Monday, November 13, 2017

Các trung tâm điện toán của VNCH

VNCH-Ngoc Truong (Danlambao) - Bốn tháng trước, ông xếp cũ vĩnh viễn ra đi, một bài viết ngắn ngủi nhắc chuyện ở Việt Nam thân yêu, coi như lời chia tay với người đã khuất. Tuần qua, con một người bạn muốn biết về computer ở Việt Nam trước đây, cháu đang viết luận án về điện toán của VNCH. Trên internet chỉ lèo tèo vài trang web không đầy đủ thông tin, moi móc trí nhớ, lục lại hình ảnh, dù biết sẽ gợi nhiều kỷ niệm về VNCH.

"...Just some information, I hope it helps...", tôi nói với cô cháu gái giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt, nay đã lớn lắm rồi.

Hy vọng đây là lần sau cùng đề cập về “ngày xưa”, làm rạng rỡ VNCH và cung cấp thông tin cho các em muốn tìm hiểu về: "Computers in Vietnam. What did you guys do?"

Sơ lược hiện diện của công ty IBM tại Việt Nam:

IBM 360/40 Tổng nha ngân sách, ngoại viện

1951 - IBM mở Văn phòng Dịch vụ tại Sài Gòn.

1952 - Văn phòng chi nhánh Hà Nội đóng cửa.

1953 - Kho quân dụng Sài Gòn dùng máy IBM.

1958 - Tổng thống Ngô Đình Diệm, thăm Tổng nha Ngân sách ngoại viện (NSNV) đang được IBM gắn máy tại Sài Gòn.

1963 - Máy quay băng từ tính 1401 tăng cường cho hệ thống đã có của Tổng nha NSNV. 

1967 - IBM Việt Nam trở thành chi nhánh của IBM, Công ty Thương mại Thế giới (IBM World Trade Corporation) vào tháng Mười, Tổng giám đốc độc lập do IBM Mỹ bổ nhiệm, gọi là IBM-Việt Nam ngang hàng IBM các quốc gia khác như IBM-Japan, IBM-Taiwan...

1968 - Hệ thống IBM 360/20 ghi trên băng từ, thay thế máy ghi dữ kiện kiểu cũ, thiết trí tại Trung tâm Điện Biến Dữ Kiện Saigon- thuộc Bộ Tài chánh - hệ thống 360 đầu tiên tại Việt Nam.

1971 - Hệ thống IBM 360/40 được thiết đặt cho Tổng nha Ngân sách ngoại viện Việt Nam.

Máy IBM 360/40, máy quay băng 2401, máy in 1403

VNCH có tất cả 24 TTDT, lớn nhỏ, do viện trợ của chính phủ hoặc quân đội Hoa Kỳ, hoặc tự mướn dài hạn của công ty IBM-Vietnam.

Chuyên viên kỹ thuật bảo trì IBM (người Việt) phụ trách gắn máy móc và sửa chữa.

Chuyên viên nhu liệu yểm trợ, huấn luyện cho nhân viên của khách hàng có thuê máy, hầu biết cách sử dụng theo nhu cầu công việc mỗi nơi.

1- TTDT Bộ Quốc phòng: Máy IBM 360/20: phụ trách hồ sơ nhân lực, ghi tên thanh niên trong hạn tuổi nhập ngũ, các trường hợp miễn dịch sức khỏe, hay hoãn dịch vì lý đó học vấn, tu sĩ, chuyên viên tối cần thiết, gia cảnh con một... Lương bổng toàn QLVNCH cũng do nơi nầy quản trị và khai thác. Ngân sách quốc phòng đệ trình cho chính phủ, Tổng thống VNCH.

2- TTDT An bài điện tử, sau đổi tên TTDT nhân viên, thuộc Phòng Tổng quản trị, Bộ TTM QLVNCH: Trang bị hệ thống 360/40 thuê dài hạn của IBM-Vietnam, sử dụng hệ thống điều hành DOS (Disk operating system). Giàn máy quay băng từ tính (tape drive) rất tân tiến nhập từ IBM Tây Đức không bao lâu. Đặc trách quân số, hồ sơ quân nhân, thăng thưởng, thuyên chuyển, quân bạ, gia cảnh. Điện toán hóa thủ tục hành chánh toàn quân.

Hồ sơ quân vụ của QLVNCH được quân đội Mỹ copy mang đi trước khi cộng sản vào đến Saigon. Hồ sơ di tản, di dân, xin định cư tại Hoa kỳ của quân nhân, sĩ quan QLVNCH đều được tình báo và an ninh di trú Mỹ đối chiếu với hồ sơ gốc của QLVNCH, đề phòng gián điệp CS, hoặc các cá nhân khai man, tạo hồ sơ giả...

Khi CS vào Bộ Tổng Tham mưu, Đại tá, Chỉ huy trưởng Chu Văn Hồ không tuân lịnh phá hủy, ở lại gặp VC, tự tay bàn giao, chỉ dẫn cặn kẽ máy móc. Sau đó, ông ta cũng bị tống cổ đi "cải tạo tư tưởng" vài năm, trở về dạy kèm tiếng Anh sinh sống, sau cùng đến Hoa Kỳ qua chương trình H.O.

3- TTDT Tiếp vận, thuộc Tổng cục tiếp vận, Bộ TTM, QLVNCH: Chuyên lo công tác tiếp vận toàn quân, dự trữ quân trang, quân dụng, võ khí, số lượng tàu, số lượng phi cơ, lương thực toàn quân. Máy 360/50 được quân đội Mỹ bàn giao từ bộ chỉ huy quân sự MACV. Giàn máy mạnh nhất trong khu Á châu, khi ấy Singapore chỉ có một giàn máy IBM duy nhất tương tự như hệ thống này. 

360/50 trước khi giao cho QLVNCH, được quân đội Hoa kỳ dùng điều động phi cơ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Một số hồ sơ quan trọng của trung tâm được quân đội Hoa Kỳ chuyển đi trước khi CS chiếm Tân Sơn Nhứt, trụ sở trung tâm nằm trong yếu khu Tân Sơn Nhứt, không xa đường vào phi cảng.

Bộ Giáo dục nhờ TTDT Tiếp vận điện toán hóa kỳ thi Tú tài II 1973-1974. Với giàn máy mạnh nhất Việt Nam, vừa sâu trong yếu khu Tân Sơn Nhứt, lại là đơn vị quân đội nên rất kỷ luật và canh gác cẩn mật. Tính bảo mật kết quả thi Tú Tài rất cao, công việc nhanh hơn dự định, tiết kiệm nhiều chi phí cho Bộ Giáo dục.

IBM 360/50 bảng điều khiển và kiểm soát (CPU console).

4- TTDT Phủ Thủ tướng VNCH: Nằm cạnh Phú Thủ tướng đường Thống Nhất, Sài Gòn, trang bị mạnh ngang với TTDT Tiếp vận của quân đội, giàn máy 360/50 thứ nhì ở Việt Nam do USAID trao lại. Toàn vùng Đông Nam Á không máy điện toán nào hùng hậu hơn hai giàn máy ở Việt Nam. 

USAID (Cơ quan viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ), quản trị tiền viện trợ kinh tế của Mỹ, công việc xuất nhập cảng của các nhà kỹ nghệ, sản xuất Việt Nam cần ngoại tệ (US dollar) nhập máy móc về Việt Nam như máy xay lúa, máy ấp trứng gà kỹ nghệ, các giàn máy của công ty dệt (Vinatexco, Vimytex, Sakymen,...), nguyên liệu sản xuất xà bông giặt đồ (Viso), xà bông thơm (hãng Trương văn Bền- xà bông cô Ba), và hàng trăm ngành sản xuất khác. USAID sẽ cung cấp tiền US đô la cho các dự án sản xuất nầy. 

Trong khi đó ngoài tệ sở hữu (của riêng chính phủ VNCH) được dùng cho công việc sống còn như nhập cảng gạo các loại, dược phẩm chữa bịnh, dụng cụ y khoa, nha khoa.. Nhập cảng xăng cho xe cộ dân chúng, các xe công cộng, xe đò. Dầu chạy máy điện khắp 47 tỉnh của VNCH. Trợ cấp sinh viên du học ngoại quốc (rồi bọn này theo VC chống VNCH!)

Hệ thống OS, từng in liên tục ngày đêm bằng khoán cho các sở hữu chủ trong chương trình Người cày có ruộng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Chương trình bình định và phát triển nông thôn của chính phủ được khai thác nhờ hệ thống điện toán vừa nhanh, mạnh và chính xác. Cũng phải nói tới Kế hoạch kinh tế hậu chiến do người thầy khả kính - Giáo sư Vũ Quốc Thúc, thạc sĩ kinh tế (Agrégé) và các chuyên viên thượng thặng nghiên cứu trong nhiều năm dự án phát triển đất nước khi chiến tranh chấm dứt, mặc dù tiếng súng vẫn vang rền. VC sau này dùng tài liệu nghiên cứu Kinh tế hậu chiến làm căn bản xây dựng kinh tế của chúng, nhưng pha chế không cân nhắc, biến đổi chương trình thành quái thai, rồi gọi đó là mở cửa, tiến lên xã hội hỗn loạn theo kiểu CS.

IBM 370/135, tài liệu riêng.

5- TTDT Cảnh sát quốc gia: khai thác công việc cho Bộ Nội vụ VNCH và Tổng nha Cảnh sát bao gồm lương bổng, hồ sơ nhân viên tất cả cảnh sát viên VNCH, và nhân viên dân sự phục vụ các cơ quan cảnh sát (thư ký văn phòng, phát ngân) khắp lãnh thổ.

Hồ sơ căn cước được lưu trữ và điều hành từ hệ thống OS máy 360/40, hồ sơ tội phạm toàn quốc, hồ sơ an ninh VC khủng bố. Vũ khí, đồng phục cảnh sát, kho lương thực, số lượng xăng cho xe cộ, số tàu tuần trên sông, ngân sách hàng năm đều điện toán hóa và lưu trữ trên dĩa nhựa từ tính (disk pack).

6- TTDT Công ty Điện Lực Việt Nam: Trụ sở gần văn phòng chính đường Hai bà Trưng, Sài Gòn. Trang bị máy 360/20 năm 1968, đến 1973 nâng lên 360/40 mướn dài hạn của IBM-Vietnam, hệ thống điều hành DOS (Disk Operating System), khá mạnh. Công việc bao gồm tính toán điện lượng sản xuất, điều hợp điện năng Saigon và các tỉnh. In hóa đơn tiền điện khu Saigon và các tỉnh, nguồn tiền giúp công ty hoạt động. Do Cty Điện Lực Việt Nam trực thuộc Bộ Công Chánh nên đồng thời cũng yểm trợ công việc thuộc Bộ này, cũng như một số Nha, sở khác cũng thuộc Bộ Công Chánh cần các chương trình báo cáo điện toán hóa. Lương bổng, kế toán, hàng hóa tồn kho (lượng dầu chạy máy phát điện), tính toán lượng nước đập thủy điện Đa Nhim. Hoặc soạn thảo kế hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long do LHQ trợ giúp tài chánh và kỹ thuật.

Điện toán Điện lực thu hút một số sinh viên du học ngành điện toán trở về từ: Mỹ (qua học bổng giáo dục USAID), Úc, Pháp, Tân Tây Lan.

Năm 1983, Điện Lực mua lại hệ thống 370/135 (used - đã dùng rồi) của Pháp qua trung gian công ty của người Pháp gốc Việt, tại Paris, Việt Nam bị Mỹ phong tỏa kinh tế lúc ấy, do đó cty Việt kiều mãn khai với quan thuế Pháp máy chở đi Algerie, nhưng đổi đường vận chuyển về Việt Nam. Giàn máy IBM 370/135 duy nhất Việt Nam, năm sau máy bắt đầu hoạt động song song với giàn 360/40 (quá cũ, sửa chữa rất nhiều). Sách vở tài liệu do Việt kiều Pháp cung cấp theo thỏa thuận mua máy. Việc sửa chữa, thiết trí, bảo trì do các kỹ thuật viên trong xứ đảm nhiệm.

7- TTDT - Tổng Nha ngân sách, ngoại viện: Đàn anh tiên phong với giàn máy 360/20 đầu tiên, sau đó tiến lên 360/40 DOS, đặc biệt chăm lo vấn đề ngân sách của VNCH, đồng thời báo cáo lên chính phủ và Tổng Thống tổng số ngoại viện VNCH nhận được, ngoại viện có thể từ Mỹ, Úc, Pháp, Taiwan, Ý, Anh trong lãnh vực kinh tế, quốc phòng, giáo dục. Tổng Nha có quyền thuận hay bác các Bộ khi xin chi phí, việc gì cần (theo quy định chính phủ) mới được cấp ngân sách, luôn luôn phải mua hàng hóa trong nước. Chỉ khi nào trong nước không sản xuất được, lúc ấy mới xét nên mua ở quốc gia khác.

Tổng giám đốc Tổng Nha ngân sách ngoại viên thường đóng vai trò cố vấn tải chánh cho Tổng Thống VNCH. Vai vế chỉ Tổng Giám đốc, nhưng uy tín và tiếng nói ông này mạnh hơn cả các Bộ trưởng.

Máy IBM 360/20 và máy đọc phiếu 2501.

Máy xuyên phiếu (key/card puch) với các người đẹp VNCH

Khi VC chiếm đóng miền Nam, các TTDT vẫn trong tình trạng hoạt động rất tốt.

Ngoại trừ, TTDT của Saigon ngân hàng, hệ thống System 3, mới đặt ở Saigon hơn một năm bị dân chúng phá hoại, trộm cắp, chỉ còn giàn máy trơ trọi không hoạt động.

Đại đa số nhân viên các cấp từ phân tích viên hệ thống (system analyst) đến thảo chương viên (programmer), điều hành viên (operator), cũng như nhân viên sửa máy của công ty IBM-Vietnam (CE- customer engineer), hay chuyên viên nhu liệu (SE- system engineer) còn khá đông đủ, chỉ một số rất ít ra đi.

Nhiều năm về sau, thành phần kỹ thuật nói trên bằng mọi cách bỏ xứ ra đi, chạy trốn chế độ CS tàn bạo, vô nhân tính không có tầm nhìn kỹ thuật cởi mở. Chúng đến thăm các TTDT, ra vẻ ta là kẻ chiến thắng, nhưng lại mang mặc cảm thua kém toàn diện, từ kỹ thuật, đến văn hóa, đến tư cách giáo dục của từng con người. CS từ Bắc vào lần lượt khoe khoang máy Minsk 32 (của Nga ăn cắp kỹ thuật Mỹ IBM) hay Odra (đọc theo kiểu VC - ô đờ ra) máy điện toán Ba Lan sản xuất cũng nhái kiểu IBM 360, nhưng chính tại Ba Lan, xứ nầy thích máy IBM hơn,

Khi một anh "kỹ sư máy tính" của Hà Nội vào, che che, dấu dấu xấp tài liệu in trên giấy vàng cũ mèm của Trung cộng, tiếng Tàu in dưới từng hàng chữ tiếng Anh về IBM 360 theo tài liệu gốc của Mỹ. Thấy buồn cười, tôi vào thư viện TTDT, lôi ra bản gốc của IBM in bằng tiếng Anh, giấy trắng tinh cho hắn đọc. Đó là quyển sách vở lòng ai làm trong lãnh vực điện toán cũng phải xem qua lúc nhập môn.

Do phong tỏa kinh tế, không có phụ tùng thay thế, các giàn máy hư hỏng càng nhiều, mạch điện tử bị thay thế rối loạn và cũng không có nhiều chuyên viên biết sửa máy, mất nhân tài do vượt biên trốn thoát CS, đến 1987 hầu hết các TTDT hoạt động cầm chừng, quay sang cho các trường đại học thuê giờ máy lấy đó làm lợi tức nuôi nhân viên. Trung bình, các TTDT hoạt động 8-10 tiếng một ngày, vài nơi móc nối Việt kiều Pháp mua giùm phụ tùng lặt vặt, giờ hoạt động nhiều hơn chút đỉnh.

Đồng thời, năm 1981 IBM tung ra PC (personal computer) đầu tiên, sau đó XT, rồi AT (advanced technology) loại desktop (máy để bàn) còn đến bây giờ, các công ty nhỏ như Compaq, tái tạo kỹ thuật (reversed engineering), chế các máy clone (đã qua tái tạo kỹ thuật) giống y như máy IBM, hoạt động từ bằng cho đến hơn máy IBM.

Thị trường clone sống mạnh, máy clone từ Singapore và Taiwan nhập về Việt Nam (qua các tàu buôn viễn dương của VC đi Singapore mua bán hàng). 

Năm 1983, công ty Kỹ thuật máy tính (trụ sở cũ của IBM-Vietnam) nhập khoảng nửa tá AT và XT (khả năng yếu hơn AT và chạy chậm) clone vào Saigon, thị trường PC (gọi là vi tính- dịch chữ micro processor bộ phận tính toán cực nhỏ) bắt đầu rần rộ. Các TTDT lần lượt suy sụp, chuyển qua PC, rẽ, kỹ thuật mới hơn, loại máy lớn (mainframe) biến mất theo thời gian.

Tóm tắt, tuy VNCH lúc đó đang trong thời kỳ chiến tranh, VC phá hoại nhiều, quốc gia xây lên bao nhiêu, VC tìm cách phá hoại bấy nhiêu ở mọi lãnh vực. Nền kỹ thuật điện toán rất mới vào thập niên 60 và đầu 70, chuyên viên điện toán không nhiều, khái niệm điện toán hóa còn rất mới, ít nhiều mọi người có nghe nói và luôn liên tưởng điện toán tức là IBM. Kể cũng đúng, IBM là bá chủ thế giới thời gian đó về kỹ thuật tiên phong. VNCH đầu tư khá nhiều trong lãnh vực máy móc (24 trung tâm điện toán), đa số các trung tâm dùng máy thuê dài hạn của IBM, rồi nâng cấp lên máy chạy nhanh hơn, có khả năng lớn hơn, cho ra kết quả trong thời gian ngắn nhất, nhanh nhất. Hơn hẳn so với Bắc Việt, lèo tèo trên dưới chục máy, vừa cũ, kỹ thuật xưa, chạy chậm. Đồng thời chuyên viên kỹ thuật làm việc trong không khí lười biếng cho qua ngày kiểu xã hội ăn không no, làm chi nhiều!

Chuyên viên kỹ thuật ra đi tứ tán khắp thế giới, thành phần quân nhân QLVNCH bị tù đày CS, trở về sống lây lất không việc làm. Thành phần dân sự, cũng vượt biên bỏ trốn chế độ CS độc đoán. Phần lớn ở Mỹ, Canada, đôi khi ở Úc, Đức và Pháp.

Dự án phát triển điện toán rất mạnh, nhiều cơ quan chánh phủ cũng như tư nhân dự định mua/mướn máy, hoặc nâng cấp lên:

- Bộ Giáo Dục.

- BGI.

- Công ty xăng Esso.

- Bộ Kinh tế.

- Công ty Điện Lực Việt Nam, ký kết hợp đồng năm 1974 mua IBM 370/145 rất mới thời điểm đó. IBM đồng ý bán, rồi chần chừ, nói rằng máy 370 chưa hoàn vốn, Việt Nam đang có chiến tranh, nếu máy bị hư hỏng, phá hoại, họ sẽ mất vốn và không muốn kỹ thuật vào tay CS.

Việc Hoa kỳ bỏ chạy khỏi Việt Nam, giới kinh doanh siêu quốc gia như IBM, ngân hàng Chase Manhattan, đều biết trước trong thời gian cuối 1974. Giới ngoại giao (Ý, Pháp, Anh) ở Saigon dặn dò những người thân cận rằng khi thấy Dương Văn Minh cầm quyền là kết thúc của VNCH.

Thêm một chứng minh, việc Hoa Kỳ bỏ Việt Nam có dự tính trước, cắt và ngưng viện trợ quân sự theo sắp xếp từ lâu, hoàn toàn không do VC tấn công, hay quân sự giỏi. Thỏa thuận dàn xếp giữa Mỹ, Tàu cộng, Nga đã có khi Tàu cộng chiếm Hoàng Sa của VNCH, hay trước nữa trong lúc thương lượng hiệp định Paris 1973.

Quốc gia mất, mất tất cả.

Máy móc, phương tiện vật chất tàn theo thời gian. Dân kỹ thuật cũng không mấy ai muốn nhắc tới việc mình làm, cũng không có gì đang khoe khoang, đơn giản "...doing my job", những thành tựu đã qua chỉ người trong cuộc mới biết.

Tuy không làm được điều gì lớn cho quốc gia, không anh hùng như những chiến sĩ xông pha hay đổ máu ngoài mặt trận, nhưng ít nhất cũng làm tròn và làm hay hơn nhiệm vụ được giao phó.

Hăng say và cuồng nhiệt của tuổi trẻ đã góp phần khiêm nhường xây dựng đất nước trong chiến tranh, không rắp tâm bán nước, quỳ lạy mất tư cách con người, như thanh niên nào vừa làm ở Việt Nam.

13.11.2017



__________________________________

Phụ lục: Các TTDT ở Saigon, VNCH

1/ 360/50 OS (Operating System), 512K memory.
TTDT Phủ Thủ tướng.
TTDT Tiếp Vận (QLVNCH).

2/ 360/40 OS, 256K memory.
TTDT Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia.

3/ 360/40 DOS, 128K memory.
TTDT Cty Điện Lực Việt Nam.
TTDT Nhân viên QLVNCH.
Cty IBM- Vietnam.

4/ 360/40 DOS,64K memory 
TTDT Tổng nha Ngân sách Ngoại viện, Bộ Tài Chánh.

5/ 360/30 
PACIFIC- Hãng thầu US.

6/ 360/20 DPS (Disk Programming System) 16K memory
Saigon Thủy cục.
Hỏa Xa Việt Nam.
Tổng Nha Bưu Điện.
Air Vietnam.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Ngân khố.
Ngân hàng Vietnam Thương Tín.
Trung tâm Điện biến dữ kiện, Bộ Tài chánh.
Bộ Quốc phòng VNCH.
Hải quân VNCH.
BGI (công ty nước ngọt của Pháp).

7/ UNIVAC 
Không quân VNCH đặt tại Biên Hòa.

8/ RAYTHEON 
của công ty Shell Vietnam (cung cấp xăng, dầu).

9/ IBM System 3 
Saigon Ngân Hàng.

**

Tham khảo:








0 comments:

Powered By Blogger