Phong
trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn tuần hành với dải vải đen dài 500 m tượng
trưng cho sự bội tín của Trung Quốc, tại khu trung tâm tài chính quốc tế
ở Hồng Kông, 14/09/2014.REUTERS/Tyrone Siu
Trọng Nghĩa
Các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đã làm dấy lên những mối
lo ngại nguy cơ đặc khu kinh tế này bị Bắc Kinh trừng phạt. Tuy nhiên,
theo giới quan sát được hãng tin Pháp AFP ngày 08/10/2014 trích dẫn,
Hồng Kông hiện vẫn còn quá quý giá để bị Trung Quốc « xếp xó », ngay cả
khi vùng lãnh thổ này phải đối mặt sự cạnh tranh ngày càng mạnh của
Thượng Hải.
Sự kiện hàng chục ngàn người Hồng Kông trong những ngày qua đã mạnh dạn
xuống đường tại vùng lãnh thổ trên nguyên tắc đã thuộc chủ quyền Trung
Quốc để đòi quyền được tự do chọn lựa lãnh đạo của mình vào năm 2017, đã
làm gây nên một số phản ứng lo ngại. Nhiều người sợ rằng Bắc Kinh – vốn
không chấp nhận bất kỳ thách thức nào đối với quyền lực độc tôn của
mình – có thể tìm cách trừng phạt đặc khu kinh tế này.
Đối với cựu thuộc địa của Anh Quốc, nguy cơ lớn nhất có thể là việc
giới lãnh đạo tẩy chay Hồng Kông để dồn sức phát triển trung tâm tài
chính mới nổi của Trung Quốc là Thượng Hải. Tại thành phố này, Bắc Kinh
đã thành lập một vùng tự do mậu dịch được quảng bá rầm rộ cách nay một
năm.
Hồng Kông : Đối tác không còn đáng tin cậy của Trung Quốc ?
Tiêu biểu cho nhận định bi quan này là ông Lận Thường Niệm (Francis
Lun), một chuyên gia phân tích tài chính đồng thời là Giám đốc công ty
chứng khoán Geo Securities tại Hong Kong. Theo ông : « Do việc Hồng
Kông hiện đứng lên chống lại Trung Quốc, đặc khu này đã bị xếp vào diện
đối tác không đáng tin cậy… Điều đó sẽ đẩy mạnh xu thế là một ngày nào
đó, Thượng Hải sẽ thay thế Hồng Kông trong tư cách là thủ phủ tài chánh
của Trung Quốc ».
Chuyên gia này cảnh báo : « Nếu thủy triều rút đi, nó sẽ không quay trở lại… Và điều đó sẽ có thể xảy ra, và rất nhanh. »
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan. Nhiều chuyên gia khác cho rằng trước mắt, Bắc Kinh chưa thể gạt Hồng Kông qua một bên.
Về mặt chính trị, Trung Quốc không thể tự nhận là đã thất bại trong
chính sách « Một đất nước, hai chế độ ». Cho đến lúc này, Bắc Kinh, vẫn
tiếp tục nhấn mạnh rằng Hồng Kông là một bộ phận của Trung Quốc.
Về mặt kinh tế, Hồng Kông vẫn là một cầu nối kinh tế quan trọng, và là một mô hình mà Trung Quốc chưa tận dụng được hết.
Vai trò cầu nối và khuôn mẫu
Theo ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại hãng Capital Economics : «
Trung Quốc hiển nhiên không hài lòng về những gì đang xảy ra trong các
cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nhưng họ vẫn đang nhào nặn rất nhiều biện
pháp cải tổ (tài chính) tại Hoa lục theo mô hình Hồng Kông… Vì thế, tôi
không nghĩ rằng Bắc Kinh muốn Hồng Kông thụt lùi. Trả đũa là một điều
ngớ ngẩn ».
Đối với giới quan sát, Trung Quốc vẫn cần đến Hồng Kông như là nhịp
cầu giúp Hoa lục mở cửa ra cộng đồng tài chánh thế giới. Lý do rất đơn
giản : Hệ thống luật lệ minh bạch và công bằng của Hồng Kông được giới
đầu tư tin tưởng, nên họ sẵn sàng lấy đặc khu này làm bàn đạp tiến vào
Trung Quốc.
Chỉ cần so sánh thứ hạng của Hồng Kông và Trung Quốc trên bảng Chỉ số
Tự do Kinh tế do Hiệp hội Heritage Foundation và nhật báo Mỹ Wall
Street Journal công bố hàng năm, là thấy rõ điều đó : Năm nay là năm thứ
20 liên tiếp mà Hồng Kông được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất thế
giới. Trong lúc đó thì Trung Quốc bị đẩy xuống hạng 137 !
Hồng Kông, theo chính Bộ Thương mại Trung Quốc, cũng là một điểm đến
quan trọng cho giới đầu tư tại Hoa lục, với gần 60% đầu tư Trung Quốc
tính đến cuối năm 2012, hoặc đổ vào Hồng Kông, hoặc chuyển ra nước ngoài
theo cửa ngõ đó.
Thượng Hải chưa thể bắt kịp Hồng Kông
Bắc Kinh hiện đang từ từ mở cửa thị trường vốn của Hoa lục thông qua
Thượng Hải, thế nhưng thị trường này chưa hấp dẫn như Hồng Kông do việc
chính quyền Trung Quốc vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát trên các đòn bẩy
kinh tế trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn than phiền về
tiến độ cải cách chậm chạp tại vùng Tự do Mậu dịch Thượng Hải, bất chấp
các cam kết của Bắc Kinh.
Ông Dương Vũ Đình (Raymond Yeung), chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng ANZ nhận định : « Rõ ràng là Trung Quốc rất muốn phát triển Thượng Hải…nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã bỏ rơi Hồng Kông. »
Theo chuyên gia này, chiến dịch đòi dân chủ Chiếm lĩnh Trung Hoàn
(Occupy Central) đã được loan báo từ năm ngoái, nhưng chính quyền Trung
Quốc vẫn thúc đẩy kế hoạch liên kết hai thị trường chứng khoán Hồng Kông
và Thượng Hải. Đối với ông Dương Vũ Đình : « Thật là thô thiển khi cho rằng ‘Anh bướng bỉnh thì tôi sẽ bỏ bê anh’ ».
Tóm lại, giới quan sát hầu như đều nhất trí cho rằng trong ngắn hạn,
Hồng Kông không cần phải lo lắng. Thế nhưng vấn đề sẽ khác đi trong một
tương lai xa hơn, khi mà vào năm 2047, thời hạn vùng lãnh thổ này được
hưởng quy chế đặc biệt sẽ kết thúc.
0 comments:
Post a Comment