Wednesday, September 17, 2014

Gặp các đại diện ngoại giao phương Tây ở Hà Nội

Sáng ngày 16/9/14, tôi, Huỳnh Trọng Hiếu, đã có buổi trao đổi với đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội là bà Jenifer Neidhart de Ortiz – Tùy viên Chính trị đặc trách về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Đi cùng với đại diện phía Hoa Kỳ có Tham tán Chính trị và Văn hóa Thông tin, đại diện của Đại sứ quán Canada là bà Ayesha Rekhi. Bà Rekhi đến Việt Nam để tìm hiểu về hoạt động bảo vệ Nhân quyền của các tổ chức Xã hội Dân sự và đánh giá tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Bà cho biết đã từng tham dự cuộc Hội thảo về UPR ngày 5/9 tại nhà thờ Kỳ Đồng, Sài Gòn.

Chúng tôi đã trao đổi một cách khái quát về thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam. Trong buổi nói chuyện, đại diện ngoại giao Hoa Kỳ muốn biết quan điểm của tôi trong vụ việc chính quyền thành phố muốn áp dụng lệnh thu hồi đất đối với Chùa Liên Trì – tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Qua đó, họ muốn hiểu thêm tôi có suy nghĩ như thế nào về quyền Tự do Tôn giáo tại Việt Nam.

Tôi khẳng định việc áp dụng lệnh thu hồi đất của chính quyền thành phố là hành vi chiếm dụng tài sản bất hợp pháp, loại bỏ quyền tư hữu của công dân. Ở Việt Nam từng xảy ra rất nhiều sự vụ giống như vậy. Tiến trình này đã đẩy số lượng lớn nông dân chống lại chính quyền vì bị mất đất lên con số báo động mà chúng tôi gọi là Dân Oan. Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành Hiệp hội Dân oan vì mục tiêu lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính họ, đồng thời, các nhóm này còn đấu tranh cho quyền tư hữu nói chung. Ngoài ra, có thể hiểu việc thu hồi đất chùa Liên Trì theo một nghĩa hoàn toàn khác. Tôi tin rằng, hành động này mang dụng tâm chính trị chứ không đơn thuần là hành động chỉ nhằm đạt được các mục đích kinh tế.

Theo tôi biết, Thượng tọa Thích Không Tánh là một tu sĩ thuộc Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất – một tổ chức tôn giáo không chịu hoạt động dưới sự chi phối của chính quyền. Bản thân ông đã lĩnh án tù nhiều năm vì đấu tranh cho quyền Tự do Tôn giáo. Sau khi ra tù, ông tiếp tục cổ súy cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và Chùa Liên Trì là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc họp Xã hội Dân sự. Hành động “giải tỏa” đối với cơ sở tôn giáo này là để triệt tiêu một phương tiện hoạt động Tôn giáo - Nhân quyền. Đây là thủ đoạn đàn áp tôn giáo tinh vi của chính quyền Hà Nội.

Ngoài vấn đề Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp, tôi cũng đã nêu ra một vài các trường hợp đàn áp tôn giáo khác như: việc không cho cử hành các buổi đại lễ, nghi thức tôn giáo đối với các tín đồ Phật giáo Hòa hảo ở miền Tây. Hàng chục vụ tự thiêu đã diễn ra, hàng trăm vụ bắt bớ và đàn áp công khai hoặc bí mật đối với tôn giáo này từ sau năm 1975.

Cách đây không lâu, chính quyền cho tiến hành việc cưỡng chế và hành hung nhằm vào những người lãnh đạo của đạo Cao Đài khi những người này đang tổ chức buổi đại lễ của họ.

Một trường hợp khác cũng được nhắc đến, đó là việc truyền bá đạo Tin Lành tại các tỉnh Cao nguyên trung phần. Mục sư Nguyễn Công Chính đã chịu một mức án nặng nề chỉ vì ông thực hiện quyền Tự do tín ngưỡng. Những người thuộc các nhóm Tin Lành không do Nhà nước quản lý thường xuyên bị tấn công bằng vũ lực khi họ tổ chức các buổi họp nhóm để cầu nguyện tại tư gia của mình.

Bà Jenifer đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đối với các trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Bà nói rằng, phía Hoa Kỳ sẽ có những nỗ lực cụ thể ở cấp chính phủ nhằm cải thiện tình hình Nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là Tự do Tôn giáo. Hoa Kỳ muốn biết tại sao lại có những điểm khác biệt trong cách đối xử của chính quyền đối với các tôn giáo khác nhau.

Tôi nêu ra ý kiến chủ quan của mình trong việc nhìn nhận sự khác biệt về mức độ đàn áp đối với từng tôn giáo phụ thuộc rất lớn vào “yếu tố quốc tế”. Điển hình là Phật giáo Thống nhất, mặc dù tín đồ Phật giáo tại Việt Nam chiếm đa số trong tổng số dân nhưng chính quyền không ngần ngại sử dụng các biện pháp trấn áp thô bạo chỉ vì Phật giáo không có hệ thống giáo hội mang tầm vóc toàn cầu và có uy tín quốc tế. Chúng ta có thể thấy việc đàn áp có giảm đi chút ít đối với những tôn giáo được tổ chức tốt hơn với các cơ chế quan hệ ngoại giao và ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài hay Tin Lành đều là các tôn giáo thiếu các “yếu tố quốc tế” và họ có chung một số phận. Tôi được biết, phía Hoa Kỳ sẽ lưu tâm về góc nhìn mới này.

Tôi trình bày vắn tắt về trường hợp bị cưỡng chế đối với gia đình mình hôm ngày 5/9 vừa qua và cũng nói thêm cách thức chính quyền dùng các văn bản dưới luật nhằm giới hạn quyền Tự do đi lại và hội họp của công dân. Cùng cách đó, việc thực thi các quyết định hạn chế đi lại sẽ được sử dụng để vô hiệu hóa nhiều hoạt động bảo vệ nhân quyền khác. Tôi cũng kể thêm, các thành viên gia đình chúng tôi cũng đã bị chính quyền bắt giữ khi tham dự phiên tòa công khai xử cô Bùi Thị Minh Hằng, Văn Minh và Thúy Quỳnh tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ trao đổi, chúng tôi đã có những hiểu biết hữu ích giúp cho hai phía nắm bắt được nhiều vấn đề mới mẻ để tiếp tục công việc của mình.

Điều đáng mừng cho những người đấu tranh tại Việt Nam là thái độ tích cực của Hoa Kỳ trong nỗ lực cải thiện Nhân quyền ở Việt Nam. Có nhiều chỉ dấu để chúng ta ngầm hiểu rằng, có một sự thay đổi lớn về thái độ của Washinton trong quan hệ đối ngoại với Hà Nội. Đại diện của Canada nói là sẽ sử dụng những thông tin này trong bản báo cáo của mình và bà thực sự quan tâm đến những vấn đề hiện đang diễn ra tại Việt Nam.

Lúc hai giờ chiều cùng ngày, tôi có mặt tại Đại sứ quán Đức cũng để trình bày vấn đề Nhân quyền với ông Tham tán chính trị Đức – ông Feliz Schawartz.

Ông giành cho tôi hơn một tiếng đồng hồ để trình bày về những vụ sách nhiễu đã diễn ra đối với gia đình chúng tôi. Ông bày tỏ mối quan tâm và lo ngại sâu xa cho những sự vụ xảy đến liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Ông hứa sẽ xem xét hồ sơ một cách thận trọng và làm hết khả năng có thể để tác động với chính quyền Việt Nam.

Kết thúc buổi nói chuyện, tôi ra về, viên công an trực trước Đại sứ quán Đức đòi thu giữ luôn chứng minh thư mà tôi đã đưa cho họ khi bước vào đại sứ quán. Ông Felix đã giúp tôi đòi lại. Tôi được tiễn ra xe taxi khi ông Feliz thấy bên đường, một chiếc xe chở hơn mười nhân viên công an đang đứng đợi sẵn để "đón" tôi.

Tôi rất vui vì nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế nhưng niềm vui đó không thể so sánh với nỗi buồn tủi triền miên trong lòng khi phải trông cậy vào chính phủ nước ngoài để nhờ họ giúp đỡ về những vấn nạn của chính đất nước mình.



Hà Nội 17/9/14


Huỳnh Trọng Hiếu

0 comments:

Powered By Blogger