Saturday, July 26, 2014

Từ những chuyến bay rơi nghĩ về đất nước

 VietTuSaiGon
Suốt ba tháng nay, không tháng nào là không có máy bay bị mất tích hoặc bị bắn rơi. Và lần nào số lượng hành khách cũng chiếm vài trăm, những hành khách xấu số đều có một chung cục là: Mất xác hoặc biến dạng, không thể nhìn ra bằng mắt thường! Điều này làm tôi liên tưởng đến những chuyến tàu, nghĩ đến điện trường của trái đất và vận mệnh của Việt Nam.
Sở dĩ có chuyện liên tưởng mông lung như vậy vì cho đến bây giờ, tôi vẫn tin tưởng rằng chúng ta đang sống trong một sinh quyển chằng chịt điện trường, không ngoại trừ điện trường của con người. Và tôi cũng tin vào lý thuyết cho rằng điện trường có nhiều tầng số, có nhiều màu sắc của tốt và xấu, có dòng đen và dòng xanh.
Chính khái niệm dòng đen (xấu) và dòng xanh (có lợi cho con người) làm tôi liên tưởng đến quốc gia và thế giới, giữa cái mênh mông của vũ trụ này, trái đất chỉ là một tiểu hành tinh nhỏ nhoi, giữa cái mênh mông của mặt đất trên tiểu hành tinh này, con người chỉ là một hạt bụi mờ, một phân tử lượng nổi trôi. Và để sống, tồn tại, những hạt bụi mờ này liên kết với nhau, tạo thành những đám mây điện trường, mà theo cách gọi thông tục là “quốc gia”.

Mỗi quốc gia là một đám mây điện trường, hay ví gần hơn một chút, mỗi quốc gia giống như một con tàu, chạy mãi miết trên đường ray vô định của lịch sử phát triển loài người. Và mọi giá trị sinh mệnh, giá trị khoa học cũng như giá trị tình người, tính người đề phó thác cho tốc độ chạy cũng như hướng lái của người tài công điều khiển con tàu. Đương nhiên, người ta có thể thay đổi tài công nhưng ít có cơ hội nào thay đổi kịp hướng lái khi con tàu đã chệch bánh khỏi đường ray.
Và muốn con tàu khỏi bị chệch bánh, yêu cầu đầu tiên là người tài công phải hết sức sáng suốt và yêu thương bất kì hành khách nào trên tàu, coi sinh mệnh của hành khách phải quí tương đương với sinh mệnh của họ. Nhiều sinh mệnh tương đương cộng lại thì trách nhiệm và bổn phận của người tài công sẽ khác xa. Và số phận Việt Nam giống như một đoàn tàu chuyển bánh trên đường ray bởi tài công Cộng sản. Họ đã làm gì? Tại sao tôi lại liên tưởng những chuyến bay rơi sang đám mây và đoàn tàu?

Vì như đã nói, đó là do chúng ta đang sống trong điện trường, có các yếu tố giao thoa cũng như cộng hưởng của nó. Mà theo cách gọi nôm na của Phật giáo là “cộng nghiệp”. Sở dĩ tôi nói đến cộng nghiệp là vì gần đây, nhiều nhà tiên tri đã đưa ra những dự đoán bí ẩn và đầy tính bất an về mặt địa cầu của chúng ta, không ngoại trừ những chuyến bay bị rơi. Những nhà nhà tiên tri này là ai? Theo phân tích của các học thuyết nhà Phật như Duy Thức Luận, Thiền Luận, Trung Quán Luận… Ở con người có bốn thức hoạt động: Vô Thức, Tiềm Thức, Ý Thức và Siêu Thức.
Với người bình thường, chỉ có Ý Thức, Tiềm Thức và Vô Thức hoạt động. Những nhà ngoại cảm, tiên tri là những kẻ đang đứng ngấp nghé bên cánh cửa Siêu Thức, có thể nhìn ra thế giới “bên ngoài” được bởi những tố chất tâm lý đặc biệt của họ. Những dự báo của họ là những gì họ có thể nhìn thấy (nhưng độ chính xác dự đoán của họ chỉ là 50/50). Điều này cũng giống như những người vô tình đứng bên cửa số của một toa tàu gần với tài công nhất và nhìn qua cửa số, thấy đường ray gặp sự cố hoặc thấy một chiếc tàu khác đang lơ mơ chạy ngược lại, nếu bình tĩnh, người đứng bên cửa sổ kia sẽ tìm cách nhắc người tài công trong tức khắc hoặc hoảng hốt la lên.
Và khi anh ta la lên (giống như nhà tiên tri, ngoại cảm đưa ra dự đoán, cũng là lúc hiệu ứng đám đông phát tác, mọi người trên tàu sẽ hốt hoảng và bắt đầu xô đẩy nhau, khiến cho trọng lượng con tàu bị nghiêng, lệch, nguy cơ xãy ra tai nạn là chuyện đương nhiên. Thế giới chúng ta cũng đang rúng động và la ó khi nghe các nhà tiên tri, ngoại cảm đưa ra dự đoán của họ. Và mọi chuyện trở nên đảo lộn, nguy cơ cứ như thế tiến đến gần chúng ta. Bởi thế giới này vốn dĩ là một đám đông khủng khiếp, khi tất cả mọi người cùng la ó, trái đất có thể bị xô nghiêng vì điện trường lệch lạc và mọi tai ương sẽ ghé đến.
Và với Việt Nam, đất nước vốn dĩ phải ngồi trên một con tàu mà người nắm tài công đã chậm chạp, mắt mũi kèm nhèm, vốn quen lái tàu hơi nước lại phải lái tàu cao tốc trên một đường ray mà ở đó có quá nhiều giao lộ, đòi hỏi tốc độ phải cao đúng yêu cầu của các tuyến đường để tránh tai nạn. Lúc này, những hành khách trên tàu lại phải đánh đu với một trò chơi mạo hiểm của gã tài công, vừa lái vừa tập sự, hên xui, sống chết tính sau. Trong khi đó, tiếng la ó đã bắt đầu cất lên, những người ngồi bên cửa sổ đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo, tốc độ con tàu buộc phải tăng cao… Điều này còn gì nguy hiểm hơn cho các hành khách?!
Và, trở lại những chuyến bay bị rơi, rất có thể đó cũng là những cuộc cộng hưởng điện trường đen mà ở đó, người phi công chỉ trong nháy mắt, chưa kịp nhận ra vấn đề thì số phận của chuyến bay đã thay đổi. Tốc độ phát triển của loài người hiện tại là siêu tốc, chẳng khác nào những chuyến bay hoặc tàu cao tốc. Điều gì sẽ xãy ra cho Việt Nam?
VietTuSaiGon’s blog

0 comments:

Powered By Blogger