Đúng
ngày tận thế, chiều 21-12-2012, ông Điện lực VN (tên giao dịch quốc tế
là Vietnam Electricity, viết tắt là EVN) thông báo tăng giá điện, tính
cả năm 2 lần tăng là 10%. Nụ cười của người Việt vừa thoát khỏi ngày tận
thế chưa rời khỏi khóe môi đã héo lại vì bị “tận thu”. Cái số người dân
Việt bây giờ vì thế ít khi nào có nụcười trên môi. Xin đừng đặt câu hỏi
vì sao một số người Việt bây giờ lại “vô cảm” đến thế. Lý do giản dị
bởi còn chạy gạo hộc xì dầu, không có tiền thì vợ con đói, bố mẹ không
có thuốc, chưa biết chết lúc nào, nên đành phải “mắc bệnh vô cảm” vậy,
dù lương tâm có bị cắn rứt cũng phải chịu. Công việc nhà chúng em còn
nhiều lắm, ông thông cảm hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì tới “cơm gạo
áo tiền” nhà chúng em. Nhưng còn một ông lớn mắc bệnh vô cảm nặng hơn,
công khai thách thức dư luận.
Ông Điện Lực VN mắc bệnh vô cảm nặng
Cái thời buổi này nó thế, nhất là dịp năm hết tết đến này, người dân
có hàng chục thứ phải lo. Công nhânđi làm xa, lo lấy cái vé tàu về quê
cũng ăn chực nằm chờ suốt đêm vẫn chưa mua được, lại phải nhờ đến cò chợ
đen. Nỗi lo lương thưởng tết không có, lấy gì mua bánh cúng ông bà, lấy
gì mua cho con manh áo mới. Chưa nói đến một số doanh nghiệp nợ lương
từ tháng này qua tháng khác, tháng này không biết còn nợ nữa không. Rồi
vẫn lo cái xe gắn máy cà tàng sắp phải đóng thuế “phí sử dụng đường bộ”.
Ông ngân hàng nhà nước cũng “nhân dịp cuối năm” này ép hạ lãi suất gửi
ngân hàng xuống thêm 1% nữa. Nỗi lo hơn nữa là thất nghiệp. Mấy cô cậu
làm trong ngân hàng đang nơm nớp lo bị “cắt giảm nhân sự”. Nói cho đúng,
làm ở sở càng lớn, lương càng cao, càng lo. Công nhân các công ty xí
nghiệp càng nhỏ, lương càng “hẻo”, càng lo, chưa biết năm sau công ty sẽ
đi về đâu, nỗi lo thất nghiệp vẫn canh cánh bên lòng. Ấy thế mà vẫn
tăng giá điện gấp gáp, bất ngờ, có ông ví von như một cú dí điện vào
lưng nhân dân. Như thế ông điện lực còn mắc bệnh vô cảm nặng hơn nhiều!
Người lao động và đại gia cũng cùng bị điện giật
Thế cho nên khi được tin tăng giá điện, cả nước nhảy nhỏm y chang bị
điện giật. Có hàng ngàn câu nói cửa miệng của người lao động thốt ra.
Mấy cái doanh nghiệp cũng thất thần, hãng nào cũng phải sử dụng điện
trong khi hàng ế ẩm, bán giá cũ chưa ai mua, nay lại tăng giá nữa, làm
sao bán hàng? Cho thợ nghỉ hàng loạt hay cho thợ làm 3 ngày một tuần,
vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Chỉ còn nước đóng cửa. Đóng kiểu nào
còn tùy theo tình hình. Đóng theo kiểu bán hết máy móc thiết bị, ông chủ
bỏ nhà không vườn trống, chạy mất tiêu là gọn nhất. Tha hồ cho mấy anh
thợ đứng chờ như hòn vọng phu. Kiểu đó không thiếu gì ông chủ đã và đang
áp dụng có hiệu quả tại VN.
Nhưng tình trạng của người lao động còn thê thảm hơn nhiều. Vậy xin
chứng minh cụ thể tiếng nói của người dân trước. Trong số hàng ngàn ý
kiến trên hầu hết các trang báo cho người dân “xì hơi”, đa số ý kiến đều
cho rằng EVN làm ăn thua lỗ những năm trước không phải do lỗi của người
tiêu dùng nên không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm. Mời bạnđọc những
tâm sự rất ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa:
Thà tận thế cho khỏe
- Bạn Lao Đao thất vọng quá đến mức phải thốt lên: Vừa vượt qua được
cái tận thế lại đụng ngay cái tận thu của anh Điện, tuần sau anh Giao
Thông cũng sẽ tận vét với cái phí giao thông cho các loại xe! Thà tận
thế thiệt cho khỏe!!!
- Bạn Phạm Văn Lâm than bóp đã xẹp: Những ngày cuối cùng của năm 2012
giá điện tăng “hốt hụi chót”…Bóp của dân thực sự đã xẹp lép, làm gì còn
tiền để đóng “phí bảo trì đường bộ” ngayđầu năm đây hỡi những ông Quan
ơi?…
- Bạn Tiếng xưa nhìn nồi cơm nhà mình: Người dân đã oằn mình với bao
thứ thuế, Sở Điện lực cũng ráo riết ra tay. Nồi cơm lại vơi đi rồi, Sở
Điện lực ơi!
- Bác Bảy Đại Ca hỏi thăm các nhà làm kinh tế vĩ mô và “siêu tiến sĩ”
VN: Đây là kinh tế vĩ mô và người dân sẽ ngộp thở, là nhờ các siêu tiến
sĩ làm luận án, tăng lãi để bù lỗ và người dân ngóc đầu lên không nổi. –
Bạn Năm Khang sâu sắc hơn: Cái mất nhiều hơn: Hết biết, hết biết, hết
biết! Trong khi, Chính phủ mới có chỉ đạo trong phiên họp tháng 11 là
phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; kềm chế lạm phát. Và tại sao phải
tăng giá để bù lỗ do tự mình kinh doanh yếu kém. Thật sự không còn biết
tin vào cái gì nữa. Dân phải ép mình mà trả thêm tiềnđiện, trả thêm phí
bảo trì đường bộ mà tâm không phục, khẩu không phục. Có thêm tiền, nhưng
cái mất là nhiều hơn!
- Bạn TBDKN nói đến nguyên tắc ngược đời trong kinh doanh: Theo
nguyên tắc cung cầu của thị trường thì mua càng nhiều, giá càng giảm
nhưng EVN thì không! mua càng nhiều càng bị “chém”.Một mình một chợ muốn
làm gì thì làm. Chẳng có ngành nghề nào kinh doanh sướng như EVN, thua
lỗ thì nhà nước cứu, còn lợi nhuận thì đem chia nhau xài. Bó tay.
- Bạn Hiep, emailhiep63@mail.vn lại tỏ ra khôi hài: Đúng là 5 anh em
trên 1 chiếc xe ‘tăng’:‘xăng tăng -điện tăng -nước tăng -gaz tăng -vàng
tăng’ mà lương…chậm tăng!
- Bạn có địa chỉ email tuanhonglac@… đặt câu hỏi “Tăng giá điện là
điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều năm. EVN độc quyền bán điện rồi độc
quyền tăng giá, lại còn nói “Không tác động lớn”. Cơ sở nào để các ông
nói là không tác động lớn? Thử làm dân nghèo xem có tác động hay không
khi mà người dân đã cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu, nay giá điện lại
tăng thì lấy khoản nào bù vô? Đó là chưa kể giá điện tăng sẽ làm giá
hàng hóa tăng theo. Tại sao làm ăn lỗ lại bắt khách hàng gánh cho
mình?”.
- Cụ Lão Nạp kết luận: Người dân không bị tận thế thì cũng bị tận… số với các ông: Điện, giao thông, xăng dầu!
Chỉ nghe bằng ấy lời “tả oán”của người dân, bạn đọc đã có thể nhìn rõ
được tâm trạng của người dân Việt hiện nay “mười phân vẹn mười” như thế
nào, khỏi cần bình luận thêm, phải không bạn? Không chỉ người dân nghèo
than khổ, các đại gia chủ doanh nghiệp cũng than khổ.
Tiếng kêu của các đại gia trong các doanh nghiệp
* Ông Đỗ Phước Tống (giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh): Quá
ngán giá điện: Phải nói là quá bất ngờ.Trước đó, hầu như tôi chưa nắm
được thông tin nào về việc tăng giá điện bắt đầu từ hôm nay (22-12). Thú
thật, tôi đã quá ngao ngán về vấn đề này. Doanh nghiệp, người tiêu dùng
than quá nhiều về giá điện nhưng Bộ Công thương có bao giờ nghe.
Từ đầu năm đến nay, nhiều loại chi phí đầu vào tăng giá mạnh, nhưng
sản phẩm bán ra không thể tăng giá. Trong ngành cơ khí chúng tôi, phần
điện rất nặng. Hầu hết các khâu sản xuất đều phải dùng điện.
Tại Công ty Duy Khanh, chi phí tiền điện chiếm khoảng 4% trong tổng
chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện có tác động rất lớn đến hoạt động
của công ty. Trong khi đó ở thời điểm này không thể tăng giá đầu ra vì
còn phụ thuộc vào sức mua, doanh nghiệp phải tự gánh khoản tăng giá điện
lần này.
Ép dân và các doanh nghiệp quá đáng
Thời gian thông báo tăng giá điện chỉ trong vòng 01 ngày. Đúng là chỉ
có công ty điện lực được nhà nước bao cấp mới có khả năng làm như vậy
để ép dân chúng tôi. Tôi chỉ vừa nghe tin tăng giá điện hôm qua, vậy mà
hôm nay nhân viên điện lực đã đến cơ sở sản xuất của tôi đễ chốt giá
điện báo tăng giá.
Dân chúng tôi xài điện, đóng tiền điện – cũng xem như là khách hàng
của công ty điện, nhưng liệu chúng tôi có được sự tôn trọng như là khách
hàng?
Thử hỏi nếu là một doanh nghiệp muốn báo tăng giá sản phẩm thì cũng
phải thông qua một thời gian thông báo trước để khách hàng có tâm lý
chuẩn bị và tính toán lại. Đằng này thấy ép chúng tôi quá. Dường như
ngành điện giờ trở nên quá độc đoán nên chỉ trong 01 ngày thông báo tăng
giá là ngày mai áp dụng ngay, để dân chúng không kịp có tiếng nói gì.
Chính phủ có thẩm quyền thì chỉ yêu cầu EVN bù lỗ nhưng không yêu cầu
rõ chính sách bù lỗ hay biện pháp hạn chế sự độc đoán của EVN, thay vì
bằng việc cải tổ lại bộ máy hoạt động sao cho hiệu quả tránh thất thoát
hơn thì EVN chỉ đơn giản nhất là móc túi dân, bắt người dân như chúng
tôi – những người làm ăn cực khổ ngày đêm thiếu ăn thiếu ngủ để tính
toán sao cầm cự được vì không thể tăng giá đầu ra nhưng phải đủ sức nuôi
thợ có công ăn việc làm ổn định, phải gồng gánh hết thuế này thuế nọ.
Rồi lại phí này phí kia, rồi hết điện tăng rồi có ngày xăng, nước lại
tăng, giá nguyên liệu tăng theo… Mỗi thứ tăng một ít 5%, 3%, 4% thì
chúng tôi chỉ còn biết dẹp tiệm….
Tìm mọi lý do để móc túi dân
Bây giờ bạn đã hiểu tại sao doanh nghiệp (DN) VN đóng cửa lu bù, công
nhân thất nghiệp, nạn trộm cướp hoành hành dữ dội, mại dâm từ chân dài
thành thị đến con gái nhà quê mọc lên như cỏhoang… và còn nhiều những hệ
lụy khác làm băng hoại xã hội phát sinh từ những quy định thiếu thực
tế, chỉ lo đến cái ngân sách của ngành mình, của cơ quan mình hơn là đời
sống của dân. Các ông làm kinh tế vĩ mô, các nhà “siêu tiến sĩ”như bác
Bảy Đại Ca đã “xưng tụng” bỏ quên mất đời sống của người dân sẽ chịu ảnh
hưởng như thế nào. Hoặc là cố bám víu lấy một chỉ thị của cấp trên để
thi hành máy móc theo kiểu “cố tình hiểu sai, hiểu lầm” nhanh chóng đưa
ra những quyết định “bảo hoàng hơn vua”. Viện ra đủ lý do để móc túi dân
cho nhanh. Thí dụ “EVN công nhận năm 2012 lãi khoảng 3.500-4.000 tỉ
đồng, nhưng vẫn phải tăng giá điện để bù các khoản lỗ trước đây”. Lỗ vì
ngành điện lực sẵn tiền trong tay, mang đầu tư ngoài lãnh vực chuyên môn
của mình như bất động sản, viễn thông, chứng khoán…, để lỗ hơn 20.000
tỉ, lỗi này hoàn toàn do sự quản lý yếu kém của EVN. Đầu tư không đúng
chức năng, làm thất thoát tài sản của nhà nước thì trách nhiệm trước hết
thuộc về lãnh đạo EVN, phải bỏ tiền túi ra mà đền. Không thể bù các
khoản lỗ bằng cách tăng giá điện, đánh vào người tiêu dùng, họ không có
tội.
Theo một chuyên gia, giá điện đã có thể không gánh nhiều áp lực tăng
như thế, nếu EVN quản lý tốt hơn, tiết giảm nhiều chi phí đầu vào cấu
thành giá điện. Đặc biệt là tổn thất điện năng nhiều năm qua dù đã có
yêu cầu phải giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao (trên 9%). Theo vị này, chỉ
cần giảm 1% tổn thất điện năng thì mỗi năm ngành điện đã tiết kiệm thêm
được cả ngàn tỉ đồng. Đỡ khổ cho dân biết mấy.
Lại đến những chuyện bất hợp lý từ ngân hàng
Và cũng nhân “dịp đặc biệt” này, chỉ sau 1 ngày giá điện tăng, ông
Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), bèn ra ngay cái quyết định giảm lãi suất,
trước hết là giảm đầu vào tức là giảm tiền lời của dân, bù đắp cho ngân
hàng để giảm lãi suất cho DN vay. Cơ quan này thừa nhận tình hình doanh
nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp,
hàng tồn kho ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng hạn
chế.
Việc giá tiêu dùng được kiềm chế ở mức thấp cũng là điều kiện để lãi
suất tiếp tục giảm. Dự kiến cả năm nay, lạm phát chỉ tăng khoảng 7% so
với năm ngoái.
Như vậy đây là lần thứ 4 liên tiếp trần lãi suất tiền gửi VNĐ giảm,
từ mốc 14% vào đầu năm. Các loại lãi suất điều hành khác còn được điều
chỉnh với tần suất dày đặc hơn, mặc dù suốt 25 tháng qua, NHNN giữ
nguyên lãi suất cơ bản 9% một năm.
Dự báo của các ông có tính đến việc tăng giá điện, mọi thứ sẽ tăng
theo, lạm phát và tiêu dùng có còn giữ được mức đó không? Cho nên ông
NHNN mới vội đưa ra quyết định giảm lãi suất cho “hợp thời trang”. Nếu
để vài hôm, giá tăng đùng đùng mới đưa quyết định ra sẽ là bất hợp lý.
Đúng là một quyết định khôn ngoan của các ngài làm kinh tế vĩ mô! Khôn
hơn dân là cái chắc. Nhưng vẫn có những bất hợp lý không che giấu được.
Quýt làm cam chịu
Một bất hợp lý dễ thấy là những DN, nhất là DN nhà nước, làm ăn thua
lỗ, sao lại bắt dân chịu? Thí dụ những DN, từ hàng chục năm trước đây,
vay vốn ngân hàng kiểu “tay không bắt giặc”, mua 1m2 đất chỉ có vài trăm
ngàn đồng, khi bán cả triệu đồng, lời hàng ngàn tỉ, dân được hưởng cái
gì? Đến khi xây nhà, xây siêu thị, lại lời thêm một lần nữa, xây vài
trăm triệu, bán cả chục tỉ, ai ăn? Dân được cái gì?
Thế mà khi nhà đất xây ra rồi để đó định kiếm lời vài trăm tỉ nữa,
nhưng gặp lúc “đóng băng”, ế dài. Dân lại chịu đủ kiểu để “tháo gỡ” cho
các “vua nhà đất”, nói chung là những “DN đang gặp khó khăn”. Khi ăn thì
đại gia ăn hết, khi thua thì lấy tiền dân bù vào có hợp tình hợp lý
không?
Còn ngân hàng khi cho các DN vay nặng lãi trên 20%, khi đó DN có ăn,
trả lãi đầy đủ cho ngân hàng. Ai ăn? Khi vỡ lở ra, NH không định giá kỹ
hoặc móc ngoặc với DN, cho DN không vốn hoặc ít vốn vay, bây giờ không
đòi được nợ thành “nợ xấu”. Lỗi này hoàn toàn thuộc về ngân hàng, dân có
tội gì? NH có bổn phận phải tự cứu mình. Mang tiền dân ra “cứu nguy”
lại là điều bất hợp lý khác nữa. Chung quy quýt làm cam chịu, người dân
có tí tiền gửi tiết kiệm, thơm như quả cam đỏ hồng, bị “gí” mà không nói
năng gì được. Phần khác, khi viện dẫn lạm phát bao nhiêu phần trăm là
tự các ông nói thôi, người dân hoàn toàn mù tịt, không thể biết lạm phát
lên xuống ra sao. Theo suy luận giản dị của người dân, chỉ căn cứ vào
giá cả cứ tăng, đời sống ngày một khó khăn hơn hay dễ thở hơn, đó là lạm
phát tăng hay giảm. Cho nên người dân không khỏi bất bình về cách “áp
đặt”này của NHNN. Ông NHNN đã căn cứ vào chỉ thị của chính phủ là phải
hạ lãi suất, đó là điều ai cũng mong cho giá cả hạ nhiệt. Nhưng cách làm
của NHNN là cứ cái gì “đè” được thì “đè” cho nó nhanh gọn, không có
sáng kiến tìm ra giải pháp khác và không có lý lẽ thuyết phục.
Lúc này mọi việc đầu tư đều khó khăn, người dân chỉ có lựa chọn là
gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Thôi thì nay hạ, mai hạ lãi suất,
không kiếm được tí tiền lời như trước cũng gỡ được cái vốn không bị hao
mòn vì đồng tiền mất giá. Ăn tiêu vào tiền lời gửi NH tức là ăn vào vốn
của mình hay nói theo cách của người bình dân là mình cắn vào tay mình.
Ngay cả việc gửi tiền vào ngân hàng, có người cho rằng như thế cũng
là “liều” vì chưa biết lúc nào NH có thể vỡ nợ. Họ tin vào sẽ không có
NH nào vỡ nợ trong thời gian này cả vì nếu một NH vỡ nợ thì các NH khác
cũng vỡ theo, nên NH phải cứu nhau. Nhưng đấy chỉ là niềm tin mỏng manh
trong từng thời điểm mà thôi, ngày mai có thể khác, đó là nhận định của
một chuyên gia kinh tế.
Bạn Van viết trên báo Thanh Niên ngày 23-12-2012: “Muốn nói gì thì
nói, lạm pháp quá cao, cái gì cũng tăng. Từ điện, gas, nước, xăng, thực
phẩm, thu phí cầu đường v.v. Tất cả đều tăng như ngựa phi, tiền đang mất
giá. Ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm quá thấp, người dân phải rút tiền
tiết kiệm ra mua vàng, ngoại tệ để phòng thủ. Chứ biết làm sao bây giờ!
Doanh nghiệp than, nhưng kiếm tiền rất bộn. Muốn mượn tiền với lãi suất
thấp nhưng làm giàu rất mau. Chuyện kinh doanh là chuyện của họ, có
dính dáng gì đến người dân mà phải hy sinh cho các đại gia này làm giàu.
Cứ nghèo hoài cho họ giàu à!!!!”
Nếu có một bất cứ một “kênh”nào gửi tiền có lời hơn 8%, họ sẽ rút
tiền ra ngay. Thí dụ nhà đất ấm lên, có lời, người ta lập tức đầu tư vào
chỗ khác, hơn là gửi NH nay ép mai ép. Lúc đó sợ NH không phản ứng kịp,
tình hình sẽ ra sao?
Trong khi đó chẳng biết NHNN có kiểm soát được triệt để các NH cho DN
vay đúng như quy định không và NH có“đi đêm”, lách lãi suất không? Điều
này ông Thống đốc NHNN biết hay không biết? Còn một số quy định sẽ được
áp dụng từ đầu năm 2013 đang làm người dân đau đầu. Tôi xin bàn đến vào
những ngày đầu năm.
Văn Quang- Sài Gòn
0 comments:
Post a Comment