Tuesday, October 14, 2014

Mạng người và miệng lưỡi quan chức cộng sản


Thay vì điều tra để trả lại công lý cho người dân, thì chính quyền lại để cho công an quay ngược lại để hăm dọa, truy bức người khiếu kiện. Một nạn nhân mới của chính quyền là ông Hoàng Văn Sung, em họ của nạn nhân Hoàng Văn Ngài.
Một bản tin ngắn trên tờ Tuổi Trẻ Online ra ngày 7/10/2014 cho biết, Cơ quan công an tỉnh Đắk Nông đã cho bắt ông Thiếu tá Lê Mạnh Nam - Phó trưởng công an thị xã Gia Nghĩa vào ngày 3/10 để điều tra. Ông này bị bắt để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói, chính ông này là người đã ký giấy triệu tập ông H. V. N (40 tuổi ở Gia Nghĩa, Đắk Nông) để rồi ông này sau đó tử vong ngay tại cơ quan công an.
Tên nạn nhân được viết tắt đầy chủ ý nhưng là vì đây là một vụ giết người gây phẫn nộ dư luận trước đó nên chúng tôi đã nhanh chóng tìm ra tên thật nạn nhân và biết được sự tàn bạo trong cách làm việc của công an. Theo đó, ông H. V. N mà báo Tuổi Trẻ viết tắt chính là ông Hoàng Văn Ngài, và cái chết của ông Ngài không chỉ đơn thuần chỉ là việc công an dùng nhục hình để bức cung.
Nạn nhân bị bắt và chết do “tự chọc tay vào ổ điện”
Ông Hoàng Văn Ngài sinh năm 1974, người dân tộc H’Mong sinh sống ở tỉnh Đắc Nông. Ông Ngài là Trưởng lão của đạo Tin Lành, một tôn giáo luôn gặp nhiều cấm đoán trong việc truyền đạo ở người sắc tộc trên Tây Nguyên. Trước đây, đã có rất nhiều mục sư Tin Lành đã bị bách hại bởi chính quyền.
Câu chuyện xảy ra vào ngày 14/3/2013 khi Kiểm Lâm phát hiện vợ ông Hoàng Văn Ngài là bà Sông đang phát rẫy trên thửa rừng thuộc quyền quản lý của công ty Lâm nghiệp Quảng Tín. Kiểm Lâm đã nhanh chóng bắt bà Sông cùng thêm một người nữa giao cho công an. Ngay sau đó, công an thị xã Gia Nghĩa đã nhanh chóng gửi giấy triệu tập cho ông Hoàng Văn Ngài (chồng bà Sông); Hoàng Văn Pá em ruột Hoàng Văn Ngài và Sùng A Tú là cậu ruột Ngài.
Ông Lê Mạnh Nam - Phó trưởng công an thị xã Gia Nghĩa, lúc này vẫn còn là đại úy. Sau khi giết chết ông Hoàng Văn Ngài, ông đã được thăng lên làm Thiếu tá. Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo lời kể của ông Hoàng Văn Pá - em ruột của ông Ngài trên đài RFA, vào chiều ngày 17/3, khi đang điều tra ở phòng giam ông Ngài, ông “nghe rất nhiều tiếng la, va đập vào tường”. Sau đó ông xin công an để đi ngoài, và đã tìm cách nhìn vào phòng giam nơi đang giam giữ ông Ngài. Ông thấy ông “anh Ngài đưa 2 tay lên như cầu cứu”. Ông đã xin đứng lại để xem nhưng công an không cho phép.
Đến cuối giờ chiều, sau khi đi đá banh về, một viên công an đã loan báo là ông Ngài đã chết trong trại giam. Lập tức liền sau đó công an gọi điện thoại cho taxi để đưa xác ông Ngài đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ xác định ông Ngài đã tử vong.
Kết luận điều tra số 370 của công an tỉnh Đắk Nông vào ngày 12/6/2013 cho biết ông Ngài chết là do “tự chốt cửa bên trong, làm vỡ ổ phích cắm điện, cho tay vào dẫn đến bị điện giật chết”. Cũng theo kết luận này, ông Ngài bị chết sau khi hết hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Thi thể của ông Hoàng Văn Ngài, theo ông chủ tịch tỉnh Lê Diễn là do “tự chọc tay vào ổ phích điện”. Ảnh: Mạch Sống
Miệng lưỡi nhà quan
Trước những lý do rất ư là ngây ngô, vô lý và bất nhân nhưng quan chức cộng sản vẫn tuyệt đối bảo vệ cho đồng chí của mình.
Vào tối ngày 24/3/2013, BBC Việt Ngữ đã có phỏng vấn ông Lê Diễn - chủ tịch tỉnh Đắk Nông về cái chết của ông Hoàng Văn Ngài. Ông Chủ tịch tỉnh đã nói:
“Cái ông này ông ấy đi phá rừng, anh em mới có mời lên thôi”.
“Rồi ông ấy tự đút tay vào trong điện, rồi ông ấy giật điện, ông ấy tự tử chứ đâu có gì đâu”.
Câu “chứ có gì đâu” với ông Chủ tịch tỉnh thật nhẹ nhàng, hết sức bình thường, ông không hề nghĩ rằng phía sau cái “chứ có gì đâu” ấy là cả một mạng người, một trụ cột gia đình. Qua cách trả lời của ông Lê Diễn cho thấy mạng sống của người dân đối với ông ấy như cỏ rác.
Thêm nữa, khi những nghi vấn về sự mập mờ trong cái chết của ông Ngài, ông Lê Diễn vẫn khẳng định là “tụi tôi bao giờ cũng làm theo đúng pháp luật”. Và nếu có thắc mắc thì phải xem xét theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Luật pháp Việt Nam là một mớ luật nhập nhằng, chồng chất. Trong những vụ tranh chấp giữa người dân với quan chức, chính quyền thì phần thiệt hại dường như thuộc về người dân.
Tang thương chồng chất
Sau cái chết của ông Hoàng Văn Ngài, gia đình, thân nhân của ông đã gửi đơn kiện đi khắp nơi, đến nhiều tổ chức để hy vọng tìm được công lý cho ông. Thay vì điều tra để trả lại công lý cho người dân, thì chính quyền lại để cho công an quay ngược lại để hăm dọa, truy bức người khiếu kiện. Một nạn nhân mới của chính quyền là ông Hoàng Văn Sung, em họ của nạn nhân Hoàng Văn Ngài.
Vào ngày 3/4/2014, công an đã cho bắt ông Hoàng Văn Sung vì ông này đã dám cùng nhiều người ký đơn tố cáo những bất minh trong cái chết của anh ông là Hoàng Văn Ngài. Những đơn cáo của ông đã gửi đến công an tỉnh Cao Bằng. Sau 10 ngày giam giữ, ông Sung đã chết trong trại giam. Độc ác hơn, sau khi ông Sung chết, công an Cao Bằng đã trao cho gia đình ông “một quan tài nắp đã đóng đinh; xác của ông Sung nằm trong đó”.
Anh Hoàng Văn Sung-em họ của ông Hoàng Văn Ngài cũng bị chết trong đồn công an vì đã cùng nhiều người ký đơn để tố cáo hành vi giết người của công an. Sau khi bị bắt, thi thể anh được công an trao lại trong cổ quan tài. Ảnh: Mạch Sống
Theo tổ chức PBSOS của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết, sau khi giao quan tài ông Sung cho gia đình, công an đã “ra lệnh vợ con không được mở nắp quan tài và đứng canh cho đến khi chôn cất xong”. Cũng nhờ vào tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, trường hợp của ông Hoàng Văn Ngài, Hoàng Văn Sung đã được Dân biểu Christopher Smith nêu ra tại biểu điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Có lẽ chính là nhờ những áp lực quốc tế, và nhất là sau khi Việt Nam đã ký công ước chống tra tấn nên vụ việc của ông Ngài mới được Bộ Công an cho điều tra lại. Theo xác nhận của ông Ngô Đình Sáu - Phó giám đốc công an tỉnh Đắk Nông thì lý do mà ông Lê Mạnh Nam bị bắt là do lệnh từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, công an Đắk Nông chỉ là “đơn vị chấp hành, phối hợp thực hiện”.
Trong một chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam, một khi công an đã bị đình chỉ công tác, loại khỏi đảng thì người đó chắc chắn phải phạm trọng tội. Còn nếu không, chính quyền sẽ tuyệt đối bảo vệ để nhằm hạn chế chuyện mất uy tín của tổ chức. Chẳng biết khi ông Lê Mạnh Nam bị bắt bỏ tù để điều tra thì ông Chủ tịch tỉnh Lê Diễn sẽ nghĩ gì về những lời mà mình đã nói trước đây!?
Ông Lê Mạnh Nam sau khi bị điều tra có thể sẽ phải ngồi tù một vài năm, nhưng ông Hoàng Văn Ngài sẽ không bao giờ được trở về nhà với vợ và những đứa con của mình. Trường hợp của ông Ngài, ông Sung không phải hy hữu ở Việt Nam, mà nó nhan nhãn khắp nơi. Trong một đất nước mà luật pháp được vận hành tùy thuộc vào cảm tính, quan chức sẵn sàng bao che cho nhau thì mạng người vẫn chỉ là hạng cỏ rác.
Người Quan Sát

0 comments:

Powered By Blogger