Wednesday, September 19, 2012

Phái đoàn nhân quyền LHQ gặp luật sư của blogger Điếu Cày



Blogger Tạ Phong Tần, Điếu Cày và Phan Thanh Hải .
Luật sư của blogger Điếu Cày, ông Hà Huy Sơn, cho biết ngày 13/9 nhân viên thuộc nhóm công tác về nhân quyền của Liên hiệp quốc tại khu vực đã tiếp xúc với ông để tìm hiểu về phiên xử 3 blogger bao gồm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSàiGòn sắp diễn ra trong tháng này.
Luật sư Sơn phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Tôi có gặp 2 nhân viên thuộc nhóm làm việc về nhân quyền của Liên hiệp quốc. Tôi gặp tại Hà Nội trong khoảng 1 tiếng, sáng hôm 13/9. Họ hỏi về tình trạng giam giữ và diễn biến của vụ án. Họ nói rằng họ sẽ quan tâm đến vụ án này và sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để tìm hiểu về vụ án.”

Luật sư Hà Huy Sơn cho hay cùng ngày 13/9 ông đã nhận được thông báo chính thức từ tòa rằng phiên xử ba blogger Điếu Cày, Anhba Sài Gòn, và Tạ Phong Tần lần này dự kiến diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 24/9 tại Tòa án Nhân dân TPHCM sau 3 lần đình hoãn trước đây.

Luật sư Nguyễn Quốc Đạt, người bảo vệ cho blogger Tạ Phong Tần, cho biết trong quyết định nhận được từ chính quyền Việt Nam về thời điểm phiên xử có một nét mới so với các quyết định liên quan trước đây:

“Tôi đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 24/9. Quyết định tôi mới nhận xác nhận là có 9 nhân chứng. Đây là một nét mới so với các quyết định đưa vụ án ra xét xử trước đây, không đề cập tới vấn đề triệu tập nhân chứng. Chị Tạ Phong Tần và tôi cũng có yêu cầu phải triệu tập nhân chứng liên quan vụ việc. Tôi thấy đây cũng có một số nhân chứng cũng phù hợp với yêu cầu đề đạt của tôi, nhưng không đầy đủ.”

Trong danh sách 9 nhân chứng ghi trong thông báo của Tòa có tên của nhà hoạt động trẻ Nguyễn Tiến Trung, người đang chịu án tù 7 năm về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Vụ bắt giam và đưa ra xét xử 3 blogger thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do: Điếu Cày, Anhba Sài Gòn, và Tạ Phong Tần nêu bật tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang bị công luận quốc tế tố cáo là xuống dốc.

Blogger Điếu Cày được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhắc tên khi đề cập tới hiện trạng vi phạm nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Bộ trưởng Đức gốc Việt Philipp Rösler thăm Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Rösler .
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Rösler hiện ở Việt Nam trong chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày.

Được biết, chuyến đi với sự tháp tùng của khoảng 50 đại diện doanh nghiệp Đức nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa Hà Nội và Berlin.

Ông Rösler nhận định rằng Việt Nam là một trong những quốc gia ‘đang vươn lên trong khu vực tăng trưởng kinh tế ASEAN, và Đức muốn ‘có quan hệ đối tác chặt chẽ và mở rộng mối quan hệ’ với Việt Nam.

Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các giới chức cấp cao khác của Việt nam, ông Rösler dự Diễn đàn đối thoại Đức-Việt với đại diện giới kinh tế.

Hôm 17/9, Bộ trưởng Rösler đã có bài phát biểu trước sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội, và tại đây, ông đã được trao bằng Tiến sĩ danh dự.

Ngoài các cuộc gặp trên, ông còn tới thăm một số doanh nghiệp, dự lễ khánh thành Trường phổ thông giao lưu Đức-Việt và một Trung tâm công nghệ Đức-Việt.

Năm 2011, Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, và giao thương giữa hai nước đã tăng 28%, lên tới 5,7 tỷ euro.

Trước đây, ông Rösler, 39 tuổi, từng tới thăm Việt Nam nhưng trên danh nghĩa cá nhân.

Trả lời phỏng vấn tờ Spiegel của Đức trước khi tới Hà Nội, ông Rösler nói rằng Việt Nam là một phần của cuộc đời ông.

Ông Rösler cũng bày tỏ hy vọng rằng các doanh nghiệp Đức sẽ được hưởng lợi từ chuyến thăm của ông. Ông cho rằng Việt Nam là quốc gia đang lên, và đã đạt được nhiều thành quả trong những năm vừa qua, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, nhất là vấn đề pháp quyền.

Ông Rösler từng bị bỏ rơi bên ngoài một cô nhi viện Công giáo trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, rồi được đưa sang Đức, và tại đây, ông đã được nhận làm con nuôi.

Nguồn: German Embassy, SPIEGEL VietNamNet Bridge

Việt Nam khởi tố ‘Bầu Kiên’ thêm 2 tội danh, bắt 2 đồng phạm

Ông Nguyễn Ðức Kiên bị khởi tố thêm hai tội danh.
Báo chí trong nước đưa tin, ông Nguyễn Đức Kiên, 58 tuổi, nguyên phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa bị khởi tố thêm hai tội danh: Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

‘Bầu Kiên’, một trong những người giàu nhất Việt Nam, đã bị khởi tố và bắt giam hôm 20 tháng 8 về tội ‘kinh doanh trái phép’ theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.

Ngoài ra, tin trong nước cho hay, ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội cũng mới bị bắt giam và bị khởi tố với vai trò đồng phạm.

Trước đó, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB cũng đã bị bắt để điều tra tội ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Ngoài chức danh tại ACB, ông Nguyễn Đức Kiên, hay thường được gọi là ‘Bầu Kiên’, còn là Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội và Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp.

Vụ bắt giữ ông Kiên từng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rúng động và sụt giảm mạnh.

Được biết, hình phạt đối với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng có thể lên tới 20 năm tù giam, và án cao nhất đối với tội chiếm đoạt tài sản là tù chung thân.

Nguồn: AFP, VnExpress, Tuoitre, Dan Tri, VTC

Chưa có thời hạn chót để hoàn tất hiệp định TPP

Vòng đàm phán thứ 14 của hiệp định tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và 10 nước châu Á Thái Bình Dương trong tuần này đạt tiến bộ nhưng vẫn chưa đặt ra thời hạn chót để giải quyết các vấn đề tồn tại, giữa lúc Việt Nam tiếp tục găp áp lực của Hoa Kỳ về chuyện cải tổ các xí nghiệp quốc doanh.

Kết thúc vòng đàm phán này hôm Chủ nhật tại Virginia, Hoa Kỳ, bà Barbara Weisel, Trưởng đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Kỳ mong kết thúc hiệp định TPP càng nhanh có thể được.

Hoa Kỳ và 8 nước -- Australia, New Zealand, Chile, Peru,  Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam -- đã bàn về TPP từ tháng 3 năm 2010.

Mới đây, Canada và Mexico đã nhận lời tham gia vòng thứ 15 tại Auckland, New Zealand vào tháng 12.

Các thành viên TPP đang tham khảo với Nhật Bản để xem nước này có muốn gia nhập hay không, nhưng Nhật vẫn chưa dứt khoát.

Bà Weisel cho biết các nước đàm phán chưa định ngày chính thức ký kết nhưng 2013 sẽ là năm “trục xoay.”

Mục tiêu của TPP là phá bỏ các rào cản thương mại truyền thống và giải quyết những vấn đề như tạo điều kiện để các dòng dữ liệu thương mại được lưu thông tự do giữa các thành viên, hoặc đặt ra những quy tắc cho các “xí nghiệp quốc doanh” đang cạnh tranh với các xí nghiệp tư nhân trên khắp châu Á Thái Bình Dương.

Trong thời gian đàm phán, Việt Nam gặp áp lực của Hoa Kỳ về những quy tắc liên quan đến hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói Việt Nam có “một chương trình rất lớn và minh bạch để tái cấu trúc các xí nghiệp quốc doanh,” nhưng sẵn sàng thảo luận nếu có ai cung ứng “bằng chứng là có nhu cầu thực sự.”

Ông Khánh còn cho rằng bất kỳ quy tắc mới nào cũng phải chú ý đến nhiều loại xí nghiệp quốc doanh và nhu cầu phát triển của từng quốc gia.

Nguồn: Reuters, VOVNews.vn

Dân biểu Sanchez: Hạ viện Mỹ tiếp tục thúc đẩy nhân quyền cho người dân Việt Nam

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez.
Giữa lúc tình hình nhân quyền Việt Nam tiếp tục bị quốc tế tố cáo là xuống dốc, Hạ viện Hoa Kỳ hôm 11/9 thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 ngăn cấm chính phủ Mỹ không được tăng viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam nếu Hà Nội không có cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền và Nghị quyết 484 yêu cầu chính phủ Hà Nội phải tôn trọng quyền căn bản của công dân và chấm dứt lạm dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như điều 79 và 88 trong Bộ luật Hình sự để giam cầm những nhà tranh đấu cho dân chủ-nhân quyền một cách ôn hòa. Diễn tiến này có ý nghĩa thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau? Trà Mi phỏng vấn dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ Tịch Nhóm Nhân Quyền Việt Nam, người đệ nạp Nghị quyết 484 lên Quốc hội Mỹ.

Trước tiên, dân biểu Sanchez chia sẻ cảm nghĩ về việc Hạ viện Mỹ cùng lúc thông qua hai dự luật quan trọng liên quan đến nhân quyền Việt Nam.


Dân biểu Loretta Sanchez:
Tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã nỗ lực để hai dự luật này được thông qua. Nghị quyết 484 do tôi đệ nạp được 30 thành viên trong Hạ viện thuộc cả lưỡng đảng bảo trợ. Chúng tôi rất vui mừng vì nó đã được Hạ viện đồng loạt nhất trí thông qua. Tôi cho rằng điều này đã gửi ra một thông điệp hết sức rõ ràng cho phía chính phủ Việt Nam.

VOA:
Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp sau khi Nghị quyết 484 và Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 được Hạ viện thông qua, thưa bà?

Dân biểu Loretta Sanchez:
Bước kế tiếp là chúng tôi phải làm việc với bên Thượng viện Hoa Kỳ, thúc đẩy cho Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 do dân biểu Chris Smith đề xướng được Thượng viện thông qua để nó chính thức trở thành luật. Dân biểu Chris Smith và tôi luôn làm việc với nhau vì mục tiêu đó. Các nỗ lực đã được khởi sự. Chúng tôi đã nói chuyện với các Thượng nghị sĩ để tìm cách đưa Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 ra Thượng viện trước cuối năm nay, trước khi nhiệm kỳ Quốc hội này kết thúc. Bởi lẽ Dự luật do ông dân biểu Smith khởi xướng chỉ có tác dụng cho tới ngày 31 tháng 12 năm nay rồi sau đó chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu.

Còn Nghị quyết 484 do tôi bảo trợ đã gửi đi thông điệp của mình, coi như đã hoàn tất và đang phát huy nhiệm vụ của nó. Chúng tôi hiện đang cố gắng nói chuyện với Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC và tiếp tục thúc đẩy các vấn đề này.


VOA:
Các điểm chính của Nghị quyết 484 do bà bảo trợ chống lại các điều luật trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt là điều 79 và điều 88 quy định tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’. Việc này có thể bị chính quyền Hà Nội xem là ‘can thiệp vào chuyện nội bộ’ của Việt Nam. Ý kiến của bà như thế nào?

Dân biểu Loretta Sanchez:
Hà Nội đang yêu cầu Mỹ giúp đỡ trong việc chỉnh sửa lại luật lệ liên quan tới thương mại, doanh nghiệp chẳng hạn. Họ đang yêu cầu các chuyên gia Mỹ giúp viết lại một số hệ thống luật lệ để minh bạch hơn đối với các hoạt động doanh thương, nhất là các hoạt động kinh doanh quốc tế. Cho nên, nếu Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam chỉnh lại các luật lệ về thương mại, thì tôi không hiểu tại sao Mỹ lại không thể giúp Việt Nam viết lại các luật lệ về nhân quyền của Hà Nội. Chính quyền Việt Nam không thể vừa muốn được cái này vừa được cái kia cho quyền lợi riêng của họ. Nếu họ bảo là ‘chuyện nội bộ’ thì tại sao những chuyện kinh doanh ‘nội bộ’ của họ, họ có thể yêu cầu Mỹ giúp đỡ, cớ gì lại coi chuyện nhân quyền là chuyện ‘nội bộ’ không thể can thiệp?

VOA:
Nhân quyền của Việt Nam luôn là mối quan tâm thường xuyên tại Hạ viện Mỹ, và cũng là đề tài thường được tranh luận ở Hạ viện, chứ không phải là ở Thượng viện. Nguyên nhân vì sao, thưa bà?

Dân biểu Loretta Sanchez:
Trong nhiều phương diện, mang vấn đề ra tranh luận ở Hạ viện dễ dàng hơn rất nhiều so với ở Thượng viện. Ở Hạ viện chúng tôi có rất nhiều phương tiện, chúng tôi có rất nhiều cách để tranh luận, thảo luận. Tại Thượng viện có một trở ngại là rất chậm chạp trong việc xúc tiến các vấn đề vì đòi hỏi phải có 60 phiếu thuận chứ không phải chỉ là đa số ủng hộ. Cần phải có 60 phiếu thuận để một vấn đề được đưa ra Thượng viện để tranh luận hay bỏ phiếu. Cho nên, rất nhiều dự luật ngay cả cho nội địa nước Mỹ không được xúc tiến hay đưa ra Thượng viện để tranh luận. Vì vậy, để Thượng viện bàn tới vấn đề nhân quyền Việt Nam vẫn còn là một điều chưa thể thành tựu được. Đó là lý do vì sao cần phải có nhiều thành viên trong Hạ viện của chúng tôi liên lạc với từng Thượng nghị sĩ để vận động cho họ hiểu tầm quan trọng của các vấn đề liên quan đến nhân quyền Việt Nam.

VOA:
Một cách cụ thể, theo bà, hai dự luật vừa được Hạ viện thông qua gửi ra thông điệp gì tới chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ?

Dân biểu Loretta Sanchez:
Điều đầu tiên là để cho Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng thống Obama thấy rằng Hạ viện chúng tôi đang rất quan tâm đến các điều kiện nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Đó là thông điệp đầu tiên chúng tôi muốn gửi tới chính quyền Mỹ.

Còn đối với Việt Nam, có hai thông điệp chính chúng tôi muốn gửi ra. Thông điệp trước tiên gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam rằng chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy cải thiện nhân quyền cho người dân tại Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả, thông điệp lớn nhất của Nghị quyết này là gửi tới tất cả những người đã và đang bị tù đày vì các điều luật mơ hồ của nhà nước như 79 hay 88, tới những nhà hoạt động trẻ, các blogger, những người vẫn đang gióng lên tiếng nói khát khao cho những sự thay đổi tại Việt Nam, rằng chúng tôi đang theo sát họ, bên cạnh họ, và ủng hộ tinh thần cho họ. Vì, như lời của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nói với tôi trước đây, rằng những tiếng nói bên ngoài rất quan trọng đối với các nhà hoạt động trong nước, mang đến cho họ hy vọng và sức mạnh để họ tiếp tục công việc mà họ cần phải làm cho nhân dân Việt Nam.


VOA:
Xin chân thành cảm ơn dân biểu Loretta Sanchez đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc trao đổi này.

Quí vị vừa theo cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Nhóm nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Mỹ, dân biểu Loretta Sanchez, nói về hai dự luật vừa được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hôm 11/9 yêu cầu Việt Nam phải cải thiện nhân quyền nếu muốn Hoa Kỳ tăng viện trợ và giao thương.

Việt Nam: Giá vàng cao nhất từ 12 tháng qua

Cảnh sát Việt Nam bắt một thanh niên buôn lậu 10 kilô vàng.
Theo xu hướng quốc tế, giá vàng tại Việt Nam trong hai ngày cuối tuần ở mức cao nhất từ 12 tháng qua, khoảng 47,40 triệu đồng một lượng, tương đương với 2.273 đôla Mỹ.

Tuy nhiên, nếu so với giá của thế giới – 1.772,60 đôla một ounce, thì giá vàng Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 2,8 đến 3 triệu đồng, khoảng 140 đến 150 đôla.

Các chuyên viên tại Việt Nam nói lý do khác biệt này bắt nguồn từ sự kém hiệu quả trong các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát thị trường vàng trong nước.

Tháng 2 vừa qua, chính phủ Việt Nam có Nghị định số 24, giao cho Ngân hàng Nhà nước kiểm soát việc sản xuất và mua bán vàng, các ngân hàng thương mại không được huy động vốn và cho vay bằng vàng.

Nguồn: Xinhua, livetradingnews.com

Thái Lan biểu tình phản đối chuyện xây đập Xayaburi

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Người biểu tình yêu cầu bà Yingluck bước ra nhận kiến nghị và nghe những đòi hỏi của họ, nhưng bà không xuất hiện.
Campuchia và Việt Nam kêu gọi chính phủ Lào xét lại dự án này và nói rằng nó là mối đe dọa nghiêm trọng đời sống hàng triệu người
Một tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã trình kiến nghị với hơn 9.000 chữ ký của dân Thái lên Thủ tướng Yingluck Shinawatra, phản đối con đập Xayaburi trên sông Mekong gây nhiều tranh cãi, và yêu cầu chính phủ Thái ngưng ủng hộ việc xây đập.

Các đại diện của tổ chức Thai People's Network tụ tập tại Tòa nhà Chính phủ với các biểu ngữ như “chúng tôi, nhân dân vùng đông bắc, sẽ không ủng hộ Thủ tướng Yingluck nữa," hoặc “con đập này sẽ giết chết chúng tôi.”

Người biểu tình yêu cầu bà Yingluck bước ra nhận kiến nghị và nghe những đòi hỏi của họ, nhưng bà không xuất hiện.

Lào muốn xây con đập trên sông Mekong tại quận Thahouy trong tỉnh Xayaburi để sản xuất hơn 1.000 MW điện bán cho Thái Lan và Campuchia.

Theo tổ chức môi trường International Rivers, đập Xayaburi nếu hoàn tất sẽ chặn các tuyến đường di thực cho hằng chục loại cá lên thượng nguồn sông Mekong, tới tận Chiang Saen ở miền bắc Thái Lan, một địa bàn sinh sản quan trọng cho các loại cá trê khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng.

Họ nói rằng đập này sẽ tàn phá hệ sinh thái đa dạng của con sông vốn đã đóng vai trò đáng kể cho các loại cá địa phương cũng như di thực.

Đập này cũng sẽ ngăn chặn dòng phù sa, ảnh hưởng tới nông nghiệp, nhất là đối với 8 tỉnh của Thái và xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Campuchia và Việt Nam kêu gọi chính phủ Lào xét lại dự án này, và nói rằng nó là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hằng triệu người lệ thuộc vào con sông này để có thực phẩm và kế sinh nhai.

Ủy ban sông Mekong, mà Thái Lan và Lào cũng là thành viên, đồng ý rằng việc xây dựng con đập này phải được hoãn lại để thực hiện các cuộc nghiên cứu cặn kẽ về các ảnh hưởng đối với môi trường.

Nhưng các bộ trưởng trong chính phủ Lào nói rằng  các cuộc nghiên cứu đã được thực hiện rồi, và các chuyên gia tham vấn cho biết không có ảnh hưởng tiêu cực quan trọng nào đối với con sông này.

Những ý kiến vừa kể đã bị phản bác bởi các đại biểu của Campuchia và Việt Nam, cùng các cộng đồng ngư dân và các nhà bảo tồn thiên nhiên tụ tập tại Bangkok hôm Chủ Nhật.

Nguồn: The Nation, ooskanews.com

0 comments:

Powered By Blogger