Monday, July 21, 2014
Ai phải chịu trách nhiệm về tình hình đất nước hôm nay?
Tô Văn Trường
“…Muốn tránh được điều này, thay đổi thể chế, đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ phải thực sự bắt đầu từ trong đảng. Câu hỏi đặt ra là Đảng chọn gì? Chọn quốc gia, dân tộc hay chọn duy trì quyền lãnh đạo của nhóm thiểu số trong Đảng?…”
Có thể nói chưa có lúc nào đất nước ta lại lâm vào cơn khủng hoảng lòng tin, đường lối phát triển tù mù và tình trạng ngày càng lún sâu vào khủng hoảng toàn diện cùng với nguy cơ lớn từ phía Trung Quốc đe dọa độc lập và chủ quyền quốc gia. Từng đảng viên, đặc biệt là những đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo đất nước đều phải chịu trách nhiệm về tình hình đất nước hôm nay.
Việt Nam đứng áp chót “quốc gia đáng sống”
Theo công bố của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng thứ 124/125 đất nước được khảo sát, có nghĩa là áp chót, chỉ đứng trên Lybia – đất nước bất ổn ở Trung Đông.
Bảng xếp hạng “Quốc gia đáng sống” dùng để đo những đóng góp của mỗi quốc gia cho hành tinh và nhân loại. Có 7 phương diện được xét đến đó là “đóng góp về khoa học công nghệ, về văn hóa, đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới, trật tự thế giới, bảo vệ môi trường hành tinh, đóng góp vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, đóng góp về y tế sức khỏe từ văn hóa đến đóng góp để cái thiện hành tình và nâng cao sức khỏe cộng đồng”.
Cũng theo bảng xếp hạng này, ba top đầu thuộc các nước Ireland, Phần Lan và Thụy Điển là các quốc gia tử tế nhất thế giới, người dân rất hạnh phúc và cởi mở.
Chế độ toàn trị
Khi tuyên thệ vào Đảng bất cứ người đảng viên nào cũng muốn cống hiến trí tuệ để dân giầu nước mạnh và xã hội văn minh. Nhìn rộng hơn, trên thế giới có quốc tế xã hội chủ nghĩa với 156 đảng, trong đó có khoảng 50 đảng cầm quyền hoặc tham gia cầm quyền đề xuất nhiều ý tưởng tiến bộ như quyền con người, mục tiêu thiên niên kỷ, nổi bật nhất là các nước Bắc Âu. Nhiều nước tiên tiến phát triển dựa trên 3 trụ đỡ là tam quyền phân lập, kinh tế thị trường và xã hội dân sự đã được thực tế chứng minh là đúng hướng.
Lâu nay, lãnh đạo nước ta vẫn ‘ngụp lặn’ mò mẫm tìm hướng đi không biết tương lai sẽ ra sao chẳng khác gì đưa cả dân tộc ra làm thí nghiệm như con chuột bạch khốn cùng. Đặt Hiến pháp cũng như luật pháp của một Quốc gia dưới cương lĩnh và các chỉ thị của Đảng Cộng sản dẫn đến chế độ toàn trị được thể hiện rõ ở mấy đặc trưng: một đảng duy nhất cầm quyền, một ý thức hệ thống trị, ba quyền hợp nhất (lập pháp, hành pháp và tư pháp), nhà nước cảnh sát, các tổ chức quần chúng chân rết nối dài, và có từng tầng lớp nhân dân bị coi là tội đồ.
Vấn đề Đảng cầm quyền, về thực chất đã hình thành và được đặt ra từ sau Cách mạng tháng 8/1945. Từ đó đến nay, không rõ nhiệm vụ này đã được triển khai nghiên cứu ra sao cho đến nay là sau 70 năm mà vẫn chưa rõ thì trách nhiệm thuộc về ai? Việc bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ở cả ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp đều do Đảng quyết định (Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị, Ban bí thư quyết định tùy theo chức danh). Nếu có bầu ở Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân thì chỉ là hợp thức hóa quyết định của Đảng.
Vừng ơi, hãy mở cửa ra
Sự kiện Trung Quốc hạ giàn khoan HD 981 cùng với nhiều hành vi lấn chiếm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, liên tục bắt giữ ngư dân, cho tầu húc chìm, phun vòi rồng vào các tầu thuyền của ta, xuyên tạc sự thật, khinh miệt lãnh đạo và dân tộc Việt Nam, bóc trần bộ mặt dã tâm, bành trướng đại Hán. Trong khi được quốc tế ủng hộ, toàn dân hỗ trợ lên án nhưng nhiều vị lãnh đạo vẫn ảo tưởng, lú lẫn tin vào quan hệ “4 tốt và 16 chữ vàng”, lẩn tránh, cản trở, không dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Bài học nhãn tiền là thái độ kẻ cả của Dương Khiết Trì, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc trịch thượng, quy cho “Việt nam quấy rối”; báo chí được coi là tiếng nói của Đảng cộng sản Trung Quốc kêu gọi Việt Nam “ đứa con đi hoang hãy sớm quay đầu về”, hoặc bí thư Quảng Đông gởi “danh mục công việc phải làm” cho Bộ Ngoại giao ta thì bất cứ ai có lòng tự trọng cũng thấy bị sỉ nhục.
Thực tế đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về vai trò trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của đảng và nhà nước trong thời gian qua. Người dân thừa hiểu lỗi tại ai vì trách nhiệm trước hết thuộc Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương về tình hình nói trên và mong muốn họ vượt lên chính mình để khắc phục các sai lầm đã gây ra.
Trên mạng xã hội nhiều thông tin về lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã ký kết thỏa thuận Thành Đô năm 1990, về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, về kinh tế vv…Nhân dân là chủ đất nước và Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước theo Hiến pháp quy định cũng không được biết thực chất của nó là gì? Công khai, minh bạch những vấn đề nói trên là việc cần làm. Tất nhiên, nếu có một văn kiện nào đó giữa hai đảng, khi được công khai ra, mà nhân dân – dân tộc không chấp nhận, thì văn kiện đó chẳng có giá trị pháp lý gì cả. Cho nên “Vừng ơi! Hãy mở cửa ra”!.
Việt Nam đứng thứ 124/125 đất nước được khảo sát…
Dân chủ trước hết phải từ trong Đảng
Trong khoa học kỹ thuật cũng như khoa học xã hội có qui luật: “All models are wrong – Mọi mô hình đều sai” và ngay cả mô hình của Mác cũng không thoát khỏi quy luật này. Vì vậy, những người khôn ngoan, có trí tuệ không bao giờ giáo điều, cứng nhắc mà cần phải biết tận dụng cái đúng của tất cả mô hình (học thuyết) làm nền tảng cho tư tưởng chủ đạo cho mục tiêu “vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng văn minh”. Dân chủ ở đây, chúng ta không nói về mặt thể chế mà chỉ bàn về vấn đề xây dựng dân chủ trong xã hội, xây dựng dân chủ trong chính nội bộ Đảng. Dân làm chủ bằng cách gì và làm chủ như thế nào tạm gọi nôm na là “cơ chế” để đảm bảo cho người dân thực hiện và phát huy tinh thần dân chủ thì không ai biết, hoàn toàn mù mờ. Vì vậy, xây dựng dân chủ hay xây dựng cơ chế để phát huy và bảo vệ tinh thần dân chủ cũng giống như là xây dựng con đường đi hướng tới mục tiêu dân chủ là rất cần thiết.
Vấn đề nhân sự rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đổi mới, quyết định tương lai của dân tộc. Muốn có được nhân sự tốt, đáp ứng được yêu cầu của đất nước, cách làm tốt nhất là công khai, minh bạch trong đời sống chính trị, công khai các ý kiến chỉ đạo, trách nhiệm của từng thành viên Bộ Chính Trị .
Ông Trường Chinh trong một bài phát biểu ở Hội nghị Trung ương khóa V trước thềm Đại hội Đảng lần thứ VI đánh giá công tác cán bộ phải trên nguyên tắc “gắn nắm việc với nắm người”, nghĩa là người chịu trách nhiệm về công việc phải là người có tiếng nói quyết định trong việc tuyển chọn và đề bạt cán bộ.
Ý kiến của ông Trường Chinh khiến Trưởng ban tổ chức Trung ương hồi đó bị chạm nọc vì Ban Tổ chức của Đảng luôn muốn giữ vai trò quyết định trong công tác cán bộ, kể cả cán bộ của bộ máy nhà nước, nhưng Ban Tổ chức lại không phụ trách về công việc của Nhà nước. Đến nay, ý kiến của người “nắm việc” có được chú ý hơn khi tuyển chọn và đề bạt cán bộ, nhưng chưa phải có vai trò quyết định. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho ở nước ta rất hiếm khi người phụ trách công việc bị xử lý khi công việc hư hỏng, hoặc có cán bộ dưới quyền làm bậy.
Muốn lựa chọn được người tài giỏi có bản lãnh, trí tuệ, uy tín ra giúp nước, trước hết phải thay đổi cách tuyển chọn nhân sự. Có ý kiến cho rằng, quy chế giới thiệu nhân sự cho đại hội Đảng khóa 12 sắp tới vẫn như cũ có nghĩa là cơ quan lãnh đạo khóa trước đưa ra danh sách dự kiến cho đại hội bầu cử Ban chấp hành khóa sau. Lúc sinh thời, Ông Võ Văn Kiệt đã phản đối cách làm này vì cho rằng thiếu dân chủ mà phải tôn trọng quyền đề cử và ứng cử của các đại biểu tham gia đại hội Đảng. Ý kiến của ông Võ Văn Kiệt là thiểu số nhưng nhiều đảng viên tin rằng nhận thức là cả quá trình, nhất là trong thời đại tin học, thế giới phẳng thì các đại biểu tham dự đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ khẳng định vai trò, vị thế và quyền quyết định của chính mình.
Nhìn lại sự kiện Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng (Hà Tĩnh) vừa qua, gần nghìn doanh nghiệp nước ngoài bị đốt, cướp phá không những tổn thất hàng trăm triệu đô la mà ngay cả uy tín của Việt Nam bị sứt mẻ nghiêm trọng, vậy mà cho đến nay không vị chức sắc nào ở địa phương bị kỷ luật, đặc biệt xuất phát nghiêm trọng nhất từ Bình Dương!? Đơn vị quân đội chủ lực đóng gần Bình Dương cũng không kịp trở tay trấn áp bọn bạo loạn có tổ chức mà người ta nói huỵch toẹt là có bàn tay của tình báo Hoa Nam? Chưa có nước nào cơ chế lại “chia ghế” phân chia quyền lực như ở Việt Nam. Tổng bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, do đó khi có sự biến như Bình Dương thì ai là người trực tiếp ra lệnh? Nếu mà chờ ý kiến hội ý tập thể thì còn gì là thời gian tính?
Văn hóa tiếp thu phản biện xã hội của lãnh đạo
Một bài học sâu xa là văn hóa tiếp thu phản biện xã hội (cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện đa chiều). Không thể không đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo đất nước lại mắc quá nhiều sai lầm, hầu như đụng đâu, sai đấy, làm đâu, hỏng đấy! Quyết định càng lớn lại càng sai. Bên cạnh nhiều vị lãnh đạo tầm nhìn, tư duy, năng lực hạn chế là đội ngũ tham mưu hỏng. Còn chốt kiểm soát cuối cùng là phản biện xã hội thì lại bị thù ghét thì còn ai chỉ dẫn, góp ý cho mình nữa. Chân lý của quyền lực đã thắng quyền lực của chân lý hết lần này đến lần khác. Không chỉ là văn hóa tiếp thu phản biện mà còn là văn hóa tự chịu trách nhiệm cá nhân.
Các vị tướng lĩnh điển hình như Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều trí thức có tên tuổi đã nhiều lần góp ý tâm huyết của mình gửi lãnh đạo Nhà nước nhưng đều nhận được phản hồi bằng “im lặng’ đáng sợ! Đã đến lúc Đảng, Quốc hội và Chính phủ phải nhận thức được rằng những tiếng nói phản biện xã hội không còn là những tiếng đàn bầu thánh thót du dương vì còn đâu những cánh đồng cỏ xanh non, những bờ xôi, ruộng mật, còn đâu những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên vươn lên từ đất để bảo vệ đất. Những tiếng nói phản biện xã hội đang trở thành tiếng cồng, tiếng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ, là tiếng sóng gầm trong bão của biển Đông đang ôm ấp đất nước còng lưng hình chữ S mảnh mai đầy đau thương, bất hạnh này. Tiếng nói phản biện là tiếng lòng chắt lọc từ trí tuệ của các trí thức, người dân có trái tim hàng đêm nhỏ máu trước vận nước.
Thay cho lời kết
Ai chịu trách nhiệm trước tình hình đất nước hiện tại thì quá rõ! Trên con đường phát triển đất nước và chấn hưng dân tộc, thay đổi và sẵn sàng thay đổi là thực sự cần thiết để trước hết là tồn tại và tiếp cận với những mục tiêu tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Không bao giờ có thứ gì là hoàn hảo. Mê muội, lú lẫn và lạc lõng là đồng nghĩa với cái chết theo cả hai nghĩa đen và bóng.
Trong bất kỳ một cuộc lột xác thay đổi nào đều không tránh khỏi nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần. Mục tiêu tối thượng phải tránh được đổ máu làm hao tổn hiền tài và nguyên khí quốc gia. Muốn tránh được điều này, thay đổi thể chế, đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ phải thực sự bắt đầu từ trong đảng. Câu hỏi đặt ra là Đảng chọn gì? Chọn quốc gia, dân tộc hay chọn duy trì quyền lãnh đạo của nhóm thiểu số trong Đảng?
Tô Văn Trường
Nguồn: bongbvt.blogspot.be
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment