Sunday, November 18, 2012

Toàn Cầu Bị Chiếu Bí

Chúng ta đang sống trong một thế giới đảo điên…. Hoa Kỳ vừa kết thúc tổng tuyển cử thì Trung Quốc mở ra Đại hội khóa 18 trong khi cả thế giới vẫn ngổn ngang nhiều nan đề không có giải pháp. Bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định sự thể với cái nhìn bất ngờ về một thế giới bất thường.
Hoa Kỳ mất hai năm và sáu tỷ Mỹ kim cho tổng tuyển cử, để cuối cùng thì quay vào chân tường: ách tắc chính trị! Nhưng không chỉ có nước Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất sau Hoa Kỳ là Trung Quốc và Âu Châu cũng đang bị chiếu bí. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu chuyện ly kỳ này.
Ách Tắc Hoa Kỳ
Trong cuộc tổng tuyển cử 2012 tại Hoa Kỳ, ngoài chức vụ cầm đầu Hành pháp tốn mất hai tỷ tranh cử, dân Mỹ còn bầu lại cơ chế Lập pháp là lưỡng viện Quốc hội. Kết quả thì Quốc hội khóa 113 là sao bản của Quốc hội khóa 112 được bầu lên từ năm 2010: đảng Cộng Hoà vẫn nắm chắc Hạ viện, đảng Dân Chủ giữ nguyên Thượng viện, nhưng chưa đủ 60 ghế để vượt qua thủ tục câu giờ “filibuster” và làm chủ nghị trình. Trong 50 Tiểu bang, có 30 Thống đốc bên Cộng Hoà, với khá nhiều quyền lực khả dĩ hạn chế tầm ảnh hưởng của Tổng thống.
Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Barack Obama không được rộng tay như với Quốc hội khóa 111 khi ấy hoàn toàn do đảng Dân Chủ kiểm soát từ 2008 đến 2010. Dù là từ nay sẽ khỏi cần xin phiếu nữa, ông Obama chưa thể tung hoành và hoàn tất công trình cải tạo xã hội của ông. Những mâu thuẫn và đình trệ tới độ tê liệt của hai năm vừa qua có thể lại tái diễn.
Nhìn trong trường kỳ thì Hoa Kỳ vừa trải qua một sự chuyển dịch văn hóa.
Giữa chu kỳ suy trầm kinh tế lồng trong khủng hoảng tài chánh vì nợ nần chồng chất từ mấy chục năm, Chính quyền Obama không đặt ưu tiên là giải quyết vấn đề kinh tế và tạo thêm việc làm để phục hồi lợi tức. Ông tiến hành cải tạo xã hội, social engineering.
Kế hoạch kích thích kinh tế gần 800 tỷ không đạt kết quả trông đợi, đạo luật cải cách chế độ bảo dưỡng y tế được thông qua sau 18 tháng tranh đấu mà khỏi cần một lá phiếu Cộng Hoà. Lợi ích của đạo luật hơn hai ngàn trang chưa được thấy, phải đợi đến năm 2014, nhưng đã gây rạn nứt xã hội và âu lo cho các tiểu doanh nghiệp.
Ông Obama tái tranh cử khi đà tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới 2%, thất nghiệp mấp mé 8%, có 47 triệu người cần trợ cấp lương thực – gấp 75 lần số người có việc làm mới kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm 2009. Ngân sách bị bội chi kỷ lục sau khi thâm hụt thêm mỗi năm hơn ngàn tỷ nên gánh nặng công trái đã cao bằng Tổng sản lượng. Ông tranh cử với tỷ lệ tin tưởng dưới 50% và hai phần ba dân Mỹ cho rằng Hoa Kỳ bị chệch hướng. Vậy mà ông vẫn thắng: dù với hậu thuẫn thấp hơn lần bầu cử 2008, ông được phân nửa dân chúng ủng hộ.
Nhắc lại khẩu hiệu của James Carville, rằng “kinh tế mới quan trọng!”, người ta cho là yếu tố kinh tế – hoặc sự sa sút kinh tế – sẽ quyết định kết quả bầu cử. Rồi dựa vào một kinh nghiệm lịch sử là từ Thế chiến II tới nay không ai tái đắc cử với tỷ lệ thất nghiệp trên 7%, người ta cũng đoán rằng Obama sẽ thất cử. Mà đoán sai!
Những nhược điểm của ban tranh cử Cộng Hoà không thể giải thích hết nghịch lý này. Chiến lược tran cử bên đảng Dân Chủ mới là yếu tố quyết định mà đảng Cộng Hoà lại nhìn không ra.
Một Tổng thống ít kinh nghiệm và kém tài năng vẫn có thể tái đắc cử nếu khéo vận động được hậu thuẫn của một số thành phần cử tri khá đông đảo gồm có giới trẻ, phụ nữ độc thân và sắc dân da màu. Nguyên do sâu xa là sự chuyển dịch chậm rãi của dân số đã dẫn tới nhiều thay đổi văn hoá trong xã hội Mỹ.
Phân nửa cử tri không cần biết đến một Hoa Kỳ mạnh và đoàn kết trong tinh thần tự tin, tự trọng và tự chủ của truyền thống. Họ chỉ cần ai đó bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình là đủ. Trong đó không chỉ có những quyền tự do xã hội và luân lý như phá thai, hôn nhân đồng tính, v.v….
Khía cạnh kinh tế chính trị của nền văn hóa đang thành hình này là quyền “phúc lợi vô biên” – và tất nhiên. Từ kết quả vừa qua, các ứng cử viên cho cuộc tranh cử 2016 và 2020 có thể nghĩ đến chiến lược ban phát phúc lợi và thoả mãn một thành phần cử tri đủ đông là sẽ thắng cử.
Thế giới bên ngoài thì rất thích một nước Mỹ được lãnh đạo như vậy. Sức nặng kinh tế, ngoại giao và quân sự và vị thế siêu cường độc bá của Hoa Kỳ khiến thiên hạ không yên tâm. Nhưng Hoa Kỳ không có phương tiện tài trợ nếp sống phúc lợi vô biên đó. Sau cuộc bầu cử, trong hai ngày liền thị trường cổ phiếu tuột giá mất 3% vì nhìn vào vực thẳm tài chánh sẽ mở ra từ mùng hai Tháng Giêng: giảm chi và tăng thuế sẽ gây ra suy trầm lần nữa. Nhìn trong lâu dài, người ta e ngại là tình trạng bế tắc chính trị sẽ tiếp tục nên Hoa Kỳ khó giải quyết được bài toán kinh tế của mình.
Mà không chỉ có Hoa Kỳ.
***
Trung Quốc Hóc Khóa

Trung Quốc đang chuyển giao lãnh đạo từ thế hệ thứ tư qua thế hệ thứ năm, một tiến trình 10 năm thực hiện một lần, đã thành nếp từ hai chục năm qua. Được chuẩn bị từ lâu, việc chuyển quyền qua Đại hội khoá 18 lại gặp trục trặc từ đầu năm với vụ Bạc Hy Lai bị cách chức.
Biến cố không chỉ xuất phát từ hành vi mờ ám của người vợ trong một vụ sát nhân, nó phản ảnh một tình trạng khủng hoảng nguy ngập hơn của chế độ. Với tham vọng tiến vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ chế có quyền lực nhất đảng và nhất nước, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Ủy viên Bộ Chính trị gồm 25 người, là đại diện khuynh hướng “Tân tả” mà thực ra là cực hữu.
Với chủ trương khôi phục tư tưởng Mao Trạch Đông, đề cao tinh thần dân tộc và áp dụng nghệ thuật mị dân, xu hướng này muốn cải cách Trung Quốc và tăng cường vai trò của đảng và nhà nước. Vài ngày trước khi Đại hội 18 khai mạc, Bạc Hy Lai bị trục xuất khỏi đảng để sẽ bị truy tố về tội hình sự. Nhưng xu hướng Tân tả này chỉ mất tiếng nói đại diện chứ vẫn hiện hữu và có ảnh hưởng trong đảng và quân đội.
Đã vậy, lãnh tụ thuộc thế hệ thứ ba là Giang Trạch Dân tiếp tục chi phối tiến trình chuyển quyền, là gài người của mình vào Thường vụ và giảm thiểu ảnh hưởng của lãnh tụ thuộc thế hệ thứ tư là Hồ Cẩm Đào. Ngoài khía cạnh mưu thuật chính trị kiểu Trung Quốc như vậy, người ta thấy ra nhiều nan đề mới mà các lãnh tụ của thế hệ thứ năm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường không dễ giải quyết.
Từ khi lên lãnh đạo sau Đại hội khóa 16 vào năm 2002, các lãnh tụ thuộc thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo đã thấy ra sự bất toàn của mô thức phát triển do Đặng  Tiểu Bình đề xướng và Giang Trạch Dân thực hiện. Nó không san bằng được sự dị biệt giàu nghèo giữa các thành phần kinh tế và các khu vực địa dư. Ba kế hoạch phát triển vùng Đông Bắc, miền Tây và khu vực Trung Bộ đã được ban hành mà không có kết quả. Các tỉnh duyên hải tiếp tục tăng trưởng mạnh và bỏ rơi khu vực lạc hậu ở bên trong.
Sau Đại hội 17 năm 2007, lãnh đạo đảng đã ý thức được – và nói đến – yêu cầu cải cách. Họ muốn chú trọng đến phẩm chất của tăng trưởng, tập trung quyền lực vào trung ương để phân bố lại phương tiện một cách đồng đều hơn cho các tỉnh và tái phân lợi tức để nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa hầu bớt lệ thuộc vào lãnh vực xuất cảng.
Nỗ lực ấy lại bị trở ngại từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Bên trong, nhiều đảng bộ địa phương muốn bảo vệ quyền lực và cả quyền lợi nên không sốt sắng chấp hành cải cách, thậm chi còn cản trở hoặc chỉ áp dụng những gì có lợi cho vây cánh của họ. Bên ngoài, nạn Tổng suy trầm 2008-2009 sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 khiến đà tăng trưởng có thể giảm sút mạnh vì sự co cụm của các thị trường Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản.
Vì vậy, việc chuyển hướng từ lượng qua phẩm bị đình hoãn, Bắc Kinh ào ạt tăng chi và bơm thêm tín dụng cho nền kinh tế. Kết quả là giữa nạn tổng suy trầm, kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh, với sản lượng vượt qua Nhật Bản vào năm 2010. Nhưng hậu quả của biện pháp kích thích là thổi lên trái bóng đầu cơ, chất lên một núi nợ của các ngân hàng và chính quyền địa phương trong cảnh tham nhũng tràn lan.
Và quan trọng nhất, sự bất cân đối trong cơ cấu vẫn gia tăng.
Kết cuộc thì cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo đều công nhận bốn nhược điểm của nền kinh tế là thiếu công bằng, thiếu cân đối, thiếu phối hợp và không bền vững. Việc cải cách không thành và tham nhũng là mối đe dọa cho sự tồn tại của đảng và cả nhà nước, như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phát biểu trong báo cáo về kinh tế chính trị tại Đại hội 18 vào tuần qua.
Đã vậy, tranh chấp quyền lực trên thượng tầng vẫn tiếp tục giữa các phe phái như “Thái tử đảng” và “Đoàn phái”, giữa xu hướng đẩy mạnh tăng trưởng và kinh doanh kiếm lời với xu hướng đại chúng (một mỹ từ của chữ mị dân) là phát triển lợi ích của đa số quần chúng nghèo khổ.
Với vai trò Tổng bí thư rồi Chủ tịch Nhà nước, Tập Cận Bình phải thỏa hiệp với các lãnh tụ khác trong Thường vụ Bộ Chính trị, nay chỉ còn bảy thay vì chín ủy viên như trước với cơ chế mới có chiều hướng bảo thủ hơn trước vì hai Ủy viên Bộ Chính trị có tinh thần cải cách nhất về chính trị là Lý Nguyên Triều và Uông Dương lại không được vào Thường vụ.
Lớp người lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm tới vẫn khó thống nhất quan điểm về phương hướng cải cách, trong khi nguy cơ động loạn đã lan rộng. Dân chúng bất mãn về đủ mọi vấn đề, như bất công, tham nhũng, ô nhiễm môi sinh, lạm phát, cường hào ác bá, v.v… và biểu tình ngày một đông hơn, dưới nhiều hình thức bạo động hơn.
Chính mối nguy động loạn càng khiến các lãnh tụ mới càng e ngại thay đổi trong cuộc tranh luận về cải cách kinh tế cho cân đối hơn, cải cách xã hội cho hài hòa hơn, và nhất là cải cách chính trị cho thông thoáng hơn. Và tinh thần “đồng thuận” là một cách gọi khác của ách tắc.
Trong khi ấy, nhu cầu xoa dịu và điều hướng sự bất mãn của người dân lại dẫn tới việc đề cao chủ nghĩa dân tộc, tinh thần bài xích ngoại quốc và chủ trương đối ngoại hung hăng. Kết cuộc thì trong càng bất ổn thì bên ngoài càng tỏ vẻ ngang ngược.
Vì phải tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ, ít ra trong vài năm tới, Hoa Kỳ không ở vào hoàn cảnh dễ dàng ứng phó với những thách đố này. Âu Châu cũng vậy.
***
Liên Âu Ly Tâm

Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị tổng tuyển cử và Trung Quốc chuẩn bị Đại hội đảng, từ 2010 đến nay, Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng của khối Euro với hậu quả lan rộng vào Liên hiệp Âu châu.
Liên Âu gồm có 27 thành viên, trong đó có 17 nước đã thống nhất tiền tệ thành khối Euro. Vụ khủng hoảng Euro khiến 10 nước còn lại (Anh, Ba Lan, Hung, Tiệp, Thụy Điển, Đan Mạch, Latvia, Lithuania, Romania và Bulgaria) không thấy mặn nồng với dự án thống nhất hệ thống ngân hàng để cứu nguy đồng Euro. Ngay bên trong khối Euro, khác biệt cũng đào sâu giữa các nước lâm nạn ở miền Nam, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ý, với các nước thuộc loại cốt lõi và vững mạnh hơn ở miền Bắc, đứng đầu là Đức.
Theo khảo sát của Hội đồng Âu châu, đà tăng trưởng kinh tế năm 2012 có thể giảm, Liên Âu mất 03% và khối Euro mất 0,4%. Qua năm tới, đà tăng trưởng được Hội đồng dự báo là sụt từ 1% xuống 0,1% cho cả Liên Âu và từ 1,3% xuống 0,4% cho khối Euro. Trong hoàn cảnh trì trệ như vậy, không ai muốn hy sinh cho xứ khác và mình bị thất cử.
Hậu quả của sự kiện này là mâu thuẫn giữa cường quốc hải đảo là nước Anh, với cường quốc lục địa là nước Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cố cứu vãn đồng Euro và gặp trở ngại từ các nước lâm nạn ở miền Nam vì người dân của các nước này không chấp nhận chách sách khắc khổ kinh tế. Nhưng mâu thuẫn nặng nhất lại đến từ nước Anh. Khi Đức đề nghị san xẻ phí tổn cấp cứu cho các nước qua dự thảo ngân sách Liên Âu, Thủ tướng Anh là David Cameron dọa sẽ dùng quyền phủ quyết.
Vương quốc Anh là thành viên trụ cột của Liên Âu, nhưng vẫn chân trong chân ngoài và duy trì nền độc lập tiền tệ chứ không gia nhập khối Euro, như Pháp hay Ý. Mâu thuẫn Anh-Đức về đồng Euro còn phản ảnh nhiều sức ly tâm nghiêm trọng hơn trong khối Âu Châu.
Hệ thống phòng thủ Âu châu dựa trên Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO gồm 28 thành viên do Hoa Kỳ là chủ chi. Bên dưới lá chắn NATO, 26 thành viên Âu Châu lại nhìn về ba hướng. Cùng nước Anh, các nước phía Bắc chủ trương xiết chặt quan hệ với Hoa Kỳ và phòng thủ toàn phương vị, chống lại nguy cơ mọi mặt. Các nước Tây Âu thì hết sợ mối lo từ Liên bang Nga, hậu thân của Liên Xô, lại nghĩ khác và quan tâm nhiều hơn đến Trung Đông. Các nước Đông Âu thì không quên được sự đe dọa truyền thống của Nga và muốn Hoa Kỳ tăng cường bảo vệ.
Say hương hoa nhài, ba nước Anh, Pháp, Ý trong khối NATO đã chiêu dụ Obama can thiệp vào cuộc nội chiến Libya như nhảy vào ổ kiến lửa. Kết cuộc thì nền dân chủ chưa xuất hiện, ngày 11 Tháng Chín, Hoa Kỳ còn bị quân khủng bố tấn công tại Benghazi khiến Đại sứ Christopher Stevens cùng ba người khác thiệt mạng. Giữa cuộc tranh cử, Chính quyền Obama đã khéo ém tin để khỏa lấp vụ khủng hoảng và thoát nạn!
Nhưng nhìn trong trường kỳ và đối chiếu chuyện Libya với Syria, là nơi mà nạn tàn sát thường dân còn nghiêm trọng gấp bội, người ta thấy Hoa Kỳ và Âu Châu đành sẽ bó tay trước hành vi hung đồ của các chế độ độc tài, hay quân khủng bố. Từ Pakistan về tới Trung Đông hay từ Trung Quốc xuống vùng biển Đông Nam Á….
Vì vậy, sau khi nhiễu âm của bầu cử hay Đại hội đảng đã lắng dịu, người ta thấy các đại cường trên thế giới đều như bị chiếu bí. Hoa Kỳ xoay vào trong với một Quốc hội hai đầu, Trung Quốc loay hoay với nhu cầu chuyển hướng và rủi ro động loạn, Âu Châu không thể quyết định được gì vì quá nhiều nước vẫn giữ quyền phủ quyết…. Đấy là chuyện ly kỳ nhất của thời sự trong hai năm tới, khi người ta lại bắt đầu nói đến chuyện bẩu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.

0 comments:

Powered By Blogger