Tuần qua, có từ khóa làm xôn xao dư luận Việt Nam. Đấy là nhóm từ “văn hóa từ chức” do ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tung ra, khi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội VN, họp ngày 14/11/2012.
Đoạn quan trọng nhất của câu hỏi cho ĐBQH Dương Trung Quốc nguyên văn như sau:
(trích)
(A)
“….Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không phải chỉ là lời xin lỗi.
Phải chăng thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm.
Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta cũng coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Còn đảng ta cũng đã từng có một vị tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng tháng 8 năm 45′, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956, đã từ chức và tiếp tục phấn đấu, để rồi 3 thập kỷ sau trở lại với cương vị tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc “Đổi mới”, trước khi từ trần.
Kính thưa thủ tướng, tóm lại xin có hai câu hỏi.
Một, thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân?
Hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”(hết trich).
Chỉ ít phút sau câu hỏi của ĐBQH Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời ngay lập tức, rất suông sẻ, như có tập dượt trước:
(B)
(trích)..Đối với tôi đó thì, hôm nay còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua đó tôi không có xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác.
Và mặt khác thì tôi cũng không có từ chối, không có thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.
Là một cán bộ đảng viên của Đảng thì cũng báo cáo Quốc hội là tôi cũng có nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình, báo cáo với Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình.
Và Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất đạo đức, cả về năng lực, khả năng, cả về sức khỏe thương tật, cả về tâm tư nguyện vọng của tôi.
Và Đảng đã lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi. Và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công.
Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương đảng, của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi.
Tóm lại là có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi.
Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.”(hết trích)
Bài viết này, tôi muốn làm rõ hơn bản chất của đoạn đối thoại nổi tiếng trên.
1. Những bất cập của ý kiến về “văn hóa từ chức” của Dương Trung Quốc.
1.1 – Ông Dương Trung Quốc không nói rõ ra rằng trong ý kiến của ông, các nước tiên tiến có văn hóa từ chức là những nước nào? Ông nói: “…văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm.”
Theo tôi hiểu, thì ông muốn nói đến các nước dân chủ trên thế giới hôm nay.
Nếu vậy thì đúng như ông nhận xét là các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển, Na Uy,… là những nước dân chủ có “văn hóa từ chức”.
Ở những nước này, khi 1 lãnh đạo để trong bộ phận mình lãnh đạo xẩy ra những sự kiện bị dư luận xã hội lên án hay những khiếm khuyết trong điều hành gây tổn hại lớn cho xã hội… thì việc từ chức là hiện tượng chúng ta thường được truyền thông loan tải, thông báo.
Thực chất của hiện tượng này là phía sau, có sức ép của 1 điều luật . Điều luật này rất khắt khe với các công chức lãnh đạo, với chính trị gia, với quân nhân… và 1 điều luật không qui bản là: nếu họ đã phạm khuyết điểm mà không tự nguyện từ chức sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Trường hợp từ chức của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon là 1 ví dụ điển hình. Theo điều khoản 4 Hiến pháp Hoa Kỳ: “Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác”
Ông Dương Trung Quốc đã lấy hiện tượng từ chức có văn hóa của các nước dân chủ tiên tiến đòi Thủ tướng cộng sản VN phải dùng nó làm gương để bắt đầu “thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại – là văn hóa từ chức” là ông đã không hiểu được tình hình chính trị Việt Nam.
Việt Nam là nước đảng trị,do ĐCS VN toàn trị.
Việt Nam không thèm học các nước tư bản dẫy chết.
Nếu phải học, thì VN chỉ tin cậy và học Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba… mà thôi.
Mà ở TQ, Cu Ba,.. hiện tượng cha truyền, con nối,… bám đến cùng chức vụ là truyền thống của các chế độ cộng sản này.
1.2 – Ông Dương Trung Quốc có nói đến việc từ quan giữ tiết tháo của “các cụ nhà ta” trong lịch sử Việt Nam. Đúng là trong lịch sử Việt Nam, ta có đọc và tìm ra 1 số nhân vật lỗi lạc của các triều đại phong kiến khi bất đồng quan điểm về kiến quốc,.. với vua thì thường thoái quan ở ẩn để giữ tiết tháo.
Dùng ví dụ gượng ép này của lịch sử VN, nhà sử học Dương Trung Quốc đã cố tình quên rằng: Những đại trí thức, những người có lòng ái quốc nồng nàn trong lịch sử VN là những người đức cao trọng vọng. Dù có ở các vị trí quan lại cao, song họ không bao giờ tham nhũng, lòng họ là trong sạch.
Yêu cầu 1 Thủ tướng, tham nhũng đủ mọi mánh khóe, học tập những con người cao cả này, hình như ông Dương Trung Quốc đã phát biểu không có cân nhắc kỹ.
1.3 TBT Trường Chinh từ chức?
Sự kiện TBT Trường Chinh mất chức TBT ĐCS VN là sự thật. Song ông ta từ chức hay bị kỷ luật cách chức, còn là 1 điều mập mờ.
Chỉ biết rằng cùng với Trường Chinh là Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng cũng mất chức Ủy viên BCT còn Lê Văn Lương bị loại khỏi BCH TW ĐCS VN.
2. Bình luận về trả lời của Thủ tướng.
CT Hồ Chí Minh có nói: Muốn có CNXH phải có con người XHCN.
CT lại nói thêm: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện ưu tú của lớp cây do ĐCS VN ươm từ hạt giống đỏ thành Thủ tướng hôm nay.
Ông ta trả lời ĐBQH Dương Trung Quốc: “Tóm lại là có thể nói là gần suốt cả cuộc đời tôi đi theo Đảng hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp quản lý của Đảng, tôi cũng không có chạy, tôi cũng không có xin và tôi cũng không có thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi.”
Qua câu nói này, ông Thủ tướng đã thể hiện bản lĩnh, đã lĩnh hội hết các đặc tính XHCN mà HCM muốn ươm. Đó là người không có một chút chủ nghĩa cá nhân trong mình. Đó là con người toàn tâm toàn ý phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng CS VN.
Muốn làm được điều này, đầu tiên phải biết nói ngược.
Nghĩa là khi mang quà đến cấp trên, không được nói là em mang quà hối lộ cho anh để mong anh xét cho em vào chức nọ, chức kia.
Ai nói như vậy là kẻ hối lộ, kẻ cá nhân chủ nghĩa.
Ông Dũng khi còn là công an canh bãi, nếu có mang quà cho cấp trên của mình, ông ta chỉ là do tình cảm quí mến đồng chí lãnh đạo tận tụy, chứ không phải là chạy chức.
Còn khi lãnh đạo hiểu ý, phân công cho đ/c Dũng chức vụ cao hơn, thì đ/c Dũng cũng vì nhiệm vụ lãnh đạo giao, đảng giao mà tận tụy nhận phong bì của dân, rồi chuyển lên cho cấp trên để thăng tiến hơn nữa.
Hôm nay, con trai ông đang noi gương ông, không yêu cầu mà Đảng cứ giao cho chức Thứ trưởng, không chạy chức mà Đảng tín nhiệm cho vào TW.
Con gái ông thì không thích tiền, nhưng noi gương cha của mình đang cố gắng trong 4 chức vụ CEO.
Thật là cả nhà cùng đạo đức cao thượng.
Kết luận.
Tại hội nghị TW6, 129 vị ủy viên TW không cho rằng cần phải kỷ luật Thủ tướng.
BCT ĐCS VN cũng không dám kỷ luật 1 đồng chí.
CT nước Trương Tấn Sang tránh phạm húy, chỉ gọi người đáng phải kỷ luật là đ/c X.
Còn ông Dương Trung Quốc trước 90 triệu người Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất nhà nước này, dám yêu cầu đích danh Thủ tướng khởi đầu cho văn hóa từ chức.
Ông ĐBQH Trung Quốc kể ra cũng là 1 người dũng cảm.
Thủ tướng Dũng nhân câu hỏi của ông ĐBQH, có cơ hội trước 90 triệu người Việt Nam, trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất nhà nước này, dãi bầy lòng trung thành với đảng, dãi bầy công lao và tấm lòng tận tụy vì quốc gia này, dù sức khỏe kém. Thủ tướng đã khẳng định trước bàn dân thiên hạ là sẽ tiếp tục làm Thủ tướng theo tin tưởng phân nhiệm của đảng, và chẳng thèm chú ý đến cái gọi là văn hóa từ chức của ông Dương Trung Quốc.
Thủ tướng là “cây tùng, cây bách” do đảng ươm mầm. Tương lai, con trai Thủ tướng, hiện là thứ trưởng, cũng trở thành “cây tùng, cây bách” như Thủ tướng.
Thủ tướng vẫn là Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.”, còn ông Dương Trung Quốc vẫn là ĐBQH.
© Nguyễn Nghĩa
© Đàn Chim Việt
0 comments:
Post a Comment