Monday, November 19, 2012

Mỹ đẩy mạnh chính sách Châu Á Thái Bình Dương

Tổng thống Obama đến dự Thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh (REUTERS)
Tổng thống Obama đến dự Thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh (REUTERS)
Tổng thống Obama vốn sinh ở Hawai và lớn lên ở Indonesia. Ông từng tự cho mình là « tổng thống Thái Bình Dương » đầu tiên của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã chuyển hướng chiến lược của nước Mỹ về vùng Châu Á Thái Bình Dương. Vừa đắc cử nhiệm kỳ hai, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông lại là một loạt các nước thuộc vùng này.
Điều đó khẳng định quyết tâm trở lại vùng Châu Á Thái Bình Dương của tổng thống Obama trong nhiệm kỳ 2. Liên quan đến chủ đề này, báo Les Echos chạy tựa « Obama chứng minh rằng nhiệm kỳ hai của ông sẽ mang đậm màu sắc Châu Á ».
Tờ báo nhắc lại, khi mới tiếp quản Nhà Trắng hồi đầu năm 2009, tổng thống Obama đã chọn nước đi thăm đầu tiên là anh bạn láng giềng Canada, và phải đợi đến cuối năm đó thì ông mới đến Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Thế nhưng lần này, ông chọn đi công du nước ngoài đầu tiên là Châu Á Thái Bình Dương. Và hôm qua, ông đã chính thức cuộc hành trình 3 ngày đến vùng này như là một lời chứng minh cho việc tiếp tục chính sách trở lại khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Chuyến viếng thăm này diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực lo ngại trước những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, một sự lựa chọn rất có chủ đích.
Nước đầu tiên mà ông Obama đặt chân đến đó là Thái Lan. Vì sao ? Vì Thái Lan là đồng minh suốt 180 năm qua của Mỹ, tức đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đây là nước có vai trò quan trọng trong hệ thống các căn cứ quân sự triển khai ở nước ngoài của Mỹ. Từ những căn cứ hải quân và không quân của Thái Lan, quân đội Hoa Kỳ có thể tiến hành những cuộc tập trận quy mô như cuộc diễn tập mang tên Cobra Gold hồi năm 2011 với sự tham gia của 13 000 quân nhân của 24 nước. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng đã cho biết sẽ tiến hành thương thảo để tăng cường các hoạt động thương mại với Hoa Kỳ và với các nước thành viên của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Thế nhưng, theo Les Echos, điểm nhấn của lần công du này của tổng thống Obama sẽ là Miến Điện. Ông Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đất nước này. Ông Obama không chỉ gặp tổng thống Miến Điện Thein Sein mà còn hội kiến với lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi. Đây là một động thái thể hiện sự ủng hộ của chính phủ Obama đối với tiến trình cải cách dân chủ do tổng thống Thein Sein tiến hành tại Miến Điện. Trong bối cảnh đó, không ít người đã không đồng tình với ông Obama và cho rằng tổng thống Obama đã tỏ ra sốt sắng quá sớm đối với chính phủ Thein Sein, bởi vì tiến trình dân chủ tại Miến Điện vẫn chưa xong và hồ sơ xung đột sắc tộc và tôn giáo ở nước này còn đang nóng bỏng.
Dư luận Miến Điện chia rẽ về chuyến thăm của tổng thống Mỹ
Bài viết của Libération phản ánh tâm tư tình cảm của dân Miến Điện đối với chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ. Tờ báo dẫn lại lời của một số sinh viên Miến Điện hoan nghênh chuyến thăm của tổng thống Obama, nhưng các sinh viên này còn tỏ ra dè dặt chưa dám đề cập thẳng đến vấn đề chính trị. Vì sao ? Tờ báo đã nêu ra một thực trạng có thể giải đáp thắc mắc trên, đó là dù được cho là đã bắt đầu bước vào con đường dân chủ, nhưng cách quản lý của nhà cầm quyền Miến Điện vẫn còn nặng theo kiểu quân phiệt cũ.
Dưới một góc nhìn khác, một hướng dẫn viên du lịch Miến Điện cho rằng, bên cạnh việc hô hào dân chủ, chuyến thăm Miến Điện của tổng thống Obama cũng còn nhắm đến lợi ích kinh tế của nước Mỹ. Người này cho rằng, tổng thống Obama đã muốn tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương để kềm chế « chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc » bằng biện pháp tăng cường hiện diện quân sự từ đây đến năm 2020, giờ đây chuyến công du này của ông sẽ mở rộng lối vào khu vực cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Libération cho rằng, người chiến thắng lớn nhất trong cuộc chơi này là tổng thống Miến Điện Thein Sein : được bầu làm tổng thống dân sự hồi tháng 3 năm ngoái, ông Thein Sein đã vượt mọi mong đợi với một thời gian ngắn kỷ lục trong việc được Hoa Kỳ tháo bỏ lệnh cấm vận và sắp tới sẽ còn được nhận trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
Trung Quốc : cải cách chỉ là viễn tưởng ?
Dư luận thế giới mấy ngày qua bàn nhiều về tương lai cải cách của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Một câu hỏi đặt ra là liệu chỉ một hoặc hai cá nhân đứng đầu có thể làm thay đổi cả hệ thống hay không ? Báo Les Echos nhận định là không, với bài phân tích chạy tựa « Đảng Cộng sản Trung Quốc là một cỗ máy nghiền nát các nhà cải cách ».
Tờ báo cho rằng, ông Tập Cận Bình có thể được xem là người thực tế hơn so với người tiền nhiệm, còn ông Lý Khắc Cường thì là người cẩn trọng có đầu óc canh tân, ấy thế nhưng ngoài hai người này ra, tất cả những người được cho là có óc canh tân đều đã không lọt được vào Thường vụ Bộ Chính trị, trong khi đó một số nhân vật được cho là cộm cán của chính sách cứng rắn lại lọt vào. Tức là, theo tờ báo, định chế có quyền lực cao nhất này bao gồm một người có óc thực tế là ông Tập Cận Bình, một người có tư tưởng tự do nhưng cẩn trọng là ông Lý Khắc Cường, và hai ông này sẽ phải đối mặt với số nhân vật còn lại theo đường lối bảo thủ.
Nhìn sâu hơn, Les Echos cho rằng, không thể đánh giá chính xác tình hình Trung Quốc nếu chỉ dựa vào sự phân tích một vài cá nhân đứng đầu, mà phải nhìn vào toàn hệ thống. Tờ báo nhắc lại một số minh chứng về những lần trễ hẹn của tiến trình cải cách tại Trung Quốc. Đó là việc cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo khi còn tại vị đã không ít lần tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về lập trường cái cách chính trị của mình, thế nhưng đó chỉ là lời nói, chứ còn trong thực tế ông đã hành động hoàn toàn khác.
Hồi năm 2002, ông Giang Trạch Dân cũng từng đọc diễn văn trước đại hội Đảng khẳng định tính nghiêm trọng của nạn tham nhũng và quyết tâm loại trừ nó, thế rồi giờ đây trước đại hội Đảng ông Hồ Cẩm Đào cũng đọc diễn văn lập lại y hệt nguyện vọng đó. Tờ báo cho rằng, sự lập lại này giống như lời thừa nhận thất bại trước tham nhũng trong 10 vừa qua của cặp đôi Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo.
Tờ báo nhấn mạnh, Đại hội vừa qua lại một lần nữa minh chứng rằng đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là một cỗ máy, không một cá nhân nào được phép có tư tưởng khác biệt với đường lối chính thống. Tờ báo nói thêm, không một cá nhân nào có thể có sức nặng thật sự trên cả tập thể, một tập thể mà ngày càng siết chặt hàng ngũ để bảo vệ lợi ích nhóm trong đó có lợi ích của riêng mình.
Trong bối cảnh đó, Les Echos dẫn lời của một nhà quan sát cho rằng, ông Tập Cận Bình có thể chỉ là một tấm bình phong mà cả tập thể đẩy ông ra hứng chịu gió mưa để bảo vệ cho lợi ích của cả tập thể.
Đông Nam Á : tranh chấp lãnh thổ dẫn đến chạy đua võ trang ?
« Châu Á và Châu Đại Dương là hai bạn hàng lớn mua vỹ khí hạng nặng », đó là tựa đề bài thông tin đăng trên nhật báo Le Monde.
Tờ báo cho biết, theo báo cáo năm 2012 của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) về vũ khí và an ninh toàn cầu, các nước Châu Á và Châu Đại Dương đã mua đến phân nửa số vũ khí hạng nặng trong giao dịch vũ khí trên thế giới trong giai đoạn 2007-2011. Năm nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh đều thuộc khu vực này, đó là : Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Trung Quốc và Singapore.
Liên quan đến vùng Đông Nam Á, trong giai đoạn năm 2007-2011, lượng mua vũ khí của các nước thuộc khu vực này đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2002-2006. Điều đáng chú ý là, sự gia tăng này lại có nguyên nhân chính là tình trạng leo thang tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển quanh Trung Quốc. Báo cáo cũng chỉ rõ, tại Ấn Độ và Trung Quốc có đến 80% vũ khí được nhập từ Nga. Trong khi đó, vũ khí do Mỹ sản xuất chiếm đến 74% lượng nhập khẩu vũ khí của Hàn Quốc và 43% của Singapore.
Bàn về khu vực Bắc Phi và Trung Đông, báo cáo cho biết, các chính sách chuyển giao vũ khí cho hai khu vực này bắt đầu gây tranh cãi dữ dội từ khi bùng nổ mùa xuân Ả Rập, và từ đó rất ít tiến triển.
Nhìn trên toàn thế giới, báo cáo cho hay, giao dịch vũ khí trong giai đoạn 2007-2011 đã tăng 24% so với giai đoạn 2002-2006. Năm nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh với 3/4 thị phần thế giới. Trung Quốc đứng hàng thứ tư trong số các nước nhập nhiều vũ khí hạng nặng nhất, và đứng thứ 6 trong số các đại gia xuất khẩu vũ khí, tức tăng được một bậc so với giai đoạn 2002-2006.
Đức rời xa Nga và xích lại gần Ba Lan
Nhìn về Châu Âu, Le Monde có bài « Đức xa Nga và xích lại gần Ba Lan ». Tờ báo cho biết, hồi ông Gerhard Schroder còn là thủ tướng Đức, ông và tổng thống Putin khi ây đã không ngừng thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa hai nước. Thế nhưng, ngược lại với người tiền nhiệm, đương kim thủ tướng Angela Merkel đang dần tỏ ra lạnh lùng với Nga. Bằng chứng là trong cuộc viêng thăm lạnh nhạt vừa qua của bà đến Matxcova.
Tờ báo nhắc lại, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết bao gồm 17 kiến nghị gửi đến chính phủ Merkel trong đó đầu tiên là yêu cầu chính phủ này tăng cường sức ép về hồ sơ nhân quyền của Nga mà các nghị sĩ Đức cho là đang ngày càng bị bóp nghẹt từ khi ông Putin trở lại điện Kremlin.
Trong bối cảnh đó, hiện có đến 6 000 doanh nghiệp Đức hoạt động ở Nga, Đức cần khí đốt của Nga. Giao dịch giữa hai nước hiện đạt 75 tỷ euro, thế nhưng Nga vẫn chưa phải là đối tác thương mại lớn hơn Bỉ và Ba Lan. Có lẽ vì vậy mà chính phủ Đức mới không ngại xa Nga để xích gần hơn với Ba Lan trong bối cảnh kinh tế khó khăn này ?

0 comments:

Powered By Blogger