Sunday, September 2, 2012

24 năm nhìn lại một bài viết

Đúng ngày này 24 năm về trước (2-9-1988), với chiếc máy chữ cọc cạch tôi đã “xớ rớ” vào một lĩnh vực không chuyên để hoàn thành bài triết luận xã hội đầu  tiên ”Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển  chỉ đường của Trí tuệ”, bài viết đã dẫn tôi vào một quãng đời mà tôi không  bao giờ ngờ tới, mà hôm nay hồi tưởng tôi cứ buồn cười một mình.
Xuất xứ của bài viết
Số là một hôm ngồi nghe Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo chính trị, chị Đặng Việt  Nga, con gái Chủ tịch Trường Chinh bảo tôi: Thỉnh thoảng nghe những ý kiến phân  tích của anh về xã hội tôi thấy sáng ra nhiều điều, anh nên nói lại một cách hệ thống cho các bạn bè cùng nghe. Thế là, theo thói quen của một giảng viên về Sinh học, tôi vẽ một sơ đồ ra tờ giấy “croquis” cỡ lớn với các ô vuông và các mũi tên (xem phụ lục), chứng minh rằng nếu xuất phát từ quan điểm giai cấp  Mác-xít cực đoan thì không thể đến cái đích Cộng sản mơ ước, mà nửa chừng nhất định sẽ gặp bế tắc, xã hội thoái hóa, bạo lực và dối trá ngự trị, dùng PHƯƠNG  TIỆN sai thì không thể đến được MỤC ĐÍCH, phải thay tấm biển chỉ đường duy ý chí của Mác bằng tấm biển chỉ đường của TRÍ TUỆ… (Trong khi theo các nhà Tuyên Huấn  lúc ấy thì chủ nghĩa Xã hội đang thành công rực rỡ, Liên Xô đã xây dựng xong  XHCN và bước vào giai đoạn Cộng sản, tiếp theo là Cộng hòa dân chủ Đức và Rumani  cũng vậy).
Buổi “báo cáo khoa học” hôm ấy có nhà thơ Bùi Minh Quốc, có hai nhà nghiên  cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư…
Sau đó bạn bè yêu cầu tôi viết ra thành bài và gửi đến các nơi có trách  nhiệm. Hồi âm của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Sông Hương, nhà văn Ma Văn  Kháng…rất tán thưởng, coi đây là những phát hiện khoa học để đóng góp cho xã  hội… Nhưng chẳng bao lâu những đòn phản kích về lý luận bắt đầu giáng xuống suốt  2 năm trời. Tạp chí Sông Hương số 37 đã lên khuôn bài lại bị bóc ra, ông Ủy viên  Bộ Chính trị Đào Duy Tùng đi nói chuyện khắp nơi về “một bài lý luận phản động”, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, tạp chí Thông tin lý luận, tạp chí  Giáo dục lý luận, tạp chí Triết học, tạp chí Cộng sản, Triết gia Trần Đức Thảo… liên tiếp đăng các bài phê phán. Nặng ký nhất (về chính trị) là hai tài liệu của  Trung ương ĐCSVN là “Nêu cao tính chiến đấu chống mọi hoạt động phá hoại về tư tưởng” và “Đề cương giới thiệu Dự thảo cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội  trong thời kỳ quá độ” đã dành nhiều trang phê phán Hà Sĩ Phu là kẻ phá hoại về tư tưởng.
Ở trong nước tất nhiên không nơi nào dám đăng, chỉ chuyền tay, nhưng GS  Nguyễn Ngọc Lan và các bạn ở Pháp đã đưa lọt ra nước ngoài và bài viết đã được đăng và phổ biến rộng rãi.
Ấy thế là cái bút danh Hà Sĩ Phu bị cuộc đời đẩy vào vòng chính trị, thành “nhân vật chính trị” mà khi ấy, nói vô phép hắn chỉ là anh nhà giáo khoa học tự nhiên hiền lành và nhút nhát, cả đời chỉ biết bục giảng và phòng thí nghiệm,  không biết và không liên quan gì, dù chỉ chút xíu, với những thứ “chính trị chính em”!
Thuở ấu trĩ
Tại sao tôi lấy làm buồn cười? Tự cười mình và cười cho cả một hệ thống chính  trị: một bên thì chỉ quen chuyện khoa học, một bên thì ngớ ra và cuống lên trước  một phản biện bất ngờ, đến nỗi trông gà hóa cuốc. Đôi bên cùng ấu trĩ. Hồi ấy  làm gì có Internet, tôi cũng chẳng biết thế giới đã phê phán Mác-Lê ra sao, tất  cả nhận thức chỉ rút ra từ trong đầu, với những lô-gích và kiến thức của các môn  Toán-Lý-Hóa-Sinh mà mình tích lũy được. Nhưng khổ nỗi cái lô-gích khoa học trừu  tượng, duy lý và khúc chiết có thể dẫn ta đến ngay cái gốc của chân lý (một cách  tương đối) mà không cần sự trải nghiệm đầy đủ trong thực tế. Vì chỉ cốt bộc lộ những lô-gích cơ bản thuần túy khoa học, tôi chưa cần đi vào chi tiết để mổ xẻ những thực tế chính trị như đánh giá thế nào về Cách mạng tháng Tám và hai cuộc  chiến tranh với Pháp và Mỹ, đánh giá thế nào về ưu khuyết của ĐCSVN, về nhân vật  lịch sử Hồ Chí Minh…, nên cứ tạm dùng những đánh giá chính thống đang lưu hành.  Tóm lại chưa thể gọi đó là một bài nghị luận chính trị đúng nghĩa. Nhưng vì chạm đến cái gốc của Chủ nghĩa là điểm tối kỵ lúc bấy giờ nên bài viết lập tức bị chính trị hóa, có tác giả đã khẳng định Hà Sĩ Phu phải là tên một tổ chức có mục đích chính trị nguy hiểm.
Lúc đầu nhà nước còn dùng lý luận để đối phó với lý luận
Vì không báo nào đăng bài “Dắt tay nhau…” ấy, nhưng Nhà nước lại đăng hơn hai  mươi bài phê phán nên ông Bùi Tín gọi tình trạng ấy là “Xích tay đối thủ rồi  thách đấu”. Kể cũng bất công, nhưng so với cách ứng xử của nhà nước chuyên chính  với những người bất đồng chính kiến sau này thì sự ứng xử lúc ấy còn phần nào tử tế và nghiêm túc! Vì dù sao lúc ấy Nhà nước còn dùng lý luận công khai để chống  lại lý luận. Chỉ sau khi thấy vũ khí lý luận chính thống tỏ ra bất lực, Nhà nước  mới chuyển sang “đối thoại” bằng Công an. Đến bài thứ ba của tôi (bài “Chia tay  Ý thức hệ”) thì Nhà nước không dùng lý luận nữa, mà dùng kịch bản “tông xe giật  túi” và tặng luôn cho một năm tù. Cứ thế, những nhà bất đồng chính kiến càng về sau càng bị trừng trị nặng nề hơn mà trường hợp Cù Huy Hà Vũ,Trần Huỳnh Duy  Thức…là những ví dụ nặng nề rất điển hình.
24 năm dư luận xã hội đã trưởng thành
Bài viết từ năm Mậu Thìn (1988), trải qua Canh Thìn 2000, nay là Nhâm Thìn  2012, hai mươi bốn năm đầy biến động. Sau khi Liên xô và Đông Âu tan rã  (1989-1990) thì thời kỳ yên bình của các nước Cộng sản còn lại cũng chấm dứt.  Gắng “ổn định” đến 2012 thì mọi chân tướng cũng bị phơi trần , đặc biệt vấn đề nền độc lập nửa vời của Việt Nam có nguy cơ bị Trung Quốc thanh toán nốt là chủ  đề mà trước đây hoàn toàn bị phong kín thì nay cũng phơi bày trước thanh thiên  bạch nhật.
Hoạt động chính trị chẳng qua là sử dụng được sức mạnh của quần chúng, là điều khiển được tâm lý của đám đông. Việt Nam vốn thiếu vắng một giới “Trí thức  chính trị” nên quần chúng cũng nông nổi. Vì nông nổi nên đang lúc bức xúc vì bị Pháp đô hộ liền bị “xui dại” mà nóng vội, nô nức chạy theo một chủ nghĩa hoang  tưởng để bây giờ “xôi hỏng bỏng không”. Nay nhờ có thế giới văn minh, mọi màn bí  mật đều bị vén lên, dân mới khôn ra nhiều, khôn rất nhiều. Về thần tượng “Cha  già dân tộc” chẳng hạn (như một điểm tựa có tính sống còn của tư duy cũ) nay đã  có hàng xê-ri những bài đúc kết để tham khảo và sàng lọc, để có cái nhìn đa  chiều tiếp cận sát hơn với sự thật.
Một ví dụ khác: Hiện nay tâm lý quần chúng đang rất bức xúc trước nạn tham  nhũng, nạn nội xâm đến mức dã man, thì việc bắt trùm sò “bầu Kiên” quả đã gõ  trúng tâm lý đang dồn nén ấy, nếu như trước đây thì quần chúng đã nức lòng hò  reo hy vọng vào “chuyên án” này. Nhưng không, lập tức trên trang Anhbasam  (23/8/2012) đã có lời bình ngắn gọn về 3 khả năng trước sự phân hóa của các phe  phái:
Ủng hộ “chuyên án” để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, cùng “bạn vàng môi răng” dắt tay nhau tiến tới liên bang Trung Cộng XHCN trá hình?
Hay theo ảo vọng một nhà nước tư bản hoang dã độc tài kiểu Nga hậu Xô Viết  của Putin? (Cộng sản biến tướng).
Hay đấu tranh cho một nhà nước pháp quyền, dân chủ thực sự, của Dân, vì  Dân? Trong ba khả năng ấy chỉ hai khả năng đầu (tức hai khả năng xấu, từ hai  phe trong đảng) đã bày ra trước mắt, với bàn tay của ngoại xâm Đại Hán lấp ló  phía sau. Vậy dân phải làm gì để xuất hiện khả năng thứ ba, khi mà số đông đã bị thất vọng kéo dài và trở nên thực dụng chán chường vô cảm, khi mà rất có thể hai  phe trong đảng kia sẽ thỏa hiệp để phân chia quyền lực và cùng nhau chống lại ước vọng dân chủ của nhân dân? Xem thế đủ biết trí thức và dân chúng ngày nay đã  khôn ra nhiều, đã đi guốc trong bụng các phe nhóm trong trò xiếc bán mua quyền  lực. Muốn lợi dụng tâm trạng bức xúc đơn giản của đám đông, dùng một lý thuyết  mị dân để thực hiện ý đồ riêng không phải dễ dàng như hồi Việt Minh nữa.
Cuối cùng, sau hơn 20 năm, trong nước cũng đã có 3 blogger công khai đăng bài “Dắt tay nhau…” của HSP! (blogger Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hữu Quý và Phùng Hoài  Ngọc). Tôi tin rồi sẽ được công khai cả bài “Chia tay Ý thức hệ”, bởi trong thực  tế thì Ý thức hệ Mác-xít hoang tưởng chỉ còn như cái xác không hồn, không còn  ruột gan tim óc, đứng hờ làm chiếc bình phong chờ một ngày đẹp trời để đào sâu  chôn chặt mà thôi. Dù bị trăm ngàn lực cản của con người, lịch sủ vẫn lầm lì  bước tới.
Thế là, hai mươi bốn năm từ lúc bắt đầu phô bày ý kiến phản biện, tôi đã được  bổ sung và tiếp sức rất nhiều từ mạng Internet toàn cầu và từ các thế hệ thức  tỉnh đang hình thành đội ngũ, ngày càng gắn bó hơn với các diễn biến chính trị  để cụ thể hóa những nhận thức khoa học mà lúc đầu mới chỉ khái quát sơ lược.
H.S.P (nhân ngày 2-9-2012)
(Tác giả gửi đăng)

0 comments:

Powered By Blogger