Tết sắp đến, ngọn gió bấc lành lạnh đã len vào lòng làm
tâm tình mọi người chợt bỗng dưng chùng lại cho những bương
chảy của cuộc sống đã trôi qua, và người ta nghĩ đến cái kiếp
con người trầm luân trong bể khổ. Có người thường thương cho
bản thân mình, nhưng cũng có người với tấm lòng từ bi lại
nghĩ thêm cho những người khác: những người xấu số, những kẻ
bất hạnh trong cuộc sống. Không ngoại lệ, tiếp nối truyền
thống phụng sự tha phương, và cũng tiếp tục việc làm trong
những năm qua, chư tăng chùa Liên Trì gồm có Hòa Thượng Thích
Không Tánh, Thích Viên Hỹ và Thích Đồng Minh cùng những ân nhân
và phật tử đã đóng góp tinh thần, sức lực và tài chánh để
tổ chức buổi tặng quà cho các cháu Bệnh nhi Ung Bướu vào sáng
ngày 18 tháng 1, năm 2015 tại chùa Liên Trì, số 153 Lương Định
Của, phường An Khánh, quận 2, Saigon.
Tịnh tài được quyên góp từ các ân nhân như sau:
- Thầy Thích Viên Chánh và phật tử Nguyễn Thạch pháp danh Huệ Minh tặng $2.000USD.
- Câu Lạc Bộ Hoa Mai của chị Anh Trinh và anh Nguyễn Công Bằng tặng $1.000USD.
- Hội Compassion - Vietnam của bác sĩ Phan Minh Hiển, tặng $1.000 Euros.
Số tiền này dùng để làm quà cho các em bệnh nhi như sau:
- 130 phong bì x 400.000$
- 22 phong bì x 300.000$
- 110 Thú Nhồi Bông x 45.000$/con
- 130 Hộp Mức Tết x 70.000$/hộp
- Cơm chay tại Chùa cho bệnh nhi và thân nhân = 4.000.000$
Trước khi tính toán phần quà, phật tử có qua bệnh viện quan
sát và ước lượng chỉ có khoảng 100 em, nhưng không ngờ khi nghe
tin Chùa tặng quà thì các em về Chùa nhiều hơn. Nên, ngoài
những phần quà ấn định theo số tiền quyên góp, Hòa thượng
phải tặng thêm cho 22 em nữa. Sự phát sinh này phần lớn là do
các em ở ngoại trú với những hoàn cảnh mà trong ngoài như
nhau, nên không thể bỏ qua được. Vì vậy, số tiền tặng thêm đã
thâm vào quỹ của những buổi phát quà kế tiếp (tặng quà cho
Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà). Khi HT trình bày vấn đề này
thì phúc đức thay, các ân nhân, nhất là bác sĩ Hiển, cô Anh
Trinh và anh Nguyễn Công Bằng rất thông cảm và hứa sẽ quyên góp
thêm để bù đắp, (trước mắt chắc là tiền túi của các vị này
quá, vì từ thiện đúng nghĩa là hy sinh).
Chuyện tặng quà ở trong xã hội nghèo khổ tất nhiên sẽ sinh ra
những điều không như ý như hỷ nộ ái ố. Đứng trên bình diện
một con người trần tục thì sẽ vạch ra nhiều khuyết điểm để
quy trách con người, nhất là những người nhận. Nhưng với những
bậc chân tu, nhất là Thầy thì lúc nào cũng là câu: “Thôi kệ đi
con, vì họ quá nghèo!”. Nghe riết rồi cũng thấm, rồi cũng vô
tư bình lặng trong những tranh giành để rồi lần nào Chùa, các
phật tử và các ân nhân cũng phải hy sinh thêm bởi vì họ quá
nghèo như Thầy nói và cũng như mọi người đều nói là Chùa
nghèo nhưng không nghèo tình thương.
Qua những hoàn cảnh nghèo và thương tâm thì cũng có một vài
câu chuyện ngoài lề. Thường thì con cái mắc bệnh nan y là một
bất hạnh trong gia đình, nhất là những gia đình nghèo. Biết
rằng rồi con mình cũng khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần
vì mười em thì may ra một vài em thoát khỏi, và nếu thoát
không khỏi cũng là một cực hình cho cả gia đình. Con bệnh không
thoát liền mà cứ dây dưa với những ngày tháng trị liệu tổn
hại sức khỏe và tiền bạc. Bỏ mặc thì cha mẹ nào đành, thôi
thì vay mượn, gồng gánh đến đâu hay đến đó.
Sau đây là trường hợp điển hình cho những gia đình bất hạnh.
Hai chị là công nhân, chị thì ở ngoài Bắc, chị thì ở trong
Nam, đến cùng hai nơi khác nhau nhưng có cùng chung một hoàn
cảnh. Cả hai đều là công nhân (gia cấp vô sản), có gia đình và
có con bịnh nan y. Đây là những chi tiêu hàng tháng của hai chị.
Lương công nhân căn bản 4 triệu/tháng, tăng ca thêm 2 triệu/tháng.
Lương chồng thì hơn chút đỉnh. Tổng cộng thu nhập gia đình là
15 triệu/tháng (khoảng $700USD, bảy trăm đô-la). Ngoài tiền chi
phí cho nhà trọ, ăn uống và sinh hoạt, các chị phải chi cho con
trị liệu trung bình là:
- 1 triệu 2 trăm ngàn 1 chai hóa chất, một tháng 4 lần.
Bảo hiểm chỉ trả 50% chi phí này vì “đi bệnh viện trái
tuyến”.
- 1 triệu rưỡi tiền thuốc. Bảo hiểm không trả, và không
được hỗ trợ từ nhà nước vì thuê nhà không có hộ khẩu. Nhà
nghèo mới thuê nhà mà không được gọi là nhà nghèo.
- Tiền viện phí (tiền giường) mặc dầu nằm dưới đất hoặc một giường hai em.
- Chi phí ăn uống cho bệnh nhi vì bệnh viện không nuôi ăn.
- Chi phí đi lại thăm nuôi.
- Người nhà luôn túc trực bên các em để mất đi một lao động.
Được hỏi là với chi thu như vậy, hai chị làm sao nuôi được con
mình? Hai chị trả lời rằng nhờ đi vay mượn tiền nóng lẫn tiền
nguội và quan trọng nhất là tiền cứu trợ từ các ân nhân mọi
nơi. Hỏi là tiền cứu trợ có nhiều không? Trả lời rằng nhờ đó
mà trả bớt rất nhiều những tiền chi phí phụ trội và lặt
vặt, có khi cũng nhờ cứu trợ mà chi trả được những số tiền
trị liệu lớn. Hỏi là nhà nước có hỗ trợ gì không? Trả lời
là không có. Hỏi để xác định lần nữa có phải là tiền cứu
trợ rất quan trọng nên các chị phải dẫn con lặn lội qua đây
mong nhận quà phải không? Trả lời là rất cần thiết. Hỏi là
có hiểu tại sao phải phát quà tại Chùa với những bất tiện
như là tốn thì giờ, tốn tiền xe, tốn sức khỏe các em trong khi
đó phát tại bệnh viện sẽ tránh được những bất tiện đó? Các
chị trả lời là không biết.
Có những cái mà mọi người đều biết mà không ai dám nói. Nhà
Chùa cũng biết, biết là tặng quà tại Chùa sẽ gây nhiều công
việc tốn kém đi đến phiền phức cho bệnh nhân và gia đình nhiều
mặt nhưng vì tế nhị không muốn nói. Thành ra kỳ tặng quà này
nảy sinh những việc ngoài ý muốn. Nhưng, nói chung là nhờ cái
tâm của nhà Phật và mọi người hy sinh một chút để làm tròn
nhiệm vụ mà các ân nhân giao phó cũng như phục vụ các em bệnh
nhi đến hài lòng. Buổi tặng quà rất thành công như ý mọi
người.
Kính mời quý vị theo dõi video và hình ảnh:
Các bệnh nhi vẫn vui cười, ngồi vào bàn chờ dùng cơm tại chùa.
Có bệnh nhi ngồi trông rất... đau khổ
Bệnh nhi này bị ung thư máu
thấy HT là chạy theo sau, HT phải quay lại chụp ảnh chung
Từ trái sang Thầy Thích Viên Hỷ - Hòa Thượng Thích Không Tánh -
Thầy Thích Đồng Minh đang ở chánh điện
công bố số tiền và tên của các ân nhân đã gửi về
giúp đở chia sẻ với các cháu bệnh nhi
Nhà bếp Chùa Liên Trì đang chuẩn bị bữa ăn cho cháu bệnh nhi.
Bếp được gọi là “bếp hiện đại” nhất ở VN vì không hại điện.
Nhìn bếp củi là biết chùa nghèo.
0 comments:
Post a Comment