Thursday, October 23, 2014

Giữ nguyên hiện trạng hay mưu đồ tạo phản, phản quốc, bán nước?

Giống như Công hàm 1958, hay như Hội Nghị Thành Đô 1990, kẻ bán nước không chỉ là Phạm Văn Đồng hay Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu hoặc Đỗ Mười, ở đây kẻ bán nước cũng không phải chỉ mỗi mình Phùng Quang Thanh hay bè lũ Mười ba... Thủ phạm chính là tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam trải qua mọi thời kỳ họ thống trị đất nước ta!...

*

Như tin báo chí trong nước đăng tải, từ ngày 16-18/10 Phùng Quang Thanh (PQT), Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng CSVN đã dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao gồm 13 tướng lãnh sang thăm chính thức Trung Quốc (TQ).

Mười ba ông tướng gồm 1 đại, 6 trung, 5 thiếu, cộng 1 chuẩn đô đốc hùng dũng vượt biên sang đất Tàu! Toàn là những tướng bậm trợn hàng tột đỉnh của bộ đội ông Hồ, từ Bộ Quốc Phòng, tới bộ Tổng Tham Mưu, các quân binh chủng, quân đoàn, Hải-Lục-Không Quân. Cục Chính Trị cũng có đại diện!

Một cuộc đổ bộ “thị uy” hiếm hoi từ Việt Nam tiến vào đất nước hùng mạnh nhất hoàn cầu! Đâu phải chuyện chơi. Đây này:

Bộ quốc phòng: 
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng/Phó Quân Ủy TƯ (dẫn đầu) 
Trung tướng Vũ Văn Hiển - Chánh Văn phòng; 
Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đối ngoại; 
Thiếu tướng Ngô Quang Liên - Trợ lý Bộ trưởng. 

Bộ tổng tham mưu: 
Trung tướng Bế Xuân Trường - Phó tổng Tham mưu trưởng 

Quân binh chủng: 
Quân khu 1: Thiếu tướng Phan Văn Tường - Phó tư lệnh 
Quân khu 2: Trung tướng Dương Đức Hòa - Tư lệnh 
Quân khu 3: Trung tướng Phạm Hồng Hương - Tư lệnh 
Quân chủng Phòng không-Không quân: Trung tướng Phương Minh Hòa - Tư lệnh 
Hải quân: Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam – Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. 
Bộ đội Biên phòng: Trung tướng Võ Trọng Việt - Tư lệnh 
Binh chủng Thông tin liên lạc: Thiếu tướng Vũ Anh Văn - Tư lệnh 

Tổng cục Chính trị: 
Trung tướng Lương Cường - Phó chủ nhiệm 

Rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị.

Mười ba ông tướng quân chương quân hàm đỏ ngực rực vai! Tàu khựa hẳn phải khiếp đảm! Quang Thanh đại tướng trong bộ đại cán uy nghi nhịp bước quân hành duyệt binh bộ đội Mao dàn chào, rất ư là quân cách! Cho nên chẳng lạ gì khi nghe tướng họ Phùng nhả ngọc phun châu tung hô “phía bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị” (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng PQT khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 20-10-2014).

Rất nhiệt tình? Chưa đủ. Trọng thị nữa chứ! “Phía bạn ta” nghĩa cử cao đẹp thế! Lại trong cái rất nhiệt tình và trọng thị ấy, “phía bạn ta” lại “chu đáo” ra phết!

“Rất nhiệt tình, trọng thị” đã đủ bao hàm ý nghĩa “chu đáo” rồi! Thế tại sao tướng quân họ Phùng phải nhấn thêm “chu đáo”“rất hữu nghị” từ “phía bạn ta”?

Phương tiện đi lại, nơi ăn, chốn ở dĩ nhiên là tươm tất, bởi Việt Nam ta có câu “khách tới nhà không gà thịt vịt.” Huống hồ là “khách quý”, khách cấp cao từ nước xã hội chủ nghĩa anh em môi liền môi và đang là đại diện “quân đội, đảng, nhà nước và nhân dân” ta.

Hơn nữa, “mục đích của chuyến đi là hai bên bàn bạc với nhau để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước” như PQT xác nhận trong cuộc phỏng vấn, thì tầm quan trọng của sự tiếp đón càng lớn, càng nồng hậu mới phải chứ! “Chu đáo” là phải thôi!

Nhưng “chu đáo” nó đã ẩn trong phạm trù “rất nhiệt tình, trọng thị” rồi, nhấn mạnh nó là nhằm ý gì? Phải chăng có ý gợi lên điều gì đó khác hơn mâm cao, cỗ đầy, rượu ngon, thịt béo, gái thơm? Điều gì đó, người dân Việt Nam mình có lẽ chờ một ngày đẹp trời, may ra có ngày “phía bạn ta” sẽ vén màn bật mí, y như họ đã làm đối với Công hàm 1958 (gọi là Công hàm Phạm Văn Đồng) rồi với nội dung Hội nghị Thành Đô 1990

Còn sự tiếp đãi mà PQT mô tả là “rất hữu nghị” từ “phía bạn” là gì nếu không phải là “16 chữ vàng và 4 tốt”“phía bạn” chiếu cố ban cấp cho “phía ta” và nhắc nhớ “ta” ghi lòng tạc dạ?

Mười ba tướng CSVN kéo sang Tàu không phải chỉ với tư cách là người của quân đội, thay mặt quân đội, mà còn nhân danh “đảng, nhà nước và nhân dân!” Việc quốc gia đại sự chẳng phải chuyện chơi! Như PQT nói rõ khi trả lời phỏng vấn: Phía Việt Nam “trao đối GIỮ NGUYÊN HIỆN TRẠNG!”

Đây lời tướng Thanh: “Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng. Trên biển Đông... không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm.” Rồi ông ta lại bảo: “Nói chung là bên bạn ghi nhận ý kiến của Việt Nam.” “Nói chung” là chung như thế nào hở ông Thanh? Ỡm ờ lắm! Phải chăng “bên bạn” của đảng ông Thanh coi thường “lời trao đổi của phía bên Việt Nam” đến nỗi Thanh chẳng dám nói cho dân rõ cái ý của “bên bạn ghi nhận ý kiến của Việt Nam” là ghi nhận cái gì, ghi nhận như thế nào?

Ông Thanh lại khoe: “Hứa thì không hứa, nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC.” Lại “nói chung”! Thống nhất với nhau kiểu gì để bảo rằng “hứa thì không hứa?” Chối tai quá!

Bây giờ xin vào trọng tâm của vấn đề. Đó là vấn đề “GIỮ NGUYÊN HIỆN TRẠNG” mà phía CSVN đưa ra cho “phía bạn” (căn cứ tường thuật của PQT trả lời phỏng vấn).

Thế nào là giữ nguyên hiện trạng?

Ông Thanh nói phía bên Việt Nam “trao đổi” với “bên bạn” - “giờ phải giữ nguyên hiện trạng. Trên biển Đông... không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm.

Nguyên trạng - Status quo. Từ ngữ và ý nghĩa của status quo - nguyên trạng dường như có chút khác biệt với cái “nguyên hiện trạng” từ miệng của PQT.

Các nhà nghiên cứu về Biển Đông đã đề cập đến nguyên trạng - status quo từ nhiều năm nay. Lẽ ra không cần nhắc lại. Nhưng nói có sách, mách có chứng. Chúng tôi muốn trưng dẫn lại tài liệu cũ đã được báo chí bàn tới nhiều rồi. Điển hình là Tạp Chí Thời Đại Mới, Số 19 – Tháng 7/2010 – Hoàng Việt. (http://tapchithoidai.org/). Bài Giải pháp nào cho tranh chấp biển đông của Ls Minh Khuê dựa trên tài liệu này. (http://luatminhkhue.vn/tranh-chap/giai-phap-nao-cho-tranh-chap-bien-dong.aspx).

Bài ấy nêu rõ: “Các cuộc đối đầu quân sự trong khu vực hẳn là điều mà các quốc gia tranh chấp trên biển Đông đều không muốn xảy ra. Vì thế, một giải pháp để giải quyết cuộc tranh chấp này là rất cần thiết, bởi vì việc giữ nguyên trạng (status quo) là rất nguy hiểm, gây bất ổn bởi nó thúc đẩy các bên yêu sách hành động đơn phương, như vậy nó lại tạo ra cơ hội cho các cường quốc bên ngoài tham gia vào.”

Cường quốc nào tham gia vào? Tác giả bài viết nêu đích danh Trung Quốc: “Hiện nay, Trung Quốc luôn đưa ra lập trường cứng rắn của họ với lập luận chủ quyền của họ về gần 80% diện tích biển Đông là không thể tranh cãi mặc dù yêu sách này không có cơ sở pháp lý nào trong luật pháp quốc tế hiện đại hay Công ước về Luật biển và bị quốc tế chỉ trích.” 

Rồi bài báo báo động: “Thế nhưng, Trung Quốc với ưu thế quân sự và chính trị cường quốc của mình luôn bộc lộ ý định chống lại các cuộc đàm phán đa phương về quần đảo Trường Sa. Trung Quốc luôn muốn thực hiện các cuộc đàm phán song phương bởi vì Trung Quốc với sức mạnh của mình sẽ dễ dàng ‘bẻ gãy từng chiếc đũa’ hơn là ‘một bó đũa’, và như vậy Trung Quốc luôn chiếm thế ‘thượng phong’ trên bàn đàm phán.”

Như vậy, trong cuộc gặp gỡ giữa Trung Quốc và 13 tướng CSVN, bên nào đưa ra yêu cầu “giữ nguyên trạng”. Nếu quả được phía Việt Nam đưa ra, thì rõ ràng “phía bạn” trúng tủ to, dại gì mà ỡm ờ???

Trở lại với bài viết của Ls Minh Khuê: “Về mặt pháp lý, cơ sở để Trung Quốc tham gia tranh chấp biển Đông dựa vào yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lập lờ sử dụng ‘đường lưỡi bò’, một yêu sách phi lý chiếm gần 80% toàn bộ biển Đông. Trung Quốc hiểu rằng nếu đấu tranh trên mặt trận pháp lý, Trung Quốc khó có thể giành được lợi thế trong cuộc tranh chấp biển Đông.


Như vậy, cuộc gặp gỡ ngày 16-18/10/2014 giữa CSVN và CSTQ rõ ràng là một cuộc đối thoại song phương, lời đề nghị của phía Việt Nam giúp cho “bên bạn” khỏi phải “đấu tranh trên mặt trận pháp lý”, ấy vậy mà CSTC lại chơi trò làm eo!

Tài liệu nhận định tiếp: “Do đó, đề nghị ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ của Trung Quốc làm cho dư luận dễ bị lầm tưởng là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Về mặt chính trị, đề nghị ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ được thực hiện, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu có lợi cho họ, trong đó họ có thể duy trì được yêu sách lãnh thổ và vùng biển không phải của Trung Quốc. Quan trọng hơn, đây là một giải pháp chính trị khôn khéo của Trung Quốc nhằm trấn an dư luận, mở rộng ảnh hưởng và chia rẽ các nước trong khu vực.

Vòng vo tam quốc để tự biện minh và biện hộ cho “phía bạn”?

Status quo - Nguyên trạng theo cái hiểu của chuyên gia là vậy. Thế nhưng PQT dường như không có ý nói về Status quo - nguyên trạng, mà chỉ nhấn mạnh việc “giữ nguyên hiện trạng”.

Khi được hỏi “Họ [Phía Trung Quốc] có đưa ra một cam kết, lời hứa nào về việc giữ nguyên hiện trạng như thế này?” PQT trả lời: “Hứa thì không hứa nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC - nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp. Còn hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng. Đài Loan cũng xây dựng, Philippines cũng tiến hành xây dựng đường băng, Malaysia có xây dựng và Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng. Đều là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho các lực lượng đóng quân trên đảo để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, bảo đảm điều kiện sinh hoạt trên đảo. Tuy nhiên, nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.

Trả lời như vậy nghe được không?

PQT rõ ràng biện hộ cho sự bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông, mà cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo cách nói của PQT, người ta buộc phải hiểu rằng, PQT nhìn nhận Trung Quốc giống như Việt Nam, có quyền “tôn tạo, nâng cấp, mở rộng” ở những nơi đó? Chỉ khác một điều là việc xây dựng của Việt Nam “quy mô chưa lớn như Trung Quốc” donguồn lực của ta còn có hạn”. Hết ý!

Không cần bàn nhiều hay đối đáp gì với lý luận của kẻ manh tâm bán nước này. Chỉ ghi lại đây một phản hồi duy nhất trên chính tờ Người Lao Động (báo luồng đảng) đã dẫn trên.

Người phản hồi ghi tên giả (nickname) của mình là Khó Hiểu. Khó Hiểu lặp lại câu trả lời của PQT, rồi bình luận: “Cách trả lời này không thuyết phục vì các vùng biển đó là chủ quyền của VN không thể tranh cãi vậy tại sao để họ xây dựng và xâm phạm chủ quyền của ta, giả sử mình xây dựng trên vùng đất của họ xem họ có đánh ta tét đầu không?” 

Khó Hiểu đặt vấn đề khá xác thực, đánh thẳng vào câu nói của PQT “tôn tạo, nâng cấp, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi... cho các lực lượng đóng quân!” Nhưng cái giả sử của Khó Hiểu có lẽ chưa đủ. Phải giả sử thêm rằng: Giả sử mình xây dựng trên vùng đất vốn là của MÌNH (Hoàng Sa) đang bị chiếm đóng trái phép, xem kẻ chiếm đóng họ có đánh ta tét đầu không???

Vậy, khi biện hộ cho việc “giữ nguyên hiện trạng”, phải chăng PQT dứt khoát nhìn nhận và bênh vực cho việc Trung Cộng lấn chiếm và xây dựng các công trình của họ (nhất là các công sự chiến đấu) trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ bấy lâu nay? Tới chừng nào mới không còn là hiện trạng nữa khi mà Trung Cộng vẫn cứ nằng nặc cho Hoàng Sa, Trường Sa là nhà của mình, mình có quyền làm gì thì làm, bất cứ lúc nào?

Nói như PQT thì khác gì bảo phía bạn Trung Quốc rằng “Các đồng chí của chúng tôi ơi! Các đồng chí giàu có lắm, vĩ đại lắm. Các bạn cứ tha hồ mà xây dựng, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng. Tiền của các đồng chí! Quyền của các đồng chí! Vô tận! Những Đài Loan, Philippines, Malaysia và cả Việt Nam có ráng gì thì ráng cũng chẳng theo kịp nổi các đồng chí đâu!!!

“Các nhà nghiên cứu cảnh báo?” Không! Họ “dự báo thôi!” 

Mặt khác, khi phóng viên hỏi PQT “Nhiều chuyên gia nêu ý lo ngại hướng xây dựng của Trung Quốc là để hình hành một căn cứ quân sự tấn công. Điều đó đe dọa mối an ninh hàng hải trong khu vực. Cảnh báo đó có đáng suy nghĩ, lo ngại, thưa ông?” Thanh trả lời tỉnh bơ: “Đó là các nhà nghiên cứu dự báo thôi chứ còn đương nhiên bên nào mà tiến hành xây dựng thì đó cũng là một căn cứ quân sự cả. Quan trọng là phải thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực.” Còn gì để nói nữa đây?

Rõ ràng, tướng Quốc phòng của CSVN nhìn nhận tính hợp pháp của các căn cứ quân sự mà Trung cộng đã xây dựng từ khi chúng cướp Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) của Việt Nam!

Tội thuộc về ai? Bè lũ 13 hay Tập đoàn CSVN?

Với sự tiếp tay của chính tập đoàn CSVN qua bè lũ 13 gọi là đại diện “Đảng, nhà nước và nhân dân” như chính mồm PQT phát ra, Việt Nam chẳng còn một mỏm đá nào hay rẻo đất nào trên Hoàng Sa, Trường Sa nữa. Đường biển cũng tắc nghẽn với ngư dân Việt Nam. Chính bè lũ 13 này hợp thức hóa Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam thành Tây Sa-Nam Sa của Tàu rồi!

Giống như Công hàm 1958, hay như Hội Nghị Thành Đô 1990, kẻ bán nước không chỉ là Phạm Văn Đồng hay Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu hoặc Đỗ Mười, ở đây kẻ bán nước cũng không phải chỉ mỗi mình Phùng Quang Thanh hay bè lũ Mười ba... Thủ phạm chính là tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam trải qua mọi thời kỳ họ thống trị đất nước ta!

Như vậy, chúng ta không lạ gì chuyện CSVN và CSTQ thống nhất với nhau giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, tránh dùng vũ lực,” một kiểu thống nhất xã hội chủ nghĩa, thống nhất trên tình “đồng chí anh, đồng chí em, răng liền răng” đấy!

CSVN thậm thụt với CSTQ như thế đó: GIỮ NGUYÊN HIỆN TRẠNG hay MƯU ĐỒ TẠO PHẢN - PHẢN QUỐC, BÁN NƯỚC?

Dân im tiếng mãi được sao? Lẽ nào?


0 comments:

Powered By Blogger