Wednesday, February 23, 2011

Chức tước đi “mua”, liệu có vinh quang?

Khánh Linh – “Truyền thống cũng có truyền thống tốt và ngược lại. Vậy cái thứ tranh cướp nhau xin xỏ (hay mua bán) chức tước (giả và thật) bất chấp cả nhân tâm, đạo lý như thế thì thuộc vào loại truyền thống nào và có đáng được khuyến khích không?” – GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển.

Phát ấn chỉ có lợi cho quan chức?

- Năm ngoái, GS đã trả lời rất rõ ràng trên Tuần Việt Nam về nguồn gốc lễ khai ấn đền Trần. GS cũng từng thẳng thắn đề nghị không nên phát ấn theo nghĩa như là ban phát chức tước, bổng lộc. Thực tế diễn ra năm nay là lễ khai ấn vẫn diễn ra, người người vẫn chen chúc, giẫm đạp nhau để lấy bằng được một cái ấn, dù BTC đã có những điều chỉnh như tăng lực lượng công an bảo vệ, sắp xếp 75 bàn phát ấn ở nhiều khu vực khác nhau…?

- Theo dõi thông tin về lễ khai ấn đền Trần, sẽ thấy có hai luồng thông tin rất khác nhau, không biết cái nào đúng: Truyền hình đưa những hình ảnh lễ hội rất trật tự, nền nếp, lịch sự, trong khi đó VietNamNet và nhiều báo lại đưa hình ảnh hàng rào sắt bị xô đẩy cong queo, tua tủa những bàn tay kẹp cả một đống tiền cố vươn dài qua hàng rào sắt, van vỉ, khẩn cầu. Người người bị xô đẩy, chen lấn, có người đến ngất xỉu… Nếu nhìn những hình ảnh đó thì thấy lễ hội năm nay cũng chẳng được cải tiến là bao so với năm trước.

Riêng về việc điều chỉnh mà nhà báo đề cập, theo tôi đó là những điều chỉnh tiểu tiết, không bản chất. Nói gì thì nói, chuyện ban phát ấn với ý nghĩa là ban chức, thưởng công thì hoàn toàn chỉ là sáng tác mới trong những năm gần đây thôi, không phải là nghi lễ truyền thống.

Còn có ai đó nói cứ làm đi, lâu dần nó sẽ thành truyền thống, thì đấy là một lối nói thiếu trách nhiệm. Tôi chỉ lưu ý truyền thống cũng có truyền thống tốt và ngược lại. Vậy cái thứ tranh cướp nhau xin xỏ (hay mua bán) chức tước (giả và thật) bất chấp cả nhân tâm, đạo lý như thế thì thuộc vào loại truyền thống nào và có đáng được khuyến khích không?

Một cảnh xin ấn ngoạn mục. Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi trẻ)

- Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định Bộ đã chỉ đạo với quan điểm không phát ấn, nhưng địa phương lại cho rằng có khai ấn thì phải phát ấn, nên hiện nay quan điểm chưa thống nhất. Ông Thành còn giải thích rằng “Phát ấn thường phát cho quan chức chứ người dân không có tác dụng gì”. GS bình luận thế nào về nhận xét này?

- Lễ Khai ấn chỉ đơn giản như là một “thủ tục hành chính”, mở đầu một năm làm việc mới, mong cho mọi sự hanh thông, hoàn toàn không liên quan đến chuyện thưởng công hay thăng chức gì cả. Việc giải thích lễ Khai ấn là lễ hội của chức tước, mừng công, thưởng công cho những người có đóng góp vào chiến thắng Nguyên Mông thế kỷ XIII của nhà Trần là tùy tiện, gán cho lễ Khai ấn những ý nghĩa không hề có trong lịch sử và xét về thực chất là một sự xuyên tạc lịch sử.

Tôi không dự lễ phát ấn, nhưng tôi tin là ông Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nói đúng. Phát ấn thì người ta phát cho quan chức chứ mấy ai phát cho dân chúng. Nghi lễ phát ấn mà người ta mới khuếch trương gần đây có lẽ là nghi lễ dành riêng cho quan chức (mà chắc là phải quan chức cỡ nào nữa kia). Thế nhưng tâm lý người đến dự lễ thì ai mà chẳng mong có “ấn” mang về.

Lại còn mang về làm “quà” biếu cho cả bố, mẹ, vợ, con, anh em, tông ty họ hàng, bạn bè đồng nghiệp… Thế thì họ phải mua thôi, mà có khi là mua bằng mọi giá. Mua tranh, bán cướp, giẫm đạp nhau cũng là ở chỗ này đây. Phát ấn kiểu này đúng là có lợi cho quan chức thật, còn người dân thì không những “không có tác dụng gì” đúng như ông Chánh Thanh tra nói, mà nhiều khi còn hại nữa kia: Hao tiền, tốn của đã đành, mà thảm họa khó tránh khỏi.

Cứ giả sử những người xin được (hay mua) được ấn sẽ được thăng quan tiến chức thật, thì cái thứ chức tước đi ăn xin (hay đi mua) được ấy liệu có vinh quang gì? Chức vụ phải tương xứng với khả năng, với đóng góp của bản thân thì mới có ý nghĩa. Còn chức vụ chỉ thuần túy do đi xin (hay do mua) mà có thì liệu có làm được gì cho dân cho nước, hay chỉ làm khổ dân, hại nước mà thôi!

Không ai tước “Đức Thánh Trần” của người dân!

- GS đã nhắc đến “lợi ích của một số người”. Có khi nào vì những lợi ích kinh tế mà chính quyền không muốn chấm dứt việc phát ấn?

Tôi biết rằng không có thu nhập đáng kể nào cho Nhà nước sau mỗi mùa lễ hội này đâu, mà thậm chí nhà nước còn phải đầu tư không ít tiền vào đây nữa chứ. Thế thì số kinh phí thu được không phải là ít của các lễ hội chạy vào đâu?

Cần phải tính toán một cách đầy đủ chi phí của hàng vạn người cho một lễ hội. Một bãi gửi xe bình thường 3000, 5000, giờ vài chục nghìn thì tiền đó vào túi ai? Tiền bán ấn theo kiểu tùy tiện đưa tiền qua hàng rào sắt là bao nhiêu, ai kiểm tra, ai quản lý? Tiền ăn uống, dịch vụ chặt chém một cách tàn bạo… tất cả rơi vào túi ai? Nhà nước thu được bao nhiêu, hay chỉ có một số cá nhân và tổ chức nào đó được hưởng lợi từ lễ hội như thế này?

Tại sao không đặt thẳng mọi vấn đề để thảo luận? Người được lợi thì không rõ ràng, còn những hậu quả thì đã quá rõ, sao Nhà nước vẫn không thể đưa ra quyết định? Chính ông Vũ Xuân Thành khi trả lời báo chí cũng nhắc đến sự may mắn là không xảy ra sự cố giẫm đạp như ở Campuchia. Nếu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Tổ chức lễ hội rất cần chú ý đến quy mô. Tổ chức quá lớn mà không kiểm soát được thì rất khó lường trước những tình huống xấu có thể bất ngờ diễn biến.

Có rất nhiều lễ hội quy mô vừa phải ở các làng, nhưng rất tiếc vì sự tuyên truyền, vì tâm lý đám đông mà người dân chỉ đổ xô vào một vài lễ hội được “gán” với mác cầu tiền, cầu quyền. Bản thân tôi mùng 6 Tết có đến lễ hội Cổ Loa, một lễ hội rất có ý nghĩa, được tổ chức tốt, khai thác được các giá trị truyền thống, cũng có nhiều yếu tố hiện đại, khá hài hòa.

- Trên Tuần Việt Nam, tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi khẳng định không nên bỏ lễ khai ấn đền Trần. Bởi theo ông Khôi, không thể đòi hỏi người dân phải nhớ về Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo theo cách “khô khan” của các nhà sử học, mà như “Phật Hoàng”, “Đức Thánh”, những “đấng, bậc” ban phúc cho họ trong đời sống cơm áo hằng ngày. Để những ký hiệu của lịch sử dân tộc và quốc gia đi vào tận đáy sâu tâm thức họ, thông qua con đường thích hợp với họ: Không phải là con đường của trí tuệ sách vở mà là bằng cách hiện diện trong… đời sống cơm áo hàng ngày.

Ông Khôi đã đặt vấn đề “Nếu chúng ta tước mất Đức Thánh Trần của họ, họ sẽ phải tìm đến những ông thánh khác. Hiện đã có sẵn nhiều ông thánh khác để lấp chỗ trống. Các nhà hoạt động và quản lý văn hóa muốn họ chọn ai nào, Quan Công hay… Mã Viện? Ý kiến của GS về vấn đề này ra sao?

- Trách nhiệm của các nhà sử học là mô tả và nhận xét lịch sử sao cho như nó đã từng diễn ra trong quá khứ. Tư cách của nhà sử học chính là thái độ thẳng thắn, khách quan, trung thực, biết đến đâu nói đến đó, không tùy hứng sáng tác, bịa đặt hay xuyên tạc lịch sử.

Chúng tôi cảnh báo sự giải thích sai lạc của lễ hội Khai ấn Thiên Trường trong thời gian gần đây, là xuất phát từ trách nhiệm của mình, muốn lưu ý các nhà tổ chức cần phải tôn trọng và đề cao các giá trị đích thực của lễ hội đã định hình trong lịch sử, chứ tuyệt đối không có ý định “tước mất Đức Thánh Trần” như ông Nguyễn Lương Hải Khôi quan niệm.

Cả nước có vài chục đền thờ Đức Thánh Trần được lập do niềm tin và sự kính trọng của dân gian qua nhiều đời. Nên việc dừng phát ấn trong lễ Khai ấn đền Trần (chứ không phải chấm dứt lễ khai ấn) hoàn toàn không thể “quy chụp” là tước Đức Thánh Trần của người dân. Ông Khôi còn tỏ ra lo ngại vào một lúc nào đó người Việt Nam sẽ quên Trần Hưng Đạo mà chọn Mã Viện thay thế (?). Tôi vẫn biết trên đất Việt Nam có vài ba nơi thờ Mã Viện, nhưng ý nghĩa của việc thờ cúng này khác lắm, không giống như ông Khôi quan niệm đâu.

- Xin cảm ơn GS.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-02-22-chuc-tuoc-di-mua-lieu-co-vinh-quang-

HỠI TUỔI TRẺ VIỆT NAM HÃY CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO QUỐC NỘI MẠNH DẠN XUỐNG ĐƯỜNG TRANH ĐẤU ĐÒI QUYỀN SỐNG, QUYỀN BÌNH ĐẲNG CÔNG BẰNG XÃ HỘI CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI VIỆT NAM

0 comments:

Powered By Blogger