Libya vừa cáo buộc một cuộc không kích của NATO vào thủ đô Tripoli đã giết hại một người con trai của nhà lãnh đạo Gadhaffi, một phát ngôn viên chính phủ cho hay.
Trong diễn văn truyền hình dài một tiếng rưỡi hôm nay, nhà lãnh đạo Libya thề không từ chức.
Libya cho biết không quân NATO đã oanh tạc một địa điểm gần tòa nhà của đài truyền hình quốc gia sáng sớm hôm nay trong lúc nhà lãnh đạo Gadhafi đang ở bên trong tòa nhà này để đọc bài diễn văn cho dân chúng cả nước.
Chính phủ nói rằng vụ oanh tạc này chứng tỏ là lực lượng đồng minh đã chọn ông Gadhafi làm mục tiêu tấn công.
Trong tuyên bố từ thủ đô của Libya, người phát ngôn chính phủ nước này khẳng định tin một người con của ông Gadhafi tên là Saif al-Arab Gaddafi, 29 tuổi, cùng 3 người cháu của ông vừa “tử vì đạo”.
Người phát ngôn này nói Đại tá Gadhafi cũng có mặt tại đó vào thời điểm NATO không kích, nhưng ông không bị thương.
Cùng ngày hôm nay, NATO đã bác bỏ một đề nghị của lãnh tụ Libya Gadhafi về việc đàm phán để chấm dứt vụ xung đột ở Libya.
Một giới chức NATO hôm nay nói rằng liên minh này muốn thấy hành động chứ không phải lời nói suông. Trước đây, chính phủ Libya đã nhiều lần tuyên bố ngưng bắn những vẫn tiếp tục tấn công thường dân. Chiến dịch của NATO sẽ tiếp tục cho tới khi nào thường dân Libya “không còn bị đe dọa”.
Trong khi đó, tiến trình chuyển giao quyền lực ở Yemen chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Phe đối lập chính ở nước này nói Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chối ký thỏa thuận có phần nói về chuyện từ chức của ông để chấm dứt xáo trộn cho quốc gia.
Tin cho biết hôm nay, ông Abdullatif al-Zayani, Tổng thư ký nhóm 6 quốc gia vùng vịnh (GCC - là nhóm làm trung gian cho thỏa thuận), đã rời Yemen mà không có được chữ ký của tổng thống.
Chuyến đi hôm qua của ông Tổng thư ký nhóm GCC tại Yemen là để chuẩn bị cho lễ ký kết chính thứ, dự định diễn ra tại Ảrập Xêút vào ngày mai, 2/5.
Ông Saleh muốn ký thỏa thuận với tư cách là lãnh đạo đảng cầm quyền, nhưng phe đối lập muốn ông ký với tư cách là tổng thống.
Thỏa thuận này quy định Tổng thống Saleh sẽ trao quyền cho một phó tổng thống và từ chức trong vòng 30 ngày để được miễn truy tố. Thỏa thuận gây chia rẽ trong phe đối lập vì có nhiều người không đồng ý cho tổng thống và gia đình khỏi bị truy tố trước pháp luật.
Tại Syria, tình hình tiếp tục căng thẳng khi chính phủ đưa thêm quân đến Daraa, thành phố diễn ra biểu tình lớn trong 6 tuần qua. Các nhân chứng thuật lại quân chính phủ đã chiếm được ngôi đền Omari, một điểm quan trọng của phe nổi dậy.
Một số người chết tại Daraa vẫn chưa được chôn cất vì cư dân đều ở yên trong nhà, lo sợ khi thấy mấy chục xe tăng và máy bay trực thăng tiến vào thành phố.
Tin tức tại chỗ cho biết tình hình “thật vô cùng bi đát”: những người ở thành phố này thiếu nước uống, thuốc men, xăng dầu, kể cả bánh mì.
Các tổ chức nhân quyền nói có hơn 500 người biểu tình đã chết kể từ khi có cuộc nổi dậy hôm 15/3 và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã yêu cầu mở cuộc điều tra.
0 comments:
Post a Comment