Monday, October 6, 2014

"Tám Điệp Khúc"


"Tám Điệp Khúc" là một bài hát do nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bài hát nói về tình yêu quê hương dưới một cấu trúc sáng tạo khác thường có tính chất "nổi loạn" và cách dùng chữ, kỹ thuật viết độc đáo. Như đa số các nhạc sĩ miền Nam trước 1975, Anh Việt Thu có lối diễn đạt ý tưởng trong sáng, bình dị, chân thật nhưng tạo cảm xúc mạnh. Ngược lại, nền thi ca hiện đại tại Việt Nam có khuynh hướng giả tạo, lừa đảo. Việc này có tác hại trầm trọng trên người dân Việt, nhất là tuổi trẻ.

*

"Tám Điệp Khúc" là một bài hát do Anh Việt Thu viết trước năm 1975. Có người cho rằng ông viết bài này vài năm sau khi ông viết bài hát nổi tiếng đầu tiên của ông, "Giòng An Giang", vào năm 1956 (lúc mới 17 tuổi), nghĩa là khoảng năm 1960 (Du 2012). Tuy nhiên, lời bài "Tám Điệp Khúc" có đề cập đến hai mươi năm đất nước Việt Nam chia cách. Do đó, có thể coi là bài được viết vào khoảng năm 1974. 

Tên thật Anh Việt Thu là Huỳnh Hữu Kim Sang. Ông sinh năm 1939 tại An Hữu - Mỹ Tho (Định Tường) nay là Tiền Giang (Quế 2010). Tuy nhiên, có nguồn cho biết ông sinh tại Campuchia và làm khai sinh tại An Hữu năm 1940 (Wikipedia 2014). Ông tốt nghiệp Hòa âm Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 1963. Ông là Trưởng Đoàn Văn Nghệ Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia niên khóa 1958-1959, Chủ tịch Sinh viên Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn 1963. Ông thành lập Đoàn Du Ca Phù Sa hát dạo từ Cần Thơ ra Huế trong những năm 1965-1966. Về cuối đời, ông làm việc tại Phòng Văn nghệ đài phát thanh Quân Lực Việt Nam Cộng hòa chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Ông mất ngày 15 tháng 3 năm 1975 tại Sài Gòn. 

Anh Việt Thu sáng tác khoảng hơn hai trăm bài hát. Các bài hát nổi tiếng gồm có: Giòng An Giang, Đa Tạ, Nhớ Nhau Hoài (thơ Thiên Hà), Tám Điệp Khúc, Người Ngoài Phố, và Trên Đầu Súng.

Bài "Tám Điệp Khúc" có lẽ là bài hát hay nhất về tình yêu quê hương tổ quốc trong các bài hát ở miền Nam trước năm 1975. Bài hát hay cả về hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt, bài hát có một cấu trúc khác thường, gây ra ấn tượng mạnh mẽ trên khán giả (trong bài này, tôi dùng "khán giả" để chỉ mọi người thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, gồm có người nghe, đọc, ngắm, xem, và cảm nhận).

Nguyên văn bài hát gồm có 9 Đoạn, được trình bày trong Hình 1. Tôi dùng các màu để làm nổi bật các Điệp Khúc (ĐK) và Tiểu Điệp Khúc (TĐK) như sẽ được cho biết sau.

Bài hát kể một chuyện tình trai gái lồng trong bối cảnh đất nước Việt Nam chia cách và đưa đến tình yêu quê hương. Như trong những bài trước, trong bài này tôi sẽ chỉ chú trọng đến các khía cạnh văn chương của lời nhạc, ngoại trừ phần thảo luận về cấu trúc bài hát vì đó là nét đặc sắc nhất của bài hát.

Cấu trúc bản nhạc biểu hiện mức độ sáng tạo không theo truyền thống và tính chất "nổi loạn" của Anh Việt Thu.

Khi nghe nhan đề "Tám Điệp Khúc," ai cũng phải có chút thắc mắc. Người có óc quan sát hoặc chỉ thuần túy tò mò sẽ đếm xem coi có phải là đúng có tám điệp khúc trong bài không. Nhưng trước khi đếm, ta phải hiểu điệp khúc nghĩa là gif.

Đa số các bài hát thường có cấu trúc tương tự. Giống như một bài luận văn có nhập đề, thân bài, và kết luận, một bài hát cũng có những phần có nhiệm vụ khác nhau. Những phần cùa một bài hát gồm có: dạo đầu (introduction), phiên khúc (PK) hay đoạn thường (verse), điệp khúc (ĐK)/ tiểu điệp khúc (TĐK) (chorus/ refrain), đoạn nối (bridge), đoạn kết hoặc dạo cuối (conclusion or outro). 

- Phần dạo đầu thường là nhạc và không có lời. Mục đích là chuẩn bị tinh thần cho người nghe. 

- Phiên khúc (PK) hay đoạn thường cho biết chi tiết của câu chuyện, sự kiện, hoặc hình ảnh mà nhạc sĩ muốn diến tả. Các bài hát Việt Nam thường có ít nhất là hai phiên khúc có cùng cấu trúc nhạc điệu nhưng khác lời. 

- Điệp khúc (ĐK) (chorus) là phần được lập lại y hệt cả nhạc lẫn lời, và là phần chính của bài hát, chứa đựng ý tưởng chính yếu. Cường độ âm nhạc và cảm xúc thường mạnh hơn phiên khúc. 

- Tiểu điệp khúc (TĐK) (refrain) là một hay hai câu trong một phiên khúc, thường nằm ở cuối hoặc ở giữa phiên khúc, và được lập lại để tạo một tác dụng nào đó (tóm tắt, nhấn mạnh, vần điệu) cho phiên khúc đó. Tiểu điệp khúc không mang ý chính của toàn thể bài hát như điệp khúc, và thường chỉ có tác dụng trên phiên khúc đó mà thôi. 

- Phần nối là phần chuyển tiếp, có nhạc và lời khác với đoạn thường, và thường dùng để giảm bớt sự lập đi lập lại của các đoạn. 

- Phần kết hoặc outro là phần kết thúc bài hát, thường là tắt dần (fade-out) hoặc nhạc cụ (instrumental tag). 

Một bài hát không nhất thiết là phải có đầy đủ các phần trên, có thể thêm các phần khác như tiền điệp khúc (pre-chorus), hoặc không có phần nối. Có những bài bắt đầu bằng điệp khúc hoặc không có điệp khúc. Đa số nhạc Việt Nam có cấu trúc Phiên Khúc + Điệp Khúc. Ngoài ra, không phải ca sĩ nào cũng đi theo tuyệt đối cấu trúc mà nhạc sĩ viết, và nhiều khi lập lại một phiên khúc như thể đó là điệp khúc để tạo thêm cảm xúc hoặc các tác dụng khác trên người nghe.

Trở về với "Tám Điệp Khúc," ta hãy xác định phần nào là điệp khúc. Một ĐK có thể là ĐK và TĐK. Trong Hình 1, những câu hay đoạn thuộc về ĐK hay TĐK được tô cùng màu.

Ta nhận ra ngay điệp khúc của bài hát là Đoạn 3, 6, và 9 (màu xám trong Hình 1). ĐK gồm có năm câu. Ngoài ĐK, còn có bẩy TĐK. Tổng cộng ĐK và TĐK là tám; do đó bài hát có tên "Tám Điệp Khúc." Mỗi TĐK chỉ có một câu. Bẩy TĐK còn lại là:

TĐK 1 (màu vàng): Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. Đây là TĐK chính vì nó được lập đi lập lại nhiều lần trong cả bài hát, chính xác là sáu lần.

Sáu TĐK kế tiếp là TĐK phụ. Mỗi TĐK phụ được lập lại một lần, nghĩa là nó nằm trong hai PK. Các TĐK phụ này gồm có:

TĐK về tình trai gái:

- TĐK 2 (màu cam), trong Đoạn 1 và 2: Đưa tiễn anh đi vào đời.

- TĐK 3 (màu tím), trong Đoạn 1 và 4: Dìu anh trong tiếng thở/ Dìu anh trong giấc ngủ.

- TĐK 4 (màu đỏ), trong Đoạn 7 và 8: Ôi sóng thiêng em về Trời/ Ôi núi thiêng em về nguồn.

TĐK về tình quê hương:

- TĐK 5 (màu xanh lá cây), trong Đoạn 1 và 2: Mẹ Việt Nam ơi! Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.

- TĐK 6 (màu hồng), trong Đoạn 4 và 5: Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời.

- TĐK 7 (màu xanh da trời nhạt), trong Đoạn 7 và 8: Mẹ Việt Nam ơi! con xin ghi xin khắc nguyện lời thề.

Để ý là trong TĐK 3 (Dìu anh trong tiếng thở/ Dìu anh trong giấc ngủ) và TĐK 4 (Ôi sóng thiêng em về Trời/ Ôi núi thiêng em về nguồn), hai cặp câu không hoàn toàn giống hệt nhau. Thực ra, TĐK không đòi hỏi là câu lập lại phải giống y hệt nhau, nhưng phải có phần lớn giống nhau (về hình thức lẫn nội dung). Ngoài ra, hai câu "Trùng dương vang tiếng gọi" và "Rừng thiêng vang tiếng gọi" trong Đoạn 7 và 8 cũng có thể coi là phần của TĐK 4, nhưng hai câu này dính líu nhiều với câu ngay trước nên có lẽ tốt hơn là được coi là phiên khúc thay vì TĐK.

Sự phân phối các TĐK này cho thấy sức sáng tạo độc đáo của Anh Việt Thu, có tính chất "nổi loạn." Nó độc đáo vì nó không theo quy củ truyền thống. Quy củ truyền thống là TĐK thường được đặt ở cuối hoặc ở giữa phiên khúc và một PK thường chỉ có một TĐK. Anh Việt Thu không đi theo quy củ đó.

Trước hết, Anh Việt Thu dùng nhiều hơn một TĐK trong một PK và vị trí các TĐK này nằm ở phần đầu, phần giữa, và phần cuối của PK. Trong âm nhạc và ngay cả trong thơ, mỗi phiên khúc hoặc đoạn thơ thường chỉ có một TĐK. Lý do đơn gỉản là để tránh nhàm chán. Cái gì cũng vậy, dùng nhiều quá đưa đến lạm dụng và tạo ra nhàm chán. Có nhạc sĩ hay thi sĩ nào muốn bài hát hay bài thơ của mình nhàm chán hay không? Lẽ dĩ nhiên là không. Nhưng nhiều khi, chính cái nhàm chán là cái đẹp của tác phẩm như trong bài "Tám Điệp Khúc" sẽ được trình bày sau. Và quan trọng hơn, nhắc đi nhắc lại một câu trong bài hát hoặc bài thơ không nhất thiết dẫn đến nhàm chán, mà còn có thể đem lại sắc thái đặc thù cho tác phẩm. Điều đó chỉ đạt được nếu cách diễn tả được thực hiện một cách điêu luyện và có hiệu quả. Ở đây, Đoạn 2 chỉ có 5 câu mà có tới 4 TĐK, gần như là một ĐK hoàn toàn. Nên để ý là tuy ba câu (Dìu anh trong tiếng thở/ Đưa tiễn anh đi vào đời/ Mẹ Việt Nam ơi! Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về) nằm liên tiếp nhau, chúng không cùng một TĐK vì ý nghĩa mỗi câu một khác và các câu tương ứng không ở cùng PK.

Thứ nhì, Anh Việt Thu không hoàn toàn đặt các TĐK phụ ở vị trí đồng đều. TĐK 2, 4, 5, 6, và 7 đều nằm trong hai Đoạn kế cận nhau, nhưng TĐK 3 nằm ở hai Đoạn cách xa nhau (Đoạn 1 và 4). Bằng cách dùng TĐK 3 nằm trong Đoạn 1 và 4, Anh Việt Thu tạo ra tính chất ngẫu nhiên, và tránh được sự nhàm chán. Cách sắp đặt này là một khía cạnh "nổi loạn" với cặp mắt mỹ thuật để tạo ra cái thăng bằng không cân đối (asymmetrical balance), một khái niệm căn bản trong hội họa, cho bài hát. TĐK 3 như là một nét chấm phá trong một bức họa để tạo nên một vẻ tự nhiên, không máy móc.

Tác dụng của TĐK là gì? Theo quy tắc căn bản, TĐK có tác dụng tóm tắt, nhấn mạnh ý chính, hoặc đem lại vần điệu cho phiên khúc. Nếu đó là tác dụng thì tại sao vị trí của nó trong một phiên khúc quan trọng? Thực ra, vị trí của TĐK không quan trọng miễn là nó đạt được mục đích của nó. Quy tắc căn bản của âm nhạc không bao giờ tuyệt đối, và như mọi luật lệ khác, các quy tắc này được đặt ra để bị vi phạm. Anh Việt Thu hiểu rõ chuyện đó, và ông đã vượt qua các quy tắc căn bản để tạo một tác dụng của TĐK theo ý ông muốn. 

Sự nhận diện tám ĐK/TĐK rất quan trọng với bài hát này, vì nó giúp ta hiểu được cấu trúc bài hát và dẫn đến việc hiểu cái ý tưởng mà bài hát muốn nói.

"Tám Điệp Khúc" vẽ ra một mối tình trai gái quyện với tình yêu quê hương một cách sâu sắc.

Khi nghe bài "Tám Điệp Khúc" lần đầu, vài khán giả có thể không hiểu rõ ý tác giả, và có cảm tưởng hình ảnh rời rạc, vá víu, chắp nối. Nhưng khi nghe bài hát lần nữa và lần nữa, khán giả dần dần nhận ra ý tác giả. Càng nghe, ta càng hiểu rõ và càng yêu thích bài hát. "Tám Điệp Khúc" là bài hát cần được nghe đi nghe lại mới thấy thấm. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn "có lần nói rằng, ông rất thích bài hát này của Anh Việt Thu, mặc dầu nghe cả bài trong một lúc khó nắm bắt tác giả nói gì, nhưng nghe từng đoạn tách rời, âm điệu day dứt của nó làm cho rất buồn" (Quế 2010). "Tám Điệp Khúc" tượng trưng cho lối diễn tả không theo truyền thống, với cấu trúc nổi loạn, vẽ ra một mối tình trai gái quyện với tình yêu tổ quốc một cách sâu xa tinh tế để đưa đến ca ngợi quê hương.

Trước hết, chúng ta nên ghi nhận dụng ý của bài hát theo lời tác giả. Trong bản gốc tờ nhạc, Anh Việt Thu viết đây là "bài hát của chàng dành ru khi nàng buồn ngủ." Mục đích đó rất rõ ràng. "Tám Điệp Khúc" là một bài hát ru ngủ người tình của một chàng trai. Là một bài hát ru ngủ, giai điệu bài hát quả thật chậm chạp nhẹ nhàng với nhạc điệu Slow. Phần điệp khúc có lên cao, nhưng vẫn duy trì âm giai lờ lững êm ả. Quan trọng nhất, vì để ru ngủ, bài hát có nhiều TĐK như đã phân tách ở trên, và một ĐK dài. Tác dụng của ĐK và các TĐK là tạo ra sự "nhàm chán" cố tình để dẫn người nghe (cô bạn gái) miên man đi vào giấc ngủ. Thông thường, một người khi nghe một câu lập đi lập lại nhiều lần, người đó dễ cảm thấy buồn ngủ. Anh Việt Thu dùng tám ĐK /TĐK trong bài hát để tạo ra tác dụng đó. Nhưng có quả thật ông muốn bài hát tạo tác dụng ru ngủ người nghe? Có nhạc sĩ nào muốn người nghe nhạc mình chìm vào giấc ngủ? Lẽ dĩ nhiên là không. Anh Việt Thu trêu mọi người khi viết là bài hát cho chàng ru nàng ngủ. Cái "nhàm chán" mà Anh Việt Thu tài tình dàn dựng qua các TĐK chẳng nhàm chán chút nào, mà thực ra là những lớp âm điệu chồng chất lên nhau để dẫn người nghe ở trong một trạng thái gần như là căng thẳng hồi hộp và không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tới khi đi đến đoạn chót.

Anh Việt Thu làm được chuyện đó vì có vẻ ông dùng kỹ thuật thiết kế từ trên đi xuống (top-down design) trong việc viết bài này. Ông dường như sắp xếp vị trí các PK, ĐK, và TĐK trước khi viết lời. Ông quyết định để TĐK chính ở đầu mỗi phiên khúc để nhấn mạnh cái bối cảnh, không khí cho khung cảnh trong phiên khúc đó. Sau đó ông đặt TĐK phụ ở cuối mỗi phiên khúc để nhắc nhở cái ý chính. Cuối cùng ông để các TĐK phụ còn lại rải rác trong các phiên khúc tùy hứng. Cách dàn xếp có vẻ cố định, nhất là với TĐK 1 và TĐK phụ 5, 6, 7 ở cuối phiên khúc. Sau khi quyết định vị trí của ĐK và các TĐK, ông bắt đầu viết lời. Ngoài ra, như sẽ được trình bày sau, Anh Việt Thu cố tình tạo dựng bài hát như một bức tranh để khán giả vừa nghe âm nhạc và lời vừa tưởng tượng hình ảnh bức tranh.

Đọc cả toàn bài, ta thấy mỗi PK đều có cùng nội dung: câu mở đầu là bối cảnh, các câu kế tiếp là tình tiết kể lể chuyện tình của chàng trai, và câu chót chuyển sang tình yêu đất nước. 

Câu chuyện tình đó là gì?

Một cách tinh nghịch, Anh Việt Thu trêu người nghe lần nữa khi báo trước rằng đây là bài hát chàng dành ru khi nàng buồn ngủ, nhưng câu chuyện ru ngủ đó lại kể nàng ru ngủ chàng. Dùng câu chuyện nàng ru ngủ chàng để ru ngủ lại nàng, còn gì tinh quái hơn? Tuy nhiên, đa số khán giả không biết lời báo trước của ông là bài này là của chàng dành ru ngủ nàng, nên đa số không bị trêu chọc và lẫn lộn khi nghe bài hát.

Mở đầu, Anh Việt Thu cho thấy bối cảnh buồn với lời tả cảnh da diết ("Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu"). Nhóm chữ "Trời làm cho" thật đặc sắc. Mưa và mây là hiện tượng thiên nhiên, do các tương tác của hơi nước và khí quyển. Nhưng Anh Việt Thu tuyên bố là ông Trời tạo ra chuyện buồn này nên đã khiến cho mưa bay giăng giăng với bầu trời có các cụm mây tím đem lại hình ảnh sầu não. Bằng cách đổ lỗi cho Trời, Anh Việt Thu giữ thái độ trung dung, không gán ghép tội lỗi cho ai hết. Để ý là TĐK chính này đặt bối cảnh cho cả sáu PK, khiến người nghe được nhắc đi nhắc lại nỗi buồn của câu chuyện. 

Chuyện tình của hai người được diễn tả trong cảnh hai người ở bên nhau, có thể là cuộc gặp mặt lần chót trước khi chia tay. Nàng ru ngủ chàng với bàn tay vuốt ve mơn trớn ("Bàn tay năm ngón mưa sa," "Bàn tay đón gió muôn phương," "Bàn tay đan gối mộng") và lời ru đong đưa nhẹ nhàng ("Nằm nghe tiếng hát đu đưa," "Ôi tiếng ru ru ngọt ngào") đưa chàng vào giấc ngủ hồn nhiên ("Dìu anh trong tiếng thở," "Dìu anh trong giấc ngủ"). Nhưng rồi vì đất nước chia đôi ("Ai chia ly tan tác cả ngàn đời"), nàng phải ở lại và chàng phải ra đi ("anh đi vào đời"). Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam, ta có thể hình dung cảnh chàng đi vào Nam vào năm 1954, và nàng vì lý do nào đó phải ở lại Bắc. Xa người yêu, chàng nhớ nàng mãi mãi ("Từng đêm ấp ủ trong tim"), gọi tên nàng hàng đêm ("Từng đêm khe khẽ gọi"), và tưởng nhớ nàng từng giờ từng phút ("Anh nhớ thương em từng giờ"). 

Sau hai mươi năm trời xa cách ("Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về"), nàng qua đời. Chi tiết này rất tinh tế và ít khán giả nghe nhận ra. Cả toàn bài chỉ có nhóm chữ "em về Trời" rõ rệt nói là nàng lìa đời. Nhóm chữ "em về nguồn" nhắc lại chuyện đó, nhưng không với cùng mức độ rõ rệt, có thể vì tác giả muốn làm giảm bớt cái buồn thảm của kết cục chuyện tình. Ta có thể nhận ra nỗ lực của Anh Việt Thu trong việc gần như là giấu giếm chuyện ra đi của nàng khi ông vẽ ra những hình ảnh êm ái xinh đẹp của đôi bàn tay nàng, lời ru nàng, giấc ngủ hồn nhiên của chàng. Đã thế, tác giả còn che phủ cái chết đó với lời lẽ về Mẹ Việt Nam, đất nước cách chia, và tâm nguyện của chàng dâng hiến cuộc đời mình cho tổ quốc.

Ta không rõ hoàn cảnh nàng chết như thế nào, mà chỉ biết "sóng thiêng em về Trời" và "núi thiêng em về nguồn." Dùng biển cả và núi rừng là nơi nàng trở về với cát bụi, Anh Việt Thu vẽ ra hình ảnh đất nước Việt Nam với câu chuyện Lạc Long Quân đem 50 người con xuống biển và Âu Cơ đem 50 người con lên núi rừng. Ngoài lời nhắc nhở biển cả ("Trùng dương sóng nước bao la/ Trùng dương vang tiếng gọi") và núi rừng ("Rừng thiêng lá đổ âm u/ Rừng thiêng vang tiếng gọi"), Anh Việt Thu còn dùng tính từ "thiêng" hai lần về sự ra đi của nàng ("Ôi sóng thiêng em về Trời," "Ôi núi thiêng em về nguồn"), nhấn mạnh tính chất thiêng liêng của nơi nàng trở về.

Mối tình quê hương như thế nào?

Anh Việt Thu diễn tả mối tình đó qua ba sắc thái. Trước hết, ông nhận định cái thực tế của đất nước chia cách (Mẹ Việt Nam ơi! Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về). Sự chia cách đã khiến những người phải ra đi và không thể trở về. Sau đó ông tự hỏi nguyên do của sự chia cách đó (Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời). Ông không vạch ra kẻ nào tạo nên chia cách này. Tuy nhiên, hỏi là đã trả lời. Ông không cần nói ra, ai cũng biết thủ phạm chia ly đất nước là ai. Sau cùng, ông bày tỏ nguyện vọng ghi khắc lời thề (Mẹ Việt Nam ơi! con xin ghi xin khắc nguyện lời thề). Lời thề gì? ĐK cho biết đó là lời thề dâng hiến cả đời cho quê hương tổ quốc.

Anh Việt Thu không hề nhắc đến chiến tranh, bom đạn, quân đội, súng ống. Ngay cả khi nói đến đất nước chia đôi, ông cũng dùng lời lẽ nhẹ nhàng trách móc ("Ai chia ly tan tác cả ngàn đời"), không lộ ý trách móc đổ lỗi rõ rệt cho ai cả. Đối với ông, tình yêu quê hương đất nước là tình yêu thiêng liêng, như được nhắc nhở qua sông biển núi rừng (Trùng dương sóng nước bao la/ Rừng thiêng lá đổ âm u).

Bằng cách dùng các TĐK và chuyển tiếp câu chuyện dần dần, Anh Việt Thu giúp người nghe chuẩn bị tinh thần trong tiến trình gay cấn để dẫn đến đoạn kết khi những nốt được thắt chặt lại. Mỗi PK khiến hai khái niệm (tình yêu trai gái, tình yêu quê hương) nhích lại gần nhau một chút. 

Bài hát còn được cấu kết chặt chẽ và tinh vi với ĐK. Cái ĐK phản ảnh sự liên kết giữa tình yêu trai gái với tình yêu quê hương. Vì ĐK được nhắc lại ba lần, xen kẽ trong các PK, trong bài hát, người nghe được nhắc nhở ba lần về mối liên hệ này.

Trong ĐK, Anh Việt Thu dùng lời ru của cô gái để vẽ ra cảnh tượng thơ mộng ("Tiếng hát hát trên môi") và giấc ngủ ngây thơ hồn nhiên của chàng trai như một đứa bé trong nôi ("Giấc ngủ ngủ trong nôi"). Giấc ngủ đó cho cái giấc mơ thanh bình của đất nước Việt Nam. Hình ảnh một đàn chim bay kêu gọi lẫn nhau trên bầu trời ("Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu/ Ôi tiếng chim muông gọi đàn") là một ẩn dụ tuyệt vời cho tình đồng bào của người dân Việt. Với cái hình ảnh tuyệt diệu đó, chàng trai sẵn sàng dâng hiến cuộc đời chàng cho quê hương tổ quốc ("Mẹ Việt Nam ơi! Con xin dâng xin hiến trọn cả đời").

ĐK đó được lập đi lập lại ba lần trong toàn bài hát (nhưng không phải ca sĩ nào cũng thể hiện như vậy), xen lẫn vào sáu phiên khúc, nên tạo ra một sự phối hợp thăng bằng.

Thưởng thức "Tám Điệp Khúc" không phải chỉ nghe âm nhạc và lời mà còn ngắm bức tranh Anh Việt Thu vẽ ra.

"Tám Điệp Khúc" không những là một bài thơ, một bài hát. mà còn là một bức tranh tuyệt diệu. Do đó, thưởng thức "Tám Điệp Khúc" không phải chỉ nghe âm nhạc và lời mà còn ngắm bức tranh Anh Việt Thu vẽ ra. Bức tranh này cho thấy mối liên hệ của các ĐK, TĐK, và PK.

Về nội dung, tám ĐK/TĐK đóng vai trò sau:

ĐK: Liên kết mối tình trai gái với tình quê hương (tình yêu hai người → tình yêu đồng bào → quê hương là tất cả).

TĐK 1: Dựng bối cảnh (nỗi buồn cho cả hai mối tình do bởi trời).

TĐK 2, 3, và 4: Tình trai gái qua ba giai đoạn: chuẩn bị xa nhau (tiễn đi vào đời), cuộc gặp nhau, có vẻ là lần chót (dìu anh), và mối tình tan vỡ (nàng chết). 

TĐK 5, 6, và 7: Tình quê hương qua ba sắc thái: thực tế (hai mươi năm chia rẽ), nguyên do (Ai chia ly?), và nguyện vọng (lời thề sông núi).

Các phiên khúc gồm những câu còn lại là mối tình trai gái: PK 1, 2: Cô gái (Bàn tay) → PK 4: Chàng trai (ngủ) → PK 5: Nỗi nhớ nhung vì xa cách → PK 7, 8: Bối cảnh tình tan vỡ (biển cả và núi rừng).

Các ý chính này được lồng vào nhau qua các câu liên tiếp của bài hát. Vì các ý nghĩa này có vẻ độc lập, nếu ta nghe các câu hát theo thứ tự liên tiếp và các ý xen kẽ nhau, ta có thể dễ bị lẫn lộn như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, nếu thay vì nghe các câu hát theo thứ tự một chiều (one-dimensional), ta hình dung các ý đó theo một họa đồ hai chiều (two-dimensional), nghĩa là nhìn các ý này cùng một lúc như ngắm một bức tranh, thì ta sẽ thoát được cái lẫn lộn đó.

Hình 2 là một thí dụ cho thấy bài hát trình bày dưới dạng hai chiều. Các màu dùng tương ứng với màu dùng trong Hình 1.


Trong Hình 2, ĐK là ý chính yếu chi phối cả bài hát, vì nó là liên kết của hai mối tình, diễn tả bằng một nền vuông (màu xám). Trên cái nền đó là bối cảnh buồn do ý Trời, ảnh hưởng vào cả hai mối tình. Đó là TĐK 1, diễn tả bằng một nền vuông (màu vàng) nhỏ hơn nền ĐK. Được đóng khung trong hai nền này là hai mối tình đứng hai bên: tình trai gái do bởi TĐK 2, 3, và 4, diễn tả bằng ba vạch màu cam, tím, và đỏ; tình quê hương do bởi TĐK 5, 6, và 7, diễn tả bằng ba vạch màu xanh lá cây, hồng, và xanh da trời nhạt. Câu chuyện được di động qua diễn tiến mối tình trai gái do bởi các PK, diễn tả bằng khối màu trắng giữa ba vạch tình trai gái và ba vạch tình quê hương.

Khi bài "Tám Điệp Khúc" được hình dung như một bức tranh, với các ý tưởng được biểu hiện hai chiều, ta sẽ thấy các ý tưởng được nổi bật rõ rệt và không còn bị lẫn lộn. 

Cấu trúc của Hình 2 chỉ là một thí dụ. Các hình tượng có thể được thay đổi cho thích hợp với cách hiểu biết và diễn tả của người nghe. Thí dụ như các nền và các vạch không hoàn toàn đục mà có thể có mức độ trong (transparency) nào đó để cho thấy các ý tưởng trộn lẫn vào nhau. Hình tượng không nhất thiết là hình vuông hay hình chữ nhật, mà có thể là hình tròn, bầu dục, hoặc bất cứ hình dạng gì. Vị trí của các hình tượng cũng có thể thay đổi. Các hình tượng cũng có thể được biểu hiện ba chiều thay vì hai chiều. Bất cứ cách diễn tả thế nào, khi bài hát được diễn tả như một bức tranh, khán giả có thể thưởng thức bài hát ở một mức độ thâm thúy hơn.

Bức tranh "Tám Điệp Khúc" thực ra là một phương thức "giải mã" bản mật ký bài hát, tách các ý tưởng xen kẽ và sắp xếp lại. Nhưng bản "giải mã" chỉ nên dùng để người nghe tưởng tượng ra trong đầu. Khi vừa nghe vừa "nhìn" "Tám Điệp Khúc," khán giả sẽ không còn thấy bài hát khó hiểu hoặc sẽ không gặp trở ngại ở chỗ chuyển tiếp đột ngột như từ "Đưa tiễn anh đi vào đời" sang "Mẹ Việt Nam ơi! Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về."

Tại sao Anh Việt Thu mất công dàn dựng bài hát như vậy? 

Lý do thật đơn giản. Mục đích chính của Anh Việt Thu là nói về tình yêu quê hương. Nhưng nếu chỉ nói về tình yêu quê hương một cách tổng quát trừu tượng thì khó mà hấp dẫn. Ít ai muốn nghe những lời khuyên răn, dậy dỗ về một đề tài có vẻ giáo khoa. Để tạo hấp dẫn, tác giả phải dàn dựng một câu chuyện có những chi tiết rõ rệt và đặc thù, nhưng chuyện đó rất khó cho đề tài về tình yêu quê hương. 

Anh Việt Thu đã vượt qua cái khó khăn đó bằng cách kể thêm chuyện tình giữa chàng trai và cô gái. Các chi tiết hấp dẫn là hình ảnh nàng ru chàng ngủ, hai người xa cách, chàng nhớ nàng, và nàng qua đời. Ông cho hai mối tình diễn ra song song, và để khán giả suy ngẫm. Ông có thể nói, "Tình yêu trai gái rất quan trọng cho cuộc sống tình cảm con người. Nhưng mối tình trai gái nào cũng chấm dứt. Chỉ có tình yêu quê hương là vĩnh cửu." Nhưng ông không nói thẳng ra vì ông tôn trọng khán giả. Họ hiểu.

Như đã trình bày ở trên, Anh Việt Thu dàn dựng bố cục bài hát rất công phu. Với tám điệp khúc sắp xếp không theo truyền thống, ông cho thấy cái sáng tạo "nổi loạn" của mình. Nhưng cái "nổi loạn" đó không có tính chất chống đối, mà dường như chỉ là một thí nghiệm (experiment) trong việc viết âm nhạc. Bằng chứng của sự nổi loạn nhưng không chống đối là nội dung bài hát êm ái nhẹ nhàng với mối tình trai gái trong bối cảnh tình yêu quê hương. Thông điệp ông muốn gởi tới khán giả là tình yêu quê hương là tình yêu cao cả và vĩnh cửu. Ngoài cái thông điệp đó, "Tám Điệp Khúc" là một tác phẩm nghệ thuật, và tác dụng của nó là tạo cảm xúc cho người nghe. Cách tạo cảm xúc đó rất độc đáo. Người nghe phải nghe bài hát nhiều lần mới dần dần hiểu ý tác giả và câu chuyện tác giả đang kể. 

Cách dùng chữ tượng hình và có nhiều ẩn dụ, cộng với lối diễn tả điêu luyện làm bài hát sống động.

Ngay trong câu mở đầu cho bài hát, Anh Việt Thu tạo dựng bối cảnh cho câu chuyện là một hình ảnh buồn với câu "Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu." Ông muốn người nghe hiểu chuyện đó bằng cách dùng hình ảnh đó là TĐK chính, nhắc đi nhắc lại sáu lần trong cả sáu phiên khúc. Còn gì buồn hơn khi trời mưa? Nhất là khi cơn mưa đó không phải là cơn mưa xối xả, mà là cơn mưa giăng giăng, như cơn mưa phùn, cơn mưa có những hạt mưa nhỏ nối tiếp nhau thành những đường thẳng nghiêng tạo thành một màn lưới mờ che phủ không gian. 

Ông lại còn bồi thêm với những cụm mây tím rải rác trên bầu trời. Màu tím có gợi ra nỗi buồn không? Ý nghĩa màu thực ra thay đổi với thời gian, xã hội, và văn hóa. Đối với nhiều người, màu tím không phải là màu buồn, mà là màu hy vọng. Với các thế hệ già nua hồi tưởng lại ngày xưa còn bé, màu tím là màu ngây thơ của tuổi trẻ khi các em bé ở thập kỷ 1950 và 1960 dùng mực tím để viết trên trang giấy trắng. Ngoài ra, màu tím còn có ý nghĩa già dặn hoặc nghiêm trang. Với một số người khác, màu tím tượng trưng cho sự cao sang quyền quý. Có người coi màu tím nói lên sự huyền bí, kỳ diệu. Với đủ mọi ý nghĩa như vậy, tại sao Anh Việt Thu quyết định dùng màu tím là màu buồn. Ông rõ rệt dùng "mây tím dệt thành sầu," cho thấy đối với ông, màu tím tượng trưng cho buồn thảm. Thực ra, trong thập niên 1960, 1970 tại miền Nam, ngoài là màu mực tím và có ý nghĩa già dặn nghiêm trang, màu tím mang ý nghĩa buồn. 

Anh Việt Thu thích dùng những động từ ẩn dụ và so sánh. Ta nhận ra một số động từ đó: dệt (mây tím dệt thành sầu), dìu (dìu anh trong tiếng thở), đón (bàn tay đón gió), đan (bàn tay đan gối mộng), đu đưa (tiếng hát đu đưa), ấp ủ (từng đêm ấp ủ trong tim), đổ (lá đổ âm u). Bằng cách dùng động từ mạnh với chủ từ khác thường, ông làm hình ảnh thêm phần sống động; đôi khi nhân cách hóa chủ từ và khiến chủ từ trở nên linh hoạt, có tâm hồn và ý chí, ba chiều (three-dimensional). 

Dùng mây để "dệt" lên nỗi sầu là chuyện không lạ gì hiện nay, vì lối dùng đó đã khá thông dụng. Nhưng nên nhớ bài hát được viết vào khoảng năm 1974 hay trước đó khi mà lối dùng động từ dệt vẫn chưa được thông dụng cho lắm.

Tuy nhiên, không phải cứ dùng động từ mạnh với chủ từ khác thường là hay. Trước hết phải biết dùng đúng chủ từ. Anh Việt Thu lựa chọn chủ từ cho các động từ rất chính xác và tượng hình. Thí dụ, "bàn tay đan gối mộng" là tượng hình, vì bàn tay có năm ngón tay. Khi hai bàn tay chắp vào nhau và năm ngón tay xen kẽ nhau tạo thành mười ngón, đem lại hình ảnh những sợi dây đan vào nhau. Chủ từ của "đan" do đó chỉ nên là những gì có số nhiều và có hình dạng thuôn dài quấn vào nhau như những sợi dây. Ta có thể nói tóc đan, mưa đan; nhưng không thể nói mắt đan, lông mi đan (không quấn vào nhau), mũi đan, hoa đan, trăng đan. Tôi mong rằng sẽ không có văn sĩ, thi sĩ nào có óc tưởng tượng kỳ quặc và viết "những hàng cây đan nỗi chán chường" hoặc "bàn chân đan niềm tin." Ngoài ra, "đan" nên được dùng với chủ từ cụ thể, nhìn thấy được. Do đó, câu "Những làn gió đan nỗi cô đơn lạnh buốt" không hoàn toàn kỳ quặc nhưng không gợi ra hình ảnh vì ta không nhìn được gió.

Anh Việt Thu khai thác ẩn dụ rất tinh vi. Ông ví "bàn tay năm ngón" như "mưa sa." Có kỳ quặc không? Có thể hơi quá đáng, nhưng không kỳ quặc. Những ngón tay thon dài nhìn dưới cặp mắt hé mở của chàng trai đang đi vào giấc ngủ dưới cơn mưa giăng giăng có lẽ giống như mưa sa, nhất là khi những ngón tay đó rải trên người chàng tạo nên cảm giác lăn tăn của những hạt mưa rơi xuống. Anh Viết Thu ví giấc ngủ chàng như giấc ngủ một em bé trong nôi. Còn gì hồn nhiên bằng? Người đàn ông, cho dù có hùng mạnh cách mấy, khi ngủ cũng vẫn có những biểu hiện nguyên thủy của một em bé. Ông dùng đàn chim là ẩn dụ cho tự do và tình yêu đồng bào, như đã viết ở trên. Đàn chim bay trên trời biểu hiện tự do. Còn gì tự do hơn là tung cánh bay trong không gian bao la? Tiếng chim kêu gọi lẫn nhau ríu rít gợi lên tình yêu thương đồng loại. Yêu chuộng tự do và tình đồng bào là hai đặc tính của dân Việt Nam.

Anh Việt Thu khai thác triệt để các kỹ thuật viết tinh vi. Ông là bực thầy của cách dùng "Cho thấy, đừng kể" và "Chú trọng vào chi tiết rõ rệt." Bài hát nói về tình yêu và chết chóc, nhưng hoàn toàn không có một chữ "tình," "yêu," "chết." 

Ông tả mối tình hai người như thế nào? Một cách tài tình, ông dàn dựng cảnh nàng ru chàng ngủ và chàng nhớ nàng. Có nhiều hình ảnh gợi ra tình yêu: nắm tay nhau, đi bên nhau, ôm nhau, hôn hít nhau, nằm bên nhau, nhìn nhau, vuốt ve nhau. Để ý là những hình ảnh này có chữ "nhau" cho thấy có sự hỗ tương, qua lại công bằng. Anh Việt Thu chọn hình ảnh nàng ru chàng. Một hình ảnh trong trắng nhưng không kém phần lãng mạn. Một hành động một chiều (nàng ru chàng). Có công bằng không? Đương nhiên. Nàng ru chàng, và chàng ngủ. Nàng đóng vai trò chủ động và chàng thụ động. Một người cho và một người nhận.

Hình ảnh một chiều đó được vẽ ra nhiều lần. Anh Việt Thu cho thấy (không kể) những ngón tay rải trên chàng như những hạt mưa sa, hơi thở nàng bên tai; bàn tay nàng mát rượi phe phẩy những làn gió nhẹ từ khắp nơi, những ngón tay thon dài của nàng quấn vào nhau làm gối cho chàng; tiếng ru nàng êm ái ngọt ngào bên tai. Tất cả đưa chàng vào cõi mộng, và chàng ngủ một giấc ngủ hồn nhiên như em bé nằm trong nôi.

Nếu hình ảnh đó không biểu hiện một mối tình trong trắng và lãng mạn thì còn hình ảnh nào?

Còn chàng thì sao? Một lần nữa, mối tình được diễn tả một chiều. Chàng nhớ nàng. Nhớ thế nào? Từng đêm chàng ấp ủ hình ảnh nàng trong tim, từng đêm chàng khe khẽ gọi tên nàng, chàng nhớ thương nàng từng giờ. Chỉ với nhóm chữ "ấp ủ trong tim," và "khe khẽ gọi," Anh Việt Thu cho thấy nỗi nhớ nhung thầm kín về đêm, nâng niu quý trọng, từng giờ từng phút. 

Anh Việt Thu đạt mức tột đỉnh của kỹ thuật "Cho thấy, đừng kể" khi ông chỉ cho thấy một phần ("ấp ủ trong tim," và "khe khẽ gọi") và để người nghe điền vào chỗ trống ("hình ảnh nàng" và "tên nàng"). Nếu là thầy giáo, Anh Việt Thu là một vị giáo sư không trả lời câu hỏi của học trò đầy đủ, mà chỉ trả lời nửa chừng và bắt học trò phải suy nghĩ thêm để điền vào phần còn lại. Hơn thế nữa, Anh Việt Thu phối hợp "cho thấy" và "kể" một cách điêu luyện. Ta biết kỹ thuật "cho thấy" thường có hiệu quả hơn "kể" trong việc diễn tả một cảnh tượng, nhân vật, hoặc ngay cả một khái niệm trừu tượng, vì nó lôi cuốn khán giả tham gia vào cái tiến trình diễn tả đó. Nhưng không phải lúc nào "cho thấy" cũng hay. Ngược lại, không phải lúc nào "kể" cũng kém. Cái lợi của "kể" là cho một hình ảnh tóm tắt, tổng quát, và làm giảm bớt sự "căng thẳng" của khán giả nếu bị "cho thấy" quá nhiều. Ở đây, Anh Việt Thu "cho thấy" nỗi nhớ nhung, lòng trân trọng, nâng niu của chàng về nàng qua "ấp ủ trong tim" và "khe khẽ gọi" và sau đó "kể" nỗi nhớ đó qua "nhớ thương em từng giờ." Với cách phối hợp đó, Anh Việt Thu dung hòa "cho thấy" và "kể" để tạo cảm xúc nhẹ nhàng cho khán giả, giúp khán giả hình dung được tình cảnh mà không phải vận dụng trí óc quá nhiều.

Khi nói đến cái chết của nàng, Anh Việt Thu dùng ngôn từ nhẹ nhàng: "sóng thiêng em về Trời" và "núi thiêng em về nguồn." Tuy nhóm chữ "em về Trời" rõ rệt cho thấy nàng qua đời, nhóm chữ "em về nguồn" hơi khác lạ. Người ta thường nói "trở về với cát bụi" để chỉ cái chết, nhưng it ai nói trở về núi rừng. Tuy nhiên, vì núi biển dường như hàm ý câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, là tổ tiên của dân Việt, ta có thể hiểu trở về núi rừng là trở về với tổ tiên, một ám chỉ cho cái chết. 

Cách dùng chữ "thiêng" có chút lạ lùng. Du Tử Lê ca ngợi cách dùng tính từ "thiêng" trong phiên khúc cuối (Du 2012). Trong phiên khúc 7, "thiêng" được dùng một lần (Ôi sóng thiêng em về Trời); nhưng trong phiên khúc 8, "thiêng" được dùng ba lần, liên tiếp nhau trong ba câu (Rừng thiêng lá đổ âm u / Rừng thiêng vang tiếng gọi / Ôi núi thiêng em về nguồn). Thông thường, thi sĩ hay nhạc sĩ tránh dùng điệp ngữ quá gần nhau. Nếu cần, họ sẽ cố dùng những từ ngữ tương tự. Anh Việt Thu vẫn có thể dùng "rừng sâu/cao/cây" để đối với "trùng dương" nhưng ông cố tình lập lại "rừng thiêng" hai lần. Tôi tin là có lý do. Anh Việt Thu có những điệp ngữ tương tự rải rác khắp bài (bàn tay, giấc ngủ, trùng dương). Các điệp ngữ này có nhiều tác dụng: ru ngủ, nhịp điệu, và nhấn mạnh. Phiên khúc 8 là phiên khúc chót, là nơi mà tác giả muốn đưa câu chuyện lên tột đỉnh. Do đó, tôi nghĩ Anh Việt Thu muốn nhấn mạnh tính chất thiêng liêng của rừng núi. Ông dùng "sóng thiêng" trong phiên khúc 7, và ông muốn nhấn mạnh thêm lần nữa, nên dùng "thiêng" hai lần trong phiên khúc 8 kế tiếp.

Cách dùng chữ khéo léo, ẩn dụ, động từ gợi hình và kỹ thuật viết điêu luyện khiến cho bức tranh "Tám Điệp Khúc" thêm phần linh động.

Lời nhạc trong các bài hát ở miền Nam trước 1975 có cách diễn đạt chân thật và bình dị, không có tính chất giả tạo, lừa đảo như các tác phẩm coi là "ưu tú" trong chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.

Từ câu "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em," "Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi" cho đến "tóc liễu vờn gió ru buồn," Hoài Linh, Nhật Ngân, và Đinh Miên Vũ đã thể hiện tinh túy thi ca miền Nam trước 1975 ở mức độ cao nhất (Cao-Đắc 2014a; Cao-Đắc 2014b; Cao-Đắc 2014c). Với "Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu," Anh Việt Thu lần nữa xác nhận sự kiện này.

Những nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975 thành công là vì cách thức diễn đạt ý tưởng đánh mạnh vào cảm xúc khán giả. Cách dùng chữ bình dị, trong sáng. Lối diễn tả chân thật. Họ không dùng thủ thuật văn chương, không màu mè phức tạp, không bóng gió sáo rỗng, không dùng những khí cụ trá hình. Đó là cái tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam đứng mãi ngàn năm. Điều đó không có nghĩa là thi ca dùng các hình thức sáng tạo hoặc ngôn từ mới lạ, ẩn dụ không có giá trị. Ngược lại, những hình thức sáng tạo hoặc các ngôn từ mới lạ, ẩn dụ còn đưa giá trị thi ca lên một nấc nữa. Điều quan trọng là những hình thức sáng tạo hoặc mới lạ, ẩn dụ này phải thật sự, không giả tạo. Bài "Tám Điệp Khúc," nếu đọc như một bài thơ, có những nét sáng tạo độc đáo như trình bày ở trên. Ngoài những khía cạnh nội dung và hình thức đặc sắc, hầu hết thi ca ở miền Nam trước 1975 có chung một tính chất quan trọng, phản ảnh bản chất người Việt: chân thật và bình dị.

Đó là một lý do quan trọng tại sao nhạc miền Nam trước 1975 được ưa chuộng, không những trong giai đoạn chiến tranh, mà còn ngay cả bây giờ. Khán giả thích các bài hát vì những bài này phản ảnh đúng tâm tư con người Việt Nam, từ mối tình rụt rè trong "Về Đâu Mái Tóc Người Thương," lòng ưa chuộng hòa bình trong "Một Mai Giã Từ Vũ Khí," tình yêu mẹ trong "Sương Trắng Miền Quê Ngoại" cho đến tình yêu quê hương trong "Tám Điệp Khúc." Tâm tình người dân Việt được thổ lộ với ý tưởng đơn sơ và lời lẽ chân thành.

Văn thi sĩ không nên viết văn hoặc làm thơ có những lời lẽ hoặc ý tưởng kỳ quặc mà chỉ có tác giả mới hiểu được. Văn thi sĩ lại càng không nên cố tình làm ra vẻ kỳ quặc hoặc khó hiểu để được coi là độc đáo. Chuyện đó lại càng quan trọng với người Việt. Người Việt là ngưởi bình dị, đơn giản, và nhiều tình cảm. Điều đó không có nghĩa là người Việt không có ý tưởng sâu sắc, phức tạp hoặc "cao siêu." Nhưng cái sâu sắc, phức tạp, hay "cao siêu" không cần phải được hóa trang bởi những hình thức cầu kỳ, dị hợm. Thí dụ như câu "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" trong bài hát "Về đâu mái tóc người thương" là một câu rất sâu sắc và phức tạp. Nhưng hầu như ai cũng hiểu được và ai cũng có cảm xúc mạnh khi nghe câu đó.

Tôi có dịp đọc những bài thơ của các thi sĩ hiện đại tại Việt Nam, kể cả những bài đoạt các giải thơ hay (Xem, thí dụ như, Trần 2014a; Trần 2014b), và tôi rất đau lòng cho nền văn hóa Việt Nam vì cái khuynh hướng giả tạo và lừa đảo của những tác phẩm này. Văn hóa và lịch sử là căn bản của một dân tộc, vì chúng phản ảnh bản chất của dân tộc đó. Mất văn hóa là mất dân tộc. Một dân tộc có văn hóa lừa đảo hoặc lịch sử lừa đảo là một dân tộc lừa đảo. Cái đau lòng là dân tộc Việt Nam không lừa đảo, trái lại là khác, mà tại sao lại có văn hóa và lịch sử lừa đảo? Lẽ dĩ nhiên, cái văn hóa hoặc lịch sử hiện nay ở Việt Nam không đại diện cho dân tộc Việt Nam, mà chỉ đại diện cho Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và những thành phần mà họ cho là "ưu tú." Nhưng trên thực tế, dân Việt bị họa lây vì họ phải chịu đựng xiềng xích gông cùm tinh thần mà chính phủ đặt lên trí tuệ họ. Người dân Việt, nhất là tuổi trẻ, đang bị tra tấn một cách thầm lặng bởi cái văn hóa và lịch sử lừa đảo này (Cao-Đắc 2014d).

Một nền văn hóa lừa đảo làm cản trở sự tiến bộ của dân vì người dân sống dưới văn hóa đó, không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tư tưởng, ý chí, cuộc sống trong xã hội bị ảnh hưởng. Các giá trị cuộc sống bị ảnh hưởng. Con người dần mất đi tính chất nhân bản, chỉ biết chạy theo những phù phiếm, lừa đảo lẫn nhau, và tạo ra bất công trong xã hội. Sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo càng trở nên rộng lớn. Dân số nghèo càng ngày càng gia tăng, và cuộc sống khó khăn của dân nghèo sẽ không cho phép họ các phương tiện học hỏi và tiến thân. Tuổi trẻ ngày càng lụn bại vì các em bị lừa gạt bởi văn hóa giả tạo và lịch sử lừa đảo.

Một trong những nhiệm vụ của văn học nghệ thuật là giúp con người hiểu biết nhau hơn, để có thể sống hòa hợp, có tình người, và cư xử với nhau một cách nhân bản. Thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, người viết nhạc, làm phim ảnh, kịch nghệ có cái nhiệm vụ đó. Do đó, cái giá trị của một tác phẩm văn chương, thi ca, nghệ thuật là cách diễn đạt tâm tư, ý tưởng con người để tạo ra cảm thông và hiểu biết. Hầu hết thi ca ở miền Nam trước 1975 có được cái giá trị đó. Ngược lại, thi ca hiện nay dưới chế độ cộng sản không những không mang con người lại gần nhau mà lại còn đẩy họ ra xa nhau.

Kết Luận

"Tám Điệp Khúc" tập hợp những nét đặc sắc về văn chương trong nền âm nhạc miền Nam trước 1975. Anh Việt Thu nâng giá trị của sức sáng tạo qua cách trình bày bài hát dưới hình thức mới mẻ, không theo truyền thống, và có tính chất "nổi loạn" nhẹ nhàng. Cách cấu trúc sáng tạo và cách dùng chữ có tác dụng mạnh lôi cuốn khán giả vào câu chuyện tình buồn quyện lẫn với tình yêu quê hương cao cả. Khán gỉả bị mê hoặc trong bức tranh bài hát một cách êm ả nhưng hồi hộp, đắm chìm nhưng thích thú, mê man nhưng phấn khởi.

Bài hát tượng trưng cho tính chất văn chương trong âm nhạc miền Nam trước 1975 phản ảnh bản chất người Việt: chân thành và bình dị. Các cách diễn đạt ý tưởng đơn sơ nhưng có hiệu quả mãnh liệt. Ngược lại, nền văn hóa tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay có khuynh hướng giả tạo và mang tính chất lừa đảo. Qua những tác phẩm thi ca đoạt các giải thưởng cao quý tại Việt Nam hiện nay, ta thấy các tác giả dường như xa vời thực tế, chạy theo một trào lưu không màng đến khán giả. Các tác phẩm "ưu tú" này không thể hiện nỗi thống khổ và những tâm tư thầm kín của những người không được coi là "thành phần ưu tú" của xã hội.

Phạm Thanh Nghiên viết một bài về Trần Hoàng Giang, một người trẻ tranh đấu cho dân chủ tự do (Phạm 2014). Giang vừa mới ra tù sau gần 15 năm trong ngục tù cộng sản. Khi nói chuyện với Nghiên, một cô gái, Giang gọi Nghiên là "ông" vì không nhận ra giọng phái nữ. Sau khi biết Nghiên là phái nữ, Giang xin lỗi và nói, "Tại tôi ở tù lâu quá rồi, mười lăm năm chỉ toàn tiếp xúc với đàn ông nên giờ nghe giọng phụ nữ, tôi cũng không phát hiện được. Chị bỏ qua cho tôi nhé?" (sđd.).

Câu nói của Giang là một diễn đạt ý tưởng tuyệt vời, tạo xúc động mạnh cho người nghe. Ai nghe câu đó cũng phải ứa nước mắt. Câu nói đó cho người nghe hiểu ngay tức khắc cuộc sống tù tội trong ngục tù cộng sản như thế nào và nỗi thống khổ những người đấu tranh cho dân chủ tự do phải trải qua. Câu nói không màu mè sáo rỗng, không có những ngôn từ khó hiểu, không có ẩn dụ cao siêu. 

Câu nói đó là một bài thơ bất hủ.

CẢM TẠ

Tôi xin có lời cảm tạ các bạn viết phê bình trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước. Đặc biệt, bài này được viết với lời yêu cầu của bạn daubetangthuong.



___________________________________

Tài Liệu Tham Khảo:

Cao-Đắc, Tuấn. 2014a. "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em". 6-8-2014. danlambaovn.blogspot.com/2014/08/hon-lo-sa-vao-oi-mat-em.html (truy cập 13-8-2014).

Cao-Đắc, Tuấn. 2014b. "Một mai giã từ vũ khí". 22-8-2014. danlambaovn.blogspot.com/2014/08/mot-mai-gia-tu-vu-khi.html (truy cập 5-9-2014).

Cao-Đắc, Tuấn. 2014c "Sương trắng miền quê Ngoại". 8-9-2014. danlambaovn.blogspot.com/2014/09/suong-trang-mien-que-ngoai.html (truy cập 4-10-2014).

Cao-Đắc, Tuấn. 2014d. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. 2-10-2014. 

Du Tử Lê. 2012. Tài hoa và nhân cách nhạc sĩ Anh Việt Thu. 1-8-2012. 

Phạm Thanh Nghiên. 2014. Có một người tù như thế. 2-10-2014. danlambaovn.blogspot.com/2014/09/co-mot-nguoi-tu-nhu-the.html (truy cập 4-10-2014).

Quế Phượng. 2010. Nhạc sĩ Anh Việt Thu (1939-1975). 26-2-2010. cafevannghe.wordpress.com/2010/02/26/nh%E1%BA%A1c-si-anh-vi%E1%BB%87t-thu-1939-1975/ (truy cập 3-10-2014).

Trần Mạnh Hảo. 2014a.“Những lớp sóng ngôn từ” hay những lớp sóng giải thưởng đánh chìm thơ? 1-3-2014. 

Trần Mạnh Hảo. 2014b. Phê bình tiếp tập thơ dở nhất nước vừa được hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học 2013. 6-1-2014, đăng 1-7-2014. 

Wikipedia. 2014. Anh Việt Thu. sửa đổi lần cuối 7-7-2014. vi.wikipedia.org/wiki/Anh_Vi%E1%BB%87t_Thu (truy cập 4-10-2014).

© 2014 Cao-Đắc Tuấn

0 comments:

Powered By Blogger