Monday, October 6, 2014

Tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch

Tôi chỉ biết tới anh khi anh bị kết án 3 năm tù giam cùng vụ án với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, anh Nguyễn Kim Nhàn, anh Nguyễn Văn Túc, anh Nguyễn Mạnh Sơn và sinh viên Ngô Quỳnh. Tất cả 6 người bị truy tố theo tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Thế rồi ngày 13/9 vừa qua, tôi có niềm vui được gặp anh. Hôm ấy Thanh Hà đưa một khách lạ đến nhà tôi, giới thiệu đây là tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch. Đó là người đàn ông dáng gân guốc, rắn rỏi, da sạm - điều thường thấy ở những người từng chịu nhiều vất vả, sinh ra từ một vùng đất kho cằn, khí hậu khắc nghiệt. Việc anh đến thăm quả thật tôi không hề nghĩ tới vì lẽ ra tôi phải tìm đến với anh từ 3 năm về trước. 

Gặp anh, tôi mới nhớ ra Trần Đức Thạch vừa hết hạn quản chế. Chắc anh chỉ đợi đến thời điểm này là lập tức thực hiện một chuyến đi thăm anh em bạn bè. Anh hỏi, tôi bảo tôi sinh năm 1952, anh hồ hởi nói vậy là hai anh em chúng mình bằng tuổi nhau, cùng tuổi Nhâm Thìn. Chuyện thêm một lúc nữa thì tôi nhớ ra anh là tác giả của ký ức "Hố chôn người tập thể" mà tôi rất ấn tượng nhưng lại nghĩ tác giả là một cựu chiến binh Trần Đức Thạch nào đó chứ không phải là anh. 

Anh được trả tự do ngày 30/8/2011, cùng với anh Nguyễn Văn Tính trước khi anh hết án 14 ngày nhưng kèm theo cái án phụ 3 năm quản chế tại nơi anh thường trú là xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. 

Trong buổi nói chuyện, tôi dành nhiều thời gian hỏi về quá trình đấu tranh của anh, những năm tháng trong tù. Phong cách nói chuyện chân chất, mộc mạc mang đậm chất của một người đàn ông trải qua nhiều sóng gió và không may mắn trong cuộc sống. 

Trần Đức Thạch có thái độ phản tỉnh từ rất sớm. Ngay từ sau năm 1975, anh thường xuyên bị sách nhiễu. Áp lực từ nhà cầm quyền đối với anh ngày càng trở nên thô bạo tới mức anh phải tự thiêu và bị bỏng nặng. Còn tôi, khi ấy mới đang mải yêu. Anh từng bị bắt tới cả chục lần và bị đưa ra tòa 4 lần nhưng họ buộc phải thả vì thiếu chứng cứ. Cho đến lần bị bắt ngày 12/9/2008, anh bị kết án 3 năm tù. 

Anh kể cho tôi nghe về những ngày lao khổ trong tù. Anh bảo, họ không coi chúng tôi là con người nữa. Anh cho biết trong 3 năm ở tù thì đã tới 550 ngày bị nhốt trong buồng tối. Trong một lần trả lời phỏng vấn anh nói: “Tôi là nạn nhân của các thủ đoạn đàn áp, khủng bố, tra tấn của công an cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian bị đày đọa trong nhà tù nhỏ. Tội ác của họ thật là rùng rợn và ghê tởm’’. 

Chia tay tôi, hôm sau, 14/9, anh cùng 10 anh em ở Hà Nội ra Hải Phòng thăm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vừa mới ra tù. Sau đó, anh đi thăm một số anh em nữa. Lẽ ra tôi cùng đi Hải Phòng với anh hôm đó nhưng lại thôi vì tôi đợi đi với Hội Bầu bí tương thân. Cùng đi Hải Phòng với anh có Hạnh. Chẳng biết câu chuyện thế nào mà tình cờ anh biết được người gửi 10 triệu đồng cho anh khi anh mới ra tù là Hạnh. Lúc gửi, Hạnh chỉ ghi tên là Thúy và không viết gì thêm. Anh cảm động lắm, nói số tiền ấy đối với tôi thật ý nghĩa và thiết thực. Anh bảo, tôi ra tù không có gì, khi ấy lại là giáp Tết, may mà có tiền Hạnh giúp. Mấy năm qua, tôi cứ đi tìm ân nhân của mình mãi mà không được. Còn Hạnh thì nói, em đã giúp nhiều người nhưng trường hợp anh Thạch làm em vui nhất.

Người cầm bút Trần Đức Thạch

Người ta biết đến Trần Đức Thạch là người đấu tranh cho tự do, dân chủ còn thông qua các bài viết của anh. Anh nói, là một người cầm bút, mình không nói thì còn ai nói. 

Trước đây anh là Hội viên Hội văn nghệ tỉnh Nghệ An, sau vì những hoạt động phản kháng, anh bị khai trừ. Ngay từ những thập niên cuối của thế kỷ trước, anh đã công khai bộc lộ những tư tưởng tiến bộ. 

Trần Đức Thạch là tác giả của tiểu thuyết "Đôi bạn tù", tập thơ "Những điều chưa thấy" cùng nhiều bài viết khác. Hố chôn người ám ảnh và những bài viết khác được nhiều người tìm đọc như "Tôi đã thắp sáng niềm tin", "Tôi là phản động thật sao", "Chút tâm sự từ vòng quản chế’’... 

Đặc biệt, "Hố chôn người ám ảnh" đã tiết lộ một bí mật kinh hoàng về những người lính cộng sản được coi là đi “giải phóng” Miền Nam. Ký ức nói về trận đánh vào căn cứ phòng ngự Xuân Lộc của một người trực tiếp tham gia và phải là người yêu sự thật và can đảm lắm mới dám kể ra. Hẳn là nhiều cựu chiến binh còn nhớ câu chuyện này và những chuyện tương tự, nhưng nói ra có lẽ chỉ một Trần Đức Thạch. Anh cho tôi biết bài này viết vào năm 2008 – năm anh bị bắt rồi bị kết án tù: 

Ký ức kể về một lần tấn công vào ấp Tân Lập thuộc huyện Cao Su tỉnh Đồng Nai (bây giờ), bộ đội cộng sản đã tàn sát tập thể, giết hàng trăm thường dân: 

“Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy những người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả rạ. Máu trào lai láng, tiếng kêu khóc như ri”; 

"họ chồng đống lên nhau máu me đầm đìa, máu chảy thành suối. Một cụ già bị bắn nát bàn tay đang vật vã kêu lên đau đớn"; 

“tôi ngó vào cửa một gia đình, cả nhà đang ăn cơm, anh bộ đội cụ Hồ nào đó đã thả vào mâm một quả lựu đạn, cả nhà chết rã rượi trong cảnh cơm lộn máu”. 

Bài viết cũng nói về tinh thần chiến đấu dũng cảm của đối phương: 

“Phải công nhận là sư đoàn 18 của phía đối phương họ đánh trả rất ngoan cường. Tôi tận mắt chứng kiến hai người lính sư đoàn 18 đã trả lời gọi đầu hàng của chúng tôi bằng những loạt súng AR15. Sau đó họ ôm nhau tự sát bằng một quả lựu đạn đặt kẹp giữa hai người. Một tiếng nổ nhoáng lửa, xác họ tung toé giữa vườn cam sau ấp Bàu Cá.” 

Trần Đức Thạch có cái nhìn rất sâu sắc, nhân bản: "Vị tướng nào có những người lính như thế, dù bại trận cũng có quyền tự hào về họ. Họ đã thể hiện khí phách của người trai nơi chiến trận. Giả thiết nếu phía bên kia chiến thắng chắc chắn họ sẽ được truy tôn là những người anh hùng lưu danh muôn thủa. Nhưng vận nước đã đi theo một hướng khác". 

Tôi có đưa ra nhận xét về “Hố chôn người ám ảnh” và tỏ lòng khâm phục anh, anh cười: “Cũng vì thế mà chúng nó “tặng” mình 3 năm tù” 

Thơ anh mộc mạc, rất thật và đầy tính chiến đấu như con người anh. Anh không cố đi tìm lối diễn đạt mới, từ ngữ lạ nhưng đem đến cho người đọc một cảm xúc rất mạnh. 

Là một cựu chiến binh cộng sản nhưng anh sớm có nhãn quan tiến bộ về những người lính ở bên kia chiến tuyến, đặc biệt là những người lính Hoàng Sa đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. 

Đọc thơ anh, tôi có cảm giác như có một cái gì chạy rần rật trong huyết mạch: 

Dòng Sông Tưởng Nhớ

Quý tặng các bạn trẻ tổ chức đêm hoa đăng trên sông Hồng. 

Ba chín năm Tổ quốc mất Hoàng Sa 
Bảy mươi tư chàng trai không về nữa 
Sông Hồng đầy vơi khôn nguôi sóng vỗ 
Cuồn cuộn một dòng hướng biển Đông... 
Những người con bảo vệ non sông 
Bị cố tình quên trong âm mưu lừa dối 
Người yêu nước bị quy là có tội 
Dân tộc này nông nỗi đến oái oăm... 
Vẫn còn đây văn hiến bốn ngàn năm 
Sông Hồng sáng hoa đăng đêm tưởng nhớ 
Các bạn trẻ vượt lên nỗi sợ 
Bày tỏ lòng tôn kính tới cha anh... 
Dâng các anh những ngọn nến lung linh 
Dâng các anh đóa hoa sen thơm ngát 
Đêm hoa đăng sông Hồng dào dạt 
Niềm thương nỗi nhớ Hoàng Sa... 
Vâng! cho tôi được góp câu thơ 
Làm giọt nước trong dòng sông tưởng nhớ 
Hoàng Sa Việt Nam ngàn đời muôn thuở! 
Chân lý chủ quyền là xương máu các anh. 

(Những ngày tưởng nhớ bảy mươi tư vị “Vị Quốc Vong Thân”) 

Biết là con đường đấu tranh đầy nguy hiểm gian lao nhưng anh hoàn toàn xác định khi dấn thân cho một tương lai tươi sáng của Đất nước, của Dân tộc, sẵn sàng chấp nhận tất cả: 

Điều chưa biết 

Là con tàu, bánh sắt nghiến đường ray 
Chấp nhận không chạy đường nào khác 
Là cá, chấp nhận làm mồi cho loài cá lớn hơn 
Là cỏ bị đè dưới đổ nát bê tông 
Chấp nhận leo queo trắng thân bễu đot 
Chim bị nhốt lồng đói no cũng hót 
Chấp nhận quên dần trời xanh bao la 
Vang một bài ca ! 
Chấp nhận đi vào đoạn kết 
Còn tôi ư ? Tôi ư ? 
Chấp nhận được những gì 
Chưa biết ..... 

(Điều chưa biết này chính là ý của Đấng tối cao ) 

Anh luôn tin tưởng vào con đường anh đã chọn. Anh chắc chắn con đường anh đi là chính nghĩa, hoàn toàn phù hợp với khát vọng của dân tộc. Đó là xu thế không thể đảo ngược. Và khi đã tin vào lý tưởng của mình thì anh sẵn sàng hiến dâng tất cả: 

Đời hạnh phúc: không mồ côi lý tưởng 
Bị đọa đày ngục tối cũng chả sao 
Là tín đồ của mục đích lớn lao 
Tâm can nguyện làm xăng dâng lửa sáng! 

Thơ anh đanh thép, giàu tính chiến đấu nhưng cũng rất lạc quan về tương lại đất nước: 

Khai Bút Đón Xuân

Câu thơ mang tinh thần tranh đấu
Đón xuân về khí thế mới thêm hăng 
Lửa khát vọng Tự Do nung nấu 
Cho ngày mai Dân Chủ Công Bằng. 
Xin chào cháu! Phương Uyên nơi ngục thất 
Vẫn xinh tươi như đóa mai vàng 
Xin chào anh! Lê Quốc Quân bất khuất 
Thắm sắc đào trong giá lạnh hiên ngang. 
Chào năm mới! Chào những người yêu nước 
Chào non sông chào dân tộc Tiên Rồng! 
Bừng hào khí Đông A thuở trước 
Khắp năm châu người Việt một lòng. 
Đất nước đang “Ngàn cân treo sợi tóc” 
Cả thù trong cấu kết với giặc ngoài 
Hãy chặn đứng những âm mưu thâm độc 
Trách nhiệm này không phải của riêng ai... 
Nào! Rầm rập đi vào mùa xuân mới 
Già trẻ gái trai hừng hực xuống đường 
Niềm vinh dự phía tương lai đang đợi 
Những trái tim nhiệt huyết với quê hương. 

Do đóng góp của mình, năm 2011, Trần Đức Thạch vinh dự được giải thưởng Hellman/Hammett, cùng với 5 người khác là Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Trội, nhà giáo Vũ Văn Hùng, Trần Khải Thanh Thủy. 

Bệnh nhân Trần Đức Thạch

Sau chuyến ra Hà Nội giữa tháng 9, anh về Nghệ An rồi chẳng hiểu sao anh lại ra Hà Nội nữa. Cho đến hôm 30/9, tôi nhận được tin anh phải vào cấp cứu ở bệnh viện Bạch mai. Tôi tủ bạn lập tức đến. Khó khăn lắm anh mới nhận ra tôi. Anh không nói được gì chỉ nắm tay tôi rất chặt. 

Anh đau ngực dữ dội, sốt tới 40 độ 5, người hầm hập. Mấy hôm sau đỡ đau nhưng lại khó thở và vẫn sốt cao. 

Sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh bị suy hô hấp mạn tính. Tìm hiểu trên mạng thấy nhà chuyên môn cho biết như sau: 

“Suy hô hấp là biểu hiện thường gặp ở những người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thường có hai loại: suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính 

Suy hô hấp là tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ oxy để duy trì sự sống của các cơ quan và các tổ chức mô cấu trúc nên cơ thể. Trong trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, không khí đi vào lòng các phế nang giảm, thành các phế nang bị tổn thương, bên cạnh đó lại do tổn thương các mạch máu ở phổi, do vậy, lượng oxy được hấp thu vào máu giảm. Trên lâm sàng, người bệnh thiếu oxy có cảm giác khó thở, buộc họ phải thở nhanh để đưa không khí vào phổi nhiều hơn, do vậy tăng cung cấp oxy, trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể có cảm giác hốt hoảng, lo sợ, tím môi, nói ngắt quãng… khi đo nồng độ oxy trong máu thấy độ bão hòa oxy trong máu động mạch xuống thấp dưới 90%. 

Suy hô hấp được chia thành suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính. Suy hô hấp cấp tính thường chỉ xảy ra khi người bệnh có đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, còn suy hô hấp mạn tính là giai đoạn diễn biến cuối cùng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi đó ban đầu người bệnh có khó thở khi gắng sức, về sau, ở giai đoạn cuối, người bệnh có khó thở ngay cả khi ngồi nghỉ tại giường, ở giai đoạn này, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, họ thường được chỉ định thở oxy 15 – 18 tiếng/ ngày.” 

“Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn, bệnh liên tục tiến triển nặng dần, các bệnh nhân khi có chẩn đoán thường cần dùng thuốc kéo dài…là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỉ lệ tử vong cao.” 

Phục vụ anh ở bệnh viện có hai thanh niên trẻ từ Nghệ An ra. Ngày hôm qua, vợ anh (đã kết hôn nhưng chưa cưới) và con gái chị cũng đã ra phục vụ anh. Theo bác sĩ, bệnh tình của anh như thế, cần phải có người nhà để giải quyết những việc hệ trọng. 

Anh em ở Hà Nội biết tin hàng ngày vào chia sẻ, động viên anh. Tối hôm qua vợ chồng tôi vào thăm, có một bệnh nhân cùng phòng vui vẻ nói: “Bác này không biết là ai mà vào thăm toàn là những người “tầm cỡ”. Tôi chỉ cười và chẳng hiểu anh em chúng tôi trông như thế nào mà chú ấy gọi là những người “tầm cỡ”. 

Gặp vợ anh Thạch, chị hỏi ngay: “Anh Thụy phải không?” “Sao chị biết? “Em vẫn thấy anh trên mạng”. “Nick của chị là gì?” “Không, em đọc ké thôi”. “Ké máy của anh Thạch phải không?” Chị cười. 

Được biết, hiện nay anh không có chế độ bảo hiểm gì. Mặc dù hết tuổi lao động anh vẫn phải làm để cùng vợ nuôi hai cháu, một cháu học lớp 7 và một cháu học đại học. Thảo nào dù là người cầm bút nhưng trông anh khắc khổ như thế. Tiền thuốc và chi phí khác hiện nay mỗi ngày hết 1,5 triệu. Nếu anh phải nằm viện dài dài thì lo liệu sao đây. 

Không phải đây là lần đầu tiên anh nhập viện. Sau khi ra tù, anh luôn đau yếu, bệnh tật chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Trước đây, anh cũng đã ra Hà Nội điều trị và được anh em Hà Nội hết lòng lo liệu. 

*** 

Tôi đã viết lời “Xin giúp đỡ Tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch” trên mạng xã hội facebook và được nhiều người hưởng ứng. Vì vậy, bài viết này chỉ nhằm phác họa đôi nét so với những hoạt động phong phú, sôi nổi của anh. Một tù nhân lương tâm như Trần Đức Thạch, không hiểu vì sao rất ít người biết đến. Ngay cả tôi, trước đây biết về anh cũng rất sơ sài. Phải chăng, tù nhân chính trị ở nước mình nhiều quá? Tôi có trong tay danh sách hơn 200 tù nhân lương tâm nhưng hàng ngày tôi vẫn bổ sung những tên tuổi còn thiếu, trong đó có Trần Đức Thạch. 

Vì không có nhiều thời gian, những gì nói về Trần Đức Thạch trong bài viết này còn rất sơ sài. Nhưng trong khi anh đang bị bệnh, tôi phác vội vài nét với mong muốn như là một liều thuốc tinh thần góp phần làm nguôi ngoai phần nào nỗi đau đớn về thể chất, khổ hạnh về tinh thần mà anh đã và đang phải đối mặt. 

Cầu mong anh vượt qua được căn bệnh nguy hiểm này. Tuổi tuy có cao nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, tấm lòng đau đáu với non sông đất nước, với dân tộc, chắc hẳn anh còn làm được nhiều việc có ích cho đời. 

HÀ NỘI 6/10/2014 

NGUYỄN TƯỜNG THỤY 

Nguồn: rfavietnam

0 comments:

Powered By Blogger