Saturday, January 12, 2013

CSVN bắt giam những người bất đồng chính kiến theo cùng một sách với bọn quân phiệt Miến Điện


Defendants found guilty of anti-state crimes stand in front of dock at a court in Nghe An Province, about 300 km south of Hanoi, on Jan. 9, 2013. (Photo: Reuters / Vietnam News Agency)
VRNs (13.01.2013) – Sài Gòn – Theo Irrawaddy, khi được phỏng vấn vào năm 2010, luật sư Lê Quốc Quân nói là chuyện anh bị công an Việt Nam bắt một lần nữa chắc chắn sẽ xảy ra không sớm thì muộn.
Khi tôi hỏi: “Liệu công việc của anh với một số những người dám phê bình bạo miệng hơn nữa cái chế độ độc đảng của Việt Nam có thể dẫn anh vào vòng lao lý một lần nữa không, sau lần bị giam ba tháng hồi năm 2007 khi trở về từ Hoa Kỳ?” Luật sư Quân đã nói rằng “Tôi không sợ”.
Chính Lê Quốc Quân cũng là một trong số các nhà phê bình mạnh miệng nhà cầm quyền Việt Nam, nơi mà sự ủng hộ cho bất kỳ điều gì trái với đường lối cai trị của chế độ độc đảng của Cộng sản đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thành ra, chẳng ai ngạc nhiên, khi người luật sư này bị bắt tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 12 vừa qua về những cáo buộc liên quan đến thuế.
Luật sư Quân bị bắt giữ ngay trước phiên tòa tại Trung phần Việt Nam nhằm xét xử 13 nhà hoạt động đã bị bắt hồi năm 2011. Hôm thứ Tư tòa đã ra phán quyết kết tội nhóm này từ 3 đến 13 năm tù giam trong đó có 12 người là người Công Giáo, như anh Lê Quốc Quân.
Những thanh niên và phụ nữ trong nhóm đã bị kết tội “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Trong năm 2012, hàng chục nhà hoạt động và nhà văn bị giam giữ tại Việt Nam với cùng một cáo buộc tương tự.
13 người bị giam giữ hôm qua đã bị cáo buộc có quan hệ với Việt Tân, một nhóm người Việt định cư ở nước ngoài vận động cho sự thay đổi chính trị ở Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam lại chụp mũ là một tổ chức khủng bố trong khi phía Hoa Kỳ nói rằng không có bất kỳ bằng chứng nào.
Phản ứng trước phán quyết hôm qua của Việt Nam, tòa Đại sứ Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố nói rằng: “Cách thức hành xử của nhà nước Việt Nam với những cá nhân này không phù hợp với những cam kết mà Việt Nam đã ký trong các Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các quy định của Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền liên quan đến quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử thoả đáng”.
Theo tường thuật của Việt Tân về phiên tòa thì “Nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an mặc sắc phục và thường phục để ngăn chặn những người ủng hộ và thân nhân của các bị cáo tụ tập bên ngoài tòa án. Hàng chục người ủng hộ, bao gồm cả phụ nữ lớn tuổi và các giáo sĩ Công Giáo đã bị công an tấn công và tạm giữ”.
Một trong 13 người bị tuyên án là anh Nguyễn Văn Duyệt, một nhà hoạt động cho nhân quyền của người lao động, cho biết trong lời khai cuối cùng của anh trước toà rằng: “Chỉ có Chúa Giêsu Kitô là hy vọng, là tình yêu, và sự thật của chúng ta. Tôi muốn gửi lời chào bình an đến tất cả mọi người!”
Vẫn còn quá sớm để biết là bản án này sẽ có tác động thế nào trên mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo. Việt Nam là nước có đông đảo người Công Giáo trong vùng Đông Nam Á chỉ sau Phi Luật Tân, với ước tính khoảng từ 8 đến 10 triệu tín hữu Công Giáo.
Các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam từ lâu đã coi người Công Giáo địa phương, đặc biệt là những người sinh sống ở miền Nam Việt Nam, như những người cộng tác với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Mối quan hệ giữa chính phủ và Tòa Thánh đã được cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên, đối với nhiều chức sắc cao cấp trong và ngoài nước việc ưu tiên cải thiện quan hệ với chính phủ Việt Nam được xem là cố gắng để giải thoát cho những người Công Giáo đang bị bỏ tù vì hoạt động chính trị.
Công Giáo là một trong những tôn giáo chính được nhà nước công nhận, và thường được để yên nếu không công khai chỉ trích các hoạt động của nhà nước.
Các nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận thường bị đối xử tàn tệ hơn nữa. Giống như Miến Điện dưới thời bọn quân phiệt, Việt Nam sử dụng hình thức quản thúc tại gia để kiềm chế các hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến cao cấp. Tôi đã gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ, là vị Tăng thống bị cấm không cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại thiền viện của ngài tại Sài Gòn vào năm 2011, trong một tòa nhà được theo dõi bởi công an chìm thỉnh thoảng lén nhìn qua tờ báo cầm trên tay trong khi giả bộ nhấm nháp cà phê bên kia đường.
Ngài năm nay 84 tuổi, và bị giam giữ dưới nhiều hình thức khác nhau từ năm 1975. Ngài nhận định rằng tại thời điểm này nhà cầm quyền Việt Nam lo sợ một cái gì đó giống như cuộc nổi dậy Ả Rập, vì đất nước có đến hơn 30 triệu người có thể vào mạng lưới toàn cầu trong bối cảnh của một quốc gia có lần đã có những tăng trưởng về kinh tế nhưng nay đang kiệt quệ dần vì tình trạng tham ô và khả năng quản lý quá yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước.
Một trong những cái gai trong mắt của nhà nước là Dân Làm Báo, một blog đã bị nhà bước chỉ trích vì đưa ra các bài bình luận về những vụ đấu đá ác liệt trong nội bộ Đảng Cộng sản.
Trong một email gửi cho tôi ngay sau khi nhà nước mô tả blog này như là “một âm mưu mờ ám của các thế lực thù địch”, một biên tập viên của Dân Làm Báo yêu cầu đừng nêu tên thật của ông và giải thích rằng “độc giả đói thông tin về các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, về sự giàu sang của họ, về những vụ lạm dụng quyền lực và tham nhũng của họ, cũng như những cuộc đấu đá nội bộ xảy ra giữa các phe phái. Blog của chúng tôi bao gồm tất cả các chủ đề này, và đó là lý do ‘chính trị’ khiến cho nhà nước Việt Nam tích cực săn lùng blog của chúng tôi”.
Hận thù của nhà nước đối với Dân Làm Báo còn cay nghiệt hơn nữa chỉ mới trong tuần qua thôi. Blogger Nguyễn Hoàng Vi viết trên Dân Làm Báo mô tả chi tiết việc các quan chức công an đánh đập và lột quần áo của cô và ra lệnh cho y tá nhà nước khám xét bên trong chỗ kín của mình trong khi cô đang bị giam giữ trái phép vào ngày 28 tháng 12 tại công an Phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Cô viết trên Dân Làm Báo: “Tôi cào tay, nắm tóc họ, nhưng sức mạnh của một người làm sao đương đầu nổi với bốn người họ hợp lại. Cuối cùng tôi bị họ lột trần truồng”.
Vi đã bị bắt giữ ở phía trước bên ngoài tòa án trong cùng ngày tòa dự trù xét xử đơn kháng cáo của các bloggers bị cầm tù là Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải.
Ủy ban Bảo Vệ Các Nhà Báo cho biết ba người đã bị buộc tội thành lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do Việt Nam mà nhà nước không thừa nhận, và đã bị kết án tù khắc nghiệt trong tháng Chín về tội tuyên truyền chống lại nhà nước.
Theo Simon Roughneen
http://www.irrawaddy.org/archives/23738

0 comments:

Powered By Blogger