họ dựa vào. Khi mà cái trung tâm tỏ ra dấu hiệu chao đảo thì các nước ngoại vi sụp đổ trước. Tôi lại càng có lý do để tin tưởng nữa là vì đảng Cộng sản Việt Nam vừa họp xong đại hội 11 và bầu ra ban chấp hành mới. Bình thường, sau mỗi dịp đổi mới như vậy thì có 1 giai đoạn hân hoan, sôi nổi. Nhưng mà chúng ta tuyệt đối thấy : không có gì hết ! Đại hội 11 không phải là 1 biến cố, nó hoàn toàn nhạt nhẽo và không để lại 1 dư âm. Điều đó chứng tỏ là đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã rã rượi lắm rồi !
Từ Sài gòn, ông Đỗ Nam Hải cũng chia sẽ niềm tin của ông vào sự tất thắng của một nền dân chủ thực sự cho Việt Nam :
Tôi nghĩ rằng trong tương lai, cuộc cách mạng Dân chủ ở Ai cập nó cũng sẽ lan ra các nước độc tài còn sót lại trên thế giới này, Cộng sản cũng như phi Cộng sản. Độc tài thì không có nghĩa là chỉ có Cộng sản mới độc tài. Nhưng độc tài Cộng sản là ghê gớm nhất bởi vì nó là cả 1 hệ thống toàn trị với 1 bộ máy chuyên chính vô sản sắt máu.
Và tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh dành thắng lợi của Tunisie và Ai cập vừa qua sẽ là 1 tấm gương cổ vũ rất là mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh chống các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới, ví dụ như Việt Nam,Trung quốc, Bắc hàn hay Cuba. Và chắc chắn là nền Dân chủ đích thực sẽ thắng.
Theo bà Hillary Clinton thì lịch sử đã chứng minh mọi sự áp bức sẽ dẫn tới cuộc cách mạng.
Tiến sĩ Mark Almond, Giáo sư thỉnh giảng về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bilkent, Ankara nói « Điều kiện cần có của cách mạng là tia lửa kết nối dòng điện của sự bất mãn đang âm ỉ trong hàng triệu người dân »
Sự bất mãn lâu dài của người dân trong một chế độ độc tài sẽ là ngòi nổ của một cuộc cách mạng không thể tránh khỏi mà tia lửa châm ngòi nổ ấy chỉ còn là vấn đề thời gian.
0 comments:
Post a Comment