Cái đêm hôm ấy đêm gì?
Ma tràn mặt đất, quỹ đi đầy đường!
Đó là đêm 18 tháng 7 năm 2007, đêm cuối cùng đợt biểu tình của nông
dân các tỉnh phía Nam, mà chủ yếu là các tỉnh Miền Tây, liên tục kéo dài
hơn một tháng trước Văn phòng 2 Quốc hội ở đường Hoàng Văn Thụ, Sàigòn.
Trong cuộc biều tình, có nông dân của gần 20 tỉnh, thành phố tham dự.
Nhiều biểu ngữ giăng lên, cho thấy người dân muốn tố cáo việc chính
quyền các tỉnh, thành đã thu hồi đất trái pháp luật, không bồi thường
hoặc bồi thường rẻ mạt, thực chất như ăn cướp đất đai của nhân dân dưới
hình thức “thu hồi đất” để làm các dự án. Có những biểu ngữ tố cáo đích
danh những quan chức địa phương, nhưng cũng có những biểu ngữ nêu rõ bản
chất chung của chủ trương thu hồi đất: “THAM NHŨNG ĐẤT ĐAI LÀ THAM NHŨNG XƯƠNG MÁU CỦA NHÂN DÂN”. Ai đó còn viết và giăng ngang cổng VPQH một khẩu hiệu lớn, như tên gọi cho toàn bộ cuộc biểu tình: “TRIỂN LÃM THÁNH TÍCH CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC TỈNH MIỀN TÂY NAM BỘ VÀ TP HỒ CHÍ MINH”.Thật ra câu nầy chưa bao quát hết thành phần có mặt lúc ấy, vì trong số tham dự biểu tình, có cả người dân đến từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Bình Thuận, Bà rịa Vũng Tàu, Đồng Nai… Họ yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương phải xử lý để trả lại sự công bằng và những quyền lợi hợp pháp cho mình.
Từ hai ngày trước, theo sự chỉ đạo của Nhà nước trung ương(?), chính
quyền cùng tổ chức đoàn thể của các tỉnh, thành phố đã đến tại nơi có
dân biểu tình, kêu gọi bà con về địa phương để được chính quyền xem xét
giải quyết các yêu cầu nguyện vọng. Và đêm đó, dưới sự chỉ huy thống
nhất của một ông tướng bộ Công an, với sự yểm trợ của một lực lượng hùng
hậu thuộc thành phố Hồ Chí Minh, công an các tỉnh đã cưỡng bức toàn bộ
những người đang tham gia biểu tình phải trở về địa phương nơi cư trú
của họ. Từ xế chiều, nhiều xe chuyên dùng đã đến đậu trước Văn phòng
Quốc hội. Các loại xe chữa lửa, xe phát sóng để phá sóng điện thoại, xe
bít bùng để chở tù nhân, xe cứu thương, xe cảnh sát có gắn còi hụ, và
nhiều xe khách cỡ lớn… đều đã có mặt.
Trời vừa sụp tối, các tuyến đường thông đến Văn phòng 2 Quốc hội đã bị
ngăn chặn, cấm xe cộ lưu thông. Điện thoại trong khu vực đều mất sóng.
Tất cả những người biểu tình đang có mặt tại Hoàng văn Thụ hoàn toàn bị
cô lập. Họ co cụm lại nhau, bàn bạc, đợi chờ thật căng thẳng. Từng đợt,
từng đợt, tiếng kêu cứu phát ra từ chiếc loa cầm tay; được hàng trăm
người hô theo, vang cả một góc trời.
Chủ tịch nước ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân
Tổng bí thư ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Quốc hội ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Thủ tướng ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Mặt trận tổ quốc ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Quân khu 7 ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân…
Tiếng kêu lặp đi lặp lại hằng trăm lần. Nhưng rồi cũng dần dần nhỏ đi,
trở nên khàn khàn, không biết vì chiếc loa hết pin hay vì ông già búi
tóc gần 70 tuổi cầm loa đã hết hơi hết sức. Gần tới nửa đêm, một trận
mưa trút xuống. Đoàn người biểu tình càng thu hẹp vào những chiếc lều dã
chiến. Gần 12 giờ khuya, xe phóng thanh công suất lớn bắt đầu phát in
ỏi những lời kêu gọi rất mềm dẽo, rất lịch sự và đầy hứa hẹn là “…tâm tư nguyện vọng của bà con sẽ được chính quyền địa phương lắng nghe và xem xét giải quyết. Chúc bà con thượng lộ bình an”.
Âm thanh vang dội của những chiếc loa như tiếp sức cho lực lượng cưỡng
chế, đông gấp bốn năm lần số người biểu tình và đều là thanh niên trai
tráng. Họ đã nhanh chóng đàn áp sự phản kháng yếu ớt của những người
biểu tình, hầu hết là người già và phụ nữ. Và chưa đầy một giờ sau, tất
cả đoàn người biểu tình đã bị đẩy lên những chiếc xe buýt, có công an
“bảo vệ” để đưa về các tỉnh.
Hơn một tháng, những người biểu tình thay phiên nhau, bám giữ địa điểm
để yêu cầu các cơ quan chức năng ở trung ương và lãnh đạo quốc hội,
chính phủ, nhà nước… quan tâm giải quyết những việc làm sai trái của
chính quyền địa phương. Rốt cuộc, họ bị buộc phải quay về tỉnh, đối mặt
với lực lượng công an điều tra, để rồi có người phải vào tù mãi đến
nhiều tháng sau, hoặc vài năm sau mới được về với gia đình. Do không có
tổ chức mà chỉ là tự phát của từng cụm, từng nhóm khiếu kiện của từng
địa phương, cũng không có kết nối, liên lạc chặt chẽ gì với nhau, nên
cho tới nay, bao nhiêu người trong số biểu tình tại Văn phòng 2 Quốc
hội, sau ngày 18 tháng bảy năm 2007, đã bị bắt, bị tù, chưa ai biết
được.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Có lẽ từ sau 30-4-1075, đây là cuộc biểu tình đầu tiên đông người nhất,
có nhiều địa phương tham dự nhất, và kéo dài nhiều ngày nhất. Nhưng có
cùng đi biểu tình với bà con trong suốt cả tháng trời, mới biết rõ nhiều
điều.
Đoàn biểu tình hoàn toàn tự phát, ô hợp, không có tổ chức lãnh đạo gì
cả. Phần đông họ là những người bị mất đất mất nhà oan ức ở địa phương,
khiếu kiện nhiều năm không được giải quyết. khi nghe tin có đoàn dân
Tiền giang tập trung trước VPQH, giăng cờ, biểu ngữ ở đó liên tục nhiều
ngày rồi; thế là họ bàn và kéo nhau tới đó để giăng biểu ngữ lên, đòi
hỏi.
Người đầu tiên tiếp đón các đoàn biểu tình mới tới là công an mặc thường phục. “Bà con từ tỉnh nào lên? Có bao nhiêu người? Đi đòi hỏi việc gì? Ai là trưởng đoàn?”.
Họ hỏi nhiều lần, với nhiều người, ngay khi những người biểu tình mới
từ trên xe bước xuống, nói là để báo cáo cho lãnh đạo biết.
Rất đông người quay phim, chụp hình, phỏng vấn những người đi biểu tình;
ghi chép cẩn thận các biểu ngữ, khẩu hiệu mới được giăng lên… nhưng họ
đều là công an tỉnh, thành phố hoặc là của Bộ. Tuyệt nhiên không có
một nhà báo nào đến đây để quay phim chụp hình và phỏng vấn, cũng như
không hề có một bài báo nào đưa tin là đang có cuộc biểu tình của nông
dân tại sài Gòn. Thỉnh thoảng có người đi đường dừng lại quay phim,
chụp hình thì lập tức họ bị một tốp người, cũng mặc thường phục, bao
vây, lấy máy ảnh và dẫn đi về đâu đó để xử lý. Những người chở bánh mì,
mì gói, nước uống, vải bạt đến cho bà con biểu tình cũng bị đối xử tương
tự, nhưng có phần thô bạo và tàn nhẫn hơn nhiều.
Có đoàn đến gặp người đứng đầu Văn phòng 2 quốc hội đưa đơn, nhờ chuyển
về cấp trên thì vị nầy từ chối vì không có chức năng nhận đơn. Xin gặp
bất kỳ một đại biểu Quốc hội nào đó, thì được trả lời là ở đây không có
đại biểu quốc hội nào cả. Nhưng thỉnh thoảng, người biểu tình nhận diện
được một vài đại biểu Quốc hội từ ngoài đi vào trong trụ sở VPQH để giải
quyết việc gì đó, họ lập tức bám theo để gởi đơn. Khác với dáng vẽ rất
nhiệt tình bảo vệ quyền lợi của người dân khi đài truyền hình đưa tin họ
đang phát biểu trên diễn đàn Quốc hội. Ở đây, đại biểu nào cũng tỏ
ra vội vã, tìm cách lẫn trốn thật nhanh và tuyệt nhiên không có một lời
hỏi han, đối thoại nào với những người dân đang ôm trong lòng nhiều nỗi
bức xúc và vô cùng mừng rỡ khi gặp họ. Có một ông, khi đi ngang qua
sảnh VPQH có dân oan ngồi đầy bít cả lối đi, ông ta đã tìm cách lách qua
và chạy nhanh về phía cầu thang. Nhưng phía sau, đã có mấy người dân
chạy theo bén gót, vừa nói vừa nhét vào túi áo vest của ông mấy xấp đơn
gởi cho Quốc hội và Chính phủ. Lát sau, có người lên lầu 2 để gởi đơn
tiếp thì thấy số đơn trước đã được ông đại biểu khi nảy móc ra vất lại
trong phòng khách đang vắng tanh không có người làm việc. Đặc biệt, bao
nhiêu người đi vào VPQH, không bao giờ thấy họ trở ra. Họ đã ra bằng
đường hầm hoặc cửa sau nào đó, nên cho dù người dân đứng canh cả ngày
cũng không bao giờ gặp lại họ.
Ngày 19-7-2007 là ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.
Báo chí tưng bừng những bài vở chào đón, hy vọng Quốc hội mới sẽ làm
được nhiều việc lợi ích cho nhân dân. Nhưng đối với những người biểu
tình tại VPQH bị cưỡng bức đưa trở về địa phương đêm 18-7-2007, thì Quốc
hội mới nầy sẽ làm được gì cho họ, họ đã biết trước rồi. Cũng như những
nhà báo có thể làm được gì để giúp cho những người dân thấp cổ bé miệng
như họ, từ đây họ đã biết rồi.
Báo chí là phương tiện để thực hiện quyền tự do ngôn luận, là chỗ để
người dân lên tiếng, là nơi để người dân liên lạc với dư luận xã hội
trong và ngoài nước. Quốc hội là tổ chức của những người đại diện nhân
dân, những người chính thức nói lên tiếng nói của nhân dân, thực hiện
quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước. Đại biểu quốc hội là người
luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của
nhân dân.
Từ lâu, hai hình thái tổ chức dân chủ nầy đã lộ rõ chân tướng là những
công cụ đắc lực của đảng cầm quyền. Hoạt động của nó, hoặc là trực tiếp
chống lại quyền lợi của nhân dân, hoặc là lừa bịp làm cho người dân có
ảo tưởng rằng mình đang được sống trong một chế độ tự do, dân chủ.
Tổng bí thư ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Chủ tịch nước ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân
Quốc hội ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Thủ tướng ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân.
Mặt trận tổ quốc ơi! Cứu dân. -Cứu dân. Cứu dân
Đã bảy năm tròn, kể từ sau cái đêm hôm ấy. Cho đến nay, những tiếng kêu
thất thanh, lạc giọng của dân oan vẫn vang lên liên tục ở khắp nơi trên
đất nước. Ngay cả khi giặc ngoại xâm đã lâm le ngoài bờ cõi, sinh mạng
và cuộc sống của người dân vô tội vẫn tiếp tục bị chà nát dưới những
chiếc bánh khổng lồ của cổ xe điên. Nhưng chiếc xe điên vẫn chưa có dấu
hiệu chuẩn bị dừng lại. Những vụ việc mới nhất ở Cồn Dầu, Dương Nội, Thủ
Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, và hàng ngàn dân oan đang tập trung tại trụ
sở tiếp công dân ở Hà Nội... đã chứng minh điều đó. Dường như tên tài xế
đang lái cổ xe điên không phải là một con người. Hắn có phải là một
người bình thường như chúng ta không, chỉ có điều đó là chúng tôi chưa
biết.
0 comments:
Post a Comment