Monday, November 4, 2013

YouTube : Vũ khí mới của Nhật trong cuộc đấu giành chủ quyền biển đảo

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (DR)
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (DR)
Để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của mình, các quốc gia thường dùng các kênh truyền thống như các tuyên bố ngoại giao, các bài viết đăng trên báo chí, thậm chí các cuộc hội thảo khoa học. Mới đây, chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã làm cho hai đối thủ tranh chấp với mình bất ngờ khi cho triển khai một phương tiện mới : vidéo Youtube.
Giới báo chí không ngần ngại xem đây là vũ khí mới của Tokyo trong tranh chấp biển đảo. Vũ khí mới này đã được Nhật Bản triển khai hôm 16/10/2013 vừa qua với việc công bố trên kênh Youtube của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng lúc hai đoạn video ngắn có nội dung khẳng định chủ quyền của Tokyo trên quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc và trên đảo Takeshima, đang tranh chấp với Hàn Quốc. 
Kênh Youtube của bộ Ngoại giao Nhật, dưới tên đăng ký (username) là MOFAchannel, không phải là một thực thể mới. Được thành lập từ năm 2009, với gần 1000 đoạn video, kênh này cho đến gần đây vẫn được dùng để thông tin về các hoạt động ngoại giao bình thường của Nhật Bản. Thế nhưng hai đoạn video công bố hôm 16/10 đã khác hẳn các khúc phim được giới thiệu trước đó, vì đề cập thẳng thừng đến hai hồ sơ tế nhị là tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản với Trung Quốc cũng như Hàn Quốc.
Trong vòng 1 phút 29 giây, đoạn video thứ nhất – mang tên tiếng Nhật – Video về quần đảo Senkaku – mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền dưới tên gọi Điếu Ngư) – đã dùng hình ảnh trong đó có những bức ảnh đen trắng cũ để nói về lịch sử thuộc Nhật của vùng lãnh thổ này, khởi đầu bằng một tư liệu năm 1895. Tương tự như vậy, đoạn Video thứ hai – dài 1’27 đã biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Takeshima, bị Hàn Quốc tranh chấp dưới tên Dokdo.
Sau nửa tháng tồn tại, video về Senkaku đã được gần 300.000 lượt người xem, trong lúc video về Takeshima được gần 450 ngàn khách viếng, một lượng truy cấp cực cao, so với các video khác của kênh ngoại giao Nhật, khó khăn lắm mới được hơn một ngàn lượt truy cập.Sáng kiến của Tokyo lẽ dĩ nhiên đã bị cả Seoul lẫn Bắc Kinh cực lực chỉ trích.Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tái khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên “Quần đảo Điếu Ngư và các đảo khác có liên quan”, đồng thời xác định : “Cho dù các biện pháp tuyên truyền của Nhật Bản có là gì chẳng nữa, điều đó sẽ không thay đổi thực tế theo đó quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc. Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản sửa đổi thái độ và chấm dứt mọi hành vi khiêu khích.” Tại Hàn Quốc, trong lúc các nghị sĩ cam kết sẽ chống lại động thái cũng bị coi là « khiêu khích » của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu mời quan chức ngoại giao Nhật Bản lên để phản đối và yêu cầu Tokyo hủy bỏ đoạn video về đảo Takeshima/Dokdo.Lẽ dĩ nhiên là Tokyo không lùi bước trước các đòi hỏi nói trên. Thậm chí Nhật Bản còn tăng cường sử dụng vũ khí mới này, bằng cách đưa thêm video đòi chủ quyền lên Youtube. Vào hôm qua, 31/10, trên kênh của bộ Ngoại giao Nhật đã có thêm hai đoạn video mới về vấn đề chủ quyền trên cả Senkaku lẫn Takeshima.Vũ khí truyền thông của Tokyo lần này có vẻ được hoàn thiện thêm vì có thời lượng dài hơn hai video trước một chút – khoảng 2 phút, thay vì 1 phút rưỡi – và nhất là được thuyết trình bằng tiếng Anh : « The Senkaku Islands – Seeking Maritime Peace based on the Rule of Law, not force or coercion / Quần đảo Senkaku – Tìm kiếm hòa bình trên biển dựa trên Luật pháp, không dùng võ lực hay biện pháp cưỡng ép » và « Takeshima – Seeking a Solution based on Law and Dialogue / Takeshima – Tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật pháp và đối thoại ».Sau 24 tiếng đồng hồ xuất hiện, hai video này đã được tổng cộng gần 4000 lượt người truy cập, chứng tỏ sức hút tương tự như là kỷ lục của hai video cùng chủ đề trước đó.Loại vũ khí mới này sắp tới đây có thể sẽ được Tokyo sử dụng trong việc quảng bá quan điểm của họ trên những hồ sơ tranh chấp khác.Theo hãng tin Nhật Kyodo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nghĩ tới việc tung lên mạng Youtube hai video khác, một về quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nga, và một về tên gọi chính thức của Biển Nhật Bản.

0 comments:

Powered By Blogger