Monday, March 5, 2018

Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson đến Đà Nẵng


AuthorThanh PhươngSourceRFIPosted on: 2018-03-05


Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 05/03/2018.REUTERS
Hôm nay, 05/03/2018, chiếc hàng không mẫu hạm Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng, mở đầu chuyến viếng thăm 5 ngày ( 05 đến 09/03 ), trong bối cảnh hai quốc gia cựu thù thắt chặt quan hệ quốc phòng nhằm đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ghé thăm một cảng của Việt Nam. Tháp tùng chiếc Carl Vinson, nặng hơn 100 ngàn tấn, là hai tàu hộ tống : tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer. Trên hàng không mẫu hạm này có đến hơn 6000 người, gồm thủy thủ đoàn, phi công… Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên có đông quân nhân Mỹ như thế ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
Chiếc Carl Vinson hiện neo đậu chỉ 2 hải lý cách cảng Đà Nẵng, nơi những binh lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào năm 1965, khởi đầu cuộc tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 03/03, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết chuyến thăm « hữu nghị » của hàng không mẫu hạm Carl Vinson sẽ bao gồm lễ đón tàu, họp báo, chào xã giao, các hoạt động trao đổi kỹ thuật, giao lưu thể thao và một số hoạt động cộng đồng...
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của tàu Carl Vinson được thực hiện « theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước được nêu trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Donald Trump tháng 11/2017 ». Chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ « tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực ».
Chuyến viếng thăm đầy tính biểu tượng của Carl Vinson cũng sẽ bao gồm cuộc viếng thăm một trung tâm dành cho các nạn nhân của chất độc da cam, chất khai quang mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Trả lời hãng tin AP, một số người dân Đà Nẵng hoan nghênh chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson. Theo lời một tài xế taxi, việc gia tăng hợp tác giữa hai nước về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự sẽ giúp làm đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc.
----------
VIỆT NAM HÂN HOAN ĐÓN TÀU SÂN BAY MỸ ĐẾN ĐÀ NẴNG, TRUNG QUỐC NÓNG MẶT.
AuthorMinh Tuấn HoàngSourceVietnam ExodusPosted on: 2018-03-05
Tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu khu trục tên lửa USS Wayne E. Meyer, dẫn đầu nhóm tàu đang rẽ sóng Biển Đông vượt qua vùng biển Hoàng Sa – một vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc bị Trung Quốc cưỡng chiếm giờ chỉ thuộc về Việt Nam bởi những lời lẽ tuyên bố “hết sức mạnh mẽ” đầy sáo rỗng của Hà Nội – hướng tới cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5-9/03/2018.
Diễn biến này theo sau chuyến công du Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào tháng 1/2018. Tàu sân bay Carl Vinson sẽ là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Mỹ tới cảng Việt Nam. Chuyến đi của nhóm tàu Mỹ diễn ra trong khi Trung Quốc liên tục gia tăng sự hiện diện và kiểm soát ở Biển Đông. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng và trang bị vũ khí của Trung Quốc trên các hòn đảo tự nhiên và nhân tạo ở tại vùng biển. Bắc Kinh nhận chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông thông qua đường 9 đoạn bât chấp Tòa án quốc tế ở La Haye đã bác bỏ cơ sở pháp lý của tuyên bố này.
1.Tại sao tàu sân bay không ghé cảng Cam Ranh ?
Chỉ có hai địa điểm ở Việt Nam đủ khả năng đáp ứng tiếp đón nó là cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng và cảng Cam Ranh. Nhưng cuối cùng cảng Tiên Sa ( Đà Nẵng) đã được chọn. Bởi vì:
Thứ nhất là cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng có các điều kiện kỹ thuật tốt hơn so với Cảng Quốc tế Cam Ranh (chứ không phải là cảng quân sự Cam Ranh).
Thứ hai, do việc phía Mỹ muốn thủy thủ của mình được tham gia vào các hoạt động giao lưu với người địa phương. Tại Đà Nẵng, nơi tập trung dân cư nên các hoạt động dân sự, xã hội và thể thao đều có thể được tổ chức gần đấy tốt hơn, trong lúc thủy thủ đoàn của tàu Mỹ có thể được nghỉ ngơi tham quan và khám phá một thành phố lớn của Việt Nam.
Thứ ba là yếu tố tâm lý: Đà Nẵng quen thuộc với người Mỹ hơn là Cam Ranh.
Sau cùng, một yếu tố mà không phải ai cũng biết. Làm gì thì làm, người Mỹ bao giờ cũng đặt lợi ích Mỹ lên trên hết. Họ muốn gửi tín hiệu đến Trung Quốc là không bao giờ người Mỹ từ bỏ mỏ khí Cá Voi Xanh (Blue Whale) nơi có trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỉ mét khối khí thuộc lô 118 thuộc vùng biển Ðà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi mà Tập đoàn Exxon Mobil đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD với Việt Nam. Qua chuyến thăm có cơ hội tiếp cận thực địa, thu thập các tin tức tình báo, phương thức bố phòng của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa đồng thời lập phương án tác chiến để bảo vệ cho Exxon Mobil khi cần thiết. Đừng đe dọa và đụng đến “lợi ích Mỹ”.
2. Thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền Trump
Chuyến thăm này là một phần của một loạt các bước đi của Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm tăng cường mối quan hệ chính trị và an ninh khi Trung Quốc đang trỗi dậy và gia tăng các hoạt động ở Biển Đông. Một tuyên bố của Hải quân Mỹ nói rằng chuyến đi của nhóm tàu là nhằm “thúc đẩy tự do hàng hải và tăng cường an ninh khu vực”, cũng như làm việc với các đồng minh. Đó cũng là một thông điệp cứng rắn cho hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama trong về lập trường với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tháng 7/2017, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5/2017, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.
Và bây giờ khi Việt Nam đang hân hoan thì Trung Quốc nóng mặt.



0 comments:

Powered By Blogger