Friday, February 4, 2011

Ảnh hưởng cuộc nổi dậy ở Ai Cập đối với Trung Quốc và Việt Nam

Hà Tường Cát -Vụ khủng hoảng chính trị tại Ai Cập như mọi người đều hiểu có tác động nhiều nhất tới Hoa Kỳ, Israel, và các quốc gia Á Rập Hồi Giáo vùng Trung Ðông. Trung Quốc hay Việt Nam không có mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia Bắc Phi này như thế, nhưng không phải là hoàn toàn không bị ảnh hưởng dù chỉ trong một chừng mực rất giới hạn.

Quần chúng tự tổ chức những đội dân phòng canh giữ an ninh tại khu xóm Maadi ở thủ đô Cairo sau khi toàn thể lực lượng cảnh sát đã ngưng làm nhiệm vụ và quân đội chỉ được triển khai đến bảo vệ công trường Tahrir cùng các công thự. (Hình: Ann Hermes/Christian Science Monitor)

Trong một bài trên tờ báo Pháp L’Express ngày 19 tháng 1, 2011 mang tựa đề “La Tunisie, et après” (Tunisia, và sau đó) Jacques Attali – kinh tế gia, học giả và cựu cố vấn của Tổng Thống Francois Mitterrand – đã viết: “Sự kiện vừa xảy ra ở Tunisie chứng minh rằng lập luận của Karl Marx vẫn còn có giá trị: Tunisia đã chuyển sang kinh tế thị trường sẽ phải trở thành một nước dân chủ,” và ông viết tiếp: “Sau quốc gia này rồi sẽ tới trường hợp Ai Cập, Việt Nam, Trung Quốc, các nước phía Nam sa mạc Sahara và sau đó nữa mới là Algeria và Syria bởi vì kinh tế thị trường ở đây còn ngập ngừng.”

Attali đã dự đoán đúng Ai Cập là trường hợp tiếp theo Tunisia vì hai nước này có những hoàn cảnh rất tương đồng với các nhà lãnh đạo độc đoán đã nắm quyền lực trên dưới 30 năm và sự phát triển kinh tế giống nhau. Nhưng ông không tiên đoán như là nhà tướng số nên trong viễn kiến dựa trên lý luận ấy chưa thể nói chắc chắn mọi biến chuyển sẽ lần lượt xảy ra đúng theo trình tự như vậy ở các nơi khác. Kinh tế thị trường là một trong nhiều điều kiện để xã hội đi tới dân chủ, nhưng còn cần nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nữa thì cách mạng quần chúng mới xảy ra và mới có thể thành công.

Một suy luận thông thường là thành công của cuộc cách mạng ở Tunisia sẽ khuyến khích dân chúng các nước chưa có dân chủ nổi dậy và như vậy chính quyền các nước này sẽ phải bằng cách này cách khác ngăn chặn sự lan truyền tư tưởng ấy. Ðiều này không đúng hẳn, chưa kể trên một mặt khác chính quyền mỗi nước ấy cũng rút được kinh nghiêm và cảnh giác để bằng sự am hiểu hoàn cảnh cụ thể của họ sẽ tìm ra phương cách ứng xử thích hợp.

Trung Quốc trong mấy ngày qua đã thi hành nhiều biện pháp để ngăn chặn những thông tin về biến động chính trị ở Ai Cập nhưng Việt Nam thì không. Báo chí và các trang mạng điện tử ở Việt Nam loan tin Ai Cập bình thường như các cơ quan truyền thông quốc tế và cho biết hủy bỏ một chuyến du lịch đến Ai Cập vào khoảng thời gian Tết, phù hợp với tình hình bất ổn ở đây. Hoàn cảnh Ai Cập và Việt Nam khác hẳn nhau và biến động chính trị ở Ai Cập không có tác động gì đáng phải dành nhiều quan tâm.

Trái lại nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn có những mối lo ngại vì Trung Quốc là một đất nước quá rộng lớn và đông dân, chính quyền trung ương không thể nào hoàn toàn bảo đảm nắm vững tình thế ở tất cả các địa phương nên những biện pháp phòng ngừa được đưa ra thường là cao hơn nhu cầu thực tế cụ thể.

Trong mấy năm gần đây do phát triển kỹ thuật thông tin điện tử, những sự bày tỏ quan điểm đối với các chính quyền độc tài trên thế giới và những vụ nổi dậy của quần chúng ở một số địa phương khiến nhà cầm quyền Trung Quốc tin rằng việc tự do loan truyền thông tin là sự tiếp lửa cho bất ổn. Do đó từ mấy ngày qua, trên Sina.com và Netease.com, hai cổng thông tin điện tử lớn nhất tại Trung Quốc, phần truy tìm từ ngữ “Ai Cập” đã bị đóng lại và những ý kiến bình luận phía dưới các bản tin ít oi liên quan đến cuộc nổi dậy ở Cairo do Tân Hoa Xã đưa ra cũng bị xóa bỏ.

Tờ báo tiếng Anh Global Times xuất bản ở Trung Quốc hôm Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011 đăng một bài xã luận với tựa đề: “Cách mạng màu (như người ta đặt cho ở Ukraine, Kirghiz, hay Tunisia) không đem lại dân chủ đích thực.” Tờ báo này phản ánh lập luận của nhà nước Cộng Sản cho rằng “đem dân chủ áp dụng ở các quốc gia khác còn là một vấn đề cần xem xét vì đã có rất nhiều trường hợp thất bại.” Một số báo chí Trung Quốc nắm lấy biểu hiện không dứt khoát của Hoa Kỳ trong phản ứng đối với tình hình Ai Cập để kết luận là Hoa Kỳ có những lúc bênh vực độc tài hơn là dân chủ.

Trung Quốc không có nhiều lợi ích chiến lược ở Ai Cập, một đất nước xa xôi khó tạo được ảnh hưởng khi Trung Quốc đã là một cường quốc kinh tế nhưng chưa phải là một siêu cường quốc đúng nghĩa. Trị giá mậu dịch của Trung Quốc với Ai Cập đã lên tới gần $10 tỷ năm 2010, có nghĩa Ai Cập là đối tác đứng hàng thứ nhì của Trung Quốc ở Phi Châu và vùng Trung Ðông. Từ lâu Trung Quốc cũng đã bán nhiều loại vũ khí hạng nhẹ cho Ai Cập, nhưng Ai Cập không phải là nước có nhiều tài nguyên dầu lửa hay những nguyên liệu khác cung cấp cho kinh tế Trung Quốc.

Ðối với Việt Nam, Ai Cập giữ mối quan hệ hữu nghị lâu dài nhưng không phải là một quốc gia đối tác có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập năm 2010 hơn $200 triệu trong đó Việt Nam xuất siêu (xuất cảng nhiều hơn nhập cảng) khoảng $180 triệu, theo số liệu do Phòng Thương Mại và Công Nghệ Việt Nam đưa ra. Phần lớn hàng hóa Việt Nam bán cho Ai Cập gồm nông sản phẩm, thủy sản, hàng dệt may và một số mật hàng tiêu dùng khác. Hai nước đã thảo luận về hợp tác ngư nghiệp và dầu khí, tuy nhiên những dự án này nếu thực hiện được cũng phải trong vòng 3 năm nữa.

Trong những điều kiện ấy, tác động của tình hình chính trị Ai Cập đối với Trung Quốc và Việt Nam sẽ chỉ ở mức giới hạn, không đủ yếu tố đưa tới những thay đổi đáng kể tại quốc nội cũng như đối ngoại. Chờ đợi sự lan truyền cách mạng dân chủ ở Bắc Phi và Trung Ðông đến Ðông Á hãy còn quá sớm và không là thực tế.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126551

0 comments:

Powered By Blogger