Để tưởng niệm Ca Nhạc Sĩ Việt Dzũng vừa mới đột ngột qua đời vào ngày thứ Sáu 20 tháng 12, 2013, nhóm Thế Hệ Trẻ Melbourne đã tổ chức một chương trình tưởng niệm Ca Nhạc Sĩ Việt Dũng với chủ đề "Trả ta sông núi".
Sau nghi thức chào Quốc kỳ, ông Quốc Việt, đã sơ lược nói về ý nghĩa của buổi lễ. Tiếp theo, cô Thiên Giang, đại diện BTC, đã ngõ lời chào đón đồng hương và cám ơn tất cả các anh chị em nghệ sĩ, âm thanh, ánh sáng đã tự nguyện đóng góp công sức, thì giờ cho buổi lễ kể cả địa điểm tổ chức - Oriana Receptions. Đây là thời gian cuối năm ai ai cũng bận rộn với người thân nhưng đã có người bỏ cả chuyến đi chơi cùng gia đình và có người mới từ ngoại quốc trở về cũng đến để đóng góp thực hiện buổi lễ trong một thời gian rất ngắn.
Tiếp lời cô Thiên Giang khi nói về Việt Dũng - là một cái tên quen thuộc với hầu hết mọi người Việt đang sinh sống ở hải ngoại, ông Quốc Việt đã cho rằng: "... Nếu chúng ta nói quá nhiều về con người Việt Dũng thì bao nhiêu cũng không đủ, chỉ cần 2 tiếng Việt Dũng đã đủ để nói lên cái con người và đã thể hiện những hình ảnh cùng những nổ lực của riêng cá nhân anh cũng như rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ trong suốt 35 năm qua đã dấn thân, đã hy sinh cho công cuộc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do ở Việt Nam."
Tuy là một buổi ca nhạc, tuy không có điếu văn, không có hương hoa, nhang đèn, nhưng buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra trong bầu không khí rất trang trọng. BTC đã cho trình chiếu một slide show ngắn gọn nhưng cũng đủ để nói về cuộc đời tận hiến của Việt Dũng cho công cuộc đấu tranh quang phục quê hương. Buổi lễ đã trở nên thật trang nghiêm và xúc động khi tiếng kèn truy điệu réo rắt được trổi lên để tỏ lòng tưởng nhớ đến Ca Nhạc Sĩ Việt Dũng.
BTC đã không tưởng niệm Việt Dũng bằng những bài diễn văn mà bằng những bài nhạc chọn lọc do Việt Dũng sáng tác để vinh danh một người nghệ sĩ tài năng vừa mới ra đi, một người chiến sĩ tự do vừa mới nằm xuống.
Chương trình tưởng niệm được bắt đầu bằng ca khúc "Quân lệnh cuối cùng" mà Việt Dũng đã ghi lại một trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam với sự tuẩn tiết của các vị danh tướng vào những giờ phút cuối cùng của Miền Nam Việt Nam tự do.
Hai MC chính của chương trình, cô Linh Hà và anh Châu Xuân Hùng đã có những lời dẫn nhập thật sâu sắc khi giới thiệu các nhạc phẩm được trình bày. Một điều đáng ghi nhận - trong lời dẫn nhập để giới thiệu ca khúc "Một chút quà cho quê hương" cô Linh Hà đã dùng hai chữ "giải phóng" khi nói về ngày 30/04/1975 và đã gặp phải một sự phản ứng từ phía cử toạ (có lẽ vì không nghe được hết trọn lời dẫn nhập). Sau đó cô Linh Hà đã trở lại sân khấu bày tỏ nổi vui mừng về sự phản ứng này. Tại sao lại vui mừng? Cô Linh Hà cho biết là sự phản ứng tức thời của đồng hương đối với hai chữ "giải phóng" đã nói lên nổi căm hận đối với CSVN của Người Việt yêu chuộng tự do trong bao nhiêu năm qua vẫn không bao giờ nguôi. Thật ra hai chữ "giải phóng" được cô Linh Hà dùng trong lời dẫn nhập mang ý nghĩa mỉa mai với nguyên văn như sau: "Chỉ mới sau 3 năm "giải phóng", cái mỹ từ mà người CS vẫn huênh hoang, tự kiêu, tự đắc khi nhắc đến biến cố 30/04/1975, đời sống của hầu hết người dân Miền Nam đã dần dần kiệt quệ. Tất cả những tài sản dành dụm cả một đời người đã lần lượt được "giải phóng" ra chợ trời chỉ để đổi lấy miếng ăn hàng ngày. ..."
Những ca khúc với lời nhạc đầy những xót xa, đau thương, bi phẩn như "Quân lệnh cuối cùng", "Lời Kinh Đêm", "Một Chút Quà Cho Quê Hương", "Những đứa con của Mẹ" đã làm cho đồng hương xúc động, rưng rưng nước mắt và đây đó có những tiếng sụt sùi, khóc theo lời nhạc hay khóc cho một người vừa nằm xuống?!
Ai cũng nghĩ rằng Việt Dũng chỉ thiên về những bài ca hun đúc tinh thần đấu tranh, khơi dậy lòng yêu nước như "Hát cho Tự Do", "Hát cho người dân oan", "Xuống đường cùng cánh Hoa Lài" nhưng bên cạnh đó còn có những bài tình ca mà có rất nhiều người không ngờ là của Việt Dũng như "Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm", "Bài Tango Cuối Cùng", điều nay cho thấy Việt Dũng là một nghệ sĩ nặng lòng với đất nước có tài năng đa dạng.
Rồi với các bài ca thiết tha như "Tình Ca Cho Nguyễn Thị Sài Gòn", "Mời em về" mang đầy tình yêu thương, nỗi nhớ mong và niềm hy vọng cho một ngày trở về quê hương an bình đã nói lên tâm tư, niềm ao ước của hàng triệu Người Việt. Với cái tâm tư và niềm ao ước ấy và để chấm dứt chương trình tưởng niệm Ca Nhạc Sĩ Việt Dũng toàn thể các anh chị em nghệ sĩ - Anh Đào, Dương Hoá, Nghiêm Lệ, Bảo Kim, Linh Hà, Đoàn Sơn, Xuân Hiếu, Hoàng, Hiền, keyboard Phạm Hữu và Bình Cadillac đã cùng trình bày nhạc phẩm "Cùng chấp cánh bay", đặc biệt lời nhạc bằng tiếng Anh đã được Khánh Vân, một bé gái thuộc thế hệ thứ ba cất giọng ca cao vút như "cùng chấp cánh bay" chia sẽ niềm ước mơ của Việt Dũng cũng là niềm ước mơ chung của mọi người dân Việt.
Với một số ít bản nhạc được chọn ra từ hơn 450 bản do Việt Dũng sáng tác nhưng cũng đủ để nói lên được tài năng và tấm lòng của Việt Dũng đối với đất nước và dân tộc. Có thể nói Việt Dũng vừa là một nghệ sĩ có một tấm lòng biết thổn thức cùng vận nước, biết đau nổi đau của dân tộc, vừa là một người viết sử (giai đoạn sau 75) bằng âm nhạc cùng với những tâm tư được gói ghém trong những lời ca, vừa là một chiến sĩ tự do, chỉ có tay không nhưng bằng những lời nói đanh thép, những lời ca tiếng nhạc phát xuất từ một con tim mang dòng máu Lạc Hồng đã trở thành những viên đạn đồng bắn thẳng vào quân thù làm cho CSVN phải khiếp sợ và đã bị CSVN kết án tử hình khiếm diện.
Tìm đến với nhau, đồng hương đã cùng các nghệ sĩ địa phương, các anh chị em trong nhóm Thế Hệ Trẻ Melbourne đốt nén hương lòng tưởng niệm một người con của tổ quốc và quê hương Việt Nam. Sự ra đi của Ca Nhạc Sĩ Việt Dũng sẽ là ngọn đuốc thắp sáng để chúng ta, người Việt lưu vong, vẫn tiếp tục con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong niềm tin chế độ Cộng sản sẽ cáo chung trong một tương lai rất gần.
Melbourne
29/12/2013
Một số hình ảnh của buổi ca nhạc tưởng niệm Việt Dũng
0 comments:
Post a Comment