Thursday, October 23, 2014

Chỉ được gặp Đặng Xuân Diệu trong 1 phút

141023004
VRNs (23.10.2014) – Sài Gòn – “Cán bộ trại giam chỉ cho gia đình thấy Diệu được một phút. Công an cho gia đình nhìn thấy em tôi còn sống, đó là một niềm vui của gia đình tôi mà ba năm nay gia đình mới được thấy Diệu. Diệu gầy gò, ốm yếu. Công an xốc nách Diệu vào bên trong cửa trại. Sự việc diễn ra nhanh quá chưa kịp nói chuyện gì với Diệu. Nếu tôi được gặp Diệu lâu hơn, tôi sẽ nói với Diệu rằng, mỗi con người có một bước đi và một lẽ sống, em hãy vững bước những gì em đã lựa chọn.” Ông Đặng Xuân Hà, anh của TNLT Đặng Xuân Diệu cho biết trong chuyến thăm nuôi của gia đình vào sáng nay, ngày 22.10.2014, trại giam số 5 Thanh Hóa.
Như mọi lần, cán bộ trại giam tiếp tục không cho gia đình thăm gặp anh Diệu với lý do anh Diệu không đồng ý gặp gia đình, nhưng gia đình đã yêu cầu và đòi cán bộ trại giam phải cho gặp anh Diệu. Sau một hồi đấu tranh, cán bộ trại giam đã đồng ý cho gia đình thấy anh Diệu chỉ vỏn vẹn khoảng 1 phút và hai bên đứng cách xa nhau khoảng 20m.
Bà Hòe, chị của TNLT Đặng Xuân Diệu cũng được vào thăm nuôi em. Bà Hòe cảm thấy xót xa khi thấy người em ốm và xanh xao: “Tôi thấy em tôi gầy và tiều tụy quá đi. Tôi rất đau lòng khi nhìn thấy em tôi như thế nhưng không biết làm răng?”.
Trong chuyến thăm nuôi này, cha G.B Nguyễn Đình Thục, Quản xứ Song Ngọc thuộc G.p Vinh cùng với hơn 50 người yêu mến TNLT Đặng Xuân Diệu đồng hành với gia đình, với mục đích yêu cầu cán bộ trại giam cho anh Diệu được thực thi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo sau hơn ba năm bị giam cầm, nhưng cán bộ trại giam đã từ chối lời đề nghị này:
“Khi gặp cán bộ trại giam, anh Hà có đặt vấn đề với họ là có Linh mục đi cùng với gia đình vào thăm em Diệu, vì đó là nguyện vọng của gia đình cũng như của em Diệu. Luật Giáo Hội quy định, một năm ít nhất một lần, giáo dân phải gặp Linh mục để lãnh nhận các Bí tích, thế nhưng đã ba năm rồi anh Diệu chưa được gặp Linh mục và cũng không được đọc Kinh thánh nữa, thì điều này đối với người Công giáo là một điều rất tồi tệ đối với họ. Nhưng bên phía công an đã làm ngơ, không trả lời chuyện này.
Cho nên, tôi đã gặp trực tiếp cán bộ trại giam, để trình bày, yêu cầu cán bộ trại giam cho tôi gặp Đặng Xuân Diệu. Cán bộ trại giam phản hồi với tôi là, không được, vì Luật không cho phép, tất cả mọi luật lệ Tôn giáo đều nằm trong Luật của Nhà nước, vì thế Luật Nhà nước không quy định [cho Linh mục gặp phạm nhân] thì tôi không được vào. Tôi hỏi anh cán bộ rằng, Luật Nhà nước VN có tuân theo các quy tắc Công ước Quốc tế mà VN đã tham gia ký kết hay không? Trong khi đó, theo Công ước Quốc Tế phải tôn trọng Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, những người đi tù chỉ mất một phần nào đó của quyền công dân mà thôi, còn Quyền con người và Quyền tự do tôn giáo nhà cầm quyền vẫn phải tôn trọng… Công an trả lời với tôi là, lần sau, nếu tôi muốn gặp Diệu phải ra Bộ Công An làm thủ tục rồi họ mới cho tôi gặp, còn ở đây họ không đủ thẩm quyền để giải quyết chuyện này.”
Cha Thục mong muốn mọi người hãy lên tiếng bảo vệ quyền con người và quyền thực thi tín ngưỡng tôn giáo của các tù nhân: “Tôi nghĩ, vẫn phải tiếp tục yêu cầu [nhà cầm quyền] đối xử với anh Diệu đúng Luật và đối xử công bằng như những tù nhân khác, không thể để anh ấy chịu đựng những bất công trong nhà tù cs, như yêu cầu họ phải cải thiện bữa cơm trưa cho anh Diệu; cho gia đình được thăm anh ấy bởi vì không có một người tù nào mà không muốn gặp gia đình, hoặc người tù muốn gặp gia đình nhưng nhà cầm quyền không cho thì sao…
Điều mà Giáo hội luôn mong muốn là các tù nhân được hưởng Quyền con người, Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo như được gặp Linh mục, hoặc được nhận các sách kinh… để đời sống tâm linh của họ tốt hơn. Đây là một điều rất căn bản của con người. Tôi nghĩ rằng, những người yêu chuộng Công lý và Hòa bình, bằng cách này hay cách khác, hãy đấu tranh cho anh Diệu và các tù nhân được hưởng những quyền lợi chính đáng mà họ đáng được hưởng.”
Được biết, từ ngày 15.10.2014, tại Hải ngoại, đang có chiến dịch “Cảm phục và chia sẻ ước mơ của Đặng Xuân Diệu” do Đảng Việt Tân khởi xướng, nhằm mục đích “viết và gửi bưu thiếp” cho TNLT Đặng Xuân Diệu, để nói lên sự cảm phục của họ đối với anh, mọi người luôn đồng hành chia sẻ ước mơ của anh cho một xã hội Việt Nam dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Ca sĩ Vy Vu kêu gọi: “Xin hãy cùng ra tay cứu lấy một nạn nhân, một thanh niên yêu nước”. Giang Tran Thanh hưởng ứng: “Chúng tôi rất cảm phục và quý mến những tấm lòng yêu nước thương người của các anh chị em đang dấn thân. Tôi mong mô hình này nên nhân rộng ra khắp nơi để mọi người cùng hưởng ứng.” Chau Trieu mời gọi: “Mỗi người đều có thể góp phần nhỏ bé của mình cho việc chung. Thanh thiếu niên Hong Kong làm được – Thanh thiếu niên Việt Nam làm được!”. Cuc-Hoa Le nói: “Yêu nước đáng phải được ngưỡng mộ, đáng được yêu thương chứ sao lại bị ngồi tù. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng cho sự nghịch lý bất công này. Cầu mong anh được bình an và sớm thoát nạn.”
Trên trang facebook của cô Lilly Nguyen -thành viên của đảng Việt Tân cho biết thêm, những tấm bưu thiếp này muốn gửi thông điệp đến các quản giáo tại trại giam số 5, Thanh Hóa cũng như cả guồng máy của chế độ cầm quyền rằng, Người Việt khắp nơi không quên Đặng Xuân Diệu, không quên những tra tấn và hành hạ mà họ đã, đang gây ra cho anh và các tù nhân khác.
Yến Nhi thắc mắc là: “Liệu cán bộ trại giam có chuyển đến tận tay những bưu thiếp này đến anh Diệu không? Hay người nhà mang vào đưa tận tay cho Diệu khi thăm nuôi?”. Câu hỏi thắc mắc đó được Huong Luu trả lời: “Tôi không nghĩ những tấm bưu thiếp này sẽ đến tay anh Diệu, nhưng nếu, càng có nhiều người gởi đến anh thì chứng tỏ cho cán bộ trại giam cũng như nhà cầm quyền biết, đang có rất nhiều người quan tâm đến anh Diệu. Hành động đó có thể làm cho các quản giáo nơi giam giữ anh Diệu không còn dám mạnh tay với anh nữa.”
Vào ngày 08.10.2014, Cựu TNLT Trương Minh Tam được mãn hạn tù cho biết, TNLT Đặng Xuân Diệu bị cán bộ đối xử ngược đãi, như đi tiểu tiện và đại tiện trong một cái xô và phải sống chung với các chất phóng uế này trong vòng 10 ngày mới được mang đi đổ; sống trong một bầu không khí khá ô nhiễm, hàng ngày phải uống nước bẩn, cơm thì sượng không thể ăn nổi, không được tắm giặt… Do đó, anh Diệu đã phải tuyệt thực, bỏ các bữa cơm trưa trong một thời gian dài là 7 tháng, để phản đối chế độ giam giữ bất nhân của cán bộ.
TNLT Đặng Xuân Diệu bị bắt vào ngày 30.07.2011, tại Sài Gòn. Anh bị kết án 13 năm tù giam, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 BLHS, trong phiên tòa sơ thẩm, vào ngày 09.01.2013 tại Nghệ An. Trong phiên tòa sơ thẩm này, TNLT Diệu đã từ chối luật sư bào chữa vì anh khẳng định, anh là người vô tội và tự bào chữa.
HT, VRNs

0 comments:

Powered By Blogger