Monday, January 13, 2014

Thái Lan, Cam Bốt : Mâu thuẫn của các phong trào xuống đường

Lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Sam Rainsy (bên phải, trên xe), tham gia biểu tình chống chính phủ tại Phnom Penh, Cam Bốt, 29/12/2013
Lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Sam Rainsy (bên phải, trên xe), tham gia biểu tình chống chính phủ tại Phnom Penh, Cam Bốt, 29/12/2013
REUTERS
Làng báo Paris trong ngày dành nhiều trang để nói về « Tuần lễ đầy sóng gió » chờ đợi Tổng thống Hollande với cuộc họp báo ngày mai (14/01/2014). Pháp « cầm đèn đỏ » trong khối Châu Âu về tăng trưởng, về thất nghiệp, thì François Hollande lại lấn cấn với những hồi tiếp theo của vụ mang tên gọi là « Hollande/Gayet ».
Châu Á chiếm nhiều chỗ trên phần tin quốc tế của các tờ báo. Le Monde nói tới một sự « mâu thuẫn » của hai đợt biểu tình đang diễn ra ở Cam Bốt và Thái Lan hiện nay. Người biểu tình ở cả Cam Bốt lẫn Thái Lan đều đòi Thủ tướng phải từ chức. Nhưng nhìn kỹ hơn thì đối lập ở xứ Chùa Tháp vùng lên để đòi dân chủ. Ngược lại, tại Thái Lan, đảng đối lập lại « quay lưng lại với dân chủ » khi từ chối tham gia bầu cử.
Chuyên gia về Đông Nam Á của Le Monde, nhà báo Bruno Philip cho rằng, tình hình ở Cam Bốt tương đối đơn giản : Sau 28 năm liên tục cầm quyền, đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen đã thực sự gạt hẳn phe đối lập ra ngoài đời sống chính trị của xứ Chùa Tháp.
Tình trạng nông dân bị cướp đất, những nhà hoạt động nhân quyền bị bịt miệng, tầng lớp lãnh đạo vơ vét của dân, những bất công xã hội là mầm mống dẫn tới bế tắc chính trị tại Cam Bốt ngày nay. Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2013 là một cột mốc quan trọng, khi đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt đối lập tố cáo chính quyền gian lận phiếu và liên tục tuần hành đòi ông Hun Sen từ chức. Một điều lạ là chính quyền Phnom Penh trong nửa năm liền đã tỏ thái độ « dân chủ » để cho đối lập xuống đường. Nhưng Cam Bốt đã thay đổi thái độ một khi phong trào đối lập được nhiều tầng lớp trong xã hội ủng hộ, từ giới tu sĩ Phật giáo đến công nhân ngành dệt may, công đoàn.
Nếu như người biểu tình ở Cam Bốt đòi dân chủ, đòi nhân dân phải được có tiếng nói thì ngược lại ở Thái Lan, các cuộc xuống đường kéo dài từ nhiều tuần lễ qua chỉ liên quan đến một phần dân chúng và chỉ khoanh vùng ở thủ đô Bangkok. Đáng nói hơn là người biểu tình tại Bangkok không đấu tranh vì một mô hình dân chủ theo kiểu của các nước phương Tây. Điển hình là lãnh đạo phong trào chống chính phủ ở Thái Lan, ông Suthep Thaugsuban và đảng Dân chủ đối lập chỉ muốn giới hạn quyền lực trong tay một « Hội đồng nhân dân » mà thôi. Tác giả bài báo lưu ý : Tại Thái Lan, quyền lực thực sự không chỉ nằm trong lá phiếu của cử tri mà còn được đặt trong tay quân đội, vốn thù nghịch với gia đình Shinawatra.
Kinh tế Thái Lan « thấm đòn »
Cũng Le Monde xem xét tác động của bế tắc chính trị Thái Lan đối với nền kinh tế nước này : Nhiều nhà đầu tư nước ngoài do dự trước bất ổn chính trị Thái Lan. Hãng hàng không Singapore Airlines hủy hơn một chục chuyến bay tới Bangkok từ giữa tháng Giêng đến gần cuối tháng Hai. Trong lúc đó, ngành du lịch đem về từ 12 đến 13 % GDP cho Thái Lan. Trước mắt lĩnh vực kinh tế này chưa bị tác động, nhưng theo Cơ quan dự báo Coe Rexedode, nếu như tình trạng này kéo dài, kinh tế Thái sẽ bị chựng lại trong quý 1/2014. Đó sẽ là một điều tai hại khi biết rằng cán cân vãng lai của Thái Lan đang bị thâm hụt và đồng bath Thái đang bị trượt giá.
Trung Quốc và sữa bò của Pháp
Cũng liên quan tới Châu Á Le Figaro và báo kinh tế Les Echos cùng chú ý đến sự kiện tập đoàn lương thực Synutra của Trung Quốc vừa đặt viên đá đầu tiên, xây nhà máy sản xuất sữa bột tại Carhaix, vùng Bretagne, miền tây bắc nước Pháp. Phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro nói tới khoảng tiền « 100 triệu euro » mà Synutra vừa chi ra để bảo đảm một nguồn cung cấp sữa an toàn cho người tiêu dùng Trung Quốc.
« Trẻ con Trung Quốc lớn nhờ sữa Pháp », Les Echos mở đầu bài báo như trên trước khi nêu ra rất nhiều con số cho thấy đầu tư của Trung Quốc làm sống lại cả một mảng công và nông nghiệp của tỉnh Finistère : Đến năm 2015, nhà máy sản xuất sữa bột của Trung Quốc sẽ hoàn thành, toàn bộ các phí tổn của dự án đều do Synutra đài thọ. 100 triệu euro để sản xuất ra 100 ngàn tấn sữa bột hàng năm, nuôi sống 1000 nông dân vùng Bretagne. Thành phố Carhaix đã chuyển nhượng lại 20 hecta ruộng cho tập đoàn nông phẩm Trung Quốc và còn dự trù bán thêm 13 hecta nữa nếu phía Synutra yêu cầu.
Trong khi đó nhìn về phía Trung Quốc, mỗi năm có thêm 20 triệu trẻ em chào đời và với việc giảm nhẹ bớt chính sách kiểm soát sinh đẻ, từ nay đến 2017, số trẻ em dưới 3 tuổi trên quê hương Mao Trạch Đông sẽ tăng thêm khoảng 13 %.
Trung Quốc siêu cường thương mại số 1 thế giới
Vẫn trong lĩnh vực kinh tế : Trung Quốc soán ngôi Hoa Kỳ để trở thành ông vua xuất nhập khẩu trên thế giới. Les Echos trích dẫn thống kê của hải quan Trung Quốc theo đó năm 2013 Trung Quốc vừa là vô địch về mặt xuất khẩu vừa là nguồn nhập khẩu quan trọng nhất trên hành tinh. Tổng trao đổi mậu dịch của nước này lên tới 4.160 tỷ đô la. Thặng dư mậu dịch tăng gần 13 % so với tài khóa 2012.
Ai cũng biết Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng hóa số 1 của thế giới nhưng năm ngoái, Trung Quốc là nơi hút đến hơn 40 % kim loại cơ bản toàn cầu. 35 % cao su sản xuất ra chỉ để phục vụ cho nhu cầu của ông khổng lồ Châu Á này. Cùng lúc Trung Quốc mua vào 2/3 lượng đậu tương của thế giới. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục mua vào từ đồng, sắt đến dầu hỏa, khí đốt … Tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong năm 2013 chỉ lên tới 3.560 tỷ đô la, còn của Trung Quốc là hơn 4.100 tỷ !
Hồi tiếp của vụ « Hollande/Gayet »
Quay trở lại với thời sự của Pháp Les Echos trên trang nhất chạy tựa : « Chính sách thuế khóa, kinh tế : Hollande bị dồn vào chân tường ». Dù tập trung vào hai mối quan tâm chính của người Pháp, nhưng tờ báo nói ngay đến nguy cơ « Đời tư Tổng thống làm nhiễu cuộc họp báo ngày mai của ông François Hollande ». Libération chán ngán cho rằng vào lúc Tổng thống Pháp phải thông báo về chính sách kinh tế, vì 2014 là điểm khởi đầu của hồi 2 trong nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm thì chuyện gia đình, đời sống riêng tư của ông lại là tâm điểm thu hút mọi chú ý. « Thông điệp của Tổng thống bị nhiễu vì chuyện riêng ».
Libération trong một bài phân tích cho rằng : Sau tiết lộ của tạp chí Closer về liên hệ giữa Tổng thống Pháp với nữ diễn viên Julie Gayet, Phủ Tổng thống cố gắng cứu vãn tình thế, không công nhận mà cũng không phủ nhận những cáo buộc của tờ báo lá cải này. Thế nhưng với việc điện Elysée chính thức thông báo là người bạn đời chung sống với Tổng thống Hollande, bà Valérie Trierweiler nhập viện sau tiết lộ của báo Closer thì vụ « love affair » của chủ nhân điện Elysée đã chính thức được phơi bày ra công chúng.
Trong bối cảnh đó, tờ báo thiên tả này cho rằng không có lý do gì để báo giới tránh né đề cập đến hồ sơ này trong buổi họp báo ngày mai với Tổng thống François Hollande. Chỉ tiếc là vụ bà Trierweiler nhập viện lại làm lu mờ tất cả những thông báo về chính sách kinh tế của Paris.
Le Figaro thiên hữu nói tới « một tuần lễ đầy nguy hiểm » đang mở ra với ông Hollande. Tờ báo có cùng nhận xét với Libération và ghi nhận : Cái khó với Tổng thống Pháp ở đây là làm thế nào để « sang trang » chuyện này.
Vẫn tại Pháp nhưng xin nói về một « bà đầm già », 125 năm tuổi, rất kín tiếng nhưng vẫn còn sức lôi cuốn rất lớn, đó là chiếc Tháp Eiffel, biểu tượng của Paris. Les Echos cho biết năm ngoái hơn 6,7 triệu lượt du khách tham quan ngọn tháp nổi tiếng này. Số vé bán ra như vậy tăng 7 % so với năm 2012. Người Pháp dẫn đầu bảng trong số những quan khách đến chiêm ngưỡng công trình nổi tiếng nhất của kỹ sư Eiffel, kế tới là người Mỹ. 75 % khách tham quan Tháp Eiffel là người ngoại quốc và tới nay đấy vẫn là di tích mà người xem phải trả tiền có sức lôi cuốn nhất trên thế giới.

0 comments:

Powered By Blogger