Human Rights Watch (Sydney)
- Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Australia cần vận
dụng cuộc đối thoại nhân quyền Australia-Việt Nam sắp tới để thúc ép
chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện cụ thể và hữu hình
bảng thành tích tồi tệ về nhân quyền của mình. Trong đó phải bao gồm các
hành động như khẩn trương phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị và chấm
dứt hạn chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn
giáo.
Cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 11 sắp tới giữa hai quốc gia là lần
đầu tiên đối với nội các chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott, được ấn
định sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28, kèm theo các sự kiện bên lề vào
ngày 29 và 30 tháng Bảy năm 2014.
“Australia cần minh xác rằng Việt Nam
phải đáp ứng được các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của mình, nếu muốn
được nhìn nhận như một đối tác quốc tế có trách nhiệm,” bà Elaine Pearson,
Giám đốc phụ trách Australia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu.
“Qua cuộc đối thoại này, hai bên nên cùng xác lập rõ ràng những mốc cụ
thể cần cải thiện trong các lĩnh vực chính như tự do ngôn luận, tự do
tôn giáo và tự do lập hội.”
Bộ Ngoại giao và Thương mại
Australia đã tuyên bố rằng các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền
là một cơ chế quan trọng để chuyển tải các quan ngại về nhân quyền của
Australia một cách thường xuyên và có hệ thống, đồng thời là một phương
tiện khả dĩ thực hiện việc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm.
Trong bản phúc trình dài 7 trang gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại
Australia, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị Australia cần thúc ép
chính phủ Việt Nam đạt được những tiến bộ trong ba lĩnh vực chính được
quan tâm nhiều nhất, là tù nhân chính trị, cản trở quyền tự do tôn giáo
và cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy.
Hiện có khoảng 150 đến 200 nhà hoạt động và bloggers đang phải ngồi tù ở
Việt Nam chỉ vì đã thực hành các quyền cơ bản của mình. Trong sáu tháng
đầu năm 2014, chính quyền Việt Nam đã phóng thích một số tù nhân chính
trị, trong đó có Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lư Văn Bảy, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi.
Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ này, có thêm ít nhất 14 nhà hoạt động
hoặc phê phán chính quyền bị kết án tù, trong đó có các blogger nổi
tiếng Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Tháng Năm, chính quyền bắt thêm một blogger nổi tiếng nữa, Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm) và trợ lý, cô Nguyễn Thị Minh Thúy rồi truy tố họ theo điều 258 của bộ luật hình sự về tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Trong năm 2013, Việt Nam đã áp dụng những điều luật hà khắc như “tuyên
truyền chống nhà nước” (điều 88 bộ luật hình sự); tham gia các “hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79); “phá hoại chính sách
đoàn kết dân tộc” (điều 87); và “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích nhà nước: (điều 258) để truy tố và bỏ tù ít nhất 65 blogger và
nhà hoạt động ôn hòa.
“Ngoài đối thoại với các nước phương Tây, chính quyền Việt Nam cũng cần
tổ chức đối thoại với chính các công dân của mình, dù các ý kiến của họ
có khác ý chính quyền, thay vì cứ bắt giữ và bỏ tù để buộc họ im tiếng,”
bà Pearson nói. “Chính quyền Việt Nam cần nhận thấy rằng mình không thể
giải quyết các vấn nạn to lớn về chính trị và xã hội của đất nước bằng
việc bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích chính quyền.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Australia cần yêu cầu Việt Nam phóng
thích ngay lập tức tất cả các tù nhân chính trị, đặc biệt cần quan tâm
đến những người đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe để họ được chăm
sóc y tế đầy đủ. Vào tháng Tư năm nay, chỉ một thời gian ngắn sau khi
được đặc xá và phóng thích khỏi nhà tù, blogger Đinh Đăng Định qua đời ở
tuổi 51. Vào tháng Bảy, Huỳnh Anh Trí qua đời ở tuổi 42 chỉ sáu tháng
sau khi mãn hạn 14 năm tù.
Cần quan tâm khẩn cấp đến nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung,
người được báo là đang ốm nặng, bị liệt cả hai chân, mắc chứng sỏi mật
và nhiều chứng bệnh khác. Những nhà hoạt động khác cũng có tin là đang
gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe gồm có các nhà hoạt động tôn giáo
Ngô Hào, Nguyễn Văn Lía, Mục sư Nguyễn Công Chính và Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà vận động quyền lợi đất đai Hồ Thị Bích Khương, các blogger Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Đặng Xuân Diệu.
Australia cũng cần kêu gọi Việt Nam thực hiện các cam kết tôn trọng
quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và tôn giáo, theo Tổ chức Theo
dõi Nhân quyền. Hành động bác bỏ các khuyến nghị trọng yếu về nhân quyền của Việt Nam trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát mới đây trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva thể hiện sự thiếu thiện chí cải thiện thành tích nhân quyền của mình.
Việt Nam cũng cần chấm dứt việc lạm dụng trong các trung tâm cai nghiện
ma túy, nơi những người bị cho là có sử dụng thuốc gây nghiện bị quản
chế tới nhiều năm mà không qua một quy trình pháp lý thích hợp, bị buộc
lao động cưỡng ép mà không được trả lương hoặc được trả mức lương rất
thấp, và bị các cán bộ trung tâm tra tấn và ngược đãi. Nghiên cứu
của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy hạt điều và một số hàng hóa
khác được sản xuất bằng sức lao động bị ép buộc trong các trung tâm cai
nghiện đã tìm đường vào dây chuyền cung cấp của các công ty xuất khẩu,
rồi từ đó được bán ra các nước ngoài, trong đó có Australia.
“Australia cần kêu gọi Việt Nam đóng cửa các trung tâm cai nghiện, phóng
thích những người bị quản chế và tạo điều kiện cho họ cai nghiện tại
cộng đồng,” bà Pearson nói. “Nếu Australia để cho Việt Nam có một cuộc
đối thoại dễ dãi về nhân quyền, chính quyền Việt Nam sẽ có rất ít lý do
để thay đổi thói quen đàn áp của họ.”
0 comments:
Post a Comment