Tuesday, March 6, 2018

Một Bông Hồng cho tuổi trẻ Việt Nam xa xứ

Nguyễn Mạnh An Dân (Danlambao) - 1. Buổi họp mặt không đông, trên dưới hai mươi người, rất bình thường, rất thoải mái và thân mật, không chủ tọa, không diễn từ. Người ta nói và nghe nhau nói như một cách trao đổi, học hỏi với một thái độ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Buổi họp mặt được coi là dễ thương, rất dễ thương. Tuy nhiên, tuổi trẻ thường có những biểu hiện dễ thương như thế, nhưng nếu nó chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ chúng ta chỉ nên mỉm cười với một chút vui thú trong lòng, rồi thôi. Trường hợp chúng ta sắp nói đến không giống như vậy, nó vượt qua cái giới hạn của sự dễ thương để trở thành đáng quí. Có rất nhiều lý do, tôi sẽ nói tại sao.

Buổi họp mặt được thông báo sẽ bắt đầu lúc sáu giờ và chấm dứt lúc chín giờ. Sáu giờ và chín giờ, những con số không có gì đặc biệt so với những con số thông báo thời điểm trong các dịp hội họp tương tự. Điếu đáng nói là nó đã được chấp hành đúng đắn bởi tất cả tham dự viên, không sớm cũng không trễ, giờ khắc là giờ khắc. Chuyện không lớn nhưng cũng không nhỏ, không khó nhưng cũng không dễ và những người bạn trẻ đã làm điều ấy một cách tự nhiên, như một chuyện đương nhiên. Dường như đây là điều mà nhiều người trong chúng ta phải xét lại. Nói ra thì có vẻ hơi khó nghe, nghịch lý; tuy nhiên điều gì đúng thì phải theo, tốt thì nên tập, lúc nào cũng phải trui rèn, tuổi nào cũng có điều để chiêm nghiệm lại, cả một đời luôn tu sửa để hoàn thiện là điều tốt chứ sao! Có gì mà ngại ngùng.

Những người bạn trẻ đúng là trẻ theo nghĩa đen, chưa ai quá 30 tuổi, tất cả đã hoặc sắp tốt nghiệp đại học và không ai nói rành tiếng Việt. Người điều hợp chương trình đã mở lời vào đầu rằng “trong khi thảo luận, có thể nói tiếng Mỹ, tiếng Việt hay pha trộn hai ngôn ngữ”. Rất ít người nói pha tiếng, càng ít hơn những người nói thuần tiếng Việt. Những cô tú, cậu cử, những “quan đốc”, “quan nghè” đã Mỹ hóa (chỉ xét về phương diện ngôn ngữ họ sử dụng) này gặp nhau để làm gì? Họ đang bàn đêm nay trong thành phố này có những vũ trường nào, những điểm vui chơi nào thích thú, hấp dẫn phải không? - Không phải. Họ đang bình phẩm về một màu son mới, một kiểu tóc lạ, những cuộc tình qua đường của các ngôi sao Hollywood ư? - Không phải. Họ đang trầm trồ khen ngợi những ngôi nhà bạc triệu, những kiểu xe lạ đời và đắc giá của các cầu thủ bóng rổ, bóng bầu dục ư? Hay họ đang nói chuyện tự do luyến ái, chuyện ngừa thai, phá thai… Tất cả đều không phải, những người bạn trẻ của chúng ta đang nói về tuổi trẻ Việt Nam, về chuyện xây dựng cộng đồng, chuyện tương lai của dân tộc, đồng bào.

Có hai đề tài chính và một chuyện bên lề được đề cập đến. Chuyện bên lề nhưng cũng đủ làm người ta cảm động và suy nghĩ. Cô nữ sinh viên rất trẻ, là thành viên của Ban Tổ Chức hỗn hợp một sinh hoạt văn hóa của hai cộng đồng Hoa, Việt. Bằng hai thứ tiếng pha trộn, mà phần tiếng Việt thường làm người ta phải bật cười và phải suy đoán để hiểu. Người bạn trẻ của chúng ta nói đại khái là: “Đây là uy tín và danh dự của người mình, phải cố gắng để không thua người ta.” Người thiếu nữ Việt Nam vì vận nước phải lìa bỏ quê hương từ những ngày còn rất nhỏ, cô đã mất nhiều thứ kể cả tiếng nói của quê mẹ, nhưng đâu đó trong tận cùng trái tim cô, một tình tự dân tộc vẫn nồng nàn, sâu đậm. Câu nói đơn giản của cô, không phải là những lời kêu gọi đầy chữ nghĩa bóng bẩy và sáo rỗng nhưng đã nói được nhiều điều. “Mình” và “Người ta”, những tiếng gọi bình dị nhưng đầy vẻ thân thương, đồng thời đã khẳng định một chỗ đứng, một vị trí, hãnh diện về cái vị trí đó và vì nó mà nỗ lực để xây dựng, để vun bồi. Xin cảm ơn em, cô nữ sinh viên Việt Nam chưa nói rành tiếng Việt.

Đề tài chính thức đầu tiên là “sự cần thiết trong việc sử dụng lá phiếu ở Hoa Kỳ”. Không một người nào coi những cuộc bầu cử như một cơ hội để tiến thân, dù nhiều người trong họ đủ điều kiện để làm điều đó.Tất cả đều ý thức rằng tiếng nói của cộng đồng các sắc tộc thiểu số có được tôn trọng hay không, quyền lợi của các sắc tộc có được lưu tâm và bảo vệ đúng mức hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh lá phiếu của cộng đồng đó. Điều kết luận là vì quyền lợi và danh dự chung của cộng đồng chúng ta, việc vận động đồng hương có đủ điều kiện ghi danh tham dự các cuộc bầu cử là điều tối cần thiết, và tất cả tham dự viên đã ghi tên tham gia vào công tác vận động này. Kết quả của việc vận động đồng hương đi bầu đạt đến mức độ nào chưa ai biết. Những quyền lợi cụ thể nào sẽ có trong tương lai cũng chưa ai biết được. Điều chắc chắn là có rất nhiều những tấm lòng tuổi trẻ Việt Nam, đã hy sinh nhiều thì giờ và tâm huyết để làm những việc mà họ nghĩ là tốt đẹp cho cộng đồng mình.

Chuyện khiến chúng ta cảm động và vui mừng nhất là lòng mong ước và quyết tâm muốn thông thạo về cả ba khả năng nói, viết và thấu triệt ý nghĩa tiếng mẹ đẻ của những người bạn trẻ. Người ta sôi nổi và nhiệt thành bàn thảo về những khóa VSL (Vietnamese As Second Language). Một nhà văn nữ, bằng cái tế nhị của một người dạy học và viết văn thuộc thế hệ đi trước, đã đề nghị nên thành lập những “Câu Lạc Bộ Tiếng Việt” để mọi người có thể đến, sử dụng Việt ngữ trong tất cả mọi hình thức vui chơi, sinh hoạt như một cách tự rèn luyện mà không theo bất cứ một bó buộc trường lớp nào. Ai lại nỡ bắt các “cô cử, quan đốc” ê a từng chữ cái như học trò mẫu giáo bao giờ. Đề nghị thật hợp lý và khả thi nhưng những người bạn trẻ không muốn như vậy. Bằng cái thẳng thắn và thực tế của những người đã quen với đời sống Mỹ và bằng những quyết tâm cao, những người bạn trẻ này sẵn sàng bắt đầu từ cái “basic” đơn giản nhất. Họ chấp nhận vào lớp a, b, c… Không có ngôn ngữ nào đủ để diễn tả hết cái đáng yêu và đáng quí của những người bạn trẻ này.

Tôi đã kể về một buổi họp mặt nhiều ý nghĩa của những người bạn trẻ. Tôi chỉ dùng chữ bạn trẻ mà không nói rõ họ là ai. Bài viết của tôi được hiểu như một cách bày tỏ sự khen ngợi và lòng mến phục của một đàn anh lớp trước nói về những người em thân quí của mình. Vì là lời khen nên tôi biết, do tính tự trọng và lòng khiêm tốn, những người bạn trẻ của chúng ta sẽ không vui nếu như tôi nêu ra tên tuổi của họ. Tuy nhiên, tôi biết nhiều người trong chúng ta biết họ, đã gặp họ ở nhiều nơi trong các công tác thiện nguyện. Họ đông lắm, tên của họ được viết hoa là Tuổi Trẻ Việt Nam.

2. Một người bạn đưa cho tôi xem bức ảnh chụp một phần sinh hoạt trong bữa cơm cho người không nhà tại trụ sở Star Of Hope do những thiện nguyện viên Việt Nam tổ chức nhân ngày Lễ Tạ Ơn và hỏi tôi có thấy Ngôi Sao Của Hy Vọng không? Tôi nhìn thoáng qua bức hình và trả lời, rất dứt khoát, rất thật lòng rằng: Thấy.

Bức hình ghi lại cảnh tám người đang bưng những phần thực phẩm đến bàn ăn để mời thực khách. Cả tám người đều tươi vui và tự tin, cái kiểu tự tin của những người biết mình đang làm gì. Tôi biết bốn trong tám người đó, họ gồm hai trung niên và hai thanh niên theo thứ tự thì một người là một sĩ quan trung cấp, đã đến xứ này từ những ngày đầu di tản, đã ổn định và thành đạt. Người thứ hai là một cựu tù nhân với 11 năm khổ hình trong các lao tù cộng sản, mà vùng đất mới chưa đủ thời gian để xóa đi nét gầy mòn, khắc khổ trên khuôn mặt của ông. Người thứ ba là một nữ bác sĩ nhãn khoa trẻ, rất quen thuộc trong các công tác thiện nguyện và người thứ tư là một luật sư, cũng trẻ, không mấy xa lạ với những ai từng đến trong những lần cộng đồng tổ chức hướng dẫn và giải đáp luật pháp cho đồng hương. Bốn người còn lại đều rất trẻ, trẻ lắm, họ có thể là những người vừa tốt nghiệp, cũng có thể là sinh viên, học sinh hay không chừng là những người thợ chân tay bình thường. Nhưng bất kể họ là ai, điều đáng nói là họ đã đến với nhau, cùng nhau làm những việc cần làm, nhân danh và bằng tấm lòng Việt Nam.

Tôi vừa nói đã nhìn thấy Ngôi Sao Của Hy vọng, điều này hoàn toàn không phải từ những cảm quan mơ hồ xuất phát từ nỗi xúc động trước những tấm lòng Việt Nam chân tình, mà kết luận của tôi khởi nguồn từ những suy luận khách quan, đặt nền tảng trên những sự kiện có thể chứng minh. Xin làm ơn nghe tôi giải thích và xin trở lại với bức hình mà tôi vừa đề cập, bỡi vì, không hiểu do một ngẫu nhiên tình cờ hay do một dụng tâm nhiều tế nhị của người chụp, bức hình nhỏ kể trên là một tổng thể thu hẹp, phản ảnh chính xác và trung thực toàn bộ ý nghĩa tinh thần của ngày công tác hôm đó. Ý nghĩa tinh thần có rất nhiều, nhưng xin hãy hướng lòng về những điều rõ nhất, sáng nhất, ai cũng nhìn thấy và dĩ nhiên, rất vui mừng.

Có ba lớp người cùng đến với nhau, ngồi lại bên nhau. Thế hệ đàn anh trên dưới sáu mươi, những người trưởng thành trên quê hương và dường như vẫn gắn chặt, vẫn sống cùng với những kỷ niệm của quá khứ. Họ có thể đã hội nhập, đã ổn định và thăng tiến nhưng họ vẫn hiện hữu, vẫn thuộc về tập thể những người con cùng một mẹ da vàng. “Cùng một lứa bên trời lận đận” với những người vừa kể là những “mãnh hổ sa cơ”, phần lớn đến xứ này chưa lâu lắm. Bi uất và nhọc nhằn của quá khứ vẫn còn đó, trùng trùng khó khăn của tương lai vẫn còn đó nhưng họ cũng có mặt, cũng đứng cùng trong tập thể đồng bào mà họ mãi mãi sẽ thuộc về.

Hai lớp đàn em trẻ hơn có thể là những người có rất ít hoặc hoàn toàn không có những gắn bó cụ thể gì với quê hương. Họ đã trưởng thành ở đây - lớp người trên dưới bốn mươi - hoặc sinh ra ở đây - lớp người trẻ nhất có mặt - Tuy nhiên, lòng yêu mến quê hương, sự tưởng nhớ đến cội nguồn, niềm tự hào dân tộc, tình thương yêu và sự gắn bó với đồng bào không nhất thiết đòi hỏi phải sinh ra, phải có nhiều ràng buộc kỷ niệm với nơi chốn ấy. Quê hương, cội nguồn mang ý nghĩa thần thiêng liêng có tính huyết hệ truyền thống. Nó là một tiếng gọi đủ mạnh, một gợi nhắc đủ nồng để mọi người con nhớ về, nghỉ tới và tìm đến với nhau giữa cái mênh mông, mờ mịt của xứ người. Những người bạn trẻ của chúng ta đã chứng minh điều ấy.

Sự góp mặt nhiều ý nghĩa của nhiều thế hệ Việt Nam trong cùng một công tác thiện nguyện là một chỉ dấu đáng lạc quan, hé mở ra những hy vọng. Tuy nhiên, xin hãy nhìn kỹ và phân tích cặn kẽ hơn bức hình, niềm vui không chỉ có chừng đó. Tôi đã nói người chụp có dụng ý tế nhị mà! Bức hình còn một chi tiết đáng tự hào và đáng vui mừng lắm, bạn hãy để ý giùm và bạn sẽ thấy: Tỷ lệ giữa thế hệ đàn anh và lớp cháu em trẻ tuổi là 2 và 6. Đó là tỷ lệ thực tế trong toàn sinh hoạt của ngày công tác. Trong nhà bếp, trong hội trường, ngoài tiền sảnh đâu đâu cũng thấy ngập tràn bóng dáng của những người trẻ tuổi. Họ mang khăn mũ đầu bếp, họ xắn tay kê bàn khiêng ghế, họ ân cần bưng mời thức ăn, họ vui vẻ đàn hát giúp vui. Họ mang tuổi trẻ, sức sống, nụ cười và tấm lòng làm ấm áp tình nghĩa ngày công tác thiên nguyện và làm ấm lòng những người quan tâm đến sinh hoạt của cộng đồng người Việt xa xứ.

Dĩ nhiên, tỷ lệ vừa kể không phải lúc nào cũng có trong các sinh hoạt của cộng đồng chúng ta; tuy nhiên, đây là bước đầu cần thiết để có những bước kế tiếp và một ngày nào đó - hy vọng không xa - các cô, chú, bác đã có thể nghỉ tay, nhìn thế hệ cháu con tiếp nối công việc với một nụ cười mãn nguyện. “Chiếc kiếm thiêng” của “ly khách” đã không còn sợ không có người tiếp nhận.

Tôi thực lòng tin cái “ngày nào đó” nhất định không còn xa, bởi vì tôi tin tuổi trẻ Việt Nam và tôi biết tiếng gọi của tổ quốc, của dân tộc luôn có trong lòng họ.


0 comments:

Powered By Blogger